Ngày 04/11: Thánh Carôlô Borrômêô

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Ngày 04/11: Thánh Carôlô Borrômêô

Ngày 04/11: Thánh Carôlô Borrômêô

Ngày 04/11:

Thánh CARÔLÔ BORRÔMÊÔ
(1538-1584)

1. Đôi dòng tiểu sử

Bôrômêô chào đời tại Milan ngày mồng 2 tháng 10 năm 1538. Song thân ngài là ông Bôrômêô Arôma và bà Magatita Mêđixê, chị ruột của Đức Giáo Hoàng Piô IV. Hai ông bà thuộc dòng quý tộc và có lòng đạo đức, ngay nên ngay khi vừa lên năm tuổi, Bôrômêô đã được gởi đi học. Ngày tháng trôi qua, mặc dầu trí khôn không thuộc vào hàng xuất sắc, nhưng do sự siêng năng cần mẫn, Bôrômêô chẳng mấy chốc đã qua hết bậc trung học, rồi lên đại học Pavia. Cuối năm 1559, khi vừa đúng 21 tuổi, Bôrômêô được vinh dự lãnh hai cấp bằng tiến sĩ giáo luật và dân luật một trật qua sự khảo hạch của giáo sư Phanxicô Anxia, một giảng sư về luật nổi tiếng lúc ấy.

Theo tục lệ thời bấy giờ người ta có thể xin gia nhập hàng giáo sĩ ngay từ hồi còn nhỏ. Chính vì thế nên vừa mới được 12 tuổi, Bôrômêô đã được thâu nhận vào hàng giáo sĩ. Năm 1560, tức là một năm sau ngày lấy hai bằng tiến sĩ, Bôrômêô được Đức Giáo Hoàng triệu về Rôma và được phong tước vị Hồng Y kiêm chức Giám quản giáo phận Milanô. Làm Giám quản Milan, nhưng ngài vẫn cư ngụ tại Rôma, kiêm nhiệm chức Quốc Vụ Khanh trong Giáo triều.

Thời gian này, ngài phụ giúp Đức Piô IV hoàn tất một cách tốt đẹp Công đồng Triđentinô đã được khai mạc vào năm 1545 dưới triều Đức Giáo Hoàng Phaolô III.

Ngài giữ vai trò điều phối chương trình làm việc của các nghị phụ, thu thập tài liệu, đúc kết ý kiến và viết dự thảo nghị quyết của Công đồng. "Ngài làm việc có khi thâu đêm suốt sáng để soạn lại các báo cáo khắp nơi gởi về, lãnh ý kiến và thi hành chỉ thị của Đức Thánh Cha. Đúng ra ngài là người chấp hành sự vụ hơn là thực hiện chức vụ của một vị một cố vấn".

Đó là lý do khiến ngài mặc dầu là Tổng Giám mục Milan, nhưng vẫn cư ngụ tại Rôma để chia sẻ gánh nặng công việc với Đức Giáo Hoàng. Chỉ sau lễ an táng người cậu yêu quí là Đức Giáo Hoàng Piô IV và sau cuộc bầu cử Đức Tân Giáo Hoàng, Đức Hồng Y Tổng Giám mục mới trở về phục vụ giáo phận Milan, một giáo phận rộng lớn nhất nhì của Giáo Hội.

18 năm trời phục vụ giáo phận Milan đối với ngài là 18 năm làm việc vất vả nhất, nhưng lại thu lượm được nhiều kết quả tốt đẹp nhất.

2. Bài học

Mỗi vị thánh có một nét đặc biệt. Có thánh nổi bật về sự khó nghèo, có thánh lưu tâm hơn về sự vâng phục, có thánh lại say mê việc truyền giáo. Và tất cả các ngài là những người đã sống những nhân đức anh hùng, đến nỗi các ngài trở thành những đóa hoa đẹp tô điểm cho vườn hoa Giáo Hội.

Nhìn lại cuộc đời của thánh Carôlô chúng ta thấy nổi bật lên một vài đức tính đặc biệt. Đó là lòng nhiệt thành và một ước vọng muốn luôn thăng tiến.

Chính lòng nhiệt thành và ước muốn luôn thăng tiến này đã khiên ngài không quản ngại những hy sinh vất vả để phục vụ Giáo Hội và đoàn chiên Chúa trao cho ngài dẫn dắt.

Làm sao người ta có thể quên được những đóng góp của ngài và sự thành công của công đồng Triđentinô và những thành quả sau 18 năm trời phục vụ Giáo phận Milan, một Giáo phận có tầm cỡ, có lẽ chỉ kém Giáo phận Roma mà thôi.

Lịch sử còn ghi lại việc ngài cải tổ canh tân đời sống linh mục và tu sĩ theo sự chỉ dẫn của Công đồng Triđentinô. Làm sao mà ngài có thể thản nhiên trước việc một số tu sĩ và linh mục không còn giữ được phẩm chất của đời sống dâng hiến. Chính vì thế mà ngài đã ra công bỏ sức ra để hướng dẫn, giúp đỡ giúp các linh mục tu sĩ tìm lại được đời sống đạo đức của mình.

Chúng ta hãy nghe một đoạn bài giảng trong kỳ họp hội đồng lần cuối cùng:

"Bạn có nhiệm vụ rao giảng và dạy dỗ ư? Hãy học hỏi và nghiên cứu những gì cần biết khả dĩ giúp bạn chu toàn nhiệm vụ ấy một cách tốt đẹp; chính bạn hãy thực hành trước đi, như thế là bạn giảng bằng đời sống và đức hạnh đó. Nếu không, những kẻ thấy bạn nói một đàng làm một nẻo, sẽ phải lắc đầu, to nhỏ với nhau về lời bạn nói.

Bạn coi sóc các linh hồn ư? Thì đừng vì thế mà bỏ bê chính mình, cũng đừng phung phí tất cả cho người khác đến độ không giữ gì cho bạn cả. Vì phải nhớ rằng bạn coi sóc các linh hồn, nhưng không được quên bản thân mình.

Thưa anh em, anh em phải biết rằng: không có gì cần thiết đối với mọi người trong hàng giáo sĩ cho bằng tâm nguyện; đó là một việc phải đi trước, đi cùng và theo sau mọi hoạt động của chúng ta, như tác giả thánh vịnh nói: Con đàn hát và nguyện chủ tâm.

Này bạn, nếu bạn cử hành bí tích, thì hãy suy gẫm về việc bạn làm; nếu dâng thánh lễ, hãy suy gẫm về của lễ bạn dâng; nếu đọc thần vụ trong cung nguyện, hãy nghĩ xem bạn nói với ai và nói gì; nếu bạn coi sóc các linh hồn, hãy nghĩ xem họ đã được tẩy rửa bằng máu nào; như thế, hãy làm mọi sự vì đức ái; nhờ vậy, chúng ta sẽ có thể dễ dàng lướt thắng vô vàn khó khăn chắc chắn sẽ gặp phải trong đời sống hằng ngày (vì địa vị của chúng ta là như thế) ; nhờ vậy, chúng ta sẽ có sức sinh Đức Kitô nơi bản thân mình cũng như nơi kẻ khác."

Lịch sử cũng còn ghi lại những đóng góp của ngài trước biến cố đau thương  xảy đến cho con cái ngài. Làm sao người ta có thể quên được đại họa dịch tả và nạn đói kém xảy ra tại Milan vào hai năm 1576 và 1577. Thị trấn Locarnô, một thắng cảnh du lịch ở ngay dưới đãy núi Alpe, với dân số 4.800 chỉ còn lại 700  người. Trước cảnh đau thương ấy, Đức Tổng Giám mục đã không từ bỏ một sự giúp đỡ nào mỗi khi có thể. Ngài đã bán tất cả đồ đạc trong nhà để lấy tiền cứu trợ. Ngài đã quên ăn quên ngủ để lo thăm viếng và giúp đỡ các bệnh nhân dọn mình chết. Chính vì sự tận tụy hy sinh ấy cùng với nỗi vất vả của việc mục vụ và tông đồ trong gần hai mươi năm trời, khiến ngài kiệt sức rồi ngã bệnh nặng. Và chiều ngày thứ bảy, mùng 3 tháng 11 năm 1584 ngài đã ra đi thanh thản và bình an ở tuổi 47 tuổi tại Milan.

Với những công nghiệp lớn lao và những nhân đức hết sức anh hùng của một Hòng Y Giám mục, Chúa đã thưởng công cho ngài. Ðức Thánh Cha Phaolô V đã nâng Ngài lên bậc hiển thánh vào năm 1610.

Lạy thánh Carôlô, xin cầu cho chúng con. Amen.

Tag:

2020-11-04