Cha Raphaël Antoine Fasseaux (Cố Phương) đến vùng đất Nước Ngọt – Lộc Thủy vào năm: 1925 -1933 và lần thứ 2 từ năm: 1937- 1942. Giáo xứ Nước Ngọt là giáo xứ đầu tiên trong đời linh mục của cha. Nước Ngọt là một vùng đất nghèo và Cha đã phục vụ ở đây 15 năm. Cha đã đem lại cho vùng đất này một sức sống mới, một ánh sáng tràn đầy tin yêu và hi vọng. Cha xây nhà thờ để củng cố đức tin cho con chiên, xây trường học để nâng cao dân trí cho bà con lương giáo trong vùng, và xây bệnh viện để chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Cha xây cơ sở cho các nữ tu để đào tạo người cộng tác trong công việc phục vụ người nghèo và truyền giáo. Hình ảnh ông cha Tây sống đơn sơ, bình dị, vui vẻ, dễ mến và rất gần gũi với dân làng. Người ta gọi ngài với một cái tên thân thương là Cố Phương.
Chân dung Linh mục Raphaël Antoine Fasseaux (Cố Phương)
Cha Fasseaux sống như một nhà khổ hạnh. Trong việc đi lại nơi này đến nơi khác cha thường đi bằng chiếc xe đạp bánh cao su phương tiện duy nhất. Còn khi ở trong vùng, từ Nước Ngọt đi làm lễ các họ nhánh thì ngài đi bộ. Cha Fasseaux yêu thương tất cả mọi người không phân biệt lương giáo, ngài thường xuyên đi thăm giáo dân và những người gặp hoàn cảnh nghèo khổ, bệnh tật ngài động viên an ủi giúp đỡ họ cả vật chất lẫn tinh thần. Ngoài giờ kinh lễ, ngài cũng tham gia lao động với bà con, chỉ họ cách trồng trọt hoa màu và ngài cầm cuốc để vun vồng đậu, đánh vồng khoai như một nông dân lành nghề.
Cuộc sống của Cha thật giản đơn, thức ăn, chỗ ngủ thì rất khắc khổ. Là người Châu Âu văn minh giàu có nhưng cha vẫn thích nghi với ẩm thực của người Việt. Mỗi lần đi lao động hay đi truyền giáo, cha thường mang theo một mo cơm độn khoai sắn. Thức ăn thường là cá khô kho, muối mè hay muối đậu phụng, đặc biệt ngài thường dùng một cục đường đen để ăn với cơm. Làm việc hết giờ thì ăn trưa, nghỉ trưa tại chỗ.
Chỗ ngủ của cha là một tấm ván đơn sơ gác trên hai con bò chạm gỗ, gối kê đầu là một viên gạch hoặc một khúc gỗ khoét lõm hình bán nguyệt. Lối sống khắc khổ như vậy khiến người dân yêu mến và rất quý trọng ngài.
Khi cha nhận xứ Nước Ngọt vào năm 1925 cách đây gần 100 năm. Vùng đất Nước Ngọt, Thủy Yên, Thủy Cam, Đập, Phú Xuyên, Phước Hưng, Tam Vị…, trước đây là vùng rừng thiêng nước độc. Có nhiều côn trùng nhất là muỗi, người dân thường bị sốt rét và hay đau cảm khi thời tiết chuyển mùa hay nắng mưa thất thường. Trước tình hình dịch bệnh thường xuyên của bà con như vậy, làm cho cha trăn trở, suy nghĩ làm sao tìm ra phương thuốc để cứu giúp dân làng. Cha nghiên cứu các loại cây trong vùng và ngài tìm ra cây Tràm gió mọc hoang ngoài trạng. Ngày xưa cây tràm gió ở vùng đất này rất nhiều. Ngài bảo người dân đi chặt cây tràm gió về đốt để xung đuổi muỗi. Vì cây này có vị cay the khi đốt lên có hơi khói thì muỗi và côn trùng bỏ chạy. Cha còn chỉ cho họ cách nấu cây tràm lấy tinh dầu dùng chữa trị các bệnh: như sốt rét, trúng gió, ho, cảm, bị thương hàn hay bị côn trùng cắn… Người dân biết công hiệu của cây Tràm gió, là nhờ công ơn của cha. Và kể từ đó, vùng đất này ít muỗi, bệnh sốt rét và các bệnh khác cũng giảm nhờ cây dầu Tràm. Cây dầu Tràm trở thành cây thần dược cứu giúp bà con trong vùng. Từ 1925 – 2021 là thời gian dài 96 năm gần một thế kỷ, người ta dùng dầu tràm của vùng đất Lộc Thủy này, nhưng ít người biết rõ về nguồn gốc và sự ra đời của nó.
Trong thời gian qua, Dầu Tràm Lộc Thủy – Nước Ngọt trở thành thương hiệu được nhiều người biết đến, trong nước cũng như hải ngoại. Dầu Tràm được chiết xuất từ cây tràm gió (tên khoa học: Melaleuca cajuputi Powell, thuộc họ Sim – Myrtacea) đặc biệt tinh dầu tràm Nước Ngọt có mùi hương dịu nhẹ, thơm dễ chịu, dùng trị thuốc ho, nước súc miệng, thuốc sát khuẩn, phòng ngừa cảm lạnh, giảm các cơn đau ở khớp, trị các vết côn trùng cắn, làm da sưng, ngứa, viêm da, cháy nắng, phát ban… dùng cho người già, sản phụ, trẻ em, bé sơ sinh và ngăn ngừa virus cúm H5N1. Trước tình hình đại dịch Corona cuối tháng 9 năm 2019 và đầu năm 2020, bộ Y tế cho biết Dầu Tràm có thể diệt được Covid-19, thế là dầu tràm trở nên sốt giá. Từ đó dầu tràm Lộc Thủy ngày càng trở nên giá trị đối với người tiêu dùng.
Sở dĩ, dầu tràm Lộc Thủy – Nước Ngọt tốt các nơi là nhờ thổ dưỡng, đất đai, khi hậu, nó hòa quyện kết tinh và chiết xuất ra loại dầu đặc biết. Bởi vì, vùng đất Lộc Thủy nắng thì chói chan khô hạn đến độ tre cũng chết, mà mưa thì triền miên thối đất. Đây là vùng đất vũ trũng có lượng mưa nhiều nhất nước trong năm, có độ ẩm cao vì xung quanh núi đồi bao bọc như một thung lũng. Lộc Thủy vùng đất cằn cỗi nhưng có sức lan tỏa và chiết xuất ra một loại dầu Tràm hảo hạn nhất nước.
Có lẽ trong nước Việt Nam và trên thế giới, không nơi nào người ta nấu dầu Tràm nhiều bằng ở Lộc Thủy. Trên Quốc lộ 1A qua địa bàn xã Lộc Thủy hai bên đường có nhiều quầy hàng bán dầu và nấu dầu với các thương hiệu khác nhau. Đây là thổ sản đặc biệt của vùng đất này. Người tạo ra thổ sản đặc biệt cho quê hương nghèo Nước Ngọt – Lộc Thủy. Chính là linh mụcRaphaël Antoine Fasseaux hay gọi là Cố Phương người Bỉ. Điều quan trọng hiện nay là người nấu dầu và bán dầu có chiết xuất ra loại dầu tràm nguyên chất như 100 năm về trước không?
*************************************
Tiểu sử của Cha Raphaël Antoine Fasseaux (Cố Phương)
Linh mục Fasseaux (gọi là Cố Phương) sinh ngày: 20-01-1896 tại Saint-Jean de la Grande-Clairière, giáo phận Manitoba, miền Trung nước Canada. Cha mẹ ngài là người Bỉ, sống ở Strée, một làng của miền Hainaut, thuộc giáo phận Tournai, nước Bỉ. Họ di cư qua Canada lập nghiệp. Sau khi đứa con đầu của họ qua đời, cha mẹ Fasseaux về lại nước Bỉ.
Từ năm 1900 đến 1906, Fasseaux học cấp I tại Strée. Sau đó, theo anh mình vào tiểu chủng viện giáo phận Cambrai, Bắc nước Pháp và học cấp II tại đó. Anh của ngài thụ phong linh mục cho giáo phận Cambrai, còn ngài vẫn thuộc về giáo phận Tournai nước Bỉ.
Ngày 18.9.1913, Fasseaux xin vào học chủng viện của hội Thừa sai Paris Pháp. Trong thời gian Thế chiến thứ I xảy ra, ngài về quê giúp cha mẹ và cuối năm 1918 vào lại đại chủng viện. Ngài chịu chức linh mục ngày: 23.12.1922, và ngày 05.02.1923, ngài được gởi qua phục vụ giáo phận Bắc Đàng Trong (giáo phận Huế bây giờ).
Khi cha Fasseaux tới Huế được Đức Giám mục Allys niềm nở đón tiếp và bổ nhiệm ngài dạy văn chương Pháp và nhạc lý ở tiểu chủng viện An Ninh. Vì vào thời gian này, Pháp ngữ là một ngôn ngữ phổ thông trong các trường học, nhất là các trường Công giáo, dù chưa học tiếng Việt. Tuy nhiên, ngài muốn học tiếng Việt để đi truyền giáo, nên Đức Giám mục gởi ngài về Phủ Cam là cha sở François Antoine Stoeffler (Cố Thể) học tiếng Việt để đi truyền giáo. Cố Thể đặt tên Việt cho ngài là Phương. Sau một thời gian ngắn ngài đã nói được tiếng Việt cách dễ dàng.
Tháng 9 năm 1925, cha được bổ nhiệm làm cha sở Nước Ngọt, một giáo xứ cách Huế 50km về phía nam nay thuộc xã Lộc Thuỷ, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế.
Năm 1933 ngài được bổ nhiệm làm giáo sư Đại chủng viện Huế và đã ở đó đến tháng 4 năm 1936. Ngày 24 tháng 4 năm 1936 cha tháp tùng đưa Đức cha Chabanon đau yếu rời Đà Nẵng đi tàu thủy về Pháp chữa bệnh.
Cha trở lại Huế ngày 07.01.1937 và sung sướng nhận tin được làm cha sở Nước Ngọt lần thứ 2.
Năm 1938, ngài xây dựng nhà thờ, trường học và nhà nữ tu ở Thủy Cam và Thủy Yên. Ngài cũng làm như thế vào năm 1939 ở làng Đập. Năm 1940, Nước Ngọt và các giáo họ trực thuộc có 4 trường học và 1 bệnh xá. Một nhà hộ sinh và 1 nhà thương được nhà nước công nhận, đón nhiều bệnh nhân mỗi ngày.
Năm 1942, các làng Phú Xuyên và Phước Hưng cũng có trường học. Năm 1944, tại Tam Vị (nay là vùng biển Bình An, cảng Chân Mây, cách Nước Ngọt 10km giờ thuộc giáo xứ Thừa Lưu), Cố Fasseaux đã chọn đất và xây nhà cho các nữ tu đào tạo các chị để quý chị đi truyền giáo.Tuy nhiên, sau hai cuộc chiến, thì cơ sở ở đây đã bị tàn phá bình địa, giờ không còn dấu tích gì ngoài một lăng Tử đạo, nền đất cũ và số ít giáo dân.
Là công dân Bỉ, cha Fasseaux đã không gặp nhiều khó khăn trong các sự kiện năm 1945. Nhưng từ tháng 12 năm 1946 đến tháng 2 năm 1947, thành phố Huế có nhiều biến động, các cha Thừa sai phải rời Huế ra Vinh.
Ngày 08.11.1947 ngài rời Việt Nam đi Hồng Kông và ở đó đến 1950, làm việc tại nhà in Nazarét. Cuối cùng, ngài về lại Bỉ, và làm cha sở giáo xứ Fontaine-Valmont, thuộc địa phận Tournai.
Ngày 01.08.1956, cha Fasseaux trở lại Việt Nam. Ngài nhận giáo xứ Mai Xá (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), một giáo xứ có số giáo dân khoảng 600, gần vĩ tuyến 17. Ngài bắt đầu xây cất một trường học lớn rồi giao cho các nữ tu Mến Thánh Giá phụ trách với một bệnh xá và một nhà nguyện. Ngài cũng làm như vậy ở Vĩnh Quang, Lâm Xuân, Lại Ân, rồi tại Chợ Hôm, một giáo họ mới ở trên bờ biển ở Quảng Trị, gần Cửa Việt. Tại đó, Ngài xây một nhà xứ kiên cố, một trường học đồng thời cũng làm nhà nguyện, và nhường giáo xứ Mai Xá lại cho cha Pierre Poncet.
Năm 1962, ngài được đặt làm cha sở xứ An Đôn, gần thị xã Quảng Trị, đồng thời làm hạt trưởng, một giáo hạt có 11.000 tín hữu với 700 tân tòng và dự tòng. Ở đó, ngài xây hai trường học lớn. Năm 1963, lại thành lập một trung tâm truyền giáo mới với bệnh xá, phòng phát thuốc, trường học, trú sở cho nữ tu và sau đó xây một nhà trên vùng đất mới.
Cuối năm 1964, vì lý do sức khoẻ, ngài được Đức Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền mời về làm việc tại Huế, giúp đào tạo các đệ tử Dòng Mến Thánh Giá Thừa sai. Tháng 6 năm 1966, do làm việc nhiền nên sức hao lực kiệt và phải trở về lại Bỉ để nghỉ dưỡng.
Sau khi hồi hương và an dưỡng một thời gian, ngài được bổ nhiệm làm cha sở giáo xứ Ragnies, cách Strée 4km quê hương của ngài. Ngài đã trùng tu ngôi nhà thờ vốn được xếp hạng như một di tích lịch sử. Ở đó, ngài phục vụ mọi người, nhất là người già lão và bệnh tật. Tháng 10 năm 1969, ngài trải qua một cuộc giải phẫu vì nghẽn sỏi thận tại bệnh viện Gilly Charleroi, thuộc tỉnh Hainaut, bên bờ sông Escaut.
Cha qua đời ngày 12.10.1969, hưởng thọ 73 tuổi, với 43 năm linh mục, phục vụ giáo phận Huế 29 năm trong đó riêng giáo sở Nước Ngọt là 15 năm, Hồng Kông và Bỉ 14 năm. Nguyện vọng của ngài được chôn cất như một người nghèo, nên thi hài của ngài đã an nghỉ tại nghĩa trang giáo xứ Ragnies, vương quốc Bỉ. Cả cuộc đời của cha sống với người nghèo và chết như người nghèo. Cách sống và đời sống của cha như một câu chuyện cổ tích hay còn in lại trong tâm trí và cõi lòng người dân vùng đất Nước Ngọt – Lộc Thủy.
Lăng cô, ngày 17. 10. 2021
Lm. Giuse Phan Văn Quyền
– – – – – – – – – – – – – – – – – – – –
Chú thích: Người viết bài này dựa theo tài liệu lược sử Giáo sở Nước Ngọt của nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế trên trang: và cuốn sách lịch sử về 101 vị thừa sai đã phục vụ giáo phận Huế (1850-1975) tập II của Cha Stanislao Nguyễn Đức Vệ ( trang 95- 110).