Thánh
Antôn NGUYỄN HỮU QUỲNH
(NĂM)
Trùm họ (1768 - 1840)
Ngày tử đạo: 10 tháng
7
Nếu bà và các con không đồng ý cho tôi lấy của nhà giúp người, tôi sẽ
đi vay mượn hoặc làm thuê, kiếm tiền giúp họ.
Thánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh sinh năm 1768 tại làng Mỹ Hương, huyện Lệ Thủy,
tỉnh Quảng Bình. Cậu Quỳnh là con ông Antôn Hiệp và bà Mađalêna Lộc.
Theo gia phả, cậu là cháu 15 đời của đệ nhất công thần Nguyễn Trãi (1380-1442).
Vì là con thứ năm, nên ngài được gọi là
Năm Quỳnh.
Năm 1800, anh Quỳnh đi lính cho hoàng tôn Nguyễn Ánh và được thăng chức Vệ
Uý. Sau hai năm, anh giải ngũ về quê, học thêm nghề thuốc và trở thành một lang y nổi tiếng. Với người nghèo, ông chữa bệnh miễn phí mà đôi khi còn cho tiền.
Ông nói: “Tôi thấy những ai giúp đỡ
người nghèo khó mà túng bấn bao giờ. Kinh Thánh chẳng dạy chúng ta phải coi họ như chi thể của
Chúa đó sao ? Chúa đã cho chúng ta sống tất sẽ quan phòng cho ta đủ dùng”.
Khi con cái khôn lớn, ông nói: “Cha đã nuôi dưỡng các con từ nhỏ, nay
đã lớn khôn, các con sẽ lo tất cả cho gia đình. Cha muốn để dành tiền bán thuốc
để chia sẻ với bà con nghèo khổ”
Dấn thân phục vụ Giáo hội, ông Quỳnh nhận lời làm trùm họ làng Mỹ Hương và
vâng lời Đức cha Labartette - Bình, phụ trách việc dạy giáo lý trong hạt. Nhà
ông trở thành lớp giáo lý và chỗ trọ cho các thừa sai.
Ông dạy con cái
yêu
mến
Giáo hội và trung kiên với niềm
tin. Cô gái lớn của ông đi tu dòng Mến Thánh Giá. Có lần quân lính đến khám
nhà, lôi bà Quỳnh và hai cô út bước qua thập giá. Ba mẹ con khẳng định mình bị
ép buộc, chứ lòng luôn tôn kính Thánh Giá, quân lính nể phục nên tha cho cả ba.
Quân lính bắt ông Quỳnh ở trại Kim Sen và áp giải về Đồng Hới. Phát hiện họ
đang giữ sổ nhân danh tín hữu Mỹ Hương, ông nhắn con trai đem theo 50 quan tiền
để chuộc lại.
Tại Đồng Hới, ông Quỳnh vui mừng vì được giam cùng với Đức cha Borie - Cao, cha Điểm, cha Khoa và thầy Tự.
Có lần lính trói ông lôi qua Thánh Giá, ông liền phản kháng: “Việc này do quan lớn làm, nếu
có tội là quan phạm tội, chứ không phải tôi”. Ông khẳng định: “Thà chết không thà chối Chúa, dù chỉ trong giây
lát”.
Không thuyết phục được các chứng nhân, quan gởi án về kinh đô. Ba vị giáo
sĩ bị án trảm quyết, còn ông Antôn và thầy Tự bị án xử giảo nhưng giam hậu,
nghĩa là lệnh xử sẽ thi hành sau.
Thấm thoát ông Quỳnh và thầy Tự đã bị giam hai năm. Ông Quỳnh biểu lộ đức
can đảm và nhẫn nại đáng khâm phục. Ngoài việc đọc kinh cầu nguyện, ông còn giữ
các ngày chay và giúp đỡ mọi người. Là một lương y, ông chữa bệnh cho nhiều bạn
tù, và chữa bệnh cho một viên quan ở Đồng Hới.
Ngày 10/07/1840, khoảng 100 binh lính dẫn hai chứng nhân ra pháp trường. Đến
nơi, hai vị hỏi chỗ xử Đức cha Cao, cha Khoa và cha Điểm để dừng lại đúng chỗ đó mà cầu nguyện:
“Lạy Chúa xin tạ ơn Chúa cho con được ân phúc như các ngài”.
Cầu nguyện xong, ngồi xuống, ông Quỳnh bình tĩnh chậm rãi hút hết điếu thuốc
được quan trao cho. Hai người con đến từ giã, ông Quỳnh nhắc họ qua giã biệt thầy
Tự và nhắn nhủ những lời cuối cùng: “Cha gởi lời chào các chức sắc và anh em
giáo hữu Mỹ Hương. Cầu chúc mọi người bình an, trung thành giữ đạo. Hãy yêu
thương nhau và sống đạo đức, các con sẽ gặp lại cha trên Thiên Đường”.
Nằm xuống trên chiếu trải sẵn,
ông Quỳnh giang tay ra nói: “Xưa Chúa cũng giang tay như thế này để chịu
đóng đinh”. Giữa tiếng thanh la vang rền, quân lính thi hành án lệnh xử giảo
đưa người tôi trung của Đức Kitô về hưởng hạnh phúc trường sinh.
Trên bia mộ ông Quỳnh ở xứ Kim
Sen, nơi ông được an táng với tổ tiên dòng họ, được khắc hai câu thơ sau:
Nghĩa khí nêu cao
trên đất nước,
Oai linh phù hộ khắp
non sông.
Ông trùm
họ Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh được suy tôn lên bậc chân phước ngày 27/05/1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19/06/1988.
WHĐ