Sứ điệp của ĐTC cho Ngày thế giới người nghèo lần thứ VIII

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Sứ điệp của ĐTC cho Ngày thế giới người nghèo lần thứ VIII

Sứ điệp của ĐTC cho Ngày thế giới người nghèo lần thứ VIII

Vatican News

Sứ điệp của ĐTC

cho Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ VIII

Ngày 17 tháng 11 năm 2024

Kẻ nghèo vừa mở miệng cầu khẩn là Chúa lắng tai nghe (Hc 21, 5)

Anh chị em thân mến,

1. Kẻ nghèo vừa mở miệng cầu khẩn là Chúa lắng tai nghe (Hc 21,5). Trong năm dành cho việc cầu nguyện, hướng tới Năm Thánh Thường lệ 2025, hơn bao giờ hết, cách thể hiện sự khôn ngoan theo Kinh Thánh này thích hợp để giúp chúng ta chuẩn bị cho Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ VIII, sẽ được cử hành vào ngày 17/11. Niềm hy vọng Kitô giáo cũng bao hàm sự chắc chắn rằng lời cầu nguyện của chúng ta vươn đến sự hiện diện của Thiên Chúa; không chỉ như bất kỳ lời cầu nguyện nào nhưng là lời cầu nguyện của người nghèo! Chúng ta hãy suy niệm những Lời này và “đọc” những Lời này trên những khuôn mặt và câu chuyện của những người nghèo mà chúng ta gặp hàng ngày, để lời cầu nguyện trở thành một cách hiệp thông và chia sẻ đau khổ của họ.

2. Sách Huấn ca mà chúng ta đang nói đến, không được nhiều người biết đến, và xứng đáng được khám phá vì sự phong phú của các chủ đề mà sách đề cập, đặc biệt là về mối quan hệ của con người với Thiên Chúa và thế giới. Tác giả Ben Xira là một thầy dạy, một ký lục của Giêrusalem, có lẽ đã viết vào thế kỷ thứ hai trước Công nguyên. Ông là một người khôn ngoan, bắt nguồn từ truyền thống Israel, giảng dạy trong nhiều lĩnh vực của đời sống con người: từ công việc đến gia đình, từ đời sống xã hội đến giáo dục giới trẻ; ông chú ý đến các vấn đề liên quan đến đức tin vào Thiên Chúa và việc tuân giữ Lề Luật. Tác giả giải quyết những vấn đề khó khăn về tự do, sự dữ và công lý của Thiên Chúa, những vấn đề cũng rất liên quan đến chúng ta ngày nay. Được linh hứng bởi Thần Khí, Ben Xira tìm cách chỉ ra cho mọi người con đường bước theo để sống một cuộc sống khôn ngoan và xứng đáng trước Thiên Chúa và anh chị em chúng ta.

3. Một trong những chủ đề mà tác giả thiêng liêng này quan tâm đặc biệt là cầu nguyện. Ông làm như vậy với lòng nhiệt thành tuyệt vời, vì ông nói lên kinh nghiệm cá nhân của chính mình. Thực tế, không có bài viết nào về cầu nguyện có thể hữu hiệu và sinh hoa trái nếu lời cầu nguyện này không bắt đầu từ những người sống trước sự hiện diện của Thiên Chúa mỗi ngày và lắng nghe Lời Người. Ben Xira tuyên bố rằng ông đã tìm kiếm sự khôn ngoan từ khi còn trẻ: “Thời còn trẻ, trước khi bôn ba đây đó, tôi đã công nhiên tìm kiếm đức khôn ngoan khi dâng lời cầu nguyện” (Hc 51,13).

4. Trong cuộc hành trình này, ông khám phá ra một trong những chân lý nền tảng của mạc khải, đó là người nghèo có một vị trí đặc biệt trong trái tim Thiên Chúa, đến mức, trước đau khổ của họ, Thiên Chúa “thiếu kiên nhẫn” cho đến khi Người thực hiện công lý cho họ: “Lời nguyện của người nghèo vượt ngàn mây thẳm. Lời nguyện chưa tới đích, họ chưa an lòng. Họ sẽ không rời đi bao lâu Đấng Tối Cao chưa đoái nhìn, chưa xét xử cho người chính trực và thi hành công lý” (Hc 35,17-18). Thiên Chúa biết những đau khổ của con cái Người, bởi vì Người là một người Cha quan tâm và ân cần đến tất cả. Là Cha, Người chăm sóc cho những ai thiếu thốn nhất: người nghèo, người bị gạt ra bên lề xã hội, người đau khổ, người bị lãng quên... Không ai bị loại trừ khỏi trái tim của Người, vì trước mặt Người, tất cả chúng ta đều nghèo và thiếu thốn. Tất cả chúng ta đều là những người ăn xin, vì nếu không có Chúa, chúng ta sẽ chẳng là gì cả. Chúng ta thậm chí sẽ không có sự sống nếu Chúa không ban cho chúng ta. Tuy nhiên, biết bao lần chúng ta sống như thể chúng ta là chủ cuộc sống hoặc như thể chúng ta phải chiếm hữu cuộc sống! Não trạng thế gian đòi hỏi chúng ta trở thành ai đó, tạo tên tuổi cho chính mình bằng bất cứ giá nào, phá vỡ các quy tắc xã hội để đạt được sự giàu có. Thật là một ảo tưởng đáng buồn! Hạnh phúc không có được bằng cách chà đạp lên quyền và phẩm giá của người khác.

Bạo lực do chiến tranh gây ra cho thấy rõ sự kiêu ngạo của những người tự coi mình là có quyền lực trước mọi người, nhưng lại nghèo nàn trước mắt Thiên Chúa. Biết bao người bị bần cùng hoá bởi chính sách vũ trang độc ác này, biết bao nạn nhân vô tội! Tuy nhiên, chúng ta không thể lùi bước. Các môn đệ Chúa biết rằng mỗi “người bé mọn” này đều mang hình ảnh Con Thiên Chúa, và tình liên đới của chúng ta và dấu chỉ bác ái Kitô giáo phải chạm đến mỗi người. “Mỗi cá nhân và mỗi cộng đoàn Kitô được kêu gọi trở thành một dụng cụ của Thiên Chúa cho việc giải phóng và thăng tiến người nghèo, và giúp họ trở nên thành viên đầy đủ của xã hội. Việc này đòi chúng ta phải mở lòng và chăm chú lắng nghe tiếng kêu của người nghèo và đến cứu giúp họ” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 187).

5. Trong năm dành cho cầu nguyện này, chúng ta cần biến lời cầu nguyện của người nghèo thành của mình và cầu nguyện với họ. Đó là một thách đố chúng ta phải đón nhận và là một hoạt động mục vụ cần được nuôi dưỡng. Thực tế, “sự kỳ thị tồi tệ nhất mà người nghèo phải chịu là thiếu sự chăm sóc thiêng liêng. Đa số người nghèo có một sự mở lòng đặc biệt với đức tin; họ cần Thiên Chúa và chúng ta không thể không cống hiến cho họ tình bạn, sự chúc lành, lời nói, việc cử hành các bí tích và một hành trình lớn lên và trưởng thành trong đức tin. Chọn lựa ưu tiên của chúng ta vì người nghèo phải chủ yếu trở thành một sự chăm sóc tôn giáo đặc biệt và ưu tiên cho họ” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 200).

Tất cả những điều này đòi hỏi một trái tim khiêm nhường, có can đảm để trở thành một người ăn xin. Một trái tim sẵn sàng nhận ra mình là người nghèo và thiếu thốn. Thực tế, có một mối tương quan giữa nghèo đói, khiêm nhường và tin tưởng. Người nghèo thực sự là những người khiêm nhường, như Thánh Giám mục Augustinô nói: “Người nghèo không có gì để tự hào, người giàu phải chiến đấu với sự kiêu hãnh của mình. Vì vậy, hãy nghe tôi: thực sự nghèo khó, đạo đức, khiêm nhường” (Bài giảng 14, 4). Người khiêm nhường không có gì để khoe khoang và không đòi hỏi điều gì, họ biết họ không thể dựa vào chính mình, nhưng họ tin tưởng chắc chắn rằng họ có thể kêu gọi tình yêu thương xót Thiên Chúa, trước mặt Người như người con hoang đàng trở về nhà, ăn năn để đón nhận vòng tay của cha mình (Lc 15, 11-24). Người nghèo, không có gì để dựa vào, nhận được sức mạnh từ Thiên Chúa và đặt trọn niềm tin tưởng nơi Người. Thật vậy, sự khiêm nhường tạo ra niềm tin rằng Thiên Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta hoặc bỏ mặc chúng ta mà không đáp lời.

6. Đối với những người nghèo sống trong các thành phố chúng ta và là một phần của cộng đoàn chúng ta, tôi nói: đừng đánh mất sự tin chắc này! Thiên Chúa quan tâm đến từng người trong anh chị em và gần gũi với anh chị em. Người không quên anh chị em và cũng không bao giờ có thể quên anh chị em. Tất cả chúng ta đều trải qua kinh nghiệm về việc cầu nguyện nhưng dường như không được đáp lời. Đôi khi chúng ta cầu xin được giải thoát khỏi nỗi khốn cùng làm cho chúng ta đau khổ và nhục nhã, và dường như Thiên Chúa không nghe tiếng kêu của chúng ta. Nhưng sự im lặng của Chúa không có nghĩa là Người không chú ý đến những đau khổ của chúng ta; đúng hơn, điều này chứa đựng một lời yêu cầu phải được đón nhận với lòng tin tưởng, phó thác chính mình cho Chúa và ý muốn của Người. Một lần nữa, sách Huấn ca chứng thực cho điều này: “Sự xét xử của Thiên Chúa sẽ ưu ái người nghèo” (21, 5). Do đó, từ nghèo khó, bài ca của niềm hy vọng đích thực nhất có thể tuôn chảy. Chúng ta hãy nhớ rằng “Khi mà đời sống nội tâm của chúng ta bị trói chặt trong những lợi ích và những mối quan tâm riêng của nó, thì không còn chỗ cho người khác, không còn chỗ cho người nghèo. Tiếng nói của Thiên Chúa không còn được nghe thấy, niềm vui an bình của tình yêu của Người không còn được cảm thấy, và ước muốn làm điều thiện bị phai mờ. […] Đây không phải là đời sống trong Thần Khí bắt nguồn từ trái tim của Chúa Kitô Phục Sinh” (Tông Huấn Evangelii Gaudium, 2).

7. Ngày Thế giới Người nghèo giờ đây đã trở thành một sự kiện cho mọi cộng đoàn Giáo hội. Không được đánh giá thấp cơ hội mục vụ này, vì nó thách đố mọi tín hữu lắng nghe lời cầu nguyện của người nghèo, ý thức được sự hiện diện và nhu cầu của họ. Đây là một cơ hội thích hợp để thực hiện các sáng kiến giúp đỡ người nghèo một cách cụ thể, và cũng để ghi nhận và hỗ trợ nhiều tình nguyện viên đang tận tâm cống hiến cho những người thiếu thốn nhất. Chúng ta phải tạ ơn Chúa vì những người sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ những người nghèo nhất. Đó là các linh mục, những người thánh hiến, giáo dân, bằng chứng tá của mình, lên tiếng đáp lại lời cầu nguyện của những người hướng về Chúa. Do đó, sự im lặng này bị phá vỡ mỗi khi một anh chị em thiếu thốn được chào đón và đón nhận. Người nghèo vẫn còn nhiều điều để dạy chúng ta, bởi vì trong một nền văn hóa đặt sự giàu có lên hàng đầu và thường hy sinh phẩm giá của con người trên bàn thờ của cải vật chất, họ bơi ngược dòng, nhấn mạnh rằng điều thiết yếu cho cuộc sống là một cái gì đó khác.

Do đó, lời cầu nguyện được xác minh bằng lòng bác ái đích thực được thể hiện qua sự gặp gỡ và gần gũi. Nếu lời cầu nguyện không được chuyển thành hành động cụ thể, thì điều đó là vô ích; thật vậy, “đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2, 26). Tuy nhiên, bác ái mà không cầu nguyện có nguy cơ trở thành hoạt động từ thiện sớm cạn kiệt. “Nếu không trung thành cầu nguyện hằng ngày, hành động của chúng ta sẽ trống rỗng, mất đi linh hồn sâu sắc, và chỉ còn là một hoạt động đơn thuần” (Biển Đức XVI, Giáo lý, 25/04/2012). Chúng ta phải tránh cám dỗ này và luôn luôn canh thức với sức mạnh và sự kiên trì đến từ Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống.

8. Trong bối cảnh này, thật đẹp khi nhớ lại chứng tá mà Mẹ Têrêsa Calcutta để lại cho chúng ta, một phụ nữ đã trao ban chính mình cho người nghèo. Mẹ thường nhắc lại rằng chính từ cầu nguyện mà Mẹ đã có được sức mạnh và đức tin cho sứ vụ phục vụ những người bé mọn nhất. Ngày 26/10/1985, phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, khi cho mọi người xem chuỗi Mân Côi mà Mẹ luôn cầm trên tay, Mẹ nói: “Tôi chỉ là một nữ tu nghèo cầu nguyện. Khi tôi cầu nguyện, Chúa Giêsu đặt tình yêu của Người trong trái tim tôi và tôi đi trao nó cho tất cả những người nghèo mà tôi gặp trên đường. Hãy cầu nguyện, và quý vị sẽ nhận thấy những người nghèo xung quanh quý vị. Có lẽ ở cùng tầng trong toà nhà chung cư của quý vị. Có lẽ ngay cả trong nhà của quý vị cũng có những người đang chờ đợi tình yêu của quý vị. Hãy cầu nguyện, và mắt quý vị sẽ được mở ra và trái tim quý vị sẽ tràn ngập tình yêu”.

Và làm sao chúng ta có thể quên ở đây, tại thành phố Roma, Thánh Benedetto Giuseppe Labre (1748-1783), thi hài ngài an nghỉ và được tôn kính trong nhà thờ giáo xứ Thánh Maria ai Monti. Là một người hành hương từ Pháp đến Roma, bị nhiều tu viện từ chối, ngài đã trải qua những năm cuối đời nghèo khó giữa những người nghèo, dành hàng giờ đồng hồ để cầu nguyện trước Thánh Thể, với chuỗi Mân Côi, đọc Kinh Phụng vụ, đọc Tân Ước và theo gương Chúa Kitô. Thậm chí không có một căn phòng nhỏ để ở, ngài có thói quen ngủ trong một góc của đống đổ nát của Đấu trường Colosseo, như một “kẻ lang thang của Thiên Chúa”, làm cho cuộc đời của thánh nhân trở thành một lời cầu nguyện không ngừng dâng lên Chúa.

9. Trên hành trình hướng tới Năm Thánh, tôi kêu gọi mọi người hãy trở thành một người hành hương của hy vọng, đặt ra những dấu chỉ hữu hình cho một tương lai tốt đẹp hơn. Chúng ta đừng quên trân trọng “những chi tiết nhỏ bé của tình yêu” (Tông huấn Gaudete et Exsultate, 145): dừng lại, đến gần hơn, chú ý một chút, một nụ cười, một sự âu yếm, một lời an ủi... Những cử chỉ này cần sự dấn thân hàng ngày, thường kín đáo và im lặng, nhưng được củng cố bằng lời cầu nguyện. Vào thời điểm này, khi bài ca hy vọng dường như nhường chỗ cho tiếng ồn ào của vũ khí, tiếng kêu của rất nhiều người vô tội bị thương và sự im lặng của vô số nạn nhân của chiến tranh, chúng ta hãy dâng lời cầu xin hòa bình lên Thiên Chúa. Chúng ta thiếu hòa bình và chúng ta dang tay ra để đón nhận hoà bình như một hồng ân quý giá và đồng thời dấn thân dệt hoà bình trở lại trong cuộc sống hàng ngày.

10. Chúng ta được kêu gọi trong mọi hoàn cảnh trở thành bạn của người nghèo, theo bước chân Chúa Giêsu, Đấng đầu tiên thể hiện tình liên đới với những người bé mọn nhất. Xin Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria Rất Thánh nâng đỡ chúng ta trên hành trình này, Đấng khi hiện ra tại Banneux đã để lại cho chúng ta sứ điệp không thể quên: “Ta là Trinh Nữ của người nghèo”. Chúng ta phó thác nơi Mẹ, người được Thiên Chúa đoái nhìn vì sự khó nghèo khiêm nhường của Mẹ, qua việc thực thi những điều vĩ đại bằng sự vâng phục của Mẹ, chúng ta phó thác lời cầu nguyện của chúng ta, xác tín rằng lời cầu nguyện ấy sẽ lên tới trời cao và được lắng nghe.

Roma, Đền thờ thánh Gioan Laterano, ngày 13 tháng 6 năm 2024, Lễ nhớ thánh Antôn Padova.

Phanxicô

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

Tag:

2024-06-13