Thứ Bảy tuần 15 Thường niên năm II - Nhân từ và kiên nhẫn (Mt 12,14-21)

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Thứ Bảy tuần 15 Thường niên năm II - Nhân từ và kiên nhẫn (Mt 12,14-21)

Thứ Bảy tuần 15 Thường niên năm II - Nhân từ và kiên nhẫn (Mt 12,14-21)

“Ngài sẽ không cãi vã, không to tiếng...
Cây lau bị dập Ngài không đành bẻ gẫy; tim đèn leo lét Ngài chẳng nỡ tắt đi.”

BÀI ĐỌC I (năm II): Mk 2, 1-5

“Chúng tham lam ruộng đất và chiếm lấy nhà cửa”.

Trích sách Tiên tri Mikha.

Khốn cho những kẻ suy tính điều gian ác, và mưu đồ việc xấu xa trong phòng mình. Sáng ngày, chúng thực hiện điều đó, vì tay chúng chống lại Thiên Chúa. Chúng tham lam và dùng võ lực chiếm lấy ruộng đất, nhà cửa kẻ khác. Chúng ức hiếp người ta, phá phách nhà họ, chủ nhà và sản nghiệp của họ. Vì thế, Chúa phán thế này:

Ðây Ta toan giáng hoạ trên dòng giống này mà các ngươi không thoát được, các ngươi không ngước đầu lên mà đi được nữa, vì đây là thời kỳ tai hoạ. Trong ngày đó, người ta ngâm bài trào phúng chế diễu các ngươi và sẽ hát bài ca thán mà rằng: “Chúng ta đã bị bóc lột hết rồi, sản nghiệp dân ta bị đổi chủ, làm sao Chúa tước đoạt của cải chúng ta, và phân chia đất đai chúng ta cho những kẻ bóc lột chúng ta”.

Vì thế, trong cộng đoàn Thiên Chúa, không còn ai giăng dây chia đất cho ngươi.

Ðó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 10, 1-2. 3-4. 7-8. 14

Ðáp: Lạy Chúa, xin đừng quên những kẻ cơ bần (c. 12b).

Xướng: Lạy Chúa, tại sao Ngài xa cách, tại sao Ngài ẩn mặt trong lúc gian truân, đang khi đứa ác kiêu căng, người nghèo bị hại, bị trúng mưu gian nó đã bày ra?

Xướng: Bởi đứa tội nhân đang hãnh diện vì lòng tham; tên kẻ cắp đang lộng ngôn, khinh nhờn Chúa. Ðứa ác nhân ngạo nghễ thốt lời: “Ngài không báo ứng, không có Chúa Trời!” Ðó là tất cả điều nó suy tư.

Xướng: Miệng nó đầy lời chửi rủa, gian ngoan và xảo kế, dưới lưỡi nó chứa sự tân toan và sách nhiễu. Nó ngồi núp gần những nơi thôn xóm, trong chỗ khuất tịch nó giết người hiền lương, mắt nó rình xem kẻ cơ bần.

Xướng: Nhưng Ngài thấy, Ngài nhìn nỗi tân toan sầu khổ, để rồi Ngài đỡ lấy trong tay. Kẻ cơ bần đem thân phó thác cho Ngài, Ngài là Ðấng phù trợ kẻ mồ côi. – Ðáp.

 

Tin mừng: Mt 12, 14-21

14 Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu bàn bạc để tìm cách giết Đức Giê-su. 15 Biết vậy, Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó.

16 Dân chúng theo Người đông đảo và Người chữa lành hết. 17 Người còn cấm họ không được tiết lộ Người là ai.

18 Như thế là để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a đã nói: Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người.

19 Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người. 20 Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân.

21 Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường.

Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người.

 

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Thiên Chúa xót thương không nỡ bẻ gãy cây lau bị dập, không nỡ dập tắt tim đèn còn khói. Chúa thương ta cả khi ta đang lỗi lầm. Hãy tin cậy lòng Chúa xót thương.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa có lòng yêu thương con người đến kỳ lạ. Khi con sống tốt, Chúa thương con đã đành. Nhưng Chúa vẫn thương con và còn thương hơn, khi con đang yếu đuối phản bội Chúa.

Lúc con đang như cây sậy đã dập nát vì tội lỗi, Chúa không bỏ con nhưng còn săn sóc để con đứng dậy. Chúa nhờ bạn bè, anh chị em và nhất là các chủ chăn trong Giáo Hội để nhắc nhở hướng dẫn con. Đôi khi Chúa dùng cả những biến cố xảy đến trong đời để thức tỉnh con. Xin cho con biết đón nhận những săn sóc của Chúa.

Lúc con đang như tim đèn còn nghi ngút khói là lúc niềm tin con đang chao đảo với bao sóng gió cuộc đời, Chúa vẫn không bỏ con. Chúa dùng các phương thế trong Giáo Hội là Lời Chúa và các bí tích, Chúa dùng anh em, bạn bè và các bề trên của con để củng cố lại niềm tin cho con. Lại còn bao lời cầu nguyện của Giáo Hội vây bọc để đỡ nâng đức tin cho con. Xin cho con đừng mất lòng trông cậy vào Chúa.

Đứng trước lòng xót thương của Chúa đã dành cho con, con xin được vinh hạnh trở nên dụng cụ cho lòng Chúa xót thương.

Xin đừng để con theo tính tự nhiên mà xa tránh hoặc khinh thường những anh chị em đang lỡ lầm. Trái lại, xin cho con biết luôn cầu nguyện, biết thông cảm và giúp đỡ anh em đứng dậy. Amen.

Ghi nhớ: “Người cấm họ đừng cho ai biết Người, để ứng nghiệm lời đã phán”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích

Mặc dù bị các người biệt phái Pharisiêu chỉ trích, Chúa Giêsu không trả đũa nhưng “lánh đi nơi khác” (c15);
Dù Ngài đã làm những phép lạ hiển hách và được dân chúng ngưỡng mộ, Ngài vẫn khiếm tốn “cấm họ không được tiết lộ Ngài với ai” (c16).

Thái độ bất bạo động đó làm cho Ngài rất giống với hình ảnh Người Tôi Tớ hiền lành mà Isaia đã tiên báo: “Ngài sẽ không cãi vã, không to tiếng. Chẳng ai nghe thấy Ngài lên tiếng giữa phố phường, cây lau bị dập Ngài không đành bẻ gẫy, tim đèn loe lét Ngài không nỡ tắt đi…”

B. Suy gẫm

1. Những người biệt phái đã bao phen chống đối Chúa Giêsu. Hôm nay họ còn bàn mưu hãm hại Ngài. Chúa Giêsu thừa khả năng chống lại họ, nhưng Ngài rời nơi ấy tránh đi nơi khác. Đối đầu và trả đũa không phải là phương cách hay nhất. Khi nào còn có thể nhường thì nhường, còn có thể nhịn thì nhịn.

2. “Ai có bệnh đều được Ngài chữa lành. Ngài cấm họ đừng nói cho ai biết Ngài”. Chúa không muốn phô trương những phép lạ của Ngài, một đàng không muốn người ta hiểu sai về tư cách Đấng Messia của Ngài, mặt khác vì khiêm tốn như lời Ngài đã dạy: “Đừng phô trương công đức trước mặt người ta”.

3. “Ngài sẽ không cãi vã, không to tiếng. Chẳng ai nghe thấy Ngài lên tiếng giữa phố phường”. Xin Ngài dạy cho con được như Ngài, không thích to tiếng, cãi cọ, ăn thua…

4. “Cây lau bị dập Ngài không đành bẻ gẫy; tim đèn leo lét Ngài chẳng nỡ tắt đi…”. Xin Chúa dạy con noi gương Chúa, trân trọng bảo vệ, khuyến khích và nuôi dưỡng những gì tốt đẹp còn lại trong lòng những kẻ mà người ta đã cho là hư đốn.

5. Một hôm satan thích chí vô cùng vì đã phát minh ra được một cái gương vô cùng kỳ diệu: Bất cứ điều gì trong gương ấy cũng bị đảo lộn. Khuôn mặt kiều diễm nhất nhìn vào tấm gương cũng xấu xí, ghê rợn. Satan nghĩ có thể đưa tấm gương lên thiên đàng để chia rẽ Thiên Chúa và các thiên thần.

Satan liền đội tấm gương lên đầu và bay thẳng lên trời. Dọc đường hắn nhìn vào tấn gương và càng thích thứ khi thấy gương mặt xấu xí của hắn nay càng xấu xí hơn. Nhưng càng bay tới thiên đàng thì hắn càng thấy gương mặt hắn xấu thê thảm. Cứ thế chưa tới cửa thiên đàng thì hắn không chịu vẻ thô bạo xấu xí của hắn nữa. Tay hắn run lẩy bẩy và đánh rơi tấm gương xuống trần gian. Tấm gương vỡ tan từng mảnh và lan tràn khắp trên mặt đất. Đó là khởi đầu đại họa cho con người: từng hạt cát nhỏ bám vào mắt ai thì nằm mãi ở đó, và người đó chỉ thấy cái xấu trên thế gian này thôi.

Câu chuyện trên muốn nói rằng: nhìn thấy cái xấu nơi người khác không phải là điều tự nhiên của con người, đó là một cái nhìn của quỷ.

Nơi mỗi người vẻ đẹp của Thiên Chúa vẫn còn chiếu sáng. Chính cái nhìn này mới là nền tảng cho đức ái Kitô giáo.

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Người tôi tớ của Thiên Chúa (Mt 12,14-21)

  • Tiên tri Isaia tuyên sấm về Người tôi tớ của Thiên Chúa, Người tôi tớ được Thiên Chúa yêu thương. Thiên Chúa ban Thần khí xuống trên Người, để Ngài đem Tin mừng cứu độ đến cho toàn dân. Người tôi tớ này hiền lành, khiêm nhường, âm thầm và đầy tình xót thương. Đây chính là hình ảnh tiên báo về Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa. Người đã bị sát tế vì phần rỗi nhân loại. Người không muốn bị mất bất cứ ai nên đã sống với con người, dạy dỗ, giúp đỡ và dùng chính Thịt Máu mình để làm chứng cho tình yêu của Người đối với nhân loại.
  • Chúa Giêsu biết rõ những người biệt phái ghen ghét và mưu hại Ngài, Ngài đã kín đáo rời khỏi miền Galilê để tiếp tục sứ mệnh của Ngài tại nhiều nơi khác. Ngài còn cấm những kẻ theo Ngài không được tiết lộ cho thiên hạ biết Ngài là ai. Thánh Mátthêu đã nhận ra trong sự kiện này lời tiên tri Isaia đã ứng nghiệm, như được ghi lại trong Tin mừng hôm nay.
  • Đấng Thiên Sai là Con Thiên Chúa. Thần khí Thiên Chúa luôn ngự trên Ngài, nhưng theo lời tiên tri Isaia, khi Ngài xuất hiện thì đây là dấu nhận ra Ngài: một con người hiền lành và khiêm nhường thật trong lòng, Ngài không cãi vã, không la lối, Ngài không bẻ gãy cây sậy đã giập, không dập tắt tim đèn còn khói. Đó chính là lòng nhân từ kiên nhẫn, xót thương của Chúa. Nhưng Ngài hiền lành không phải để buông xuôi, mà là để thâm nhập tâm hồn con người, cho đến lúc sự công chính được toàn thắng và muôn dân nước đều hy vọng vào Ngài (Mỗi ngày một tin vui).

  • Thời Chúa Giêsu, những người biệt phái cũng có một lòng hăng say tương tự với ý thức hệ của lề luật. Họ đã nhân danh lề luật để ném đá người khác, họ đã nhân danh lề luật để loại bỏ biết bao người ra khỏi lề luật, nhất là họ đã nhân danh lề luật để đóng đinh Chúa Giêsu.
  • Đối lại sự tàn bạo của những người nhân danh lề luật hay ý thức hệ để tiêu diệt người khác, Chúa Giêsu để lộ lòng khoan dung cảm thông vô bờ. Tin mừng hôm nay ghi lại lời tiên tri Isaia để nói về lòng nhân hậu của Chúa Giêsu: Ngài không cãi có dức lác, không ai nghe tiếng Ngài ngoài đường phố. Ngài không bẻ gãy cây sậy đã giập, không dập tắt tim đèn còn khói cho đến khi sự công chính được toàn thắng.

  • Các xã hội thời nay càng ngày càng bạo động. Ngày càng có nhiều kẻ nghĩ rằng chỉ có bạo động – về tinh thần hoặc thể lý – mới có thể duy trì hòa bình, giải phóng những người bị áp bức, trả quyền lợi cho những kẻ đã bị cướp đoạt. Họ đã đi lạc đường. Họ đã sai lầm thảm thương.
  • Bạo động chỉ có thể sinh ra bạo động mà thôi.

    Phải giết chết bạo động, phải thắng vượt nó bằng tình thương, sự kiên nhẫn và lòng nhân từ. Phải học lại cho biết ở dịu hiền. Đó là những sức mạnh có thể cứu loài người, chứ không phải sức mạnh nào khác. Người mạnh thật chính là một người hiền lành. Kẻ bạo động là con người yếu đuối. Tình thương thì mạnh, bạo lực thì yếu. Tình thương dẫn đến sự sống, bạo lực đưa tới sự chết. Khi làm cho kẻ khác chết, ta chỉ sản xuất được chết chóc mà thôi. Khi để cho mình bị giết chết, ta gieo rắc sự sống. Chính những kẻ bất bạo động mới cứu được thế giới (J.Y.G).

  • Cách đây vài thập niên, giới khoa học đã nỗ lực phác hoạ lại khuôn mặt thật của Chúa Giêsu dựa trên những dấu vết trên tấm khăn liệm thành Tôrinô, được coi là tấm khăn đã dùng để tẩm liệm Chúa Giêsu. Đi tìm một bức chân dung thật của Chúa Giêsu có lẽ là mong ước của không ít người. Song, đứng trước những kết quả đạt được, thì vẫn còn tồn tại nhiều ý kiến trái ngược nhau. Thế nhưng, vẫn có đó một bức chân dung thật của Chúa Giêsu, một bức chân dung không kém phần giá trị, đó là bức chân dung được vẽ lên từ chính Lời Chúa. Quả thật, Lời Chúa hôm nay đã vẽ nên một bức chân dung tuyệt vời về Chúa Giêsu, một Chúa Giêsu thật nhân từ, khoan dung, đầy lòng thương xót: “Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi” (5 phút Lời Chúa).
  • Truyện: Lòng nhân hậu của Mahatma Gandhi
  • Năm 1922, Mahatma Gandhi, nhà cách mạng bất bạo động của Ấn đã bị chính quyền bảo hộ kết án tù 6 năm. Biết ông là người gây nhiều ảnh hưởng, viên quản đốc trại đã biệt giam ông, mọi liên lạc đều do người cai tù Phi châu da đen nổi tiếng là lạnh lùng đảm nhận. Vì bất đồng ngôn ngữ, cả hai chỉ có thể trao đổi với nhau bằng cử điệu và ánh mắt.

    Ngày nọ, trên đường đem cơm đến phòng giam của Gandhi, người tù da đen bị con rắn độc cắn. Không bỏ lỡ một giây, Gandhi để phần cơm sang bên, vội vàng lấy mảnh chén vỡ vạch hình chữ thập trên vết cắn, rồi kề miệng hút hết lượng máu nhiễm độc, sau đó với số thuốc gia truyền đem theo, ông đã dùng để rịt vết thương cho người ấy. Người da đen liền quì xuống trước mặt Gandhi tỏ dấu cám ơn. Trái tim chai cứng giờ đây đã biết rung động, vì đây là lần đầu tiên trong kiếp sống khốn khổ của anh, anh đã nhận được một đối xử bằng tình người. Cũng từ đó anh hết lòng giúp đỡ Gandhi, và nhờ thế nhà cách mạng còn sống sót để tiếp tục lãnh đạo cuộc tranh đấu.

    Chính quyền Anh đã an tâm khi dựng lên bức tường ngăn cách Gandhi với các đồng hương, bức tường ấy là người da đen lạnh lùng vô cảm. Thế nhưng có một sợi dây leo đã bò qua được bức tường ấy, đó là sợi dây leo tình thương.

     

    Suy niệm 4: (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

    Câu chuyện

    Kế hoạch Phân Sáp được vua Tự Đức cho thi hành vào năm 1851 và 1856, gồm bốn mặt:

    - Mặt thứ nhất, không cho người công giáo ở trong làng công giáo của mình, nhưng phải đến ở trong các làng bên lương.

    - Mặt thứ hai, mỗi người công giáo phải bị năm người lương canh giữ cẩn mật.

    - Mặt thứ ba, các làng công giáo bị phá hủy, của cải ruộng đất của người công giáo bị tịch thu và giao vào tay những người bên lương, những người này sử dụng và nộp thuế lại cho Nhà nước.

    - Mặt thứ bốn, không cho người đàn ông công giáo ở một nơi với người đàn bà công giáo, không cho vợ chồng công giáo ở với nhau, mỗi người phải đi ở một nơi xa nhau, con cái của người công giáo thì phải để cho gia đình người lương nuôi.

    Đây là một kế hoạch nhằm tiêu diệt Giáo hội Công giáo Việt Nam. Nhưng bàn tay Chúa dẫn đưa lạ lùng: Giáo hội Công giáo Việt Nam đến hôm nay vẫn còn lớn mạnh và phát triển không ngừng.

    Suy niệm

    Trong sứ mạng của Đấng Thiên Sai, Chúa Giêsu luôn gặp sự chống đối đó là hình ảnh báo trước mầu nhiệm thập giá đỉnh cao của sứ vụ cứu độ. Chúa Giêsu nhắc đến lời ngôn sứ Isaia về Người Tôi Tớ của Thiên Chúa: Người Tôi Tớ được Chúa yêu thương, ban Thần Khí xuống trên Ngài để Ngài đem Tin Mừng cứu độ đến cho toàn dân. Ngài hiền lành khiêm tốn, âm thầm và đầy tình xót thương. Ngài bị sát tế vì để cứu độ con người. Người Tôi Tớ đau khổ của Thiên Chúa là hình ảnh tiên báo về Ðức Giêsu - Con Thiên Chúa.

    Ðức Giêsu tiên báo cuộc thương khó ứng với lời ngôn sứ Isaia đã viết về Con Người sẽ được hoàn tất (x. Lc 18,31). Sau này các tông đồ khẳng định Chúa Giêsu như chiên bị đem đi sát tế (Cv 8,32), Người Tôi Tớ hiền từ chịu chết cho nhân loại mà ngôn sứ Isaia loan báo... (1Pr 2,22-23).

    Trong kế hoạch của Thiên Chúa, Đấng Thiên Sai phải chịu khổ nhục như người tôi tớ đau khổ. Tất cả biểu lộ bằng thập giá và thập giá trở nên khí cụ cứu độ mà Chúa Kitô dùng và đường thập giá là đường cứu độ đưa ta vào sự sống như trong Kinh Tiền Tụng Thương Khó, Giáo hội tuyên xưng: “Vì nhờ cuộc khổ nạn sinh ơn cứu độ của Con Chúa, toàn thế giới đã nhận biết phải tuyên xưng uy linh Chúa và nhờ quyền lực khôn tả của Thập giá, thế gian đã bị xét xử, và quyền năng của Ðấng chịu đóng đinh được toả sáng”.

    Ngày hôm nay, từng giây phút trong cuộc đời, Đức Kitô vẫn là Người Tôi Tớ đau khổ đang cùng chúng ta vác thánh giá tiến về đồi Calvariô. Mọi sự đau khổ, mọi khốn khó, vấp ngã của con người đều nương trong thập giá với Người Tôi Tớ Thiên Chúa.

    Ý lực sống

    Hãy vác thập giá mình hằng ngày (x. Lc 9,23).

    Tag:

    2022-07-16