“Nhiều vị tiên tri và nhiều đấng công chính đã ao ước trông thấy
điều các con thấy”.
BÀI ĐỌC I: Hc 44, 1. 10-15
“Miêu duệ họ tồn tại đến muôn đời”.
Trích sách Huấn Ca.
Chúng ta hãy ca tụng những vĩ nhân và các tổ phụ chúng ta qua các thời đại. Có những người nhân hậu, mà việc thiện của họ không bao giờ bị lãng quên. Dòng dõi họ được hưởng hạnh phúc, và họ sẽ có con cháu nối dòng, miêu duệ họ trung thành với lời giao ước và con cái họ nhờ họ cũng được trung thành. Miêu duệ họ sẽ tồn tại đến muôn đời, và vinh quang của họ không bao giờ bị lu mờ. Thân xác họ được chôn cất bình an, tên tuổi họ sẽ sống đời này qua đời nọ. Sự khôn ngoan của họ cộng đoàn truyền tụng, và công hội thuật lại lời ngợi khen họ.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 131, 11. 13-14. 17-18
Đáp: Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người (Lc 1, 32a).
Xướng: 1) Chúa đã thề hứa cùng Đavít một lời hứa quả quyết mà Người sẽ chẳng rút lời, rằng: “Ta sẽ đặt lên ngai báu của ngươi một người con cháu thuộc dòng giống ngươi”. - Đáp.
2) Bởi chưng Chúa đã kén chọn Sion, đã thích lựa Sion làm nơi cư ngụ cho mình. Ngài phán: “Đây là nơi nghỉ ngơi của Ta tới muôn đời, Ta sẽ cư ngụ nơi đây, vì Ta ưa thích”. - Đáp.
3) Tại đó, Ta sẽ gầy dựng một uy quyền cho Đavít, sẽ chuẩn bị ngọn đèn sáng cho người được Ta xức dầu. Ta sẽ bắt những kẻ thù ghét người tủi hổ, nhưng triều thiên của Ta chiếu sáng rực rỡ trên mình người. - Đáp.
Tin mừng: Mt 13:16-17
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Phúc cho mắt các con vì được thấy; và phúc cho tai các con vì được nghe. Quả thật, Thầy bảo các con: Nhiều vị tiên tri và nhiều đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy, mà không được thấy; mong ước nghe điều các con nghe, mà không được nghe”.
Lm. Giuse Đinh Tất Quý
Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng lễ Thánh Gioakim và Anna, thân sinh và thân mẫu của Đức Mẹ Maria.... nói rõ và xa hơn một chút là ông ngoại bà ngoại của Chúa Giêsu, Chúa của chúng ta.
Về phương diện Lịch sử, chúng ta không có một chỉ dẫn nào cụ thể, chính xác về đời sống của các Ngài. Tuy nhiên theo một ít tài liệu cổ thì chúng ta cũng thấy có một vài thông tin, tuy rất vắn nhưng cũng đủ để cho chúng ta có được những suy nghĩ liên quan đến cuộc đời của các ngài. Trong cuốn Tự Điển Các Thánh mới được ấn hành gần đây tôi đọc được những thông tin:
Trong cuốn Ngụy kinh của thánh Giacôbê người ta đọc được những lời như thế này về Thánh Anna: “Bà đã phải chờ đợi rất lâu mới có được đứa con. Đây là một thử thách lớn cho bà và chồng bà là Gioakim. Cuối cùng thì một thiên thần đã báo tin cho bà về việc ra đời của một bé gái gọi là Maria. Hai vợ chồng đã dâng con trẻ trong đền thờ cho Chúa”.
Những chỉ dẫn này đã nói với chúng ta điều gì ?
Đọc trong Cựu Ước, qua cuộc đời của những tổ phụ hay một số những bậc công chính, chúng ta có thể thấy rất rõ điều này: Hầu hết các ngài là những người bị thử thách nặng nề nhưng các Ngài vẫn trung kiên trong thử thách và hơn nữa các Ngài còn biết nhận ra tình thương của Chúa qua những thử thách đó để rồi biết dâng lời cám tạ Thiên Chúa.
Chúng ta hãy nhớ lại một chút cuộc đời của Tổ phụ Abraham, tổ phụ Isaac, tổ phụ Giacob và nhất là của Giob.....rồi sau này đến bà Anna mẹ của ngôn sứ Samuen, bà Elizabeth mẹ của Gioan Baotixita vv.. tất cả đều phải trải qua những chặng đường như thế. Tôi tưởng Thánh Gioakim và Thánh Anna cũng không đi ra ngoài con đường đó. Vậy có nên chăng khi chúng ta gọi con đường này là linh đạo Chúa hướng dẫn các con cái yêu quí của Người thời xa xưa ?
Đọc lại Cựu Ước chúng ta thấy quả thực chính nhờ bước vào con đường này mà các ngài đã trở thành công chính trước mặt Thiên Chúa và loài người.
Nhìn lại một chút cuộc đời của Ông Giaokim và bà Anna chúng ta cũng thấy một nét tương tự như thế. “Ông Bà đã phải chờ đợi rất lâu mới có được đứa con. Đây là một thử thách lớn cho ông bà. Cuối cùng thì một thiên thần đã báo tin cho bà về việc ra đời của một bé gái gọi là Maria. Hai vợ chồng đã dâng con trẻ trong đền thờ cho Chúa”.
Vâng Ông Gioakim và bà Anna đã phải trải qua nhiều thử thách nhưng những thử thách đó đã không làm cho các ngài mất đi niềm tin vào Tình Thương của Thiên Chúa.
Để kết thúc một vài suy tư hôm nay tôi xin gửi đến anh chị em một câu chuyện. Câu này do Văn sĩ Marie Noel viết:
Hôm đó là ngày cuối năm, từ trời cao Thiên Chúa nhìn xuống dân gian, mắt Ngài dừng lại tại một nhà thờ đang tập trung để hát bài “Kinh Tạ Ơn”. Nhà thờ không còn tháp chuông. Vị linh mục phải dùng hết sức mình khua vào tường, gõ lên mái nhà để giục giã dân chúng đến nhà thờ. Tuy là ngày mưa lạnh, thế mà nhà thờ vẫn chật ních.
Thiên Chúa nhận ra bà Têrêsa mà ngôi nhà của bà vừa bị thiêu rụi và giờ đây đang phải trú đỡ trong một túp lều lạnh lẽo. Đáng chú ý hơn là nàng Madalena mà người chồng mới bị giết trước mắt mình. Bên cạnh bà là Rosa có ba người con trai đang bị cầm tù. Kia là ông Thêôđôre mà người vợ và hai con bị chôn sống. Đây là cô Magarita trong lúc trốn chạy đã lạc mất đứa con thơ. Kia là ông Pierre, một thương binh từ mặt trận mới trở về.
Tất cả đều liên kết với nhau trong cùng một tâm tình tạ ơn vì mọi hồng ân Chúa ban xuống trong năm qua.
Từ trời cao, Thiên Chúa rất đỗi thán phục, Ngài nói với các Thiên thần:
“Thật Ta bảo thật các ngươi là những tạo vật thánh thiện. Các ngươi hãy nhìn xuống đám dân đáng thương kia. Mười hai tháng qua, họ đã phó thác cho Ta, thế mà Ta chỉ giáng xuống cho họ tai họa và kinh hoàng. Họ đã kêu xin hòa bình, vậy mà Ta đã gửi xuống chiến tranh. Họ đã xin lương thực hằng ngày, vậy mà Ta đã gửi đói khổ. Họ đã tin tưởng ký thác tổ quốc và gia đình trong tay Ta, nhưng Ta lại để cho gia đình và tổ quốc họ ra điêu linh”.
Dĩ nhiên, Ta có lý do của Ta, mà những kẻ bên ngoài không thể hiểu thấu được. Loài người không thể hiểu được. Loài người không thể hiểu được những gì Ta làm. Họ phải gánh chịu mọi hậu quả, vậy mà họ vẫn ca ngợi tạ ơn như thể Ta bao bọc họ theo lời họ cầu xin. Quả thực niềm tin của họ thực lớn lao. Hỡi các thiên thần và các thánh, hãy hát lớn lên, hát để ca tụng những con người trong cơn hoạn nạn mà vẫn tiếp tục ngợi khen”
Nói xong Thiên Chúa liền cất lên: “Hỡi loài người, chúng tôi ca ngợi các ngươi”.
Và các thiên thần cùng hòa tiếng ca tụng loài người.
Lạy Chúa, xin củng cố trong chúng con niềm hy vọng. Xin cho chúng con biết kiên trì trong mọi thử thách, gian nan, đau khổ. Và giữa những vất vả lao nhọc của cuộc đời, xin cho chúng con tìm thấy được niềm vui và nhận ra được thánh ý của Chúa để lúc nào môi miệng chúng con cũng tràn ngập những lời ca tụng tạ ơn. Lạy Thánh Gioakim và thánh Anna xin phù trợ chúng con. Amen.
Lm. Nguyễn Văn Trinh
Cha mẹ của Đức Trinh nữ Maria, tức ông bà ngoại của Chúa Giêsu, đã không được nêu lên trong Tân Ước, cũng không có trong bản gia phả của Phúc Âm thánh Mátthêu, cũng như của Thánh Luca.
Danh tánh Gioakim và Anna được gặp thấy lần đầu tiên trong một tác phẩm ngụy thư được viết để tôn kính Đức Trinh nữ Maria vào khoảng năm 200. Danh tánh bà Anna (Hanna) gợi cho chúng ta nhớ đến người mẹ của tiên tri Samuen (x. 1Sm 1); bà được chồng yêu mến và được Thiên Chúa chúc phúc.
Thánh Anna được Giáo Hội Đông Phương tôn kính từ thế kỷ thứ V; và hiện tại, người Hy Lạp hằng năm vẫn kính nhớ trong 3 ngày lễ. Lễ kính thánh Anna được phổ biến ở Giáo Hội Tây Phương vào thế kỷ thứ X. Thánh Gioakim thì mãi đến thế kỷ XVI mới thấy xuất hiện. Dù vậy, có một sự lên xuống trong thánh lễ mừng kính hai vị thánh này:
Đức Thánh Cha Piô V (+ 1572) loại bỏ thánh lễ kính thánh Anna;
Đức Thánh Cha Giêgôriô XIII (+1585) cho tái lập lại;
Đức Thánh Cha Giêgôriô XV (+ 1623) lại loại bỏ;
Đức Thánh Cha Lêô XIII (+ 1903) cho tái lập và nâng lên bậc II;
Từ đó phụng vụ có:
Ngày 26 tháng 7 mừng lễ thánh Anna.
Ngày 16 tháng 8 mừng lễ thánh Gioakim.
Đức Thánh Cha Phaolô VI (+1978) canh tân phụng vụ, từ đó hai vị thánh được mừng chung vào ngày hôm nay: Ngày 26/07 hàng năm.