TGP.Huế - Lược sử Giáo sở An Lộng

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

TGP.Huế - Lược sử Giáo sở An Lộng

TGP.Huế - Lược sử Giáo sở An Lộng

GIÁO SỞ AN LỘNG

GIÁO XỨ AN LỘNG VÀ CÁC GIÁO HỌ

BÍCH KHÊ – HÀ MY – VÂN HÒA

Nhà thờ An Lộng

I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ An Lộng – trên phương diện hành chính – thuộc xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Cách Toà Tổng Giám mục Huế gần 65km theo đường bộ về hướng Tây Bắc và cách Nhà thờ Bố Liêu 1,3km về phía Đông.

Giáo sở An Lộng hiện gồm Giáo xứ An Lộng và 3 Giáo họ: Hà My, Vân Hòa (xã Triệu Hòa) và Bích Khê (xã Triệu Long). Cả 4 cộng đoàn này, từ 2020 trở về trước, thuộc Giáo sở Bố Liêu (xin xem lược sử Giáo sở Bố Liêu).

II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN:

1- Nhận đức tin từ các Thừa sai

Vào cuối thế kỷ 17 đã có nhiều cộng đoàn Kitô hữu hiện diện tại vùng Quảng Trị, theo một báo cáo của Linh mục Laurent Emmanuel (Lôrensô Huỳnh Văn Lâu) gởi Đức Cha Giám quản Louis Laneau (đang ở Thái Lan) ngày 17-02-1691. Các cộng đoàn ấy gồm Văn Quỹ (Kẻ Văn), Kẻ Vịnh, Vĩnh Hương, Hương Triều, Kim Long, Cổ Vưu, Kẻ Bố (Bố Liêu), Phường Chuối, An Đôn, Đại Be (Đại Lộc), Nhu Lý, Kẻ Giáo (Giáo Liêm), Dou Giam (Đồng Giám), Bai Bloi (Bái Trời), An Lou (An Lộng).

Tiếp đó, trong báo cáo gởi về Thánh bộ Truyền bá Đức tin ngày 07-02-1694, Cha Lôrensô Lâu cho biết số tín hữu ở An Lộng (Giáo hạt Dinh Cát) là 216 người.

Vào năm 1747, Thừa sai Jakob Graff, Dòng Tên người Đức (tới VN năm 1734), trong một danh sách về các cộng đoàn Kitô ở Dinh Cát, lại nhắc đến địa danh An Lộng dưới cái tên An Lon bên cạnh những xứ đạo như Co Buu (Cổ Vưu), Da Han (Thạch Hãn), Ba Lang (Ba Lòng?), Dinh Cat, Ke Bo (Kẻ Bố), Nhu Lý, Duong Le (Dương Lệ), Dou Giam (Đồng Giám). An Lộng lúc ấy có số tín hữu là 70 người. Đó là lúc Đức Khâm sai Tòa thánh thứ hai Hilario Costa di Jesu (đang là Giám mục Tông tòa Giáo phận Đông Đàng Ngoài) đến Đàng Trong để giải quyết cho xong cuộc tranh chấp dai dẳng giữa các Hội dòng truyền giáo. Dòng Tên đã trình bày những gì mình đang làm tại Dinh Cát và do vậy sau đó đã được giao cho vùng này.

2- Sống đạo trong gian khổ

Kể từ năm 1747 ấy cho tới lúc Văn Thân thiêu sát tín hữu tại đất Quảng Trị tháng 9-1885, An Lộng -như mọi họ đạo ở Giáo phận Đàng Trong- chắc chắn cũng đã trải qua nhiều cuộc bắt bớ truy nã giết hại của các chúa rồi vua nhà Nguyễn (và ngắn hạn hơn, của vua quan Tây Sơn lẫn quân Trịnh).

Theo Biên niên sử của Hội Thừa sai Hải Ngoại (nguyên bản tiếng Pháp), trong bài viết của Linh mục Théodore Bernard có tựa đề: “Những tuyên tín nhân từ 1848 đến 1862” xuất bản năm 1918, các trang 574-581, thì Giáo xứ An Lộng có 6 vị, nạn nhân chủ yếu của cuộc Phân sáp thời Tự Đức (xem phụ lục bên dưới).

Nhưng thê thảm nhất chính là vụ giết hại ngày 12 và 13 tháng 9 năm 1885. Trước đó, hôm mồng 6 tháng 9, Cha Emile Mathey (Cố Thiện) ở Cổ Vưu được tin Văn Thân sẽ đến tàn sát giáo hữu, bèn sai người về Bố Liêu báo tin cho Cha Quản xứ Inhaxiô Lê Văn Huấn. Chiều hôm đó, Cha Huấn với 40 nữ tu Mến Thánh Giá và 300 giáo dân theo đường biển chạy vào Huế lánh nạn.

Khi đi ngang An Lộng, Cha Huấn khuyên giáo hữu chạy theo. Nhưng những người không Công giáo bảo đừng đi, ông Chánh tổng lại còn hứa bảo vệ họ.

Văn Thân lúc đó bị đánh bại ở Chợ Sãi, bèn chạy về ngả An Lộng, kéo dân làng bên cạnh là Bích La đến đánh phá, đồng thời ra lệnh cho các làng quanh vùng không được để cho giáo hữu ẩn núp hoặc trốn thoát.

Ngày 12+13 tháng 9, Văn Thân tràn vào An Lộng, giết chết 176 tín hữu. Chỉ có 40 người thoát nạn (theo Pierre Jabouille, Một trang lịch sử tỉnh Quảng Trị, tháng 9 năm 1885. Nguyên bản tiếng Pháp trên Bulletin des Amis du Vieux Hué, số 4 năm 1923).

Trong Báo cáo Thường niên gởi Hội Thừa sai Hải ngoại Paris năm 1923, Đức Cha E. Allys (Lý) đã kể lại vụ tàn sát của Văn Thân tại An Lộng như sau: “…Khi chạy về Huế, Cha sở Bố Liêu đã hết sức thúc bách dân Công giáo An Lộng đi theo ngài và như thế thoát khỏi một cuộc tàn sát khó tránh được: bị 2 ông quan người lương trong làng đánh lừa, những kẻ đáng thương ấy mất nhuệ khí vì sợ hãi, đã chuộng ở lại. Ngoại trừ nhiều kẻ vắng mặt và một số ít gia đình chạy lên Quảng Trị được, tất cả đều đã bị tàn sát. Chúa Quan Phòng rõ ràng đã bảo vệ những người còn sống sót; nhiều cuộc trở lại của lương dân đã xảy ra, ngay cả trong gia đình của một trong những ông quan đã gây ra cái chết cho nhiều người Công giáo do sự xảo quyệt của ổng. Cộng đoàn Kitô An Lộng có 480 tín hữu; và nếu con số này, vốn đã cao hơn con số của năm 1885 trước các cuộc tàn sát, được cộng thêm con số những tân tòng tại các làng lân cận từ khoảng 15 năm nay, thì ta có một tổng số là 1.259 cho toàn cả Giáo sở mà An Lộng là trung tâm. Chắc hẳn sẽ còn nhiều hơn, nếu không thiếu nhân sự giảng dạy, vì các đơn xin trở lại luôn tương đối đông đảo”.

Lăng Tử đạo An Lộng hiện ở cách Nhà thờ An Lộng hơn 200m về phía Đông Đông Nam.

Lăng Tử đạo An Lộng hiện thời

3- Lớn lên với các vị Quản xứ

1- Cha Grêgôriô Đỗ Khắc Quyến, Quản xứ tiên khởi kiêm Bố Liêu (1894-1899). Năm 1895, Cha đã làm Nhà thờ An Lộng, lợp ngói, chạm trổ bàn thờ công phu đẹp đẽ.

2- Cha Auguste Hilaire (Cố Tri), kiêm Bố Liêu (1899-1905). Xây nhà xứ mới ở An Lộng và xây cho Nhà thờ Bố Liêu một tháp chuông.

3- Cha Antoine Roux (Cố Ngôn) (1905-1909). Cha Gioakim Nguyễn Văn Dụ làm phó (1907-1908).

4- Cha Max. Arnoulx de Pirey (Cố Đề) (1910-1924). Xây Nhà thờ mới. Ngài sống tại đây 14 năm, nhưng bị đứt đoạn vì thỉnh thoảng đau ốm. Làm cho nhiều người trở lại nhờ công tác mục vụ hăng say (năm 1909, được Đức Cha Louis Caspar khen ngợi). Cha sống rất bình dị và nghèo khó. Người ta thỉnh thoảng gặp ngài trên đường với chiếc xe đạp cũ kỹ, đầu đội chiếc mũ kiểu xưa, vai mang một túi dết mà các Linh mục Thừa sai bạn thường gọi đùa là “Tàu ông Noe”, vì chất đầy mọi thứ dụng cụ trong đó.

5- Cha Phaolô Nguyễn Văn Chuyên (1925-1934). Cha GB. Trương Đình Thắng làm phó (1925-1928).

6- Cha Phêrô Nguyễn Văn Oai (1935-1942).

7- Cha Alexi Phan Đức Sắc (1942-1945).

8- Cha Philipphê Lê Thiện Bá (1945-1961).

9- Cha Mátthêu Lê Văn Thành (1962-1967)

10- Cha Phaolô Nguyễn Văn Hiển (1967-1969).

11- Cha Phêrô Trần Văn Điển (1969-1972).

Từ 1972 xảy ra vụ Mùa hè Đỏ lửa ở Quảng Trị, dân chúng phải di tản vào trong Nam hầu hết, cả vùng này không có Linh mục Quản xứ cho tới sau tháng 4-1975. Từ đó đến cuối năm 2020, An Lộng ở dưới quyền chăm sóc của các Linh mục Quản xứ Bố Liêu.

4- Khôi phục từ hoang tàn đổ nát

+ Cha Phanxicô Xavie Lê Văn Cao, từ tháng 5 năm 1975.

+ Cha Augustinô Hồ Văn Quý, từ tháng 8 năm 1978.

Nhưng từ 1986 đến 1989, Cha Augustinô bị quản chế tại chỗ. Lúc đó, giáo dân đi lễ Chúa nhật và trẻ con đi học giáo lý phải đến Bố Liêu, song Cha thì không đến với họ nơi họ ở được.

+ Cha Giuse Trần Đức Diễn, từ tháng 03 năm 2004.

Tháng 6-2005, Cha đã bắt đầu xây Nhà thờ mới An Lộng, thay thế Nhà thờ cũ bị sụp đổ vụ Mùa hè Đỏ lửa năm 1972. Sau đó cải tạo khuôn viên và làm tường rào xung quanh Nhà thờ. Rồi trùng tu lại lăng Tử đạo An Lộng và xây mộ mới cho Cha Grêgôriô Đỗ Khắc Quyến là Quản xứ đầu tiên của Giáo xứ này, qua đời tại nhiệm sở, hưởng dương 49 tuổi.

+ Cha Đôminicô Lê Đình Du, từ tháng 05 năm 2014.

Đóng trần, sơn vách, làm ghế Nhà thờ An Lộng. Năm 2017, trùng tu lăng Tử đạo An Lộng.

+ Cha Mátthêu Trần Nguyên, từ tháng 10-2018. Có Cha Giuse Nguyễn Thái Bình (gốc Tân Mỹ, sn 1986, lm 2018) làm Phó xứ từ 09-2019.

5- Tái trở thành Giáo xứ và Giáo sở

Từ ngày 06-11-2020, Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh quyết định tách An Lộng, Bích Khê, Hà My, Vân Hòa thành Giáo sở An Lộng lại, với Quản sở là Cha Giuse Nguyễn Thái Bình. Như vậy, Giáo sở Bố Liêu chỉ còn Giáo xứ Bố Liêu và Giáo họ Đâu Kênh.

Ngày 19-01-2021, đích thân Đức TGM Giuse đưa Cha Giuse đi nhận Giáo sở.

III- HOA TRÁI ĐỨC TIN

A- Giám mục, Linh mục

1- Tôma Trần Văn Dụ (1916-1943-2010). Mất tại Chí Hòa, Sài Gòn.

2- Đôminicô Cẩm Nguyễn Đình Cẩm (1936-1965-). Sau 1975, nhập Phan Thiết. Hưu trí. 

3- Giêrônimô Nguyễn Ngọc Hàm (Đức ông) (1939-1968-). Sang Mỹ trước 4-1975. Hưu trí.

4- Phaolô Bùi Văn Đọc (Giám mục) (1945-1970-1999-2018). TGM Tổng Giáo phận Sài Gòn.

5- Giêrônimô Bùi Thiện Thảo (1971-2005-). Dòng Đa-minh. Hiện du học tại Pháp.

6- G.B Nguyễn Hoàng Bảo Kim: (1971-2014-). Giáo phận Bà Rịa. 
7- Tôma Bùi Thiện Hiền (1978-2015-). Giáo phận Parramatta, Úc.

B- Tu sĩ

1- Anna Hồ Thị Phước (sn 1902, vk 1977) (+). Dòng Mến Thánh Giá Huế.

2- Anna Bùi Thị Điểu (sn 1930, vk 1978). Dòng Mến Thánh Giá Huế

3- Anna Trần Thị Pha. Dòng Mến Thánh Giá Bà Rịa.
4- Matta Trần Thị Tuyến. Dòng Mến Thánh Giá Bà Rịa.
5- Ysave Trần Thị Điểm. Dòng Mến Thánh Giá Bà Rịa.

6- Mađalêna Thế (sn 1901, tk 1926, qđ 1962). Dòng Thánh Phaolô Đà Nẵng.

7- Anna Đoàn Thị Diệp (sn 1947, vk 1974). Dòng Thánh Phaolô Đà Nẵng. 

8- Anna Bùi Thị Thiên Chính (sn 1948, vk 1987). Dòng Thánh Phaolô Đà Nẵng. 
9- Xêxilia Bùi Thị Bỉnh (sn 1960, vk 1996). Dòng Thánh Phaolô Đà Nẵng.

10- Anna Bùi Thị Ninh (sn 1910, vk 1937, qđ 2000). Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế.

11- Maria Bùi Thị Minh (sn 1912, vk 1943, qđ 1983). Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế.

12- Maria Bùi Thị Hảo (sn 1921, vk 1949, qđ 1994). Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế.

13- Virginia Trần Thị Thăng (sn 1938, vk 1974). Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế.

14- Agata Bùi Thị Mến (sn 1952, vk 1986). Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế.

15- Maria Nguyễn Thị Hồng Dung. Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế.

16- Maria Antôn Trần Thị Oanh (sn 1935, vk 1963, qđ 2011). Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng

C- Giáo dân:

– Năm 1975: 146 người

– Năm 2016: 152 người

************************************

GIÁO HỌ BÍCH KHÊ

 1- Địa linh nhân kiệt và vùng đất nhân chứng

Làng Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong nằm trên tỉnh lộ 64, cách thị xã Quảng Trị hơn 3 km, sát bờ sông Thạch Hãn. Làng nổi tiếng là nơi sản sinh nhiều người con kiệt xuất cho  quê hương, đất nước.

Vào năm 1416, ông Lê Trừ, Lê Chích, hai anh em dòng dõi vua Lê Lợi quê ở huyện Thụy Nguyên, Thanh Đô trấn (tỉnh Thanh Hóa ngày nay) cùng tướng quân Đỗ Doãn Mẫn, Hoàng Công Hội tiếp quản dinh điền thành lập làng lấy tên làng Bích Đàm (sau này là thôn Bích Khê). Làng có 3 dòng họ chính là Lê, Đỗ, Hoàng; trong đó họ Hoàng có nhiều người đỗ đạt làm quan, cho tới thời hiện đại vẫn sản sinh không ít người nổi tiếng.

Những nhân tài phục vụ đất nước xuất thân từ Bích Khê được lưu danh sử sách gồm có các vị như ông Lê Văn, giữ chức Hộ Bộ Thượng thư kiêm Bộ Binh cai quản xứ Thuận Hóa; Tiến sĩ Thái thường tự khanh Hoàng Hữu Bỉnh; Thượng thư hiệp biện đại học sĩ Hoàng Hữu Xứng; hay quốc sư Đỗ Lương Duyên; tướng quân Đỗ Hữu Tuấn… thời nhà Nguyễn

Trong lĩnh vực kinh tế có một doanh nhân Bích Khê nổi tiếng trong và ngoài nước là ông Hoàng Kiều, sinh năm 1944, hiện cư trú tại Hoa Kỳ, chủ Công ty RAAS Thượng Hải, chuyên sản xuất các sản phẩm từ huyết tương, có tài sản hàng tỉ USD. Từ khi làm ăn thành đạt, ông đã tài trợ cho nhiều hoạt động của quê hương, xóm làng, dòng họ. Về âm nhạc có nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, sinh năm 1929, sáng tác khoảng 500 ca khúc, hầu hết là những bản nhạc ca ngợi quê hương đất nước, giai điệu đằm thắm ngọt ngào, được các thế hệ người Việt ở trong và ngoài nước yêu thích.

Nhưng Bích Khê cũng là vùng đất nhân chứng. Công sứ Pierre Jabouille, trong “Một trang lịch sử tỉnh Quảng Trị tháng 9-1885”, khi kể lại vụ Văn Thân sát hại tín hữu ở Bố Liêu và Đâu Kênh, có nhắc đến Bích Khê như sau:

Bích Khê, một họ nhánh khác (của Đâu Kênh), ở gần Chợ Sãi, nơi có tổng hành dinh của Văn Thân, bị bao vây liên tục trên sông lẫn trên đường. 60 người Công giáo, sáng ngày Chúa nhựt, đã có thể chạy vào rừng, nhưng 130 người đã không thể theo họ. Tất cả đều bị tàn sát ngày Thứ hai 7 tháng 9”.

Nay Lăng Tử đạo Giáo họ Bích Khê được xây trên nền Nhà thờ cũ, nằm giữa ruộng, thuộc xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, vĩ độ 16.7819, kinh độ 107.1772, cách Nhà thờ An Lộng 2,7km về phía Tây Nam.

2- Hoa quả Đức tin:

– Cha Phêrô Trương Công Quang (1819-1849-1889). Sinh quán Giáo Liêm, trú quán Bích Khê. Được Thánh Phanxicô Nguyễn Văn Trung, người Phan Xá (Q.T), ký thác vợ con cho ngài giúp đỡ, trước khi chịu tử đạo tháng 10 năm 1858.

– Cha Gioan Trần Minh Châu (1838-1868-1885). Sinh quán Liêm Công (Q.T), trú quán Bích Khê.  Bị Văn Thân dùng mưu hạ sát tháng 10-1885 khi đang làm quản xứ Nam Tây.

– Cha Tađêô Đỗ Văn Cử (1871-1905-1949). Bia mộ ghi là Đỗ Thiên Cử. Chú ruột của Cha Đỗ Thiên Tuân. Hai chú cháu được an táng chung trong một khu mộ nằm trước lăng Tử đạo Bích Khê.

– Cha Phaolô Đỗ Khắc Tuân (1922-1950-1950). Bia mộ ghi là Đỗ Thiên Tuân. Làm Linh mục được một tuần, vì trong mấy hôm về Bích Khê mừng lễ vinh quy, ngài bị ám sát gần cầu chợ Sãi.

Lăng Tử đạo Giáo họ Bích Khê, nằm ngay sau mộ hai Linh mục Đỗ Văn Cử và Đỗ Khắc Tuân.

************************************

Phụ lục

CÁC TUYÊN TÍN NHÂN Ở AN LỘNG

Trích “Những tuyên tín nhân từ 1848 đến 1862” xuất bản năm 1918, các trang 574-581, của Linh mục Théodore Bernard, Hội Thừa sai Hải Ngoại (nguyên bản tiếng Pháp).

()

1- Nho sĩ Học và binh sĩ Dũng, bị bắt vì lý do tôn giáo, đã anh dũng xưng đạo (1859), Cả hai trước tiên bị giam giữ, mang gông cùm trong 7 tháng, ở tỉnh đường của mình (Quảng Trị). Rồi bản án của họ đến: đó là xiềng xích và lưu đày 2 năm trong tỉnh Hưng Yên. Sau một đợt tù liên tục và kinh khủng, tháng thứ năm 1862, họ lại bị buộc phải chối đạo, nếu không muốn chết. Họ đã chọn cái chết và bị chém đầu tức thì. Người ta không biết xác các vị tử đạo này đã được chôn ở đâu.

2- Nho sĩ Đề từ chối bỏ đạo năm thứ 13 triều Tự Đức; hậu quả là ông đã phải mang gông và ở tù 6 tháng, đang khi chờ đợi bản án của mình: đó là xiềng xích và lưu đày trong tỉnh Tuyên Quang. Ông đã đến đó trong tình trạng đau yếu và kiệt lực. Các sự khủng khiếp của ngục tối đã kết liễu ông liền. Chính như thế mà ông đã chết khi bị lưu đày và cầm tù vì Chúa Giêsu-Kitô.

3- Binh sĩ Mưu, sau khi xưng đạo cách oai hùng, đã bị giam một năm trong các nhà tù của trấn thủ tại kinh đô, vai mang gông không ngớt. Ông đã chết như thế vài hôm sau bản án buộc ông phải lưu đày trong cảnh xiềng xích.

4- Binh sĩ Nhiên hoặc Nhiêu, sau khi phải cầm tù và mang gông trong vài tháng, đã bị phạt tội gắn bó với đức tin mình bằng cách mang xiềng xích và đi lưu đày trong tỉnh Hưng Hóa. Ông đã trở về từ đó, nhưng chết ngay sau khi hồi hương, vì một cơn bệnh mắc phải trong cuộc lưu đày.

5- Binh sĩ Đê đã tuyên xưng đức tin và do đó bị tạm giam thời gian dài rồi bị kết án lưu đày với xiềng xích tại tỉnh Sơn Tây; ông đã chết ở đó trong ngục tối, vì bệnh tật và vì thiếu thốn mọi sự.

6- Nho sĩ Sâm, trước hết bị giam một năm có mang gông vì lý do tôn giáo, trong các nhà tù của trấn thủ ở kinh đô, sau đó bị kết án lưu đày với xiềng xích trong tỉnh Thanh Hóa. Ông đã chết ở đó trong tù.

Cha Tân Quản sở An Lộng Giuse Nguyễn Thái Bình trong ngày nhậm chức 19-01-2021

 

Nền Nhà thờ Giáo họ Xóm Triêu (Đâu Kênh Thượng)

——————————————————————-

Hai Giáo họ Hà My và Vân Hòa chỉ còn nền Nhà nguyện cũ. Tại Xóm Triêu (hay còn gọi là Đâu Kênh Thượng) cũng chỉ còn lại vách của Nhà nguyện. Nhà nguyện này nằm bên tỉnh lộ 580, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, vĩ độ 16.7867, kinh độ 107.1784. Cách Nhà thờ An Lộng 2,27 km theo đường chim bay về phía Tây Tây Nam.

Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine. Documents historiques I (1658-1728), tr. 415-421

Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine. Documents historiques I (1658-1728), tr. 430.  

Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, Documents historiques II (1728-1771), tr. 187.

Vì khi đang còn là giám đốc Đại Chủng viện Huế (1975-1977), Cha đã phổ biến cho các thầy hai bài phát biểu tháng 4-1977 của Đức Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền trước Mặt trận Tổ quốc Bình Trị Thiên.

Xem http://quangtri.tintuc.vn/van-hoa/bich-khe-dia-linh-nhan-kiet.html

—————————————————————————–

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: [email protected] Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.

Tag:

2021-06-10