Những dụ ngôn của Đức Giêsu

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Những dụ ngôn của Đức Giêsu

Những dụ ngôn của Đức Giêsu

NHỮNG DỤ NGÔN CỦA ĐỨC GIÊSU
(Khám phá ý nghĩa nguyên thủy của các dụ ngôn trong Tin Mừng Matthêô)

Helmut Koester, biblicalarchaeology.org
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

WGPQN (6.7.2020) - Những dụ ngôn của Đức Giêsu nằm trong số những lời nói được sưu tập sớm nhất. Một bộ sưu tập những dụ ngôn đã làm nền tảng cho chương 4 của Tin Mừng Marcô. Rồi tác giả Tin Mừng Matthêô sử dụng chất liệu của Marcô và thêm vào nhiều dụ ngôn từ các nguồn khác, hình thành nên một diễn từ thống nhất ở chương 13 với 7 dụ ngôn: dụ ngôn Người gieo giống (Mt 13,1–9), Cỏ lùng (13,24–30), Hạt cải (13,31–32), Nắm men (13,33), Kho tàng chôn giấu (13,44), Ngọc quý (13,45–46), và Chiếc lưới (13,47–50).

Vào thời điểm các dụ ngôn này được viết ra, chúng đã được các cộng đoàn Kitô giáo sử dụng một thời gian lâu dài, đôi khi thay đổi cả ý nghĩa nguyên thủy. Điều này khá rõ ràng trong dụ ngôn Người gieo giống (Mc 4,13–20; Mt 13,18–23) mà Marcô đã thêm vào một giải thích ẩn dụ, đem lại cho dụ ngôn một ý nghĩa đặc biệt. Trong dụ ngôn Người gieo giống, giải thích ẩn dụ hiểu rằng có bốn loại đất mà trên đó hạt giống rớt xuống tượng trưng cho 4 loại người tiếp nhận lời Chúa: (1) những người mà Satan có thể lấy đi lời đã được gieo, (2) những người ban đầu vui vẻ đón nhận nhưng mất đức tin khi gặp bách hại, (3) những người mà lời không lớn lên được vì bị vinh hoa phú quý, và (4) là những người mà lời bén rễ, lớn lên và mang lại hoa trái gấp 30, 60, 100 lần.

Cách hiểu như vậy khác với ý nghĩa nguyên thủy của lời Đức Giêsu. Khi Đức Giêsu kể dụ ngôn, nó ngắn gọn hơn, giống như bản ngắn gọn trong ngụy thư của
Thánh Tôma được tìm thấy gần đây (#9):

Người gieo giống ra đi và hốt một nắm hạt giống rồi tung gieo. Một số hạt rơi trên đường; chim chóc đến và ăn mất. Một số khác rơi trên đá, không đâm rễ nên không mọc lên được. Số khác rơi vào bụi gai, nó bóp nghẹt hạt giống và sâu bọ đến ăn mất. Số khác rơi vào đất tốt và sinh hoa trái; đến 60 hoặc 120 lần.

Dưới hình thức này, dụ ngôn chỉ tập trung vào hạt giống rơi vào đất tốt và mang lại hoa trái phong phú đến khó tin, trong khi những hạt giống bị phung phí và không đem lại kết quả được nói đến chỉ để gây tương phản. Nước Trời cũng giống như vậy: mặc dù nhiều hạt giống bị mất đi và dù người gieo giống cứ vô tư ném những hạt giống trên đường, trên đá và vào bụi gai, song kết quả lại phong phú đến bất ngờ. Điểm nhấn của dụ ngôn này giống với các dụ ngôn Hạt cải và Nắm men.

Dụ ngôn Cỏ lùng (Mt 13,24–30)cũng có một lời giải thích ẩn dụ trong Tin Mừng Matthêô  (Mt 13,36–43): “kẻ gieo hạt giống tốt” là Con Người, “ruộng” là thế gian, “hạt giống tốt” là con cái Nước Trời, “hạt giống xấu” là con cái Ác thần, “kẻ thù” là ma quỷ và đốt lửa sau vụ gặt là ngày phán xét cuối cùng.  Tuy nhiên, nguyên thủy dụ ngôn không nói về hạt lúa hạt cỏ cũng như việc đốt lửa với ý nghĩa ẩn dấu. Đúng ra, đây chỉ là câu chuyện về một nông dân gieo hạt giống chất lượng trong ruộng mình và kiên nhẫn chờ đợi, như một người nông dân khôn ngoan, dù cho cỏ có mọc lên cùng với lúa. Như vậy, Đức Giêsu khuyên người nghe phải kiên nhẫn và tín thác, không hốt hoảng khi thấy nhiều sự dữ trong thế gian.

Khuynh hướng của Matthêô là hiểu các dụ ngôn như là những ẩn dụ với ý nghĩa ẩn tàng đã rất rõ trong giải thích dụ ngôn Chiếc lưới. Trong hình thức nguyên thủy, dụ ngôn nói về sự khôn ngoan chọn lựa những điều gì là tốt. Như dụ ngôn được kể trong Tin Mừng Tôma (#8), rõ ràng muốn minh họa cho sự khôn ngoan:

Con người giống như anh ngư phủ thả lưới trên biển và kéo vào đầy cá. Trong số đó anh thấy có lượng cá lớn. Anh ném tất cả những con cá nhỏ xuống biển và chọn những con cá lớn không chút khó khăn.

Trái lại Mt 13,49–50 thay đổi kết luận để nói về Ngày phán xét cuối cùng: “Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính.”

Các dụ ngôn nguyên bản được Đức Giêsu kể, chúng được nói với mọi người và mọi người đều hiểu. Chúng không có ý nghĩa ẩn dấu mà chỉ những người bên trong được khai mở thì mới khám phá được qua những giải thích ẩn dụ phức tạp. Các học giả đồng tình nhìn nhận rằng ý nghĩa ẩn dụ được thêm vào các dụ ngôn ở giai đoạn lưu truyền sau này. Vào thời các dụ ngôn xuất hiện trong các Tin Mừng theo quy điển, chúng được cho là chỉ có thể hiểu được đối với những người đã lãnh nhận “mầu nhiệm (hay các mầu nhiệm) nước trời”,  và rằng chúng giấu đi sứ điệp thật sự để người ngoài không thể hiểu được (Mt 13,10–15; Mc 4,10–12). Khi cho các dụ ngôn như là những giáo huấn bí mật, Giáo hội khẳng định chúng là giáo lý đặc biệt của Kitô giáo và sử dụng chúng để giải thích những kinh nghiệm trong các cộng đoàn Kitô hữu. Các Kitô hữu muốn biết tại sao có quá nhiều người mất đức tin trong các cơn bách hại (“Lời không đâm rễ sâu trong tâm hồn họ”, Mt 13,21), tại sao những người khác không thể nào phát triển đức tin để sinh hoa kết quả (“vinh hoa phú quý đã cám dỗ họ”, Mt 13,22) và rốt cuộc kẻ làm điều gian ác có bị phạt hay không (“ngày phán xét, chúng sẽ bị ném vào lửa đời đời”, Mt 13,42.50). Tuy nhiên, các dụ ngôn nguyên thủy vẫn được bảo lưu và sứ điệp của chúng vẫn có thể được hiểu là: chúng nói về sự kiên nhẫn, sự khôn ngoan và sự tín thác vào quyền năng Thiên Chúa.

Nguồn: gpquinhon.org

Tag:

2020-07-06