“Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi,
Tôi biết chúng và chúng theo Tôi”. (Ga 10,27)
BÀI ĐỌC I: Cv 11, 19-26
“Họ cũng rao giảng Chúa Giêsu cho người Hy-lạp”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, vì cơn bách hại xảy ra nhân dịp Têphanô bị giết, có nhiều người phải sống tản mác, họ đi đến Phênixê, Cyprô và Antiôkia, họ không rao giảng lời Chúa cho một ai ngoài những người Do-thái. Nhưng một ít người trong họ quê ở Cyprô và Xyrênê; khi đến Antiôkia, họ cũng rao giảng Chúa Giêsu cho người Hy-lạp nữa. Và tay Chúa ở với họ; nên có đông người tin trở về với Chúa. Tin đó thấu tai Hội Thánh Giêrusalem, nên người ta sai Barnaba đến Antiôkia. Khi đến nơi và thấy việc ơn Chúa thực hiện, ông vui mừng và khuyên bảo mọi người hãy vững lòng tin nơi Chúa; Barnaba vốn là người tốt lành, đầy Thánh Thần và lòng tin. Và có đoàn người đông đảo tin theo Chúa. Vậy Barnaba đi Tarxê tìm Saolô. Gặp được rồi, liền đưa Saolô về Antiôkia. Cả hai ở lại tại Hội Thánh đó trọn một năm, giảng dạy cho quần chúng đông đảo; chính tại Antiôkia mà các môn đồ lần đầu tiên nhận tên là Kitô hữu.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 86, 1-3. 4-5. 6-7
Đáp: Hỡi muôn dân, hãy ngợi khen Chúa (Tv 116, 1a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Chúa yêu cơ sở Ngài thiết lập trên núi thánh; Ngài yêu cửa nhà Sion hơn mọi cư xá nhà Giacóp. Hỡi thành trì của Thiên Chúa, thiên hạ đang nói những điều hiển hách về ngươi. - Đáp.
2) Ta sẽ kể Rahab và Babel vào số người thờ phượng Ta, kìa Philitinh, Tyrô và dân Êthiôpi: những người này đã sinh ra tại đó. Và thiên hạ sẽ nói về Sion rằng: “Riêng từng người và hết mọi người đã sinh tại đó, chính Đấng Tối Cao đã củng cố thành này”. - Đáp.
3) Chúa sẽ ghi chép vào sổ sách của chư dân rằng: “Những người này đã sinh ra tại đó”. Và khi ca vũ, người ta sẽ ca rằng: “Mọi nguồn vui thú của tôi đều ở nơi ngươi”. - Đáp.
Tin mừng: Ga 10,22-30
22 Khi ấy, người ta mừng lễ Cung Hiến tại Giêrusalem. Bấy giờ là mùa đông. 23 Chúa Giêsu đi bách bộ tại đền thờ, dưới cửa Salômôn. 24 Người Do-thái vây quanh Người và nói: “Ông còn để chúng tôi thắc mắc cho đến bao giờ ? Nếu ông là Đức Kitô, thì xin ông nói rõ cho chúng tôi biết”.
25 Chúa Giêsu đáp: “Tôi đã nói với các ông mà các ông không tin. Những việc Tôi làm nhân danh Cha Tôi, làm chứng về Tôi.
26 Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đàn chiên tôi. 27 Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi.
28 Tôi cho chúng được sống đời đời, chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Tôi. 29 Điều mà Cha Tôi ban cho Tôi, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Tôi. 30 Tôi và Cha Tôi là một”.
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Chúa Giêsu thực sự là Đấng Cứu Thế và là Con Thiên Chúa. Người đến để ban sự sống đời đời cho đoàn chiên và giữ gìn bảo vệ đoàn chiên an toàn. Hãy tín nhiệm đi theo Người.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con được hạnh phúc biết bao vì biết rằng con đang được bàn tay yêu thương của Chúa ôm ấp và bảo vệ. Chúa như người mục tử yêu thương con, hy sinh liều mạng sống vì con để bảo vệ con khỏi những hiểm nguy tấn công con tứ phía. Trước mặt Chúa, mạng sống thân xác con thật quý giá, sự sống linh hồn con thật cao cả. Chúa muốn con được sống, được an toàn, được sống sung mãn và hạnh phúc.
Lạy Chúa, Sa-tan muốn cướp giựt con khỏi bàn tay Chúa. Sa-tan muốn biến thế gian này làm tay sai cho nó, thành sào huyệt đầy những hiểm nguy và ác độc. Có những cám dỗ ngọt ngào, có những thử thách khổ đau, tất cả đều muốn lôi kéo con xa rời đường lối Chúa và phản bội tình thương Chúa. Nhưng Chúa không đành lòng nhìn con rơi vào tay quỷ dữ. Chúa đã cầu nguyện xin Chúa Cha gìn giữ con đang phải chiến đấu giữa thế gian. Chúa còn liều mạng sống trên thánh giá để con khỏi phải diệt vong. Con cảm tạ tình Chúa thương con.
Thế mà lạy Chúa, rất nhiều lúc con lại muốn chạy trốn để vuột thoát khỏi bàn tay Chúa. Con không còn muốn bước theo Chúa. Con đã đi tìm sự tự do buông thả như người con hoang đàng để rồi chuốc lấy đau khổ và bất hạnh. Xin Chúa cho con tín nhiệm vào Chúa. Con muốn từ nay trung thành sống theo lời Chúa dạy. Trước mỗi cám dỗ hoặc mỗi thử thách, xin Chúa cho con được sáng suốt để nhận định, được can đảm để trung thành, và được tin tưởng để cầu nguyện. Amen.
Ghi nhớ : “Tôi và Cha Tôi là một”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A- Phân tích (Hạt giống...)
Tiếp theo bài giáo lý sống theo sự dẫn dắt của Chúa:
Chúa Giêsu là Mục tử: “Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi. Tôi cho chúng được sống đời đời, chúng sẽ không bao giờ hư mất”.
B- Suy gẫm (...nẩy mầm)
1. Tôi biết chiên của tôi. “Biết” theo thánh Gioan là “yêu thương”
Có một câu chuyện truyền kỳ rất hay kể lúc Môisen trốn khỏi Ai cập, chăn chiên cho Giêtrô trong đồng vắng: có một con chiên trong bầy bỏ đàn đi mất Môisen kiên nhẫn đi tìm nó và ông đã tìm thấy nó đang uống nước bên giòng suối. Môisen đến bên nó để tay trên mình nó và nói thật nhỏ nhẹ:
- Tại vì mày khát nên mày bỏ đi ? Ông không giận con chiên vì nó đã làm ông mệt mỏi, nhưng cảm thông với nó và mang nó trở về. Thượng Đế nhìn thấy như vậy, Ngài phán: “Nếu người này thương xót một con chiên đi lạc như vậy, đây chính là người ta muốn lập làm người lãnh đạo dân ta”.
2. “Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi”. Phụng vụ đang dạy chúng ta sống dưới sự dẫn dắt của Chúa Giêsu Mục tử tốt lành. Muốn thế, ta phải “nghe tiếng” Ngài và “đi theo” Ngài. Chiên không nghe theo tiếng người lạ.
Một người Mỹ đi du lịch qua xứ Syria, đã thấy ba người chăn chiên dẫn bầy mình ăn chung với nhau. Một lúc sau, một trong ba người chăn này kêu chiên mình:
-Men ah! Men ah! (Theo tiếng Ả rập có nghĩa là “Hãy theo ta! Hãy theo ta!”)
Các con chiên của người này liền tách khỏi bầy và đi theo người ấy lên đồi.
Người chăn thứ hai cũng kêu như vậy, và chiên của anh ta liền đi theo anh ta.
Người Mỹ nói với người chăn thứ ba:
- Xin anh vui lòng cho tôi mang đồ đạc của anh để tôi kêu như anh kêu, xem các con chiên này có theo tôi hay không.
Anh ta sẵn sàng cho người Mỹ này mượn đồ đạc. Xong xuôi, người Mỹ kêu: “Men ah! Men ah!”, nhưng chẳng có con chiên nào nhúc nhích. Lạ quá Người Mỹ ngạc nhiên hỏi:
- Thế chiên không nghe tiếng ai khác, ngoại trừ anh thôi sao ?
Người chăn Syria trả lời:
- Ồ! Có chứ! Vài con chiên bị bệnh, nó sẽ đi theo bất cứ ai.
Người ta tìm thấy trong một cuốn nhật ký những tâm tình sau đây:
Suốt đời tôi, tôi rất sợ chết, cho đến ngày một đứa con tôi về với Chúa. Trong lễ nghi an táng cháu, Cha sở kể câu chuyện sau: “Một Mục tử dẫn bầy chiên đến bờ sông. Nhìn dòng nước chảy xiết, tự nhiên bầy cừu sợ hãi. Người mục tử không làm sao hối thúc chúng qua được. Cuối cùng ông lựa ra một con cừu non, cùng đi với nó xuống dòng nước và dắt nó qua bên bờ bên kia. Khi cừu mẹ thấy con mình ra đi, nó quên cả sợ hãi và phóng theo. Và thế là cả bầy cừu nối đuôi nhau theo sự hướng dẫn của người Mục tử.
Một mai nếu có phải theo con tôi về với Chúa, tôi chẳng sợ (Góp nhặt).
3. “Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi”.
Chúa Giêsu là vị Mục tử nhân hậu và tốt lành. Ngài không những biết rõ và biết từng con chiên mà còn yêu thương chăm sóc và hiến mạng sống vì đoàn chiên. Ngài sống lại và trở nên nguồn sống của đoàn chiên. Phần tôi, một con chiên trong đàn, tôi cũng được Ngài yêu thương chăm sóc vỗ về, nhưng tôi còn biết quá ít về Ngài và chưa theo Ngài trọn vẹn.
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Đức Giêsu, Con Thiên Chúa (Ga 10, 22-30)
Nhân kỷ niệm cuộc tẩy uế Đền thờ Giêrusalem và khánh thành bàn thờ mới thời Giuđa Maccabê. Đức Giêsu cũng có mặt. Trong khi Đức Giêsu đi bách bộ tại hành lang Salômôn, người Do thái vây quanh và chất vấn Ngài về nguồn gốc của Ngài. Nhân đây, Ngài tuyên bố một chân lý quan trọng: “Tôi với Chúa Cha là một”, nghĩa là Ngài đồng bản tính với Chúa Cha.
Năm 165 TCN, một trong những nhà ái quốc nổi tiếng của Do thái là Giuđa Maccabê đã lãnh đạo cuộc nổi dậy của người Do thái chống lại ách thống trị của vua Syria là Antiôkô Epiphane. Chiến công vẻ vang nhất trong cuộc nổi dậy là tái lập và thanh tẩy Đền thờ Giêrusalem vốn đã bị tục hóa bởi bàn tay thô bạo của ngoại xâm. Từ đó, hàng năm vào khoảng mùa đông, người Do thái tưởng niệm biến cố này trong vòng 8 ngày liền, tuần lễ này được gọi là Cung hiến Đền thờ.
Đức Giêsu đã có mặt tại Giêrusalem nhân tuần lễ tưởng niệm này. Lễ Cung hiến Đền thờ vốn khơi dậy lòng ái quốc của dân chúng. Chính vì thế nhiều người đã vây quanh Đức Giêsu và yêu cầu ngài tuyên bố dứt khoát Ngài có phải là Đấng Kitô, nghĩa là Đấng được Thiên Chúa xức dầu và sai đến như vị cứu tinh của dân tộc không?
Đối với họ, Đức Giêsu có thể là vị anh hùng dân tộc hay một nhà cách mạng nào đó. Chính vì thế, Đức Giêsu đã không trả lời dứt khoát cho câu hỏi của họ. Mối tương quan giữa Chúa Cha và Ngài mà Đức Giêsu vén mở trong câu trả lời mời gọi người Do thái đi vào mầu nhiệm của Ngài.
Chúng ta thấy Đức Giêsu không trả lời thẳng câu hỏi họ đặt ra, nhưng một lần nữa, Chúa cho họ biết Đấng Kitô không phải như quan niệm trần tục của họ, Đấng Kitô không đến để làm thỏa mãn những tham vọng chính trị của họ là giải phóng dân tộc của họ và đem lại thịnh vượng vật chất cho họ. Cho nên, Chúa vượt lên trên quan niệm thiên sai trần thế, và tuyên bố cho họ biết Ngài đồng bản tính với Chúa Cha: “Tôi và Cha tôi là một”.
Như vậy, Đức Giêsu đã khẳng định rõ Ngài là ai. Ngài không những là Đấng Kitô, là Con Thiên Chúa, mà còn là chính Thiên Chúa nữa. Trong vấn đề này, chỉ trong đức tin, con người mới có thể biết Đức Giêsu, nhận diện được khuôn mặt đích thực của Ngài và loan truyền một cách đúng đắn về Ngài. Nhiều khi qua cuộc sống và cung cách tuyên xưng niềm tin của mình, người Kitô hữu chỉ trình bày một khuôn mặt, nếu không méo mó về Đức Giêsu, thì cũng giới hạn Ngài trong những quan niệm hoàn toàn trần tục. Biết Đức Giêsu và đi vào mầu nhiệm thẳm sâu của Ngài thiết yếu là đi vào cuộc Tử nạn và Phục sinh của Ngài. Liền sau khi Phêrô tuyên xưng Ngài là Đức Kitô, Đức Giêsu đã loan báo cuộc Tử nạn và Phục sinh của Ngài.
“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi”
Giáo hội là đàn chiên của Chúa. Lời hứa chăm sóc bảo vệ đàn chiên của Đức Giêsu không chỉ dành riêng cho thời các Tông đồ hoặc các cộng đoàn tiên khởi, nhưng đã trải dài suốt 21 thế kỷ nay. Biết bao thế lực chống đối chủ trương triệt hạ Giáo hội của Đức Kitô, thế nhưng Giáo hội của Chúa vẫn tồn tại nhờ sự bảo vệ đầy quyền năng của chủ chăn.
Trong đàn chiên Giáo hội này, mỗi con chiên đều được người chăn chiên biết rõ, gọi tên, và chiên có bổn phận phải nghe và đáp trả. Sự đáp trả có thể mang nhiều sắc thái khác nhau, nhưng dù sao không thể ra ngoài lối đi của tất cả đàn chiên, vì đó là lối dẫn đến sự sống.
Cuộc sống của người Kitô hữu là lời tuyên xưng và rao giảng về một dung mạo của Đức Giêsu khi nào họ kết hiệp với Ngài trong mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài. Người Kitô hữu phải cố gắng để nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, để có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi mà Chúa Kitô sống trong tôi”. Chúng ta nghe lời văn sĩ John Bayer đã khen vợ mình vào giây phút cuối đời ông: “Mình thân yêu, trong gương mặt của mình, tôi đã nhìn thấy dung mạo của Thiên Chúa. Xin cảm ơn mình vô cùng”.
Truyện: Bức tượng Chúa chiên lành
Hành hương Rôma, pho tượng gây xúc cảm nhất cho khách hành hương là pho tượng Chúa chiên lành vác con chiên thất lạc trên vai đem trở về. Dưới pho tượng, có ghi câu của Abercies vào thế kỷ thứ II rằng: “Ta là môn đệ của một mục tử thánh thiện đã dẫn dàn chiên ra đồng có xanh tươi bên sườn núi và dưới đồng bằng, vị mục tử có đôi mắt lớn nhìn đến khắp mọi nơi”.
Chúa Kitô chính là người mục tử nhìn xa thấy rộng ấy. Nhờ sự chết và phục sinh, Chúa đã đạp đổ mọi ngăn cách để mở rộng đàn chiên, bao trùm cả thế giới. Đàn chiên ấy, ngày nay chúng ta chỉ được nhìn thấy một phần nhỏ và hạn hẹp, sau này trên chốn vinh quang mới được chứng kiến tầm vóc vĩ đại của đại gia đình Thiên Chúa.