Ngày 30/04: Thánh Pi-ô V - giáo hoàng (1504-1572)

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Ngày 30/04: Thánh Pi-ô V - giáo hoàng (1504-1572)

Ngày 30/04: Thánh Pi-ô V - giáo hoàng (1504-1572)

1. Ghi nhận lịch sử - Phụng Vụ

Đức Piô V là vị Giáo Hoàng có công Canh Tân Hội thánh Công giáo; ngài cương quyết thực hiện thành quả của Công đồng Triđentinô trong suốt nhiệm kỳ Giáo Hoàng ngắn ngủi của mình (1566 –1572). Ngài được mừng lễ vào hôm trước ngày người qua đời, nhằm ngày 1 tháng 5 năm 1572.

Michele Ghislieri sinh ra từ một gia đình nghèo nàn, gần Alexandrie, thuộc vùng Píemont vào năm 1504. Ngài vào Dòng Đa-minh lúc mười bốn tuổi, sau đó được thụ phong linh mục, dạy triết học và thần học. Với tính cách của một tu sĩ nhiệt thành và nghiệm nhặt, ngài hoạt động trong các tòa án thẩm tra của Rôma cho đến khi trở thành Tổng ủy viên năm 1550. Sau khi được Đức Giáo Hoàng Phaolô IV phong làm Hồng y và bổ nhiệm làm Tổng thẩm tra viên của các nước Ki-tô-giáo, ngài quan tâm bảo vệ đức tin không suy chuyển.

Năm 1566, Michele Ghislieri được mọi người nhất trí bầu làm Giáo Hoàng. Trong sáu năm làm Giáo Hoàng, Đức Piô V miệt mài canh tân Hội thánh – khởi đầu từ giáo triều Rôma – và quyết tâm thực thi cụ thể các nghị quyết về mục vụ của Công đồng Triđentinô, với sự hỗ trợ của vị Hồng y trẻ Charles Borromée, sau này cũng được phong thánh. Như thế vào thời ấy đã xuất hiện các sách như: Giáo lý Rô-ma (1566), ấn bản mới của bộ Sách nguyện Rô-ma (1568) và bộ Sách Lễ (1570). Các tác phẩm của thánh Tôma Aquinô – được tôn làm tiến sĩ Hội thánh năm 1567 – cũng được tái bản toàn bộ.

Nhờ dựa vào cuộc thẩm tra, Đức Piô V cũng đấu tranh chống sức bành trướng của đạo Tin lành tại Ý và Tây Ban Nha. Về phần nước Anh, ngài ủng hộ Marie Stuart mà phạt vạ tuyệt thông cùng chủ trương hạ bệ nữ hoàng Élisabeth (1570). Song việc này chỉ khiến cho tình cảnh của những người Công giáo trong vương quốc này càng thêm éo le hơn.

Vì lo âu trước tai họa người Thổ Nhĩ Kỳ đang gieo rắc cho Ki-tô-giáo ở Tây Phương, nên Đức Piô V – trong một Châu Âu bị phân hóa – đã cũng với Venise và Tây Ban Nha, thành lập một Liên minh Kitô-giáo. Từ đó, dưới sự chỉ huy của Don Juan d’Autriche, hạm đội liên quân đã thắng trận Lépante (ngày 7 tháng 10 năm 1571), khiến hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ của Ali Pacha thoát chạy tán loạn. Nhân chiến công hiển hách đó đã làm nức lòng giới Kitô giáo đồng thời chấm dứt huyền thoại về đế quốc Ottoman bất bại, Đức PiôV thành lập ngày lễ Đức Bà Toàn Thắng (hay Đức Bà mân Côi).

Vì thế, vị Giáo Hoàng của công cuộc Canh Tân Hội thánh Công giáo cũng là vị thánh của chuỗi Mân Côi. Đặc biệt ngài cũng là người cổ vũ việc lần hạt qua sắc chỉ Consueverunt (1569). Sắc chỉ này giải thích và phần nào xác định hình thức truyền thống của chuỗi Mân Côi (xem thông điệp Marialis cultus, số 42).

Hôm trước ngày người qua đời, Đức Piô V nói với các Hồng y qui tụ quanh mình: “Ta gửi gắm cho chư vị Hội thánh mà ta rất yêu mến. Xin chư vị hãy bầu cho Ta một người kế vị nhiệt thành; vị đó chỉ lo tôn vinh Thiên Chúa và không mưu cầu điều gì khác dưới trần thế này ngoài vinh dự của Tòa thánh và lợi ích cho các nước theo Kitô giáo”.

2. Thông điệp và tính thời sự

a. Lời nguyện riêng gợi lại những công đức to lớn của Đức Piô V. Ngài đã cương quyết bảo vệ đức tin Công giáo và đã quan tâm “Canh tân Phụng Vụ”.

Khi được bầu làm Giáo Hoàng vào một giai đoạn mà các nước theo Kitô giáo càng ngày càng bị phân hóa và cần có ngay một cuộc canh tân đích thực trong các lĩnh vực tín lý, Phụng Vụ và luân lý, thì ngài đã nhiệt thành dấn thân cải cách và cho phổ biến một tác phẩm quan trọng: Sách nguyện và Sách Lễ Rô-ma, cùng giáo lý Công đồng Triđentinô. Ngài nói: “Tâm hồn, sức lực và mọi ý tưởng của chúng ta đều phải hướng về mục đích này: đó là gìn giữ tinh ròng nền Phụng Vụ đã được Hội thánh cử hành”.

Ngay cả trong lĩnh vực giáo luật, Đức Piô V còn ban hành nhiều luật lệ chống lại việc mại thánh và hủ hóa cũng như giám sát việc tuyển chọn các giám mục.

b. Lời chú giải của thánh Augustinô ở phần Kinh sách, nhắc lại vai trò của Phêrô và của những người “đấu tranh đến hy sinh mạng sống vì chân lý đức tin”. “Phêrô nghĩa là toàn thể Hội thánh ở trần thế này đang bị rung chuyển bởi muôn vàn thử thách, song không sụp đổ bởi vì được xây dựng trên đá tảng”. Chính khi noi theo Phêrô mà chúng ta đến gần được tảng Đá sống động, bị loài người vứt bỏ song được Thiên Chúa tuyển chọn. Vì thế, cả chúng ta nữa, chúng ta sẽ trở nên những viên đá sống động của tòa nhà, nơi đó Chúa tìm được niềm vui và vinh quang của Người (xem Xướng đáp).

Enzo Lodi

Tag: