Ngày 24/01: Thánh Phanxicô Salêsiô Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Ngày 24/01: Thánh Phanxicô Salêsiô Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh

Ngày 24/01: Thánh Phanxicô Salêsiô Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh

Thánh Phanxicô Salêsiô

Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh

Lễ kính

1. Ghi nhận lịch sử - Phụng Vụ

Francois de Sales là một trong các tác giả nổi tiếng về văn chương linh đạo của tiếng Pháp, một nhân vật đặc biệt của Kitô giáo thời mới. Con người tỉnh Savoie sống giữa hai thế kỷ nhiễu nhương, thế kỷ XVI và XVII, mang đặc điểm của việc chống nhóm Tin Lành. Ngày lễ rơi vào 24.01, ngày kỷ niệm việc rước di hài ngài về Annecy, nơi ngài đã sống một thời gian dài.

Là trưởng nam trong một gia đình có 10 người con, Francois-Bonaventure de Boisy sinh tại Savoie vào năm 1567 và nhận thêm tên de Sales của nơi sinh, trong lâu đài De Sales, gần Thorens. Ngài lên Paris và học trong trường các cha Dòng Tên (1578-1588) ; vào khoảng 19 tuổi, ngài bị thử thách về hy vọng, luôn khoắc khoải với câu hỏi : ”Tôi được tuyển chọn hay bị kết án đời đời ?” Và ngài đã chiến thắng khi học được sự hoàn toàn phó thác vào Thiên Chúa : ”Ý muốn của Chúa có thế nào trên con, con cũng sẽ yêu mến Chúa trong suốt cuộc đời này”. Sau Paris, ngài còn học luật 3 năm tại đại học Padoue (1588-1591), ra trường với cấp bằng cao nhất. Trở về quê hương, ngài nổi tiếng ; nhưng vị luật sư trẻ tuổi này đã đáp lại danh vọng bằng một lời cầu xin khiêm tốn nơi giám mục Boisy : ”Thưa cha, cha có vui lòng đón nhận con làm giáo sĩ hay không ?”

Thụ phong linh mục vào năm 1593, lúc 26 tuổi, ngài nhận nhiệm vụ tế nhị trong vùng Chablais, nơi rất đông tín đồ theo phái Calvin. Biết bao thứ truyền đơn, bươm bướm thay nhau được phân phát, người ta tổ chức “40 giờ” cầu nguyện ; người ta nói về các lạc thuyết của nhóm Calvin và tại Chablais, nhiều người đã trở lại với Công giáo. Quyển “Sách các phản đề” minh chứng cho thời gian này.

Giáng Sinh năm 1598 : Francois được Đức Giáo Hoàng Clément VIII tiếp kiến tại Rôma và được gọi làm giám mục phụ tá ở Savoie. Năm 1602 : trong sứ vụ ngoại giao ở Paris, ngài giảng ở Louvre trước vua Henri IV, đôi khi cũng có sự hiện diện của Pierre de Bérulle, Vincent de Paul...Ngày 08.12.1602 : Francois tiếp ngôi giám mục của Đức cha De Granier như giám mục của Genève-Annecy : ngài đã ở ngôi cho đến lúc qua đời.

Francois de Sales qua đời cách yên lành ở Lyon ngày 28.12.1622, được 55 tuổi. Được phong thánh vào năm 1665, được công bố là tiến sĩ Hội thánh vào năm 1877 do Đức Giáo Hoàng Piô IX, vì đã đem lại cho các Kitô hữu một con đường thánh thiện “chắc chắn, dễ dàng và êm ái”. Ngài là thánh quan thầy của giới báo chí và các thành Annecy và Chambéry. Dòng Salésiens của thánh Don Bosco xem ngài như người cha tinh thần.

2. Thông điệp và tính thời sự

Lời nguyện nhập lễ gợi lên linh đạo của thánh Francoise de Sales ; với sự bác ái dịu dàng, ngài đã đem lại gương mặt Kitô giáo cho Thuyết Nhân bản thời bấy giờ, thuyết này thường bị pha trộn các tư tưởng ngoại giáo. Từ đó nẩy sinh ”Thuyết Nhân Bản Hy Vọng” có thể tin tưởng vào con người vì ”không phải do bùn đất vô ơn mà tình yêu của người nông phu được sung mãn”.

- Thiên Chúa gần gũi với tấm lòng con người ! ”Đức Giêsu dịu hiền, Đấng đã cứu chuộc chúng ta bằng Máu Thánh của Người, khao khát chúng ta yêu mến Người để chúng ta được cứu chuộc đời đời, và khao khát chúng ta được cứu độ để chúng ta có thể yêu mến Người đời đời” (Chuyên khảo về tình yêu Thiên Chúa).

- Đời sống tận hiến (hay thánh thiện, thiện hảo) vừa tầm mọi người, trong mọi điều kiện. Thánh nhân viết : ”Thật sai lầm và lệch lạc khi muốn loại đời sống đạo đức ra khỏi quân đội, khỏi hàng quán của các người thủ công, khỏi cung triều, khỏi chuyện bếp núc của những đôi hôn nhân”. Cũng vậy, “phải thích ứng việc thực hành đạo đức vào sức lực, vào công việc và trách nhiệm cũng mỗi người”.

- Tiến sĩ tình yêu nói, thuyết Nhân bản của thánh Francois de Sales chấp nhận và bảo vệ ”sự tự do thánh thiện” của con người nhân linh. Thánh nhân viết cho bà Chantal : “Tôi để cho bà tinh thần tự do...nơi nào sự tự do thánh thiện này ngự trị, chúng ta sẽ không có một lề luật nào ngoài lề luật của tình yêu”. Dù vậy, ngài thêm vào : ”Tôi chiến đấu khi bảo vệ sự tự do thánh thiện của tinh thần, đó là điều Bà đã biết, tôi hy vọng tự do này chân thật và được tránh xa sự bại hoại và phóng đãng, đó chỉ là một thứ giả hình”.

Người ta có thể tóm kết 20 năm giám mục của ngài như sau :

a. Ngài thực hiện những sắc lệnh của Công đồng Tridentinô, chuyên tâm đầu tiên để canh tân đời sống tinh thần của giáo dân cũng như giáo sĩ. Ngài thường triệu tập hội nghị, và nhờ qua các vị giám sát địa phận, thăm chừng các hoạt động xứ đạo, ngài lập lại trật tự trong các Đan viện.

b. Là giám mục, ngài vẫn đi dạy giáo lý, giúp đỡ kẻ nghèo, giải tội và rao giảng không mỏi mệt. Trong những năm 1618-1619, khi thi hành sứ vụ tại Paris, ngài đã giảng 360 lần. Phương thức của ngài rất cách mạng : với tài uyên bác, ngài thích trao đổi thân mật để rao giảng Tin Mừng, với cách đó mới có thể tâm tình được.

c. Francois de Sales là thầy và linh hướng cho nhiều vị phu nhân quí phái, trong đó Mẹ Angélique Arnaurd, Đan viện mẫu của Port-Royal, bà bá tước De Chantal, ngài đã hướng dẫn Bà này trong vòng 18 năm và cùng với Bà thành lập Dòng Thăm Viếng (les Visitandines) vào năm 1610 tại Annecy.

d. Người ta cho rằng Francois đã viết 50 ngàn lá thơ ; vị thư ký của ngài nói rằng ngài không thể sống yên vài ngày nếu không viết 20 hay 25 lá thư, trả lời cho mọi hạng người trên nước Pháp và Savoie. Người ta đọc trong lá thư ngài viết cho Đức Frémyot, giám mục Dijon : “Có gì khác ngoài giáo lý các Giáo phụ Hội thánh, Tin Mừng được giải thích và Thánh Kinh được trình bày ?” Ngày nay chúng ta còn giữ được 2100 lá thư hay trích đoạn được xuất bản trong “Tác phẩm toàn tập” của ngài.

f. Trong các tác phẩm, chỉ cần nhớ đến 2 tác phẩm vĩ đại :

”Dẫn nhập vào đời sống đạo đức”, xuất bản tại Lyon vào năm 1608, tái bản nhiều lần và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Nói với từng Kitô hữu, trong mọi hoàn cảnh của họ, thánh nhân hướng dẫn họ dấn thân vào lòng đạo đức “chân thật và sống động”. Mục đích của ngài như một nhà canh tân, vì cho đến bây giờ sự thánh thiện chỉ dành cho những kẻ xa lánh trần thế.

”Chuyên khảo về tình yêu Thiên Chúa” (1616) được viết từ những kinh nghiệm thần bí và kinh nghiệm của Madame de Chantal. Tác phẩm này, tuyệt tác của văn chương linh đạo, là thủ bản cho đời sống tinh thần, tiếp nối quyển “Dẫn nhập vào đời sống đạo đức”. Là một nhà nhân bản lạc quan, ngài xem ý chí con người, dù có mang nguyên tội, vẫn còn có khả năng vươn lên để biết và nhận ra tình yêu của Thiên Chúa, nhờ sự trợ giúp của Người.

- Thiên Chúa là nguồn gốc tất cả ; Người hiện diện trong tất cả và ”Lý trí của chúng ta hay đúng hơn, linh hồn chúng ta có khả năng suy lý, là Đền thờ đúng nghĩa của Thiên Chúa vĩ đại ; Người trú ngụ nơi đây cách đặc biệt”. “Linh hồn người thân cận, chính là cây trường sinh trong vườn địa đàng : cấm sờ mó vào vì thuộc về Thiên Chúa”.

- Thánh Vincent de Paul nói về thánh giám mục Genève: “Thiên Chúa phải tốt lành vô cùng, vì vị giám mục De Sales rất tốt lành !” Trong thực tế, Francois yếu mến Chúa và con người. Vì ”Thiên Chúa là Thiên Chúa của tâm hồn con người” vì thế Francois trở thành “người phục vụ mọi người trong tất cả”, hoàn toàn tín thác vào Vị Mục Tử nhân lành. Ai tiếp xúc với ngài đều cảm thấy mình là người duy nhất của ngài, vì họ cảm thấy được yêu thương với một tình yêu đơn thuần. Thánh nữ Jeanne de Chantal, trong cuộc thẩm tra phong thánh thánh Francois, đã làm chứng rằng biết bao người đã được thánh nhân giúp đỡ bằng những lời nói nồng ấm, tin cậy, bằng cách lắng nghe và đôi khi “chỉ bằng một cái nhìn”.

Tag:

2020-04-12