BASILIÔ CẢ VÀ GRÊGORIÔ NAZIANÔ
1. ĐÔI HÀNG TIỂU SỬ
Hôm nay Hội thánh cho chúng ta mừng chung hai thánh Basiliô Cả và Grêgoriô Nazianô trong một ngày. Sở dĩ Giáo Hội làm như vậy bởi vì cuộc sống của các ngài có những điểm chung thật thú vị.
Trước hết các ngài đã vào cuộc đời làm người ở cùng một nơi, tại Cappadocia và cha mẹ của các ngài đều là những người thuộc dòng giống quí phái, danh tiếng, có địa vị trong xã hội thời đó.
Các ngài đã được cha mẹ cho học cùng một trường tại kinh thành Athènes nổi tiếng của Hy Lạp rồi sau khi tốt nghiệp các ngài cùng về quê sống chung với nhau trong một tu viện.
Điểm chung cuối cùng rất đáng chúng ta cảm phục là các ngài đã cùng đứng chung trong một trận tuyến khi phải đối đầu với bè rối Ariô để bảo vệ niềm tin trong sáng đối với Chúa Giêsu Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người để cứu chuộc toàn thể nhân loại chúng ta.
Dù rằng tính khí mỗi người khác nhau, nhưng các ngài đã sống hết sức nghĩa thiết đối với nhau theo gương vị mục tử nhân hậu hiền lành là Thầy Giêsu chí thánh.
Basiliô có tài lãnh đạo, có óc tổ chức, chỉ huy và điều khiển. Còn Grêgôriô Nazianô lại thích chiêm niêm, sống âm thầm và là một tu sĩ sáng ngời các nhân đức.
Cả hai vị thánh đều được chọn làm Giám mục cai quản Giáo Hội.
Thánh Basiliô được đặt làm Giám mục Caesarea Mazaca thuộc vùng Capadocia, Tiểu Á năm 370. Ngài là một mục tử can trường, đầy dũng khí và hiên ngang. Nhờ lòng dũng cảm, lời giảng dạy và nhờ sự tài khéo khéo khi giao tiếp với mọi người mà Ngài đã đem lại chỗ đứng vững chắc cho Giáo Hội thời đó. Dưới sự dẫn dắt của Ngài, thần quyến và thế quyền đã có chỗ đứng riêng tránh được những sự phiền toái làm ảnh hưởng đến tính trong sáng của Tin Mừng. Ngài hết sức lo cho những người nghèo để họ được sống đúng với phẩm giá của mình cũng như bảo vệ họ luôn được đứng vững trong niềm tin trong sáng của Chúa và Giáo Hội.
Ngài đã viết nhiều bài luận về Chúa Thánh Thần, phát triển nền thần học về Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngài cố gắng rất nhiều trong việc hàn gắn những chia rẽ trong Giáo hội.
Trong Giáo Hội Công giáo Rôma, Ngài được công nhận là Tiến sĩ Hội thánh năm 1568 do Đức Giáo hoàng Piô V.
Thánh Grêgôriô Nazianô được tấn phong Giám mục Sasime năm 371, và vào năm 380, thánh nhân được cử làm Giám mục Constantinople giữa lúc bè rối Ariô đang hoành hành gây nên nhiều khó khăn cho Giáo Hội. Nhờ tài hùng biện và sự thánh thiện của Ngài, mà Ngài đã chinh phục được mọi người, đem lại sự bình an cho Giáo Hội lúc đó. Người ta đã phong tặng cho thánh nhân một cái tên hết sức thân thương: “Cha của những kẻ khốn cùng”.
Thánh Basiliô qua đời ngày 01/1/379 và thánh Grêgôriô Nazianô tạ thế ngày 25/1/390.
2. GIÁO HỘI TUNG HÔ CÁC NGÀI
Cả hai vị thánh đã sống đời sống hiền lành, khiêm nhường theo gương Chúa Giêsu Cứu Thế. Cuộc sống của các Ngài đã họa lại bộ mặt đầy yêu thương của Chúa. Thánh Grêgôriô đã để lại câu nói bất hủ: “Nếu vì tôi mà bão táp này (bè rối Ariô) nổi dậy, hãy ném tôi xuống biển, để anh em khỏi bị khổ sở “.
Giáo Hội Chính Thống đã đặt ba vị thánh Basiliô cả, Grêgôriô Nazianô và Gioan Kim Khẩu lên hàng đầu giữa các bậc tiến sĩ trong Giáo Hội Chúa Kitô. Vì những công nghiệp, tài đức và nhân đức của các Ngài, Hội Thánh còn gọi các Ngài bằng tên rất đẹp, ấn tượng và thân thương: “đuốc thiêng của Hội Thánh “
Thánh Basiliô làm việc không biết mệt trong công việc mục vụ, chống chọi lại với nạn buôn thần bán thánh, giúp đỡ nạn nhân của hạn hán và đói kém, cố gắng thay đổi hàng giáo sĩ, nhấn mạnh đến tinh thần kỷ luật. Ngài không sợ lên án những điều xấu xa một khi đã thấy, và sẵn sàng ra vạ tuyệt thông cho những ai dính líu đến nạn mãi dâm ở Cappadocia.
Ðức Basiliô nổi tiếng là một nhà diễn thuyết. Các văn bản của ngài, dù thời ấy không được nổi tiếng cho lắm nhưng cũng đã đưa ngài lên hàng các bậc thầy của Giáo Hội. Bảy mươi hai năm sau khi ngài từ trần, Công Ðồng Chalcedoine đã đề cập đến ngài như một con người “vĩ đại, người thừa tác ơn sủng đã dẫn giải chân lý cho toàn thể trái đất.”
Thánh Basiliô cũng còn là một người hết lòng chăm sóc cho những người nghèo. Có lần Ngài đã phát biểu: “Thực phẩm mà bạn không dùng là thực phẩm của người đói; quần áo bạn treo trong tủ là quần áo của người trần truồng; giày dép bạn không dùng là giày dép của người chân không; tiền bạc bạn cất giữ là tiền bạc của người nghèo; hành động bác ái mà bạn không thi hành là những bất công mà bạn đã phạm.”
Riêng cuộc đời của thánh Grêgôriô Nadianô, thì nhờ một số lớn thư từ ngài để lại cũng như những văn kiện trong Giáo Hội nói về ngài chúng ta thấy vào lúc Giáo Hội miền Tiểu Á phải đối phó với những trở ngại và bách hại do lạc giáo Ariô gây nên. Lịch sử kể lại, vừa đặt chân lên đất Constantinople, Ngài đã bị một nhóm dân chúng ném đá, vu oan; họ còn dám tố cáo ngài ở tòa án về tội sát nhân. Các giáo hữu của ngài chia rẽ nhau. Lúc Hoàng đế Valence băng hà và Hoàng đế Thêôdore kế vị, thì những người theo phái Ariô cũng vẫn còn tung hoành, thống trị. Họ tìm cách giết Đức Giám mục Grêgôriô. Chính tên sát nhân được bè rối Ariô sai đến ám sát Ngài, lại quỳ gối xuống trước mặt ngài, thú tội và xin lỗi, vì trước khi hắn định xông vào giết ngài, hắn bỗng cảm thấy bị lương tâm cắn rứt. Có lúc Đức Giám mục Grêgôriô đã tính đến chuyện rút lui khỏi Constantinople, nhưng các tín hữu nài xin ngài ở lại. Dần dà nhờ sự nâng đỡ của Hoàng đế Thêodore, và nhờ hoạt động đi đôi với gương mẫu đời sống hy sinh, khiêm tốn, đạo đức, thánh thiện của Đức Giám mục Grêgôriô, giáo đoàn ngày càng tăng thêm tín hữu và trở nên sầm uất. Nhiều người trở lại với đức tin Công giáo và lạc giáo Ariô cũng giảm sút. Công lao của Đức Giám mục Grêgôriô trong công việc canh tân Giáo phận, thực không phải là nhỏ.
Năm 381, Công đồng chung Constantinople II, họp tại Constantinople, Đức Giám mục Grêgôriô làm chủ tịch Công đồng. Nhưng vì có sự chia rẽ giữa các Giám mục tham dự Công đồng với nhau, Đức Giám mục Grêgôriô đã xin từ chức Giám mục Constantinople. Ngài về Capadocia là quê hương của ngài và coi sóc Giáo phận Nadianô, lúc đó chưa có Giám mục. Khi Giáo phận Nadianô có Giám mục mới, Đức Grêgôriô trở về quê hương ở Nadianô sống ẩn dật và khắc khổ trong những ngày cuối đời, giữa cảnh thanh bình, chỉ còn biết chuyên chú vào việc cầu nguyện tu đức cũng như viết tự thuật và sáng tác thi ca. Năm 389, Ngài qua đời bằng an trong Chúa, để lại cho Giáo Hội một sự nghiệp văn chương và tín lý gồm: 45 bài suy tư thần học, 245 bức thư và một số tập thi ca.
Lm. Giuse Đinh Tất Quý