Ngày 14/09: Suy tôn Thánh giá

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Ngày 14/09: Suy tôn Thánh giá

Ngày 14/09: Suy tôn Thánh giá

Ngày 14 tháng 9

SUY TÔN THÁNH GIÁ CHÚA GIÊSU
(Ds 21,4-9; Ph 2,6-11; Ga 3,13-17)
Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian,
không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian,
nhờ Con của Người, mà được cứu độ (Ga 3,17).

A. LỊCH SỬ

Chúng ta hết thảy đều biết, hôm Đức Giêsu chịu chết trên Thập giá, chỉ có mấy bạn hữu nghĩa thiết của Người đứng gần. Họ là những người yếu đuối nghèo khó. Chẳng ai biết phải làm gì! May có các ông Giuse và Nicôđêmô đi xin Philatô cho phép hạ xác Chúa xuống và đem an táng trong huyệt. Còn thập giá của Người thì chẳng ai để ý đến.

Sau ngày Phục sinh, các môn đệ cũng bận bịu với việc Chúa sống lại. Mừng quá cho nên các ngài cũng chẳng ai còn để ý tới cây Thánh Giá của Chúa Giêsu .

Rồi sau đó với ơn trợ giúp của Thánh Thần, họ bắt đầu đi rao giảng ở mọi nơi. Điều mà người ta quan tâm đến nhất trong thời kỳ này là xây dựng các giáo đoàn và lo nhớ lại giáo huấn cũng như cuộc đời của Chúa Giêsu còn những di vật và kỷ niệm vật chất của Người, thì không ai để ý.

Mãi cho đến khi có nhiều người ở xa Đất Thánh đã tòng giáo và muốn hành hương đến những nơi Chúa đã sinh sống, thì lúc đó việc thu lượm những di vật kỷ niệm về Chúa mới trở thành một cuộc săn tìm. Chính trong hoàn cảnh này mà người ta đã đi tìm cây Thập Giá mà Chúa đã vác và đã nằm trên đó khi bị đóng đinh.

Và ngay lập tức hình cụ ấy đã trở thành vật Thánh; thập giá trở thành Thánh Giá, và người ta suy tôn kính mến.

Lễ hôm nay muốn nhắc lại kỷ niệm này. Hội Thánh thúc giục con cái đến với Thánh Giá, bắt chước các tín hữu khi mới tìm lại được cây gỗ trên đó Chúa Giêsu đã bị đóng đinh, để khám phá lại những giá trị cao quí quang cao cả của cây Thánh giá.

B. BÀI HỌC

1. Có thể nói bài học đẹp nhất mà cây Thánh Giá dạy cho chúng ta đó là bài học về lòng yêu thương.

Thường thì khi muốn biết được một ai đó là người như thế nào thì người ta có thể căn cứ vào những lời nói cuối cùng của người đó đánh giá. Bởi vì trước khi chết, thường thì người ta chỉ nói những gì mình tha thiết nhất, chỉ nói những lời xuất phát từ tận đáy lòng. Nếu đúng như vậy, chúng ta hãy tìm hiểu những lời cuối cùng của Đức Giêsu trước lúc tắt hơi trên Thập Giá, chúng ta sẽ hiểu rõ con người của Đức Giêsu hơn.

Triết gia Sénèque nói về tâm lý của những người bị xử tử như sau: thường là họ chửi rủa: chửi rủa những kẻ đang giết mình, chửi rủa những kẻ đứng xem, có người còn nguyền rủa thân phận xấu số của mình, nguyền rủa ngày mình sinh ra, nguyền rủa chính người mẹ đã sinh ra mình. Bởi thế, như văn hào Cicéron cho biết thêm, trong những cuộc xử tử ở đế quốc Rôma, khi thấy tên tử tội nào hung dữ, người ta cắt lưỡi hắn trước, để khỏi phải nghe tiếng chửi rủa. Và trong cuộc xử tử chiều thứ sáu tuần thánh ấy, chúng ta cũng đã thấy có một tên trộm bị đóng đinh chung với Đức Giêsu đã chửi rủa lung tung, chửi cả Đức Giêsu là người chẳng thù oán gì với hắn.

Chiều hôm đó, có lẽ mọi người cũng đang chờ nghe những lời chửi rủa của Đức Giêsu: những tên lý hình chờ, vì họ là những người đang trực tiếp hành hình Ngài. Các Tư tế và biệt phái chờ, vì họ là những kẻ đầu xỏ vận động kết án xử tử Ngài. Dân chúng đứng phía dưới thập giá chờ vì họ đoán rằng Ngài rất tức giận họ bởi họ đã từng chịu ơn rất nhiều của Ngài mà bây giờ quay ra chống lại Ngài. Tất cả mọi người đều chờ, họ sẵn sàng nghe chửi rủa. Họ tin. Chắc rằng cái tên Giêsu ấy, cái người đã từng rao giảng rằng: Hãy thương yêu kẻ thù... Hãy làm ơn cho kẻ ghen ghét mình” giờ đây sắp nổi khùng, sẽ quên hết những giáo huấn Tin mừng kia mà thay vào đó bằng những lời chửi rủa thậm tệ.

Thế nhưng khi Đức Giêsu lên tiếng, thì ai nấy đều ngạc nhiên sững sờ. Không phải những lời chửi rủa, mà là những câu dịu dàng. Câu thứ nhất: “Lạy Cha, xin Cha tha cho họ; câu thứ hai “Tôi hứa thật với anh, ngay hôm nay anh sẽ được lên nơi vui vẻ cùng tôi”; và câu nói thứ ba: “Thưa Bà này là con Bà”.

Ngoài giọng điệu dịu dàng và nội dung chan chứa lời yêu thương.

Tình thương đó dành cho ai? Trước hết là cho kẻ thù, kế đến cho người tội lỗi, và thứ ba là cho kẻ thánh thiện. Con người là đức Giêsu là như thế.

2. Bài học thứ hai.

Sự chiến thắng của cây Thập Giá.

Năm 1825 một trận bão lớn đã xảy ra tại thành phố Macao, nhà thờ Chánh tòa nguy nga nhìn xuống hải cảng được người Bồ Đào Nha xây cất đã bị trận bão làm đổ nát hoang tàn. Tuy nhiên, như một phép lạ, mặt tiền của ngôi thánh đường vẫn còn nguyên vẹn và cây Thánh giá bằng đồng vẫn còn đứng vững. Khi ông John Browin toàn quyền Hồng Kông đến thăm viếng cảnh tượng, ông phải sửng sốt khi nhận ra điều đó. Tối hôm ấy, ông đã ghi lại những dòng sau đây: “Tôi được vinh dự trông thấy Thập giá Chúa Kitô, Thập Giá vẫn đứng vững qua mọi đổ vỡ của thời gian. Tất cả ánh sáng của lịch sử đều qui tụ nơi Thập Giá vinh quang”.

Đã gần hai ngàn năm qua, kể từ khi lính Rôma cưỡng bách Chúa Giêsu vác Thập giá đi xuyên qua những con đường chật hẹp ở Giêrusalem; cũng như khi Ngài bị vấp ngã, làm họ phải cưỡng bách một người qua đường vác đỡ Thánh Giá với Ngài, giúp Ngài tiến tới một nơi gọi là Núi sọ, thì từ lúc đó Thập giá đã trở thành biểu tượng của một tôn giáo có hơn một tỷ rưỡi tín đồ: có mặt trên 220 xứ sở và lãnh thổ trên khắp mặt đất này.

Dựa theo những dữ kiện được ghi lại trong sách Tin mừng, Bác sĩ Wiham Eswori tại bệnh viện Midio bên Hoa kỳ đã nghiên cứu về hình phạt Thập giá. Cuộc nghiên cứu đã cho ông thấy rằng người Rôma không phải là người đã phát minh ra hình phạt Thập giá. Thật ra tử hình Thập giá đã được người Assiry đã dùng vào thế kỷ VII trước Công nguyên, nhưng người Rôma đã có công hoàn bị nó để nó trở thành một hình thức tra tấn xử tử có sức tạo ra một cái chết chậm rãi đớn đau nhất. Thập giá chỉ dành để xử tử những người nô lệ ngoại quốc và những người dám chống lại đế quốc cũng như những người phạm trọng tội nơi các miền đất mà những người Roma cai trị. Luật Rôma thường bảo vệ những người công dân của họ khỏi bị hình phạt Thập giá.

Nạn nhân bị đóng đinh treo trên Thập giá thường chết vì nghẹt thở. Đây hẳn phải là cách xử tử dã man nhất trong nhân loại.

Thế nhưng, thật là kỳ diệu! Khi Chúa Giêsu nằm trên Cây Thập Giá thì Ngài đã biến Thập giá thành biểu tượng tình yêu của Ngài đối với nhân loại.

Khi đón nhận Thập giá ấy, Chúa Giêsu đón nhận để thể hiện tình yêu của Thiên Chúa dành cho loài người. Chỉ có tình yêu mới có thể là ý nghĩa của sự hy sinh và hy sinh cho đến cùng cho con người.

Như vậy suy tôn Thập giá không có nghĩa là đề cao một hình phạt hay vui thỏa một cách bệnh hoạn ở nơi những trong khổ đau Chúa phải chịu, mà chính là ca ngợi tình yêu của Đấng đã hy sinh vì người mình yêu. Nơi Thập giá không những tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện một cách trọn vẹn, mà nơi Thập giá chân lý về con người còn được tỏ bày một cách trong sáng nhất để rồi chính từ trên Thập giá mà Chúa đã đi đến chiến thắng oai hùng nhất. “Thầy đã thắng thế gian”

Thập giá là chân lý của chúng ta, Thập giá là lẽ khôn ngoan của chúng ta, Thập giá là lẽ sống của chúng ta, Thập giá là sức mạnh của chúng ta. Nguyện xin Chúa hướng dẫn chúng ta đi trên con đường Thập giá của Ngài. Amen

Tag:

2021-09-14