SUY TÔN THÁNH GIÁ (2)
Giê-ru-sa-lem ngày 4 tháng 9 năm 2020
Linh mục Giu-se Nguyễn Công Đoan, S.J.
WHĐ (12.9.2020) – Ít ngày trước tôi đã viết về điều ước của thánh Phao-lô để mừng 350 năm thành lập Dòng Mến Thánh Giá và đã được hưởng ứng rộng
rãi. Tôi hứa với ban “Nghiên Cứu” là sẽ viết tiếp một bài nữa cho ngày lễ Suy
Tôn Thánh Giá.
Trong bài trước
tôi có kể cái “gốc Mến Thánh Giá của tôi”. Cuối bài tôi kể về Dì Y-sa-ve Ngọ
đưa bàn tay đẫm máu hồng cầm thánh giá giơ lên như chiến lợi phẩm, tôi viết điều ước của tôi: Tôi không ước được thấy các nữ tu Mến Thánh Giá – cách riêng các cháu của
tôi - đưa hai bàn tay đẫm máu hồng cầm Thánh Giá dâng cao như Dì Y-sa-ve Ngọ, tôi chỉ xin cho lời cam kết mà các chị
tuyên lại hàng ngày trở thành sự thật như cuộc đời Bà Mát-ta Lành: “Đức
Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí con”.
Một cháu của tôi
đã trả lời: Ông không mong chúng cháu phải
chịu đau khổ nào, nhưng có khổ mới cảm thấy giá trị của hạnh phúc ông nhỉ ?!
Quả là cháu đích tôn rồi! Cháu làm tôi lại nhớ một câu hát ngược lại mà những
năm được “hơn hẳn thầy tu một dấu huyền”
ở lầu bát giác Chí Hòa, tôi hay nghe các bạn trẻ chung phòng nghêu ngao: “Nếu biết rằng yêu là đau khổ, thà dương gian
đừng có chúng mình”.
Thế nhưng Đấng là
hạnh phúc của các thiên thần đã nhảy xuống dương gian và uống cạn bể khổ, không
chừa cặn, để tỏ cho loài người biết thế nào là yêu đến cùng, rồi mở toang trái
tim để làm bằng chứng. Ôi thật là dại dột, dại hết cỡ, không chừa lề cho ai. Đấng
Khôn Ngoan vô cùng mới làm được và đã làm. Thế là bây giờ ai muốn chung chia
cái yêu và cái dại ấy thì chỉ có một cửa là chọn “Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh thánh giá là đối tượng duy nhất của
lòng trí con”.
Vị Tông Đồ đã ba
lần chối Thầy, rồi ba lần tuyên xưng và xin Chúa làm chứng “Thầy biết con yêu mến Thầy” (2 lần); “Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến
Thầy” (lần 3), được Chúa trao cho chăn dắt đoàn chiên của Chúa, đoàn chiên
mà Chúa đã sắm được bằng cái giá uống cạn bể khổ, thì Chúa hứa cho chung phần:
Thật, Thầy bảo thật cho anh biết : lúc còn trẻ,
anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải
dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” 19Người
nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế
rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy.” (Ga 21,18-19)
Còn vị Tông Đồ tự
nhận mình là hàng chót: “Tôi là người hèn
mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì
đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa.” (1Cr 15,9). Sau khi Chúa phục sinh “đã bắt” (x. Pl 3,12) được “kẻ
ngược đãi Hội Thánh” trên đường Đa-mát, Chúa sai môn đệ Kha-na-nia đi gặp
ông, thì Kha-na-nia chưa biết chuyện nên sợ, Chúa phán: “Cứ
đi, vì người ấy là lợi khí Ta chọn để mang danh Ta đến trước mặt các dân ngoại…
Chính Ta sẽ chỉ cho người ấy thấy tất cả những đau khổ người ấy phải chịu vì
danh Ta” (Cv 9,15-16).
Vị Tông Đồ Dân
Ngoại này mới “giải nghĩa nhiệm màu”
của Tình Yêu, không phải như tác giả thánh vịnh “mượn phím đàn” (Tv 48/49,5), nhưng bằng cả tâm hồn và
thân xác, bằng lời rao giảng và bằng chính cuộc đời tiêu hao vì lòng yêu mến
đoàn chiên của Chúa như Chúa đã yêu.
Hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô,
mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá. 3Vì
thế, khi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy. 4Tôi
nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa
vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. (1Cr
2,2-4).
So với cung cách
và lời lẽ bài thánh Phao-lô trình bày trước Hội Đồng gồm các nhà thông thái ở
A-thê-na (Cv 17,22-31), trước khi tới
Cô-rin-tô, thì thấy thật trái ngược! Ở A-thê-na cung cách hiên ngang, lời lẽ
văn hoa, trưng dẫn cả triết gia Hy-lạp, không nói tới thập giá, chỉ trình bày một
con người được Thiên Chúa đặt làm Đấng phán xét cả vũ trụ, được bảo chứng bằng
sự phục sinh.
Thánh Phao-lô quả
là người đã chọn và đã sống “hai trăm phần trăm” lời tâm niệm “Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh là đối tượng
duy nhất của lòng trí con”!
Thánh Phao-lô tôn
vinh Chúa Giê-su chịu đóng đinh nơi thân xác mình bằng những dấu vết của đòn vọt
xé da xé thịt giống Chúa Giê-su, và coi đó là vinh quang của mình, và là bảo chứng
cho sứ mạng tông đồ của mình:
13Chính những kẻ được cắt bì cũng không giữ
Lề Luật, nhưng họ muốn anh em phải cắt bì để tìm được nơi thân xác anh em, một lý do hãnh diện. 14Ước
chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, nếu không phải là nơi thập giá Đức Giê-su Ki-tô,
Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế
gian đã bị đóng đinh
vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian. 15Quả thật, cắt bì hay
không cắt bì chẳng là gì cả, điều quan trọng là trở nên một thụ tạo mới. 16Chúc
tất cả những ai sống theo quy tắc ấy, và chúc Ít-ra-en của Thiên
Chúa được hưởng bình an và lòng thương xót của Người.17Từ nay, xin đừng có ai gây phiền toái cho tôi nữa,
vì tôi mang trên mình tôi những dấu tích của Đức Giê-su. (Gl
6,13-17)
Lấy làm hãnh diện,
tức coi đó là vinh quang của mình. Người ta vênh mặt như thách thức, khi dể mọi
người, vểnh râu[1] hãnh
diện vì chức cao quyền trọng, vì giàu sang phú quý, hay chỉ vì là cậu ấm, cô
chiêu, “vênh vang hoạnh họe nhờ oai bố”, xưa cũng như nay…
Tôi thay đổi bản
dịch một chút [nếu không phải là nơi thập
giá], vì thánh Phao-lô đang bút chiến với những kẻ muốn thuyết phục các tín
hữu đã chịu phép thánh tẩy còn phải chịu cắt bì và giữ luật Mô-sê mới được cứu
độ. Như thế họ tìm được cớ hãnh diện
ở nơi thân xác các tín hữu vì cũng
mang dấu vết cắt bì như họ và theo ý họ, đó là “chiến lợi phẩm” của họ. Còn
vinh quang của thánh Phao-lô và của các tín hữu là ở nơi thánh giá của Đức
Giê-su Ki-tô (x. Ca nhập lễ, Thánh lễ Tiệc Ly thứ Năm Tuần Thánh).
Thập giá còn là
vinh quang vì là hiệu kỳ chiến thắng của Đức Ki-tô mà thánh Phao-lô mang nơi
thân xác mình: “Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối
với tôi, và tôi đối với thế gian.” Trong Tin Mừng thứ tư, khi giải
nghĩa cho các môn đệ về cuộc thương khó sắp bắt đầu, Chúa Giê-su nói: “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn
khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế
gian” (Ga 16,33). Chúa Giê-su
đã thắng bằng cách nào, bằng khí giới nào?
Chúa Giê-su đã giải
thích trước đó: “Thủ lãnh thế gian đang đến.
Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy. 31Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa
Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy.” (Ga 14,30-31).
Xa-tan là thủ
lãnh thế gian, vì nó đã xúi được loài người nổi loạn, không yêu mến, không vâng
phục Thiên Chúa, nhưng muốn nên bằng Thiên Chúa, và từ đó nó là thủ lãnh thế
gian, tạo nên cả một cái thế giới thù nghịch với Thiên Chúa. Nó đã đến cám dỗ
Chúa Giê-su khi Chúa ở trong hoang địa, nhưng nó đã thua. Tuy thế nó vẫn còn
bám theo Chúa suốt mấy năm trời, dùng đám đông (x. Ga 6, 15), dùng cả người môn đệ thân tín nhất là Phê-rô để cám dỗ
Chúa (x. Mc 8,32-33; Mt 16,22-23); cuối cùng thì nó dùng một
người trong nhóm mười hai để tạo dịp thuận tiện (Lc 22,3-6) cho nó tấn công Chúa lần cuối (22,53). Chúa Giê-su đã thắng
nó bằng cây thập giá.
Ngày thứ Sáu Tuần
Thánh trong phụng vụ Suy Tôn Thánh Giá, ba lần linh mục hoặc phó tế giương cao
thánh giá và tung hô: “Đây là cây Thánh
Giá, nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian”, mỗi lần cộng đoàn phụng vụ đáp “Chúng ta hãy đến thờ lạy”. Rồi tất cả quỳ
gối thờ lạy như trước Thánh Thể. Phụng vụ trước Công Đồng mang phẩm phục đen,
như để tang. Ở miền Bắc giáo dân còn đội khăn tang nữa. Phụng Vụ hiện nay mang
phẩm phục màu đỏ, mừng chiến thắng. Ngày đó chúng ta ăn chay kiêng thịt để nhìn
nhận rằng vì tội lỗi chúng ta mà Con Thiên Chúa đã làm người và chết trên cây
thánh giá để nhân danh cả loài người tỏ lòng yêu mến Cha, vâng phục Cha đến
cùng. Đồng thời chúng ta mừng cuộc chiến thắng của Chúa Giê-su giải thoát chúng
ta khỏi ách nô lệ tội lỗi, như xưa Thiên Chúa đã giải thoát Dân Chúa khỏi ách
nô lệ Ai-cập.
Chúa Giê-su chiến
thắng Xa-tan là kẻ đã nổi loạn và xúi loài người nổi loạn không vâng phục Thiên
Chúa, bằng cách “hạ mình vâng phục cho đến
nỗi bằng lòng chết và chết trên thập giá”. Vì thế thánh giá là cờ hiệu của
chiến thắng khiến Xa-tan đang lồng lộn mưu triệt hạ ở khắp bốn phương thiên hạ,
như tin tức hàng ngày không ngừng cho chúng ta thấy.
Suy tôn thánh giá trong cuộc đời chúng ta.
Cây thập giá trên
nóc tháp chuông, trên bàn thờ, người ta có thể phá đổ, hạ xuống. Chỉ có một nơi
dựng thập giá mà không ai có thể phá đổ hay hạ xuống – ngoại trừ chính bản thân
chúng ta – Đó là trong lòng trí và cuộc
đời chúng ta.
Mỗi người chúng ta
đều được ghi dấu thánh giá trên trán và trong lòng khi chịu Phép Rửa. Mỗi ngày
chúng ta làm dấu thánh giá trên mình bao nhiêu lần… Nữ tu Mến Thánh Giá
thì tuyên xưng “Đức Giê-su Ki-tô chịu
đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí con”, tụng niệm lời này hàng ngày
bao nhiêu lần, nhưng lấy gì làm bằng chứng? Liệu mỗi buổi tối khi chúng ta ngồi
lại với Chúa Giê-su, Chúa có thể mỉm cười âu yếm xác nhận: “Hôm nay Ta hài lòng về con””, hay phải lắc
đầu nhắc lại lời Chúa đã quở trách những kẻ giả hình:
Những kẻ đạo đức giả kia, ngôn sứ I-sai-a thật
đã nói tiên tri rất đúng về các ông rằng: 8Dân này tôn kính Ta
bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. (Mt 15,8; Mc 7,5).
Nói thì dễ, làm
thì khó.
Thánh Phao-lô đã suy tôn Thánh Giá bằng cuộc sống tận tụy rao giảng Tin Mừng, sẵn
sàng chịu mọi gian truân, như người đã
viết trong thư 1Thê-xa-lô-ni-ca
(2,2-4.7-12)
Như anh em biết, chúng tôi đã đau khổ và bị
làm nhục tại Phi-líp-phê; nhưng vì tin tưởng vào Thiên Chúa chúng ta mà
chúng tôi đã mạnh dạn rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em,
qua những cuộc chiến đấu gay go. 3Lời giảng của chúng tôi không
do sự sai lầm, không có dụng ý xấu, không nhằm lừa dối ai, 4nhưng
vì Thiên Chúa đã thử luyện chúng tôi và giao phó Tin Mừng cho chúng
tôi, thì chúng tôi cứ vậy mà rao giảng, không phải để làm vừa lòng người phàm,
mà để làm đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng thử luyện tâm hồn chúng tôi.
…Khi ở giữa anh em, chúng tôi đã cư xử thật
dịu dàng, chẳng khác nào mẹ hiền ấp ủ con thơ.8Chúng tôi đã
quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của
Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa, vì anh em đã trở nên những người
thân yêu của chúng tôi. 9Thưa anh em, hẳn anh em còn nhớ nỗi
khó nhọc vất vả của chúng tôi: đêm ngày chúng tôi đã làm việc để khỏi
thành gánh nặng cho một người nào trong anh em, suốt thời gian chúng tôi loan
báo Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em. 10Anh em làm chứng, và
Thiên Chúa cũng chứng giám, rằng với anh em là những tín hữu, chúng tôi đã
cư xử một cách thánh thiện, công minh, không chê trách được. 11Anh
em biết: chúng tôi đã cư xử với mỗi người trong anh em như cha với
con; 12chúng tôi đã khuyên nhủ, khích lệ, van nài anh em sống xứng
đáng với Thiên Chúa, Đấng kêu gọi anh em vào Nước của
Người và chia sẻ vinh quang với Người.
Trong thư 2 Cô-rin-tô, bút chiến chống những kẻ tự
xưng là tông đồ đến phá rối:
Bất cứ điều gì người ta dám làm, thì tôi cũng dám
làm –tôi nói như người điên–.22Họ là người Híp-ri ư?
Tôi cũng vậy! Họ là người Ít-ra-en ư? Tôi cũng vậy! Họ là dòng
giống Áp-ra-ham ư? Tôi cũng vậy! 23Họ là người phục
vụ Đức Ki-tô ư? Tôi nói như người điên: tôi còn hơn họ nữa! Hơn nhiều
vì công khó, hơn nhiều vì ở tù, hơn gấp bội vì chịu đòn, bao lần suýt chết. 24Năm
lần tôi bị người Do-thái đánh bốn mươi roi bớt một; 25ba lần bị
đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh giữa
biển khơi! 26Tôi còn hơn họ, vì phải thực hiện nhiều cuộc hành
trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng
bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển
khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em. 27Tôi còn phải vất
vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét
mướt trần truồng. 28Không kể các điều khác, còn có nỗi ray rứt
hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh! 29Có
ai yếu đuối mà tôi lại không cảm thấy mình yếu đuối? Có ai vấp ngã mà tôi
lại không cảm thấy lòng sôi lên?
30Nếu phải tự hào, thì tôi sẽ tự hào về
những yếu đuối của tôi. (2Cr 12,21-30)
Hiệu quả tông đồ đến từ thánh giá của Chúa Giê-su, đến từ nơi Thiên Chúa là Đấng biểu lộ quyền
năng cứu độ chứ không phải do tài ăn nói, học lực, bằng cấp hay bất cứ cái gì
làm cho người ta có thể tự hãnh diện. Trên thánh giá, chính Con Thiên Chúa đã
biểu lộ đến cùng sự yếu đuối của con người, nên Chúa Cha cũng biểu lộ được quyền
năng cứu độ của Người:
Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người
và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn
danh hiệu.
10Như vậy, khi vừa nghe danh
thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái
quỳ;
11và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài
phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giê-su Ki-tô là Chúa.”
Thánh Gio-an
Ma-ri-a Vi-a-nê, (8 tháng 5,
1786 – 4 tháng 8, 1859) học thì dốt nhất lớp… nhưng khi làm cha sở xứ Ars thì
noi gương thánh Phao-lô, cầu nguyện, sống nghèo khó và tận tụy lo cho các tín hữu...
khiến các tín hữu bao nhiêu nơi kéo đến với người. Hội Thánh đã tôn phong người
làm bổn mạng các cha sở.
Cùng thời đó, một
nữ tu Mến Thánh Giá Cái Mơn, Mat-ta Lành,
đã được mang dấu tích của Chúa Giê-su nơi thân xác mình như thánh Phao-lô, đã
có đời sống rao giảng Tin Mừng đầy kết quả. Tôi đã kể trong bài trước, chỉ xin
được nhắc lại vài chi tiết:
Chị Mat-ta Lành sinh năm 1825 tại Rạch Rập, Chà
Và (nay thuộc họ đạo Vĩnh Kim, tỉnh Trà Vinh, giáo phận Vĩnh Long). Năm 1847,
Chị Mat-ta dâng mình cho Chúa trong Nhà Phước Cái Mơn đã được thành lập 3 năm
trước đó. Năm 1848, Chị được Tuyên Khấn Lần Đầu.
Năm 1851, Đức Cha Michel (Mịch) nhận thấy Dì
Mat-ta Lành có nhân đức và những đức tính tốt nổi trội hơn các chị em, nên ngài
chọn Dì Mat-ta làm Bề Trên đầu tiên của Nhà Phước.
Khi thành Vĩnh Long thất thủ, lính Pháp tràn vào
phá cửa ngục, phóng thích các tù nhân, Bà Mat-ta và Dì Ngọ cũng được trả tự do
trở về với Tu Viện Cái Mơn. Sau hai tháng chữa bệnh, Bà Mat-ta tiếp tục thi
hành trách nhiệm của mình, xây lại Tu Viện Cái Mơn.
Năm 1873, khi Tu Viện MTG Chợ Quán đã được ổn định,
Bà tình nguyện dạy dự tòng tại các miền phụ cận Sài Gòn và lập các họ đạo
như: Trảng Bàng, Bà Điểm, Hóc Môn, Mỹ Huê, Tân Đông, Tân Hưng… Số người
trở lại đạo rất đông, có cả quan Đốc Phủ chi họ Trần Tử cũng học đạo với bà.
Sau khi lập xong các họ đạo, Bà xin trở về Tu Viện Cái Mơn của mình, khiêm tốn sống nếp sống của một
nữ tu bình thường, và đi truyền giáo ở những vùng lân cận. Lập các
họ đạo: Giồng Luông, Cái Cá… thuộc tỉnh Bến Tre.
Trong lúc Bà đang hăng say truyền giáo tại các họ
đạo mới nầy, thì các bổn đạo ở Tân Đông, Tân Hưng, nài xin Đức Cha cho Bà trở
lại để dạy dỗ, dìu dắt họ sống đạo. Vâng lời Đức Cha, Bà trở lại Tân Hưng…
Ước chi các Dòng Mến Thánh Giá nhớ đến Bà Mat-ta
Lành trong dịp mừng 350 thành lập này và xin
cho Bà được phong thánh để là gương mẫu cho các nữ tu Mến Thánh Giá sống điều
mình tuyên xưng: “Lạy Chúa Giê-su Ki-tô
chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí con”, để mỗi ngày, cũng
như vào ngày gặp mặt Chúa, Chúa hỏi: “Con
nói thật không đấy?” thì có thể mở trái tim ra cho Chúa thấy, như Chúa đã vạch
trái tim của Chúa trên thánh giá cho ta thấy: “Ta yêu con như thế đấy!”
Và mỗi người tín
hữu chúng ta cũng mang dấu Thánh Giá trên trán, trong lòng cũng đều phải chứng
thực với Chúa mỗi ngày rằng thật sự con đã vác thập giá hàng ngày của con và đi
theo Chúa và chứng thực bằng đời sống ngay thẳng theo Lời Chúa, “kính mến Chúa trên hết mọi sự và yêu người
như Chúa đã yêu con”.
Chúa gọi mọi người đi theo
làm môn đệ của Chúa và không phân biệt đối xử, ai muốn theo Chúa cũng phải chấp
nhận cùng một điều kiện như nhau: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác
thập giá mình hàng ngày mà đi theo”. (Lc
9,20; Mc 8,34; Mt 16,24; chú ý, chỉ có Lu-ca
nói hàng ngày).
Từ bỏ chính mình là không đặt mình làm trung tâm hay trọng tâm của
đời mình nữa, nhưng đặt Chúa làm trung tâm nghĩa là làm theo lời Chúa dạy, và đặt
tha nhân làm trung tâm đời mình. Thánh Phao-lô giải nghĩa cho chúng ta:
Trong thư gởi tín
hữu Phi-líp-phê, thánh Phao-lô nêu
bài học trước khi nêu gương hạ mình của Chúa Giê-su:
Anh em hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một
lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. 3Đừng
làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. 4Mỗi
người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. 5Giữa anh em với
nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su… (Pl
2,2-5).
Trong thư Rô-ma,
thánh Phao-lô khuyên chúng ta dâng chính thân mình làm của lễ toàn thiêu sống động
và giải thích: Lòng bác ái không được
giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; 10thương
mến nhau với tình huynh đệ, coi người
khác trọng hơn mình; 11nhiệt thành, không trễ nải; lấy
tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa. 12Hãy vui mừng vì có
niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện. 13Hãy
chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần
tiếp đãi khách đến nhà.
14Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh
em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa: 15vui với người vui, khóc với
người khóc. 16Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham
thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan, 17đừng
lấy ác báo ác, hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt. 18Hãy
làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hoà thuận với mọi
người. 19Anh em thân mến, đừng tự mình báo oán, nhưng hãy để
cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa làm việc đó, vì có lời chép: Đức Chúa
phán: Chính Ta sẽ báo oán, chính Ta sẽ đáp trả. 20Trái lại, kẻ
thù ngươi có đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho nó uống; làm như vậy, ngươi sẽ
chất than hồng lên đầu nó. 21Đừng để cho sự ác thắng được
mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác. (Rm 12,9-21).
Các thánh tử đạo đã suy tôn Thánh Giá bằng mạng sống của mình với gông cùm, xiềng xích,
gươm đao. Còn chúng ta là con cháu các thánh tử đạo, chúng ta suy tôn Thánh Giá
trong lòng và bằng đời sống yêu thương, hiến mạng sống cho anh chị em, từng
ngày qua từng nỗi vất vả, từng giọt mồ hôi; bắt đầu từ trong gia đình giữa vợ
chồng với nhau, giữa cha mẹ với con cái, giữa anh chị em với nhau, và mở rộng tới
mọi người theo chiều kích cánh tay Chúa giang ra “quy tụ con cái Thiên Chúa tản
mác khắp nơi lại làm một” (Ga 11,52); và chiều sâu của trái tim Chúa bị đâm
thâu, đổ giọt máu giọt nước cuối cùng.
Chúng ta làm chứng mình yêu mến Thiên Chúa bằng cách yêu mến nhau:
“Chúng ta hãy yêu thương, vì Thiên Chúa
đã yêu thương chúng ta trước.
20Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa”
mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người
anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.
21Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người:
Ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em
mình.” (1Ga 4,19-21)
Chúng ta
làm chứng mình yêu mến nhau bằng cách làm
theo lời Chúa dạy: “Yêu thương nhau như
Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga
13,34). Chúa lấy việc chúng ta yêu thương nhau làm dấu hiệu cho mọi người nhận
biết chúng ta là môn đệ của Chúa: “Mọi
người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu
thương nhau” 13,35).
Suy tôn trong
lòng thì ai thấy được. Đời sống mới chứng thực cái gì ở trong lòng. Làm thế nào
suy tôn Thánh Giá bằng đời sống? Đó là
chứng tỏ chúng ta là môn đệ của Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh thập giá, Đấng đã
yêu thương chúng ta và hiến mạng vì chúng ta.
Chúa Giê-su chịu
đóng đinh đã dùng thập giá mà thắng và lên án cái thế gian dưới quyền thủ
lãnh của nó là Xa-tan. Trước khi chịu phép Rửa, chúng ta cam kết và hàng
năm chúng ta tuyên hứa lại trong lễ Phục Sinh là từ bỏ ba thứ: tội lỗi, những quyến rũ gian tà (tức là thế gian, sự đời), và Xa-tan là đầu mối gây ra mọi tội ác.
Không có một Chúa
Giê-su Ki-tô mà không chịu đóng đinh thập giá, vì thế thánh Phao-lô khẳng định:
“Chúng tôi rao giảng một Đấng Ki-tô bị
đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại
cho là điên rồ” (1Cr 1,23).
“Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết
đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô
chịu đóng đinh vào thập giá.” (2Cr 2,2)
Cũng vì thế, một thế kỷ sau, thánh I-nha-xi-ô An-ti-ô-khi-a tuyên bố dứt
khoát trong thư gởi tín hữu Rô-ma: “Còn
ham sự đời thì đừng nói đến Đức Giê-su Ki-tô”. (X. bài đọc 2 giờ Kinh Sách
lễ thánh I-nha-xi-ô An-ti-ô-khi-a, ngày 17 tháng 10).
[1] Một chi tiết thú vị là quy ước tạc tượng của người Ai-cập :
râu người sống thì quặp, người chết thì vểnh.