1. Ghi nhận lịch sử - Phụng Vụ
Thánh Raymond sinh khoảng năm 1175, trong một gia đình hiệp sĩ, trong lâu đài Penyafort, ở Catalogne (Tây Ban Nha). Hai mươi tuổi, ngài đã dạy triết học tại Barcelone. Sau đó được chức vị Giáo sư danh dự môn luật ở Bologne - nơi ngài dạy miễn phí - trước khi trở về Barcelone, nơi ngài được gọi làm tổng phó tế trong nhà thờ chính toà. Làm giáo sư giáo luật và thần học luân lý, Raymond de Penyafort xuất bản quyển Tổng luận về luật (1218/1219) ; sau đó, khi trở thành Tu sĩ Dòng Thuyết Giảng (Đaminh) vào năm 1222, ngài soạn tập Tổng luận các nố giải tội, rất kỹ lưỡng, được các cha giải tội sử dụng. Một tác phẩm khác được nhà giáo luật này hoàn thành theo lời yêu cầu của Đức Giáo Hoàng Grégoire IX là hệ thống hóa và bổ túc luật Hội thánh, hoàn tất vào năm 1234, được xuất bản trong 5 tập dưới tựa đề “Các sắc lệnh”.
Được bầu làm Giám tỉnh Dòng Đaminh vào năm 1238, ngài động viên thánh Thomas Aquinô soạn cuốn “Tổng luận chống người ngoại giáo”. Ngài cũng dấn thân vào các cuộc truyền giáo nơi người Do Thái và Hồi giáo, thành lập những trung tâm để học tiếng Ả Rập và Hipri. Trở thành cố vấn cho thánh Pierre Nolasque, thánh nhân cộng tác để viết Luật Dòng Notre-Dame de la Merci (Đức Mẹ có lòng khoan nhân), chuyên lo việc chuộc các tù nhân khỏi tay người Hồi giáo Maures.
Thánh Raymond qua đời khi được 100 tuổi, vào ngày 06.01.1275, được phong thánh vào năm 1601. Các ảnh tượng thường trình bày ngài đang vượt biển trên áo choàng của ngài, vì theo người ta nói, nhờ đó mà ngài thoát khỏi Majorque.
2. Thông điệp và tính thời sự
a. Lời kinh Tổng Nguyện nhấn mạnh đến “tình yêu vô biên” mà thánh nhân thể hiện nơi các hối nhân.
Là giáo sư luân lý thần học và Giáo luật, ngài ưu tư việc đào tạo các vị giải tội theo thừa tác vụ giao hòa ; đó là chủ tâm để ngài soạn quyển “Tổng luận các nố giải tội”, được các cha giải tội sử dụng rất lâu trong Hội thánh. Đầy lòng thương xót đối với hối nhân, nhưng ngài đã từ chối phục vụ cho một hoàng tử không được đứng đắn.
Bài đọc một (2 Cr 5,14-20: Hãy giao hòa với Thiên Chúa) và Thánh Vịnh 102 (Chúa từ bi và nhân hậu) giúp chúng ta hiểu rõ sứ điệp của thánh Raymond.
b. Lòng nhân từ của Thiên Chúa thể hiện qua việc tha thứ tội nhân, cũng tỏ lộ trong các cuộc bách hại, trận chiến và sợ sệt “vì những lý do tinh thần”. Vì thế, Ngài viết cho các nữ tu thuộc Dòng: ”Nếu như có lưỡi gươm đâm các chị hai ba lần, cũng phải chấp nhận, vì đó là niềm vui trọn hảo, một dấu chứng tình yêu... Cũng như Thánh giá Chúa Kitô, vừa tốt lành vừa đáng khao khát biết bao” (Phụng Vụ Giờ Kinh)
c. Thánh Raymond là môn đệ đích thực của Chúa Kitô, luôn cố gắng thực tập lời Người: Kẻ lớn nhất trong anh em, phải là người phục vụ mọi người. Khi cởi bỏ tất cả, hoàn toàn khiêm nhường và vâng phục, ngài đã phục vụ Hội thánh khi thực hiện mọi công tác, và cũng vì khiêm nhường ngài đã từ chối chức giám mục ở Tarragone.
Là một mục tử nhiệt thành và được soi sáng, ngài hiểu cần phải chiến đấu với các sai lệch và lạc giáo bằng cách trình bày một giáo lý trong sáng. Vì thế ngài đã xuất bản quyển Tổng luận mục vụ theo ý kiến của các giám mục và quyển Chuyên đề về Hôn phối.