Ngày 07/03: Thánh nữ Perpêtua và thánh nữ Fêlicita

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Ngày 07/03: Thánh nữ Perpêtua và thánh nữ Fêlicita

Ngày 07/03: Thánh nữ Perpêtua và thánh nữ Fêlicita

1. Ghi nhận lịch sử - Phụng Vụ

Cuộc tử đạo của hai thánh nữ Perpêtua và Phêlixita xảy ra bên Phi Châu thuộc La Mã trong thời bách hại của hoàng đế Septimô Sêvêrô, ngày 07.03.203, trong hí trường Carthagô. Tên của họ được ghi trong Kinh Nguyện Thánh Thể Rôma và cuộc tử đạo của họ được ghi trong Hạnh các tháh tử đạo của Carthagô, tài liệu rất quí giá vì do các chứng nhân ghi lại.

Khi bị bắt, Perpêtua, một nữ quí tộc, là người mẹ vừa sinh con và Phêlixita là nữ nô lệ, cũng đang mang thai, nhưng nhờ lời cầu nguyện của những người bị kết án, như Hạnh sử ghi lại, Bà đã sinh một con gái trong tù; điều này có thể giúp Bà tránh khỏi cuộc tử đạo, vì không ai hành hình người vừa sinh con. Hai Bà tiến bước tay trong tay, đến trước con bò hung dữ sẽ giết mình.

Cùng với Perpêtua và Phêlixita còn có một số Kitô hữu khác cũng tử đạo: Ravocatus, Saturninus, Secundulus và Saturnus, thầy dạy giáo lý của họ.

2. Thông điệp và tính thời sự

Cuộc tử đạo của Perpêtua và Phêlixita, trong tình yêu đối với Thiên Chúa, “tìm được sức mạnnh để chống lại kẻ bách hại và vượt lên mọi cực hình”. Thánh nữ Perpêtua, chỉ được rửa tội không lâu trước khi được tử đạo, tuyên bố: “Khi tôi được dìm trong nước, Thánh Thần linh hứng cho tôi chỉ nên xin sự kiên nhẫn trong khi chịu cực hình”.

Trong tù, thánh nữ Phêlixita, đang đau đớn vì sắp sinh con, người gác ngục chê bai: “Bà rên la như thế này, thì sẽ làm gì trước con thú dữ  ? –Bà trả lời: “Bây giờ thì tôi đau đớn, nhưng lúc ấy sẽ có một Đấng khác trong tôi và đau đớn cho tôi, chỉ vì tôi sẽ đau đớn cho Người”.

Cũng thế thánh nữ Perpêtua, trong lúc chờ chết, đã nói với các lính canh: “Khi còn sống tôi rất vui sướng và tôi còn sẽ vui sướng hơn trong thế giới khác”. Khi Perpêtua, Phêlixita và các Kitô hữu khác bị đem đến hí trường để quăng cho thú dữ ăn thịt, gương mặt họ thật rạng rỡ. Hạnh sử ghi: “Niềm vui tỏa ra trên gương mặt họ. Perpêtua đi cuối cùng, nhìn xuống. Bà hát”.

Perpêtua và Phêlicita chịu cực hình rất lâu dài. “Perpêtua là người đầu tiên, bị con bò hung dữ hút sừng vào người, Bà ngã ra sau. Bà lại đứng lên và khi thấy Phêlicita bị dẫm trên mặt đất, Bà chạy đến, nắm tay và cố dựng Phêlicita dậy. Cả hai đứng hiên ngang ..”. (Hạnh sử)

Perpêtua, trước khi chịu thử thách cuối cùng – Bà bị một giác đấu cắt cổ – còn sức lực để nói với người em và Rusticus: “Hãy vững tin, hãy yêu thương nhau, đừng bị lung lay vì những đau đớn của chúng tôi”.

Trong một thị kiến mà Perpêtua thấy được ngay buổi chiều bị tống ngục, một cái thang xuất hiện; dưới thang là một con rắn to, trên đầu thang là Saturus, người dạy giáo lý cho bà, đứng đó, khuyến khích Bà: “Đến đây, leo lên, nhưng coi chừng con rắn có thể cắn Bà đó”. Bà trả lời: “Không ! nó không cắn tôi được đâu, vì trong tôi có Đức Giêsu Kitô”. Niềm tin không lay chuyển vào Thiên Chúa đã giúp thánh nữ trả lời cho người cha đang mất hy vọng, yêu cầu Bà chối bỏ đức tin: “Chúng ta phải làm những gì đẹp lòng Thiên Chúa, chỉ vì chúng ta thuộc về Người”.

Tag:

2019-12-29