Tại Nhà Chung Giáo phận hiện nay, bên cạnh việc đại tu Nhà Mục vụ vốn tiến triển từ từ, còn có một công trình khác, mang tính văn hóa, đang được Cha Giuse Quản lý Giáo phận thực hiện. Đó là sưu tầm kỷ vật của Giáo phận và cho Giáo phận.
Bước qua cửa lớn khu Nhà Chung cũ và vào Phòng Khánh tiết, người ta thấy ngay 4 tủ gương lớn chứa một số tượng Đức Mẹ đủ dạng từ khắp thế giới, nhiều đồ gốm cổ xưa, nhất là chứa mũ gậy giám mục của nhiều vị Bản quyền Giáo phận. Dọc theo tường của Phòng Khánh tiết là chân dung 16 Thánh Tử đạo Huế do họa sĩ Phi Hùng vẽ trên giấy bằng màu nước từ năm 1963, đầu phòng là một bàn ăn lớn bằng gỗ màu đen khảm xà cừ có hình huy hiệu của Đức Tổng Têphanô.
Tủ đựng mũ gậy giám mục ở cửa vào Phòng Khánh tiết (sát phòng cha quản lý)
Bước lên tầng trên cùng của khu nhà, nơi trước đây làm phòng ngủ tập thể và một góc làm phòng sách, nay ngổn ngang và được sắp đặt dần là những kỷ vật khác của các Đức Giám mục từng coi sóc Giáo phận, kể từ các Đại diện Tông tòa (tức các vị người Pháp). Người ta thấy có chân dung, huy hiệu, chén lễ, hình kỷ niệm nhân các cuộc kinh lý hay làm phép của các ngài, to có nhỏ có; các tượng Chúa Mẹ đủ kích cỡ các ngài từng chưng tại nhà nguyện hay phòng riêng; nhiều album về hoạt động mục vụ của các ngài; những đồ thờ, tranh họa, tủ bàn, câu đối, hoành phi người ta từng biếu tặng các ngài, trong đó có cả các nhân vật thời danh như Nam Phương Hoàng Hậu…
Chân dung đẹp của hai Đức Giám mục Alex. Chabanon và J.B. Urrutia (mới tìm lại được)
Cha Quản lý Giuse giữa ngổn ngang kỷ vật và cổ vật
Dọc theo các bức tường (nhiều bức trước đây trổ cửa sổ nay trám lại) là các tủ hay kệ, bằng gỗ hay nhôm, chứa nhiều loại cổ vật, chẳng hạn đồ gốm (bình, ché, chén, bát, con lân…), đồ đồng (chén thánh, bình thánh, hào quang, lư hương, chân đèn, nồi niêu…). Đặc biệt có bộ sưu tập đèn treo và đèn dầu cổ hết sức phong phú, bộ sưu tập nghiên mực bằng đá hết sức đa dạng, thậm chí cả một loạt máy đánh chữ bằng tay… Đó phần lớn là quà tặng của một nhà sưu tập đồ cổ và sách cổ nổi tiếng khắp Việt Nam, từng được nhiều bằng xác nhận kỷ lục quốc gia: Cha Giuse Nguyễn Hữu Triết, thuộc Tổng Giáo phận Sài Gòn, qua trung gian Cha cố Phêrô Phan Xuân Thanh.
Một số đồ gốm cổ
Ngoài ra cũng phải kể đến các kệ gỗ chứa đầy sách. Các sách này, một số là do các Giám mục hay Linh mục Giáo phận tặng khi còn sống hoặc lúc đã qua đời, một số là do các vị Thừa sai Hội Truyền giáo Hải ngoại Paris (MEP, hoạt động tại Huế) để lại sau khi các ngài rời khỏi Việt Nam sau năm 1975. Trong tương lai, đó sẽ là một thư viện khá lớn, vì các kệ sách hiện đã choán nhiều bức tường và các vách ngăn (cả hai phía).
Giáo phận Huế may mắn ở dưới sự chăm sóc của các Thừa sai MEP (Giám mục, Linh mục) từ khi thành lập cho đến năm 1975. Các ngài là những con người có tinh thần bảo cổ rất lớn, nhờ thế mà hiện nay chúng ta có vô số sử liệu về Giáo hội Việt Nam hay Giáo phận Huế. Các sử liệu đó là hài cốt, vật dụng liên quan đến các vị Thánh tử đạo hiện để tại trung tâm của MEP bên Paris (Pháp), là hàng vạn thư từ, ghi chép, hàng chục tập san, đặc san, niên san, báo cáo thường niên, hàng ngàn hình chụp kể từ khi máy ảnh ra đời…
Sách đang được tạm sắp lên kệ
Việc sưu tập kỷ vật (và cổ vật cùng sách báo) hiện nay tại Giáo phận là tiếp nối tinh thần bảo cổ đó. Ôn cố tri tân! Quá khứ đối với tương lai là bài học! Ước mong mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận, đặc biệt Quý Cha, sẽ tặng cho Giáo phận – ngay lúc còn sống hay sau khi qua đời – những kỷ vật liên quan đến Giáo phận, đến các Đấng Bản quyền và kỷ vật của bản thân Quý Cha, rồi những sách báo tài liệu, những đồ cổ nữa thì càng tốt. Nếu Quý Dòng muốn đóng góp vào công trình văn hóa để lại cho ngàn sau này thì Giáo phận cũng hết sức hoan nghênh. Kỷ vật là sợi dây nối kết người chết với kẻ sống. Trong Giáo hội, đó còn là phương tiện hiệp thông.
Ban Văn khố Giáo phận Huế