Ngày 13/04: Thánh Mac-ti-nô I - giáo hoàng, tử đạo

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Ngày 13/04: Thánh Mac-ti-nô I - giáo hoàng, tử đạo

Ngày 13/04: Thánh Mac-ti-nô I - giáo hoàng, tử đạo

1. Ghi nhận lịch sử - Phụng Vụ

Theo tác phẩm Sức sống Hy Lạp, vị Giáo Hoàng này qua đời tại Crimée ngày 13 tháng 4 năm 655 (được lịch byzantin xác nhận). Lễ nhớ thánh nhân gợi lại cho chúng ta các cuộc tranh luận theo sau các nghị quyết của Công đồng Chalcedoine, đã bị lạc thuyết Nhất Ý (monothéliste) đặt lại vấn đề.

Thánh Martin I sinh tại Todi (Ombrie) khoảng năm 590. Sau khi được bầu làm Giáo Hoàng năm 649 – vị Giáo Hoàng thứ bảy mươi tư – ngài phải đối mặt với lạc thuyết “Nhất Ý”. Thuyết này được lập vào thế kỷ thứ VII ở miền đông đế quốc Rô-ma, cho rằng Đức Kitô chỉ có một ý chí duy nhất. Đức Giáo Hoàng Martin I vội triệu tập tại Latran một Công đồng (649), tái khẳng định rõ ràng giáo lý 2 ý chí hay 2 ý muốn trong Ngôi Lời nhập thể. Công đồng chung thứ III tại Constantinople (680 –681) cũng là Công đồng chung thứ sáu, sẽ xác nhận giáo thuyết này. Giáo thuyết được tuyên bố như là chân lý đức tin rằng trong Đức Kitô theo bản tính có hai sinh hoạt và hai ý muốn nhưng không xung khắc nhau.

Tuy nhiên, hoàng đế Constance II, đã ra lệnh cấm mọi tranh luận về vấn đề này, ra lệnh bắt giam Giáo Hoàng. Ngài bị dẫn bộ sang Constantinople, bị đối xử tàn nhẫn, phải ra toà và bị kết án tử hình trong một vụ kiện đầy xuyên tạc, sau đó bị lưu đày tại Crimée. Vì phải sống trong cơ cực, cô độc, và muôn vàn ngược đãi, nên Đức Giáo Hoàng đã qua đời ở Cherson (Sébastopol) ngày 13 tháng 4 năm 655. Một nạn nhân khác của các cuộc tranh cãi ấy, là thánh Maxime le Confesseur, là người cũng chống đối lạc thuyết này. Thánh Maxime, sau khi bị tra tấn và chặt đứt tay chân, đã bị lưu đày vùng Caucause và chết tử đạo ở đó vào năm 662.

Thánh Martin I được sùng kính như vị Giáo Hoàng tử đạo cuối cùng theo dòng thời gian. Các ảnh tượng thường biểu hiện ngài trong trang phục Giáo Hoàng với nhiều biểu tượng khác nhau: triều thiên ba tầng, Thánh giá.v.v.

2. Thông điệp và tính thời sự

Lời nguyện được trích từ Sách lễ của Paris (missel parisien) năm 1738. Lời nguyện xin Chúa cho chúng ta “được kiên cường bất khuất để đương đầu với nghịch cảnh trong cuộc sống trần gian”, như Chúa “đã muốn cho thánh Giáo Hoàng Martin tử đạo được can đảm không lùi bước trước lời đe dọa, cũng chẳng nao núng khi chịu cực hình”.

Các Bài đọc - Kinh sách trích dẫn lá thư đã được Giáo Hoàng Martin viết từ nơi người bị lưu đày, cho một người ở Constantinople, vào tháng 9 năm 655. Qua lá thư đó, chúng ta cảm nhận được ngài đang rên xiết dưới gáng nặng khổ đau: “Tôi ngạc nhiên, và bây giờ vẫn còn ngạc nhiên về thái độ dửng dưng, lạnh lùng của tất cả những người trước đây đã từng liên hệ với tôi cũng như của bạn hữu và người thân cận: họ quên hẳn nỗi bất hạnh của tôi và chẳng muốn biết tôi đang ở đâu, còn hay không trên cõi trần” Rồi ngài nói: “Chúng ta đều thiếu những điều quan yếu cho cuộc sống”. Tuy nhiên ngài vẫn trông cậy và nài xin thánh Phêrô chuyển cầu cho những ai vẫn còn trung tín để Thiên Chúa “ban cho các tâm hồn được vững vàng trong đức tin chân chính, được mạnh mẽ chống lại mọi kẻ lạc giáo và thù nghịch với Hội thánh chúng ta”

Thánh giáo hoàng Martin I luôn nêu tấm gương cao cả về sự trung thành với chân lý và kiên cường trong đau khổ thử thách. Ngài nói: “Cho dù người ta cắt tôi ra trăm mảnh, tôi cũng không bao giờ chấp nhận lạc giáo”.

Enzo Lodi

Tag: