Ngày 11/06: Thánh Barnaba, tông đồ

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Ngày 11/06: Thánh Barnaba, tông đồ

Ngày 11/06: Thánh Barnaba, tông đồ

Thánh Barnaba là một trong bảy mươi môn đệ đầu tiên đã nghe Chúa Giêsu giảng dạy và đã trở thành môn đệ của Ngài.

Thánh nhân cùng với thánh Phaolô đi truyền giáo ở Antiôkia, nhờ Chúa Thánh Thần thúc đẩy và tài giảng thuyết, ngài đã đưa được biết bao nhiêu người trở về với Chúa. Barnaba và Phaolô được Chúa trao cho sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Dân bản xứ và các người ngoại giáo, đón tiếp các ngài một cách nhiệt tình, và tin theo các ngài. Tuy nhiên cũng có những người Do Thái có óc thủ cựu, hẹp hòi đã tìm cách gièm pha, chế giễu, xúi giục những thành phần bất hảo ngược đãi và trục xuất các ngài (Cv 13,50). Chúa cho các ngài làm nhiều phép lạ: xua trừ ma quỷ, chữa bệnh, làm cho kẻ chết sống lại để củng cố niềm tin của các tân tòng.

Xin Chúa cho chúng ta cũng biết nhiệt thành công tác trong công việc nhà Chúa.

 

Tin mừng: Mt 10,7-15

Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con hãy đi rao giảng rằng “Nước Trời đã gần đến”. Hãy chữa những bệnh nhân, hãy làm cho kẻ chết sống lại, hãy làm cho những kẻ phong cùi được sạch và hãy trừ quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không. Các con chớ mang vàng bạc, tiền nong trong đai lưng, chớ mang bị đi đường, chớ đem theo hai áo choàng, chớ mang giày dép và gậy gộc, vì thợ thì đáng được nuôi ăn.

“Khi các con vào thành hay làng nào, hãy hỏi ở đó ai là người xứng đáng, thì ở lại đó cho tới lúc ra đi. Khi vào nhà nào, các con hãy chào rằng: “Bình an cho nhà này”. Nếu nhà ấy xứng đáng thì sự bình an của các con sẽ đến với nhà ấy. Nhưng nếu ai không tiếp rước các con và không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi nhà hay thành ấy và giũ bụi chân các con lại. Thật, Thầy bảo các con: Trong Ngày phán xét, đất Sôđôma và Gômôra sẽ được xét xử khoan dung hơn thành ấy”.

 

  • Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
  • Sứ điệp: Nối tiếp sứ mạng của Chúa Giêsu, người tông đồ phải dùng lời giảng và bằng chứng tá đời sống để loan báo Nước Trời đã đến.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu là Thầy của con, con cám ơn Chúa đã chỉ dạy chân tình và cặn kẽ, cho con biết điều con phải rao giảng và cách con phải sống để làm chứng cho Tin Mừng.

    Con nhận thật rằng con chẳng có khả năng gì đặc biệt. Con cảm thấy bất lực trước những đau khổ về thể xác và tâm linh của anh chị em quanh con. Con lại càng bất lực hơn nữa trước sức mạnh của sự dữ, sự ác nơi thế gian này. Nhưng lạy Chúa, con tin vào sức mạnh, vào quyền năng của Chúa. Xin Chúa dùng con như khí cụ tình thương của Chúa.

    Giờ đây, con mới hiểu được vì sao mà Chúa muốn con sống đơn giản và siêu thoát. Đó là để con được nên giống Chúa, để con thấy được quyền năng Chúa biểu lộ nơi con. Đó cũng là để giải phóng con, cho con được tự do với thế trần mà thuộc trọn về Chúa, là người của Chúa, mang bình an đến cho muôn người.

    Lạy Chúa, xin thứ lỗi cho những lần con xao lãng nhiệm vụ, con đã để lòng quá lo lắng chuyện đời. Cũng không thiếu những lần con chùn bước trước những khó khăn của đời tông đồ.

    Cậy vì lời cầu bầu của thánh Ba-na-ba, xin Chúa ban cho con lòng tín trung với Chúa, gắn bó với sứ mạng tông đồ. Xin cho đời con nên dấu chỉ cho mọi người nhận thấy Nước Chúa đang đến. Xin cho con được vào Nước Trời trong ngày sau hết của đời con. Amen.

    Ghi nhớ : “Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không”.

     

  • Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Tất Quý)
  • I. ĐÔI HÀNG TIỂU SỬ

    Banaba “là một người tốt lành, đầy Thánh Thần và lòng tin’’ (Cv 11,23). Ngài được sách Công Vụ nhận là Tông Đồ (14,4) cho dù ngài không thuộc nhóm Mười Hai

    Ngài là một người Do Thái thuộc giáo tỉnh Cypern, gốc Lêvi và tên gọi là Giuse. Chúng ta không biết ngài đã gia nhập Kitô giáo lúc nào. Như Sách Tông Đồ Công Vụ ghi, ngài có lòng đại độ: “Giuse, người đã được các Tông Đồ đặt tên là Banaba nghĩa là con của sự an ủi một người Lêvi, người gốc Kyprô, có một thửa ruộng, ông đã bán đi và đem bạc đặt dưới chân các Tông Đồ” (Cv 4,36-37)

    Ngài là người hướng dẫn Saolô sau khi Saulô trở lại đến gặp các vị Tông Đồ ở Giêrusalem (Cv 9,26-27). Sau này vào khoảng năm 42, Barnaba đã tìm đến với Saolô ở Tarsô rồi cùng với Phaolô sang truyền giáo tại Antiôkia. Trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ nhất này, cả hai đi Kyprô và mạn nam Tiểu Á. Chính các ngài đã đi Giêrusalem dự Công Nghị Tông Đồ để đấu tranh cho việc những người dân ngoại, khi gia nhập Kitô giáo, không phải lệ thuộc Lề Luật cũ. Sau đó xẩy ra một cuộc tranh cãi giữa hai người. Lý do là vì Phaolô không muốn đem theo Marcô, bà con của Banaba đi theo mình trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ hai cho nên Banaba đã đem Marcô đi với mình đến Kyprô (Cv 15,39).

    Theo truyền thuyết, sau này Banaba bị ném đá chết tại Salamít. (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)

    II. CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH

    Phaolô và Banaba đều là những tông đồ nhưng cá tính và cách đối xử khác hẳn nhau. Phaolô thì nguyên tắc và cứng rắn, còn Banaba thì tình cảm và mềm dẻo. Bởi thế đôi khi hai ông đụng độ nhau:

    Lần thứ nhất là về vấn đề ăn chung (Ga 2,13). Số là Giáo Hội đã có quyết định rằng lương dân tòng giáo không bị buộc giữ tục lệ Do thái giáo, trong đó có tục lệ phân biệt những món ăn nào sạch những món ăn nào dơ. Bởi đó các tông đồ đều hòa đồng với lương dân, ăn chung bàn với họ. Nhưng một lần kia vì sự có mặt của những người Do thái nên và vì muốn tránh không muốn gây khó chịu cho họ, nên thánh Banaba và cả thánh Phêrô đã tránh ngồi chung bàn ăn với những người lương tòng giáo. Lần đó Phaolô đã nổi giận đứng lên công khai trách hai người nặng lời. Sách thánh không viết gì về phản ứng ngược lại của hai vị, tức là hai vị đã nhịn. Chúng ta nên để ý: Lúc đó Phêrô vị lãnh đạo Giáo Hội, và Banaba người đỡ đầu cho Phaolô. Phaolô chỉ là một người đến sau, một người cấp dưới. Là một người đến sau và người cấp dưới vậy mà hôm nay Phaolô dám công khai chỉ trích hai bậc trưởng thượng của mình trước mặt cả người Do thái lẫn người lương mới tòng giáo. Vậy mà hai Phêrô và Barnaba vẫn nhịn. Đây phải nói là một tấm gương hết sức sống động về lòng khiêm tốn và coi trọng hòa khí.

    Lần đụng độ thứ hai là về việc có liên quan đến Marcô (Cv 15,39): Trong chuyến truyền giáo thứ nhất, Banaba đã cho Marcô nhập đoàn. Nhưng sau một số gian khổ, Marcô đã bỏ cuộc về nhà với mẹ. Phaolô rất giận. Đến khi chuẩn bị chuyến truyền giáo thứ hai, Banaba lại rủ Marcô đi theo, có ý là để cho Marcô đoái công chuộc tội. Nhưng Phaolô cương quyết không nhận. Phần vì Banaba thiết tha muốn cứu vớt Marcô nên nhất định giữ anh này lại. Kết quả là Banaba và Phaolô đành phải chia tay nhau, mỗi người dẫn một đoàn truyền giáo riêng đi giảng mỗi người một hướng. Thật không dè rằng chuyện bất đồng này lại đưa đến kết quả tốt. Đó là việc truyền giáo càng ngày càng được đẩy mạnh hơn. Và thêm một kết quả nữa cũng hết sức tốt đẹp. Nó đã chứng minh cho quan điểm của Banaba là hợp lý. Đó là Barnaba đã thực sự cứu chữa được Marcô, không những đã giúp Marcô trở thành một tông đồ nhiệt thành mà sau này còn là tác giả quyển Tin Mừng thứ hai.

    Tóm lại chúng ta thấy mỗi người chúng ta khi sinh ra đã mang sẵn một loại tính tình. Hãy sống Tin Mừng và loan Tin Mừng theo cá tính riêng của mình.

    Đoạn Tin Mừng hôm nay ghi lại những lời Chúa Giêsu căn dặn các tông đồ trước khi sai các ông đi rao giảng Tin Mừng. Trong đó lời dặn đầu tiên là “Anh em hãy chữa lành” và lời dặn cuối cùng là “Đến đâu anh em hãy mang bình an tới đó”. Với cá tính tự nhiên thích hợp với hai điều này, Thánh Banaba đã thực hiện rõ nhất hai lời căn dặn này của Chúa :

     Ngài đã cứu giúp Phaolô khi đứng ra bảo lãnh cho Phaolô trước mặt các tông đồ; rồi giúp cho hai bên hoà thuận với nhau, cộng tác với nhau một cách vui vẻ.

    Ngài đã cứu giúp giáo đoàn Antiôkhia, chẳng những đã hóa giải được mối e ngại của Giêrusalem đối với những hoạt động truyền giáo của giáo đoàn non trẻ này, mà còn khuyến khích họ, bồi dưỡng giáo lý cho họ và nâng uy tín của họ lên đối với giáo đoàn mẹ Giêrusalem. Rồi lại làm cho hai giáo đoàn mẹ con hòa thuận hợp tác với nhau.

     Ngài cũng đã hỗ trợ chính giáo đoàn mẹ Giêrusalem, đem đồ cứu trợ của Antiôkhia về cho Giêrusalem.

    Cùng với Phaolô, Ngài bênh vực cho các tín hữu gốc lương dân trong hội nghị Giêrusalem. Góp phần làm cho kitô hữu gốc Do thái và Kitô hữu gốc lương dân sống hòa thuận với nhau trong cùng một niềm tin.

     Ngay cả khi có những đụng chạm với Phaolô, Thánh Banaba cũng luôn giữ được bầu khi huynh đệ vì việc làm của ngài phát xuất bởi tấm lòng thích cứu chữa và hòa giải: Thí dụ như trong vụ ăn uống là vì Ngài không muốn gây cớ vấp phạm cho các tín hữu gốc Do thái; trong vụ Marcô là vì Ngài muốn cứu vớt một kẻ đã lỡ một lần lỗi phạm.

    Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta có được tâm hồng giống như tâm hồn của thánh Barnaba: Luôn biết đấu tranh cho lẽ phải nhưng với một tấm lòng bao dung và nhất là chỉ vì yêu mến Chúa.

     

  • Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
  • Câu chuyện

    Thánh Phanxicô gọi một thầy dòng cùng đi giảng với ngài. Hai thầy trò cùng đi các đường phố Assisi, cách nghiêm trang, suy tưởng về Chúa... Về nhà, thầy dòng hỏi cha thánh: “Thưa cha, giảng ở đâu ạ ?”

    Cha thánh trả lời: “Giảng là đem Chúa đến bằng gương sáng, bằng cách sốt sắng mang Chúa trong tâm hồn”.

    Suy niệm

    Lời Thầy không luôn vang mãi mọi thời đại vì nhu cầu của cánh đồng truyền giáo thế giới luôn mang tính cấp bách: “Các con hãy ra đi…”.

    “Ra đi” chứ không phải “ở lại”, ra đi thoát khỏi cái tôi ích kỷ, chỉ quanh quẩn cho chính mình, nhưng cất bước lo cho sứ mạng gieo giống Tin Mừng, làm việc trên cánh đồng truyền giáo.

    Ra đi và nói lớn cho thế giới: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông”, đó là nước tình yêu và ân sủng, nước công chính và bình an. Cho nên, phải chuẩn bị bằng tâm tình sám hối, như Gioan Tẩy giả loan báo (x. Mt 3,3), như chính Thầy cũng loan báo (x. Mt 4,12-17; Mc 1,14-15; Lc 4,14-15). Lo việc Nước Trời và công chính trước tiên (x. Mt 6,33).

    Ra đi và “Hãy chữa những người đau yếu trong thành”, môn đệ như thầy chí thánh quan tâm chia sẻ đến người đau khổ, chữa lành bệnh tật, mang hạnh phúc cho mọi người. Thật thế, người môn đệ của Chúa luôn quan tâm đến những nhu cầu được chữa lành, chia sẻ cho anh em đồng loại như sau này Phaolô đã cảm nghiệm và chia sẻ: “Vui với người vui, khóc với người khóc…” (Rm 12,15). Và tại Cửa Đẹp Đền thờ, thánh Phêrô thực hành lời dạy của Chúa và đã nói với người hành khất: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nadarét, anh đứng dậy mà đi! “ anh trở nên cứng cáp” (Cv 3,6-7).

    Ra đi “đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép”, nhưng tín thác hoàn toàn vào Thầy, sống nghèo khó, thanh thoát trước các phương tiện của con người... và không lo lắng thái quá về vật chất, nhưng luôn chú tâm vào sứ mạng được sai.

    Ra đi và khi “vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!”. Những người mang sứ mạng Tin Mừng luôn mang và quan tâm tới sự an bình và chuyển giao bình an Tin Mừng mà mình sở hữu trong tư cách sứ giả Tin Mừng cho gia đình, cộng đồng và những con người mà mình gặp. Sự bình an sẽ chiến thắng lo âu, sợ sệt… sinh niềm vui tâm hồn… Sự bình an như ngôn sứ Isaia loan báo bằng hình ảnh: “Này Ta tuôn đổ xuống Thành Đô ơn thái bình tựa dòng sông cả, và Ta khiến của cải chư dân chảy về tràn lan như thác vỡ bờ” (Is 66,12)

    Lời mời gọi ra đi làm việc trên cánh đồng truyền giáo của Chúa xa xưa cũng là lời mời gọi dành cho mỗi người chúng ta trong cộng đoàn tín hữu. Công đồng Vaticanô II khẳng định: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành phải truyền giáo”.

    Ý lực sống

    Ra đi cứu độ - gieo bác ái,
    Sứ mạng Tông đồ tỏa thơm hương.

    Tag: