Ngày 14/02: Thánh Cyrillô, tu sĩ & Thánh Mêtôđiô, giám mục

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Ngày 14/02: Thánh Cyrillô, tu sĩ & Thánh Mêtôđiô, giám mục

Ngày 14/02: Thánh Cyrillô, tu sĩ & Thánh Mêtôđiô, giám mục

Lễ nhớ

1. Ghi nhận lịch sử - Phụng Vụ

Ngày lễ kính thánh Cyrillô và Mêthôđô, được kính như các Tông Đồ dân Slave và được Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II công bố năm 1980, như thánh quan thầy Âu Châu, cùng tước hiệu với thánh Bênêđictô, trùng với ngày qua đời của thánh Cyrillô, khi đến Rôma vào ngày 14.02.869.

Hai anh em Cyrillô và Mêthôđô gốc ở Salonique (Hy Lạp ngày nay). Trước khi đi truyền giáo vùng Moravie, Méthôđô là Tổng trấn một tỉnh người Slave và Cyrillô, nhỏ tuổi hơn, nhưng lại sáng chói hơn, đã chu toàn những sứ vụ tôn giáo và ngoại giao quan trọng. Cả hai nói lưu loát tiếng Slave.

Sứ vụ làm cho hai vị nổi tiếng là sứ vụ do Thượng phụ Photios sai đi từ năm 862-963 với mục đích dạy dỗ và Phúc Âm hóa dân Slave ở Moravie trong ngôn ngữ của họ. Vì thế Cyrillô và Mêthôđô bắt đầu dạy ngữ vựng đầu tiên, được gọi là “Cyrillique” và họ cũng đã dịch các văn bản tôn giáo ra tiếng Slave : Thánh Vịnh, các Phúc Âm, các Thư Tông Đồ, kinh nguyện...

Sau vài năm ở Moravie, Cyrillô và Mêthôđô tiếp tục công tác ở Pannonie (Hungarie và một phần đất Yougoslavie ngày nay), trước khi đến Rôma, nơi họ được Đức Giáo Hoàng Adrien II đón nhận và công nhận các việc họ làm về Phụng Vụ Slave. Tại Rôma, Cyrillô ngã bệnh và qua đời vào ngày 14.02.869, lúc ấy ngài khoảng độ 40 tuổi.

Sau cái chết của người em, Méthôđô được gọi làm giám mục ở Pannonie và sứ thần toà thánh cho dân Slave; ngài gặp nhiều khó khăn do sự chống đối của hàng giáo sĩ Đức; nhưng điều này không ngăn cản được công trình Phúc Âm hoá và hội nhập văn hóa mà ngài đã theo đuổi cho đến chết (885).

Các môn đệ ngài đã rao giảng Tin Mừng miền Bohême, ông hoàng Bozyvojd được rửa tội theo nghi thức Slavon, sau đó là dân Serbie và Lusace (vùng Croatia), tiếp đến là Ba Lan, Bulgarie, Roumanie và vùng Kiev.

Với công trình như thế, chúng ta mới thấy được công khó của hai thánh Cyrillô và Mêthôđô trong việc thiếp lập các cộng đoàn Kitô giáo trong nhiều vùng Đông Âu. Việc này đã tạo một bước tiến để thành lập Âu Châu, không những về mặt tôn giáo, nhưng cả về mặt chính trị và văn hóa.

Mỹ thuật trình bày thánh Cyrillô với bản ngữ vựng, và thánh Mêthôđô với một quyển Phúc Âm mở ra, được ghi bằng tiếng Slavon.

2. Thông điệp và tính thời sự

Thánh Cyrillô ngã bệnh và biết trước giây phút cuối cùng của mình, vẫn nhận ra ơn gọi cao cả: “Xưa tôi chưa hiện hữu, bây giờ tôi đã hiện hữu và tôi sẽ hiện hữu mãi mãi”. Ngài cầu nguyện cùng Thiên Chúa: “Lạy Chúa, xin gìn giữ đàn chiên trung thành này... Xin triển khai Giáo Hội với số lượng cao và qui tụ mọi thành phần vào trong sự hiệp nhất. Xin thu tóm tất cả thành một dân được tuyển chọn, kết hiệp mọi người trong đức tin và giáo lý chính thống..”. (Phụng Vụ Giờ Kinh).

Được giao nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô, Cyrillô và Mêthôđô đã giảng dạy “đức tin chân thật và giáo lý chính thống”, nhưng hai ngài còn hoàn tất công tác Phúc Âm hóa khi hội nhập sứ điệp Kitô giáo vào trong văn hóa các dân Slave. Nhờ thế, khi công trình của hai vị được hoàn tất, đã cho phép ngôn ngữ Slave xứng đáng trở thành văn tự phổ biến. Nhờ việc đề cao ngôn ngữ và văn hóa, các dân tộc Slave đã có thể chống cự lại thứ chính trị thống trị và đồng hóa của người German và người Hy Lạp.

Công trình của Cyrillô và Mêthôđô vô cùng to lớn, đánh dấu bằng sự can đảm trí thức và sự khiêm tốn, vì trong thời gian mà người ta chỉ được cầu nguyện ca tụng Thiên Chúa bằng tiếng Hipri, Hy Lạp hay La Tinh, hai vị thánh Tông Đồ của dân Slave đã đáp trả bằng tiếng Slave, và qua đó cho thấy mọi người có thể với Thiên Chúa bằng ngôn ngữ của mình.

Bên cạnh các tác phẩm tôn giáo, cả hai đã dịch và suy diễn “Bộ Luật Justinien”, được xem như bộ luật cổ nhất của Slave (Zakon Sudnyj). Người ta cũng cho rằng thánh Mêthôđô đã dịch quyển Nomokanon, thu tập các luật Giáo Hội và luật dân sự Byzantin.

Phúc Âm được chọn cho Thánh lễ này là dụ ngôn người gieo giống (Mc 4,1-20). Các khó khăn mà vị Tông Đồ đã phải gánh chịu (Mêthôđô cũng đã phải vào tù) không ngăn cản được hạt giống rơi vào đất tốt và mang lại nhiều hoa trái.

Công trình Phúc Âm hóa vẫn chưa kết thúc. Chính vì thế Hội thánh, trong ngày lễ kính hai vị thánh Tông Đồ này, đã hát trong Thánh lễ Thánh Vịnh 95: Từ ngày này sang ngày khác, hãy công bố ơn cứu độ của Người / hãy thuật lại cho muôn dân vinh quang của Người / cho muôn dân kỳ công của Người. Chúng ta có thể nhắc lại những lời cuối cùng của Cyrillô nói với anh mình là Mêthôđô: “Anh ơi, chúng ta đã chia sẻ cùng một số phận, cùng dắt một cái cày trên cùng một luống. Em biết anh vẫn thích Núi thánh của anh (sự cô tịch), nhưng đừng bỏ trách nhiệm giảng dạy để trở về với núi đó. Thật vậy, anh tìm được nơi nào để hoàn tất ơn cứu độ của anh ?”

Tag:

2019-11-14