TGPSG -- “Thời Thiên Chúa thi ân - Ngày Thiên Chúa cứu độ” - là chủ đề mà linh mục (Lm) Phaolô Lưu Quang Bảo Vinh chia sẻ trong ba ngày tĩnh tâm mùa Chay 31-3, 1&2-4-2022 vào lúc 18g00, tại nhà thờ Thị Nghè.
Ngày thứ 1: Thời Thiên Chúa thi ân
Mở đầu bài giảng, Lm Phaolô nhắc lại việc ĐTC Phanxicô đã dùng chữ Kairos là một Thời ân sủng và cũng là một thời đáp ứng, đón nhận Lời của Chúa. Nhưng thời hiện nay là thời đóng lại, ích kỷ, chỉ biết mình mà thôi, ngài đã dùng ba chữ S để nói về thời này:
- Selfish: Con người ích kỷ không biết tới nỗi khổ của anh chị em.
- System: Hệ thống kinh tế thị trường phục vụ cho những người giàu có, quay lưng lại với nỗi đau của những người nghèo khổ.
- Sense of belonging: Đánh mất cảm thức thuộc về, gây ra căn bệnh thiếu tình thương, không còn khả năng yêu thương người khác.
Lm Phaolô chia sẻ: “Trong Tin Mừng thánh Marcô hôm nay Chúa Giêsu dùng từ rất hay: “Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ thì Nước Thiên Chúa đang ở cùng các ông.” Thiên Chúa đã dùng ngón tay của Ngài mà viết lên Mười Điều Răn. Ngón tay Thiên Chúa là lề luật, là Lời Chúa. Chúng ta đến với Chúa chỉ lo xin nhiều thứ mà không muốn lắng nghe Chúa nói lời nào cả. Sám hối là lắng nghe Chúa nói với mình. Trình thuật thánh Máccô cũng nói về những việc mà ngón tay Thiên Chúa đã làm: chạm vào các người câm điếc, mù, phong cùi… thì họ khỏi bệnh, chạm vào người chết thì họ sống lại. Hãy để Chúa chạm vào con người chúng ta để chúng ta trở thành những con người sống động. Hãy để Chúa viết Lời Chúa vào tâm hồn chúng ta. Khi ta lắng nghe Lời Chúa nói thì con tim mở ra, biết yêu Chúa hết lòng hết sức, biết sám hối để luôn được bình an.”
Kết thúc bài giảng, Lm Phaolô mời cộng đoàn cùng quỳ cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu là Lời yêu thương của Cha, xin Chúa chạm vào tai, miệng chúng con hầu chúng con được nghe và thưa với Chúa con yêu mến Ngài.” Sau đó, cộng đoàn cùng đứng lên hát bài “Lắng nghe Lời Chúa”.
Cuối thánh lễ, Lm Phaolô mời cộng đoàn tối nay về nhà hãy “xin Chúa nói vì chúng con đang lắng tai nghe”. Trong gia đình cũng hãy nói những lời thân thương với nhau và lắng nghe nhau.
Ngày thứ 2: Ngày Thiên Chúa cứu độ - Xin ơn Đức Tin
Lm Phaolô chia sẻ về lời của ĐTC Phanxicô kết luận tình hình thế giới hiện nay bằng ba chữ cái M U D:
- Manipulation: Sự thao túng công lý, tự do, sự thật trên thế giới.
- Unemployment: Tình trạng thất nghiệp, bóc lột sức lao động, làm hết sức mà vẫn không đủ sống
- Disparity: Sự mất cân bằng về quyền lợi. Trong cuộc sống xã hội: Một bữa ăn người giàu bằng một năm của người nghèo. Quyền căn bản nhất là giáo dục cũng khó đạt được.
“MUD có nghĩa là bùn đất, con người đang mất dần quyền căn bản, lún dần trong bùn đất. Ai sẽ cứu chúng ta? Thánh Phaolô đã trả lời: “Tạ ơn Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” Người đã đến hiến mạng sống vì chúng ta. Tình yêu đích thực phải trả giá, chịu đau đớn và chịu rỗng mình: Trả giá đắt vì chúng ta vô cùng quý giá đối với Chúa. Chúa chịu đâm thâu và nghiền nát vì tội lỗi của con người. Người chịu rỗng mình, mặc lấy thân nô lệ, vâng phục cho đến chết. Chúa Giêsu trên thập giá đã chịu căng từ sớ thịt, trút hết máu và nước để tẩy rửa chúng ta, chúng ta sẽ đáp lại thế nào? Có hai khuôn mặt:
1. Ông Simon vác thập giá theo sau Chúa Giêsu. Tất cả chúng ta là môn đệ vác thập giá theo sau Chúa.
2. Người chịu đóng đinh với Chúa Giêsu. Khuôn mặt những môn đệ Chúa cử hành tình yêu đích thực trong đời mình.
Kết thúc bài giảng, Lm Phaolô mời cộng đoàn cùng quỳ cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã cho chúng con tình yêu đích thực. Xin cho chúng con không sợ hãi mà ôm lấy thập giá của đời mình và của anh chị em. Xin tình yêu Chúa biến đổi đời chúng con.” Sau đó, cộng đoàn cùng đứng lên hát bài “Con đường nào Chúa đã đi qua.”
Cuối Thánh lễ, Lm Phaolô mời cộng đoàn tối nay về nhà: Một là nhìn xem thập giá chúng ta đang vác một mình hay có Chúa đang cùng vác với chúng ta. Hai là làm một điều gì đó để gỡ bớt gánh nặng thập giá của anh chị em.
Ngày thứ 3: Ngày Thiên Chúa thi ân - Xin ơn Tha thứ
Lm Phaolô chia sẻ: “Khi nói đến tình yêu chúng ta thấy có 7 dạng thức: xinh đẹp - vui vẻ - cảm thông - nên một - đau khổ - hy sinh - tha thứ. Tha thứ là mức trọn hảo. Khi không thể tha thứ thì giá trị tình yêu không còn nữa. Nhưng Thiên Chúa đã phục hồi tình yêu qua Mẹ Maria và Chúa Giêsu Kitô. Từ lúc thưa "xin vâng", Mẹ đã gắn bó với Chúa cho tới lúc đứng dưới chân thập giá, Chúa nói lời tha cho họ, Mẹ cũng tha thứ như vậy.”
Lm Phaolô dẫn giải: “Bài Tin Mừng hôm nay kể lại việc những người biệt phái và luật sĩ dẫn người phụ nữ ngoại tình đến để gài Chúa Giêsu xét xử. Họ nói theo luật Môsê, người đàn bà này phải chịu ném đá cho đến chết. Trong khi họ chờ câu trả lời, Chúa Giêsu không nói gì, nhưng chỉ quỳ xuống viết trên đất chữ Yêu rồi bảo họ “Ai không có tội hãy ném đá đi”. Ngón tay Thiên Chúa không viết giới răn Yêu thương trên đá mà viết trên mặt đất, và chúng ta chạm vào giới răn của Chúa trên mỗi bước đi.
Bài đọc 1 cho thấy Chúa đã trở thành Đường, mở ra con đường mới. Ngài nói với người phụ nữ “Ta không kết án chị, hãy về đi, hãy bước đi trong giới răn yêu thương”.
Lm Phaolô đúc kết: “Chúa đã khơi lên dòng sông ơn huệ bằng chính Máu và Nước của Người. Từ tình trạng tội lỗi Chúa đã viết từ Yêu khơi lên sự sống. Chúa đang thi ân, chúng ta hãy mạnh mẽ đi theo Người với 7 dạng thức tình yêu.”
Kết thúc thánh lễ ngày cuối, ông Chủ tịch HĐMV giáo xứ Thị Nghè đã thay mặt cộng đoàn cảm ơn linh mục giảng phòng đã truyền tải cho cộng đoàn những bài giảng xúc tích với những câu chuyện có thực đầy cảm động để mọi người chuẩn bị tâm hồn đón mừng đại lễ Chúa Phục Sinh. Đáp từ, Lm Phaolô cảm ơn Lm Chánh xứ Phêrô và giáo xứ đã tạo điều kiện cho ngài đến với cộng đoàn. Ngài chúc các cha nhà xứ và cộng đoàn sống Tuần Thánh thánh thiện và Mùa Phục Sinh tràn đầy hồng ân Chúa.
Trong ba ngày tĩnh tâm thứ Năm, thứ Sáu và thứ Bảy, từ 17:00 đến 20:00, Lm Chánh xứ đã mời gần 20 linh mục tới giúp cộng đoàn giao hòa với Chúa qua Bí tích Hòa Giải sau thánh lễ.
Tóc Ngắn (TGPSG)