THIÊN CHÚA KHÔNG THINH LẶNG TRONG KINH THÁNH
Lm. Giuse Phạm Đình
Ngọc SJ
WHĐ (21.02.2023) - “Lạy
Chúa, tại sao Ngài thinh lặng?” Đây là câu hỏi rất thường gặp trong đời sống đức
tin của mỗi người. Nhất là trong những biến cố đau khổ, chúng ta cảm thấy dường
như Thiên Chúa vắng bóng. Nếu bình tĩnh lại, chúng ta nhận thấy chân lý này:
Thiên Chúa luôn hiện diện. Ngài luôn ở với con người (Emmanuel), nhưng nhiều khi Thiên Chúa cũng muốn im lặng với chúng
ta. Trên thập giá, Chúa Giêsu cũng cảm thấy Thiên Chúa im hơi lặng tiếng. Điều
thú vị là trong những đau khổ, đôi khi thinh lặng lại có giá trị an ủi hơn rất
nhiều so với những lời nói. Im lặng và hiện diện là ngôn ngữ đồng cảm mạnh nhất
mà chúng ta có thể cảm nhận được.
Trong Kinh Thánh
thì sao? Phải nhìn nhận rằng Thiên Chúa luôn nói lớn tiếng với con người trong
Kinh Thánh[1].
Lý do chúng ta gọi sách Thánh là lời của Chúa, vì chính Ngôi Lời (Logos- λόγος), đang nói trực tiếp với
người đọc trong bản văn. Đó là thông điệp rất cụ thể và mạnh mẽ. Đôi khi chúng
ta đọc những thông điệp này dường như rất xa lạ, có khi khó hiểu. Xin đừng lo lắng.
Kinh nghiệm cho thấy tới một lúc nào đó những lời chúng ta đọc ở trong Kinh
Thánh lại là nguồn an ủi lớn lao. Nhất là lúc gặp đau khổ, thật tốt để chúng ta
nhớ lại những lời của Chúa đã từng nói với chúng ta. Với kinh nghiệm của tôi,
những lời ấy thực sự giúp sức rất nhiều.
Đang khi học lớp
11, tôi suy nghĩ rất nhiều về ơn gọi hiến dâng. Lúc ấy tôi chẳng biết đời tu là
gì. Vào những năm 2000, Giáo hội Việt Nam phổ biến cuốn Kinh Thánh do Các Giờ
Kinh Phụng Vụ dịch thuật. Mỗi gia đình trong giáo xứ của tôi cũng được mua. Đó
là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với bản văn Tin Mừng. Thi thoảng tôi lấy ra đọc.
Nhất là những chỗ Đức Giêsu chọn gọi các môn đệ, tôi bị câu chuyện thu hút. Gấp
sách lại, tôi cảm thấy bình an với những dòng văn đó. Ngày qua ngày, tôi tiếp tục
cầu nguyện và suy nghĩ về hướng đi cho cuộc đời mình.
Một ngày đẹp trời của
năm 2003, sau thánh lễ ban sáng tại nhà thờ Phước Quả, tôi trở về nhà. Đi bộ
trên đường, trong tôi cảm thấy một tiếng vang lớn: “Hãy theo Thầy” (Ga
21,15-19). Đó là lần đầu tiên tôi cảm thấy lời mời gọi cụ thể của Thầy Giêsu.
Tôi không biết câu này do mình nhớ lại trong cuốn Kinh Thánh hay trực tiếp Chúa
mời gọi mình. Dẫu sao tôi hạnh phúc và bình an với lời mời gọi này. Sau vài
tháng để ý và cầu nguyện với lời này, từ từ tôi thấy đời tu thu hút mình. Sau
khi tốt nghiệp cấp ba, tôi đã tìm hiểu ơn gọi Dòng Tên.
Trong nhà dòng, trước
mỗi quyết định quan trọng, tôi lại được câu này an ủi. “Hãy theo Thầy” được diễn
tả ở mỗi một chặng đường với cung bậc khác nhau. Mẫu số chung của những lần ấy
là tôi được an ủi rất nhiều. Tiếng Chúa vẫn đang nói với tôi.
Tôi tin mỗi người
có thể nhận được câu Lời Chúa để làm kim chỉ nam cho cuộc đời. Vấn đề là chúng
ta dám để cho Lời Chúa nói lớn tiếng trong cuộc đời mình. Dành giờ đọc Kinh
Thánh, dám cầu nguyện với Lời Chúa, can đảm lắng nghe Chúa nói trong từng câu
chuyện Tin Mừng. Khi đọc Kinh Thánh, bạn “hãy cứ hỏi ý kiến của Chúa Kitô” (Thánh
Phanxicô Assidi). Tới một lúc nào đó, tôi tin Lời Chúa sẽ cô đọng lại một câu,
một lời vốn đi liền với cuộc đời bạn.
Thật tiếc nếu chúng
ta bỏ qua nguồn Kinh Thánh trong đời sống đức tin. Trong khi đó nhiều người
than phiền Thiên Chúa ít nói với họ. Bất cứ khi nào đọc Lời Chúa, là lúc Chúa sẽ
nói với bạn thật lớn, với những thông điệp rất cụ thể. Đừng quên Lời Chúa là lời
hằng sống; nghĩa là luôn đúng và quan trọng cho mọi thời đại. Tiếc là nhiều
thông điệp của Chúa thường thách đố chúng ta. Thách đố không phải vì Thiên Chúa
không yêu chúng ta. Ngược lại, vì yêu thương, Thiên Chúa mời gọi chúng ta chọn
con đường hẹp để đi (Mt 7,13-14). Xa lộ thênh thang là lối đi của Ma Quỷ. Thực
tế là nhiều người thích chọn lối đi thoải mái theo sở thích cá nhân. Lúc đó họ
thường khó chịu với những lời mời gọi của Ngài. Do đó nhiều người thường gặp
khó khăn lúc đầu để lắng nghe Lời Chúa.
Các nhà thiêng
liêng chỉ ra mưu mẹo của Ma quỷ: “Bạn đừng đọc Kinh Thánh! Chúa nói bạn làm nhiều
thứ khó lắm. Chẳng hạn bạn phải từ bỏ bản thân, chọn lối sống nghèo khó. Chẳng
hạn Tám Mối Phúc Thật Chúa thường nói trong Kinh Thánh, làm sao bạn sống nổi.”[2]
Sẽ còn nhiều cản trở Ma quỷ thường bày ra nhằm cản trở bạn. Trong tình huống
này, Giáo hội khuyên bạn một quy tắc rất quan trọng: “Làm ngược lại, Agere contra.” Cụ thể thánh I-nhã, Đấng sáng lập
Dòng Tên viết: “Ðặc điểm của Chúa và các thiên thần khi soi sáng là ban sự sảng
khoái và vui vẻ thiêng liêng thật, xóa bỏ mọi buồn sầu và xao xuyến do kẻ thù
đưa vào. Còn đặc điểm của kẻ thù là chống lại sự sảng khoái và niềm an ủi
thiêng liêng ấy bằng cách đưa ra những lý do giả tạo, cầu kỳ và ngụy biện không
cùng.” (Linh thao số 329). Hoặc, “Khi ấy phải hướng lòng trí lên Ðấng Tạo Hóa
và Chúa mình, và nếu thấy đó là việc phụng sự Chúa đúng lý, hay ít là không
trái với điều đó, thì phải hành động ngược hẳn với chước cám dỗ, trả lời với Ma
quỷ như thánh Bênađô: “không phải vì mày mà tao bắt đầu, cũng chẳng vì mày mà
tao chấm dứt.” (Linh Thao số 351).
Nếu bạn can đảm dám
làm ngược lại lời của Ma quỷ, Lời Chúa sẽ càng dễ gần với bạn hơn. Khi đó, Lời
Chúa hy vọng sẽ ngọt ngào và dễ hiểu để mỗi người cảm nhận Thiên Chúa gần với
mình. Việc cảm nhận này đòi hỏi sự thinh
lặng của ta trước lời của Chúa. Vì lý do này, Giáo hội luôn xem sự thinh
lặng trong lúc cầu nguyện với Kinh Thánh là điều quan trọng. Để giải thích cho
tư tưởng này, chúng ta nghe lại câu chuyện của cha Anthony De Mello:
“Nhà giảng thuyết nọ
được công chúng ngưỡng mộ về tài hùng biện của ông. Nhưng ông thú nhận với các
bạn hữu rằng những bài nói chuyện hùng hồn của ông hoàn toàn không có được cái
hiệu quả bằng mà những câu nói dung dị, mộc mạc của Thầy.
Sau khi sống với Thầy
một tuần, ông chợt hiểu ra chính xác tại sao.
Ông nói: “Khi Thầy
lên tiếng, tiếng nói của Thầy chất chứa sự Thinh Lặng. Còn tiếng nói của tôi
thì, ối dào, chất chứa những tư tưởng!”
Đôi khi chúng ta cầu
nguyện với quá nhiều tư tưởng của mình đến nỗi thấy Chúa im lặng. Ngài đang nói
lớn tiếng nhưng chúng ta lại bịt tai, rồi đổ lỗi cho Chúa không nói gì. Oan cho
Chúa quá! Đã đến lúc chúng ta tập thinh lặng lắng nghe Lời Chúa to nhỏ thì thầm
với mỗi người. Hoặc nói như Đức Bênêđictô XVI: “Suy gẫm thường ngày Lời Chúa và
để cho Chúa Thánh Thần làm thầy của bạn, bạn sẽ thấy tư tưởng của Chúa không phải
tư tưởng của loài người, bạn sẽ đạt tới chiêm ngắm Thiên Chúa thật, và nhìn mọi
biến cố bằng con mắt của Chúa, bạn sẽ được nếm một niềm vui dồi dào phát xuất từ
sự thật.” (Youcat 16). Trong tâm thế này, tư tưởng của ta được đổ đầy âm thanh
của Chúa. Chỉ có như thế chúng ta mới cảm nhận được thế nào là những lời ngọt
ngào, thế nào là Lời chân lý của Chúa[3].
Để kết thúc, bạn và
tôi hãy thử tập để Lời Chúa vang vọng trong tâm hồn mình. Âm thanh ấy đã có sẵn
trong Kinh Thánh. Bản chất của Chúa là Lời, là Ngôi Lời, nên Ngài biết nói. Hơn
nữa, “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi:
xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình
cũng như tư tưởng của lòng người.”(Dt 4:12). Chính Thiên Chúa cũng mời gọi
chúng ta nghe những lời sống động này: Ai có tai thì hãy nghe" (Mt 13,9), “Vậy
anh em hãy nghe.” (Mt 13,18), hoặc, “Hãy nghe, hỡi Israel.” (shema Israel). Rồi
khi mở lòng lắng nghe, ước gì mỗi người “phải ghi tạc vào lòng. Anh em phải lặp
lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng
như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy.” (Ðnl 6,3-7).
“Xin Ngài hãy phán,
vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.” (1Sm 3,10)
Đọc thêm những bài
cùng chủ đề:
Trong Thánh Kinh, chúng ta thường bắt gặp những
chỗ vốn liên quan trực tiếp đến Lời Chúa: “Chúa Phán...”, “Đức Giêsu dạy rằng...”,
“Thiên Chúa nói...”, v.v.
Chẳng hạn thánh I-nhã viết rằng: “đường lối
riêng của thần dữ là cắn rứt, làm buồn phiền và đặt chướng ngại bằng cách gây
băn khoăn lo lắng với những lý lẽ giả tạo để người ta khỏi tiến tới, còn cách
thức riêng của thần lành là làm cho can đảm và sức mạnh, an ủi, nước mắt, ơn
soi giục và an nghỉ, giảm bớt và hủy diệt các trở ngại để cho người ta tiến lên
trong đàng lành.” (Linh thao số 315).
“Các sách Kinh Thánh dạy sự thật (chân lý)
cách chắc chắc, trung tín, và không sai lầm vì đã được Chúa Thánh Thần linh hứng
và có Thiên Chúa là tác giả.” (Công đồng Vaticano II, Hiến chế Mặc Khải 11).