Ngày 21/09: Thánh Matthêô Tông đồ, tác giả Tin Mừng

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Ngày 21/09: Thánh Matthêô Tông đồ, tác giả Tin Mừng

Ngày 21/09: Thánh Matthêô Tông đồ, tác giả Tin Mừng

Ngày 21 tháng 9
MATTHÊÔ - TÔNG ĐỒ

Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính một vị thánh hết sức đặc biệt có nhiều liên hệ với cuộc đời của mỗi người chúng ta. Đó là thánh Matthêô Tông Đồ Thánh sử.

Câu chuyện chúng ta vừa nghe là một trong những câu chuyện đẹp và gây được nhiều ấn tượng trong Tin Mừng. Câu chuyện này được chính tác giả kể lại.

I. Tác giả là một người thu thuế có tên là Matthêô.

a. Ông là công chức của ngành thuế vụ, có nhiệm vụ thu góp tiền bạc thuế má của dân chúng để đem vào công quỹ. Ông biết rất rõ dân chúng ghét cay ghét đắng ông như thế nào. Ông cũng biết rõ lý do tại sao họ ghét ông như thế.

Người Rôma ngày xưa có một đầu óc rất thực dụng. Để việc thu thuế có hiệu quả và đỡ tốn kém, chính quyền Rôma cho đấu thầu việc thu thuế ở từng khu vực. Những người trúng thầu ở địa hạt nào phải chịu trách nhiệm với chính quyền Rôma về số tiền đã được thỏa thuận cho địa hạt đó. Nếu người đó thu được cao hơn thì họ có quyền giữ. Tiền đó được xem như tiền “boa”- hoa hồng.

Rõ ràng công việc thu thuế theo kiểu này đã sinh ra nhiều lạm dụng nghiêm trọng. Những người phải nộp thuế thật sự không biết mình phải đóng bao nhiêu. Kết quả là nhiều người thu thuế trở nên giàu có. Sự giàu có của họ bằng con đường nào thì chẳng ai biết nhưng hầu như chắc chắn đó không phải là con đường công bằng ngay chính. Chính vì thế mà những người thu thuế thường bị dân chúng thù ghét.

Đối với người Do Thái thì sự khinh ghét này còn tăng gấp bội. Người Do Thái là người có óc quốc gia cuồng tín. Đối với họ, chỉ Thiên Chúa mới là Vua của họ, và việc nộp thuế cho nhà cầm quyền lúc đó là vi phạm đến quyền lợi của Thiên Chúa và làm sỉ nhục cho sự oai nghiêm của Người. Dưới con mắt của người Do Thái thì những người thu thuế chẳng khác gì những vật vô tri. Sách Lêvi đã xếp họ vào danh sách ngang hàng với “các kẻ trộm cướp, sát nhân” cho nên những người thu thuế bị cấm ngặt không được vào hội đường (Lev 20,5).

b. Khi đến với Matthêô không phải Chúa không biết đây là một người mà ai cũng ghét. Chúa còn biết rõ hơn ai hết. Thế nhưng Chúa vẫn đến, vẫn kêu gọi vì đối với Chúa loài người mới chỉ biết cái họ đang là chứ chưa thấy được cái họ sẽ là, nghĩa là sẽ trở nên một người như thế nào trong sự quan phòng của Chúa. Nói một cách vắn gọn hơn: Con người mới chỉ thấy cái Matthêô đang là chứ chưa thấy được cái Matthêô sẽ là cho nên họ sẵn sàng kết án ông. Còn Chúa, Chúa thấy được cả cái sẽ là nơi Matthêô nên Chúa gọi ông.

Bây giờ, Chúa Giêsu đang đứng trước mặt ông. Ông nghe Ngài gọi và Matthêô đã chấp nhận lời mời gọi đó. Ông đứng dậy bỏ mọi sự để theo Ngài.

Khi chấp nhận lời mời gọi của Chúa Giêsu, có lẽ ông đã cảm thấy mình nghèo hơn về vật chất. Khi phải từ bỏ những giá trị mà trần gian yêu chuộng có lẽ ông đã không còn được nhiều người kính nể ông như trước. Thế nhưng, chắc chắn một điều khi làm như thế ông đã tìm lại được sự bình an, vui mừng cùng những hứng khởi của cuộc đời mà trước kia ông chưa từng biết. Trong Chúa Giêsu, ông sẽ được sự giàu có hơn hẳn mọi điều mình phải bỏ vì Ngài.

Chúng ta cũng còn phải lưu tâm đến một điều Matthêô sau khi đã rời bỏ bàn thu thuế ông vẫn đem theo. Đó là cây bút viết của ông. Rõ ràng ở đây Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy Ngài tài tình như thế nào khi Ngài chọn ông. Trong nhóm mười hai môn đệ hình như không có ai quen thuộc với cây viết bằng Matthêô. Những người ngư phủ miền Galilê làm sao mà có được tài viết lách.  Chúa đã chọn thật đúng. Matthêô đã chép cuốn sách đầu tiên về giáo huấn của Chúa. Tác phẩm của ông đáng được liệt vào một trong những bộ sách quan trọng nhất thế gian.

II. BÀI HỌC:

Con đường Chúa chinh phục Matthêô của Chúa Giêsu.

a. Để chinh phục Matthêô, Chúa đã đi một bước trước. Chúa đã không ngồi đó để đợi Matthêô đến với mình nhưng đích thân Chúa đã đến tìm Matthêô.

Khi làm điều đó Chúa không sợ vì thế mà mình bị lép vế. Người đời thường nghĩ như vậy nhưng Chúa thì khác.

Chưa hết, Chúa lên tiếng trước. Sự xuất hiện đột ngột của Chúa trước mặt chắc chắn đã làm cho Matthêô cảm thấy khó xử. Chẳng bao giờ Matthêô dám nghĩ rằng có một người được cả thiên hạ kính trọng lại có thể vượt qua mọi hàng rào cấm kỵ để đến với mình như thế, vì thế ông không biết phải nói gì và nói làm sao. Nhưng ở đây chúng ta thấy Chúa đã lên tiếng trước.

Cũng chưa hết, Chúa còn đến tận nhà, ngồi đồng bàn với ông. Chúa ngồi đồng bàn không như một khách mời mà như một người bạn. Matthêô đã có thể thấy Chúa thật gần, không còn một cản ngăn nào làm ông phải xa cách. Giờ đây ông đã có lý do để không còn gì mà hồ nghi về tấm lòng của Chúa đối với ông nữa. Ông thấy ông đã được đổi đời. Ông thực sự đã bước vào một đoạn đời mới. Ông quay hẳn một góc 180 độ để bắt đầu đi theo làm môn đệ cho Chúa Giêsu. Tất cả sự thay đổi đó đều bắt nguồn từ một động lực duy nhất. Ông cảm thấy Chúa thương ông.

Nói tới đây tôi nhớ đến một câu chuyện. Nội dung câu chuyện chẳng khác gì câu chuyện của Matthêô trong Tin Mừng  hôm nay.

Một buổi tối nọ, thiền sư Shechery đang ngồi thiền thì có một tên cướp xông vào nhà, hắn dí gươm vào cổ nhà tu hành và  dọa sẽ giết nếu không trao hết tiền bạc cho hắn. Vị thiền sư không để lộ một chút sợ hãi nào. Ông chỉ vào cái hộp rồi nói với tên cướp:

- Tiền đựng trong cái hộp kia, ngươi hãy để cho Ta yên.

Nói xong ông tiếp tục tụng niệm. Sau một lúc, ông nhìn lại và nói với tên cướp:

- Đừng lấy hết tiền của ta, hãy để lại cho ta một ít vì ngày mai ta còn phải đóng thuế.

Nhưng tên cướp đã không màng gì đến lời yêu cầu của vị thiền sư. Hắn lấy hết tiền trong cái hộp và nhét đầy túi. Khi hắn vừa chuồn ra đến cửa thì nhà sư nói vọng ra:

- Ngươi không biết nói một tiếng cám ơn khi nhận được một món quà sao?

Không quá tiếc lời với khổ chủ, tên cướp đành nói tiếng cám ơn và bỏ đi.

Vài ngày sau, vị thiền sư được tin là kẻ gian ác bị sa lưới pháp luật. Hắn nêu đích danh vị thiền sư là người đã bị hắn uy hiếp. Thiền sư Shechery được mời ra tòa để làm chứng. Trước mặt mọi người ông đã tuyên bố như sau:

- Đối với riêng cá nhân tôi thì người này không phải là một tên cướp. Tôi đã cho anh ta tiền và anh ta đã mở miệng cám ơn tôi.

Vì có quá nhiều tiền án cho nên tên cướp đã bị tống giam. Sau khi mãn hạn tù, anh đã tìm đến với thiền sư và xin làm đệ tử của ông.

Một tên cướp trở thành một thầy tu. Một người thu thuế tội lỗi bị mọi người ghét bỏ trở thành một môn đệ cho Chúa, điều đó không làm cho chúng ta ngạc nhiên sao? Điều gì đã làm nên những sự thay đổi kỳ diệu như thế? Chắc chắn không phải là vì tiền bạc, hay bất cứ vì một động lực nào khác ngoài động lực duy nhất này đó là tình yêu.

Vâng! Chính tình yêu đã biến đổi tất cả, thay đổi tất cả. Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta có được tình yêu như Chúa như lời Thánh Phaolô khuyên nhủ: Anh em hãy mặc lấy tâm tình của Chúa Giêsu, mặc lấy tâm tình của Chúa Giêsu cho đến khi nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Và phải làm sao để chúng ta có thể nói được như Ngài: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”(Gl 2,20).

Được như thế tôi tin là chúng ta sẽ làm được rất nhiều điều kỳ diệu cho cuộc sống của chúng ta. Chúng ta sẽ biến thế giới đang khô cằn vì những hận thù, vì những đố kỵ nhỏ nhoi, vì những thành kiến thấp hèn, vì những cách cư xử hẹp hòi quá ích kỷ….. thành một thế giới trong đó mọi người sẽ biết sống với nhau như anh em trong một gia đình, gia đình của Thiên Chúa. Amen.

Tag:

2021-09-21