THÁNH GIOAN BOSCO
HIỂN TU
(1815 - 1888)
Lễ nhớ
1. Ghi nhận lịch sử - Phụng Vụ
Thánh Gioan Bosco sinh ngày 16.08.1815 tại Becchi, làng Asti, vùng Piemont. Lúc lên 2, đã mồ côi cha, bà mẹ nuôi nấng và giáo dục vừa nhân bản vừa Kitô giáo. Bà luôn bên cạnh ngài ở Turin trong 10 năm đầu (1846-1856). Gioan Bosco học xong phần tú tài nơi Collège Royal de Chieri. Khi được 20 tuổi, ngài bước vào Chủng viện địa phận Turin, nhờ sự nâng đỡ tài chính của Louis Guala, nhà thần học chống lối nghiêm khắc theo thánh Joseph Cafasso.
Gioan Bosco được thụ phong linh mục vào ngày 05.06.1841, không bao lâu sau đã thành lập “Oratoire Saint-Francois-de-Sales” ở Turin. Trong những năm này, thủ đô Piémont đã bắt đầu sống kỷ nguyên công nghiệp, gây biết bao vấn đề, nhất là việc di tản của giới trẻ. Hiện trạng này cũng đưa đến những hướng dẫn của Hội thánh cho những môi trường văn hóa mới. Chính trong hoàn cảnh này, Gioan Bosco, như nhà tổ chức và là người khởi đầu về điều mà sau này người ta gọi là”hệ thống phòng ngừa” dựa trên “tôn giáo, lý trí, sự nhân hậu”.
Mặc cho phê bình và cả những tấn công mạnh mẽ của những nhóm chống giáo sĩ, Nguyện xá (Oratoire), chỉ hạn hẹp trong các ngày nghỉ, nhưng sau này thường trực, càng ngày càng được phong phú nhờ các xưởng thợ dành cho giới trẻ học nghề, cũng như khả năng hướng về chức linh mục. Vào năm 1868, đã có 800 em tụ tập nơi đây. Đây là một cộng đồng dành cho giới trẻ lớn nhất trong nước Ý. Để đảm bảo cho công trình trong tương lai, Gioan Bosco đã thành lập Tu Hội thánh Francois de Sales (Salésiens), được Hội thánh công nhận vào năm 1869 ; tiếp đến là Hội các cộng tác viên; cuối cùng với sự cộng tác của nữ tu Marie-Dominique Mazzarello, Dòng nữ Salésiennes.
Thời truyền giáo của Dòng Salésien bắt đầu vào năm 1875, cùng với phong trào người Ý di tản sang Nam Mỹ. Luôn đi tìm ân nhân, hỗ trợ cho công trình của mình, Don Bosco đi khắp Âu Châu. Báo Le Figaro vào năm 1879 và báo Times vào năm 1888 đều gọi ngài là “thánh Vinh Sơn mới”.
Don Bosco cũng là một văn sĩ bình dân, viết về giáo lý, hộ giáo và giáo dục. Các “Bài đọc Công giáo” được phổ biến rộng rãi khắp nước Ý, từ đó hình thành “Tạp Chí Salésienne” vào năm 1877. Vị Tông Đồ vĩ đại của giới trẻ qua đời ngày 31.01.1888. Đức Giáo Hoàng Piô XI đã phong thánh ; từ năm 1936, lễ nhớ thánh Don Bosco được cử hành vào ngày thánh nhân qua đời. Cuối cùng Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II tuyên bố Don Bosco là “Cha và là thầy giới trẻ”.
2. Thông điệp và tính thời sự
Trong Lời nguyện nhập lễ cho thấy thánh Bosco là ân sủng Chúa ban cho Hội thánh như “Người cha và thầy” của giới trẻ. Bí mật của đời sống tận hiến trọn vẹn cho giới trẻ nằm trong hai từ trên ; khi đến một tuổi nào đó, ngài nói : ”Tôi đã hứa với Chúa cho đến hơi thở cuối cùng vẫn dành cho giới trẻ nghèo khổ”. Chính tình yêu như một người cha đối với giới trẻ đã thúc đẩy ngài xác quyết : ”Tất cả cuộc đời cha dành cho các con”. Sự sẵn sàng này đã bắt nguồn từ tình thương phụ tử của Thiên Chúa. Ngài nói : ”Giáo dục là việc của con tim ; chỉ vì Thiên Chúa là Thầy duy nhất, chúng ta sẽ không bao giờ thành công, nếu như Người không ban cho chúng ta chìa khóa”.
Trong tất cả các xác quyết trên, lòng nhân hậu chiếm một chỗ đặc biệt nhất. Trong lá thư, Hội thánh trích đọc trong Phụng Vụ Giờ Kinh, Don Bosco khuyên bảo các cộng sự yêu thương giới trẻ như con cái của mình, chỉ vì họ đang giữ vai trò giáo dục của một người cha, mẫu mực cho mọi thứ giáo dục Kitô giáo. Chính thánh nhân làm gương cho chúng ta : ngài viết một lá thư cho Rôma vào năm 1884 rất nổi tiếng: ”Giới trẻ đã được yếu mến đầy đủ chưa ? Anh biết tôi yêu mến chúng như thế nào. Anh cũng biết, vì chúng, tôi đã đau khổ và chịu đựng trong suốt 40 năm qua,và tất cả những gì tôi đau khổ và chịu đựng vẫn còn tới nay”.
Don Bosco rất yêu kính Đức Mẹ : ngài luôn kêu cầu Đức Trinh Nữ Maria dưới tước hiệu Đấng Cầu Bầu cho các tín hữu, ngài nhìn Đức Maria ”Người Mẹ luôn tha thứ và bảo bọc mọi người dưới áo choàng từ ái”. Trong giấc mơ có tính tiên tri vào lúc 19 tuổi, Đức Maria đã mặc khải cho ngài thấy mình là “Nữ chủ”.
Đặc điểm thứ hai của thánh nhân nằm trong phương pháp giáo dục phòng ngừa, đem lại cho Hội thánh việc tiếp xúc với quần chúng. Phương pháp này phải thấy trước những nguy hiểm đang rình rập giới trẻ, nhưng trước tiên nhờ một giáo dục chân tình nhắm vào sự tự do của cá nhân. Phương pháp này đã sản sinh ra hoa trái tốt đẹp nơi Nguyện Xá Valdocco trong con người của thánh Dominique Savio, vị thánh trẻ này nói với một người bạn : ”Nơi đây, sự thánh thiện nằm trong sự vui tươi và chu toàn bổn phận cách tuyệt hảo”.
Thánh Don Bosco luôn nói : “Ước gì giới trẻ hiểu rằng họ được yêu mến”. Lời nguyện nhập lễ cầu xin Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta ”có được tình yêu để đi tìm ơn cứu độ cho anh em chúng ta, để chỉ phục vụ một mình Thiên Chúa làm thôi”. Thánh nhân đã dùng một câu Thánh Kinh làm châm ngôn : Hãy ban cho con các linh hồn và hãy lấy đi tất cả những gì còn lại (St 14,21). Linh đạo của ngài nằm trong hoạt động mà ngài nhấn mạnh : “Không phải sám hối hay kỷ luật mà tôi khuyên anh em, nhưng là lao động, lao động, lao động..”. Lao động “là công trình của Thiên Chúa” và công trình của Thiên Chúa là ”công trình các linh hồn ” được hoàn thành trong thinh lặng, vì như ngài luôn nói : “Sự thiện hảo không ồn ào, và sự ồn ào không làm nên việc thiện”.