Ngày 03/09: Thánh Grêgôriô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ Hội Thánh

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Ngày 03/09: Thánh Grêgôriô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ Hội Thánh

Ngày 03/09: Thánh Grêgôriô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ Hội Thánh

THÁNH GIÁO HOÀNG GRÊGÔRIÔ CẢ
MẪU GƯƠNG CỦA CÁC CHỦ CHĂN VÀ GIỚI LÃNH ĐẠO XÃ HỘI

 

A. Đôi dòng tiểu sử

Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng lễ kính thánh Grêgôriô Cả Giáo Hoàng. Để hiểu về cuộc đời của vị thánh được mọi người  yêu mến này, thiết tưởng không có gì tốt hơn là chúng ta hãy lắng nghe bài chia sẻ của Đức Thánh Cha Bênêđictô VI gần đây:

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin chung với hơn 2000 tín hữu và du khách hành hương trưa Chúa Nhật 03-9 tại dinh thự nghỉ mát Castel Gandolfo của ngài, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã cầu mong cho mọi người đặc biệt là các chủ chăn trong Giáo Hội cũng các như giới chức lãnh đạo trong xã hội, biết noi gương khiêm nhường phục vụ của thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Cả, Tiến Sĩ Giáo Hội.

Mở đầu bài huấn dụ ngài nói: "Anh chị em thân mến, hôm nay mùng 3 tháng 9, Lịch phụng vụ Rôma kỷ niệm thánh Grêgôriô Cả, Giáo Hoàng Tiến Sĩ Hội Thánh. Ngài sinh khoảng năm 540 và qua đời năm 604. Đây là gương mặt đặc biệt, hầu như duy nhất của một con người  phải được coi như là mẫu mực cho các chủ chăn cũng như các giới lãnh đạo cuộc sống công cộng. Thật thế Đức Grêgôriô Cả trước hết đã là đô trưởng rồi Giám Mục Roma. Khi là quan của triều đình, ngài đã chứng tỏ mình là người có một khả năng đặc biệt về hành chính và sự vẹn toàn luân lý đạo đức, đến độ mới chỉ có 30 tuổi mà ngài đã giữ chức vụ dân sự cao nhất thời bấy giờ là quan đô trưởng thành phố. Dù vậy trong thâm tâm, ngài vẫn chỉ nghĩ tới ơn gọi viện tu của ngài. Khi thân phụ qua đời năm 574, ngài bắt đầu sống đời viện tu. Luật dòng Bênêđictô đã trở thành cơ cấu chi phối toàn bộ cuộc sống của ngài. Cả khi được Đức Giáo Hoàng đề cử đi làm đặc sứ tại đông phương ở Constantinople, ngài vẫn cũng giữ cung cách sống của một tu sĩ viện tu, đơn sơ và khó nghèo.

Khi được triệu vời lại về Roma, mặc dù đang sống đời tu sĩ, ngài đã là cộng sự viên thân tín của Đức Giáo Hoàng Pelagio II và khi Đức Giáo Hoàng này qua đời vì bệnh dịch hạch, Đức Grêgôriô đã được mọi ngài tung hô như ngài kế vị. Ngày 3 tháng 11 năm 590, trong khung cảnh trang nghiêm của thánh đường thánh Phêrô Thiên Chúa đã chính thức phong Ngài làm giáo hoàng. Ngài tìm mọi cách tránh né chức vụ đó, nhưng sau cùng phải chấp nhận và buồn lòng rời tu viện, để tận hiến cho cộng đoàn, với ý thức là mình phải chu toàn một bổn phận và chỉ là một "tôi tớ các tôi tớ của Thiên Chúa". Ngài đã viết trong Luật Mục Vụ như sau: "Thật sẽ không phải là khiêm tốn thực sự, khi một người hiểu rằng mình có bổn phận hướng dẫn ngài khác do ý muốn của Thiên Chúa, mà lại vẫn khinh chê nhiệm vụ cao cả đó"(Regola pastorale, I,6). Với sự nhìn xa trông rộng có tính cách ngôn sứ đó, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô đã trực giác được, nhờ sức mạnh quy tụ và nâng cao luân lý của Kitô giáo mà một nền văn hóa mới đã thành một gia tài đang nảy sinh từ sự gặp gỡ giữa hai nền văn hóa Roma và các dân tộc khác vẫn bị coi là "dân man rợ" này.

Tiếp tục bài huấn dụ về gương mặt của thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Cả, Đức Thánh Cha Bênêđictô  XVI nói: "Dù là một người có một sức khỏe yếu kém, nhưng thể chất luân lý của ngài luôn mạnh mẽ, nên thánh Grêgôriô Cả đã có được các hoạt động mục vụ và dân sự sâu đậm. Ngài đã để lại nhiều thư từ, bài giảng tuyệt diệu và một cuốn chú giải sách ông Gióp, các sáng tác về cuộc đời thánh Bênêđictô, ngoài ra còn có các văn bản phụng vụ và việc cải cách thánh ca, được mang chính tên của ngài. Đó là bình ca "Grêgôrianô".

Trong các tác phẩm ngài để lại, phải công nhận tác phẩm nổi tiếng nhất của thánh nhân chắc chắn vẫn là cuốn "Luật Mục Vụ" như đã nhắc đến trên đây. Đối với hàng giáo sĩ, tác phẩm này rất quan trọng y như Luật của thánh Bênêđictô đối với các tu sĩ thời Trung Cổ". Và Đức Thánh Cha tóm gọn ý chính của tác phẩm đó như sau: "Cuộc sống của một người chăn dắt các linh hồn phải là một hoà hợp quân bình giữa sự chiêm niệm và hoạt động, được linh hoạt bởi tình yêu thương, để đạt tới một đỉnh cao nhất, khi biết cúi xuống trên các đau đớn sâu thẳm của người khác. Khả năng cúi xuống trên sự bần cùng đối với người khác là thước đo sức mạnh của lòng hăng say hướng tới tha nhân" (II, 5).

Các Nghị Phụ Công Đồng Chung Vaticanô II đã lấy hứng từ những giáo huấn luôn luôn thời sự này của thánh nhân để vạch ra hình ảnh của vị chủ chăn cho thời đại của chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin Trinh Nữ Maria để cho các chủ chăn của Giáo Hội và các các vị hữu trách các cơ cấu dân sự biết noi theo gương sống của thánh Grêgôriô Cả.

Vâng! Trên đây là lời chia sẻ rất thâm sâu về cuộc đời của Đức Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Cả.

2. Một vài Phép lạ còn được ghi nhận.

- Tuy quyền cao chức trọng, nhưng đức Grêgôriô vẫn một niềm khiêm tốn. Ngài thường ngồi ăn với kẻ nghèo hèn và thường rửa chân cho họ. Một ngày kia, Ngài cầm bình nước đến rửa tay cho một người. Bỗng nhiên Ngài thấy họ biến đâu mất. Đến đêm, Chúa Giêsu hiện ra nói với Ngài rằng: “Người mà con đã tiếp hôm qua, đó là chính ta đấy”.

- Lòng thương người của thánh Grêgôriô không đóng khung trong bốn bức tường của điện Vatican, nhưng còn lan tràn khắp nước Ý và tỏa rộng khắp năm châu. Ngày nay mỗi khi đọc những bức thư của Đức Grêgôriô ai cũng nhận thấy lòng thương yêu vô lượng của vị cha chung đối với người túng thiếu và bệnh tật. Chứng kiến đời sống khắc khổ và những cử chỉ bác ái của đức Grêgôriô, nhiều nhân vật trí thức và những người lạc giáo đã ăn năn trở lại. Đời sống thánh thiện của ngài đã thành ngọn đèn hướng dẫn muôn người. Nghiên cứu đời sống và hoàn cảnh xã hội, thời đức Grêgôriô nhiều sử gia phải hạ bút kết luận bằng bốn chữ “Hoàng kim thời đại”.

Một ngày kia, Đức Thánh Cha cưỡi ngựa ra ngoài thành. Bỗng nhiên thấy ngựa bất kham như muốn vật ngả mình xuống đất. Nhưng Thiên Chúa thông minh vô cùng đã cho ngài biết âm mưu của bọn pháp sư. Ngài giơ tay làm dấu thánh giá, tức thì quỉ sợ hãi la hét ầm ỹ rồi trốn ra khỏi ngựa. Chứng kiến phép lạ này, các pháp sư đều đồng tâm hối cải và xin thụ giáo. Sau một thời gian học tập, chính bàn tay khả kính và đầy lòng thương yêu của ngài đã rửa tội cho các hối nhân. Với tấm lòng nhân từ của người cha, và lòng quảng đại vô biên, ngài luôn mở rộng cửa lòng tiếp đón hết mọi hạng người.

Tag:

2020-07-11