“Hãy để các trẻ nhỏ đến với Ta, và đừng ngăn cấm chúng,
vì Nước Trời là của những người giống như chúng.” (Mt 19, 14)
BÀI ĐỌC I (năm II): Ed 18, 1-10. 13b. 30. 32
“Ta sẽ xét xử mỗi người theo cách nó sống”.
Trích sách Tiên tri Êdêkiel.
Có lời Chúa phán cùng tôi rằng: Tại sao giữa các ngươi trong Israel có câu tục ngữ rằng: “Cha ông ăn nho chua thì con cháu ghê răng”?
Chúa là Thiên Chúa phán, Ta lấy sự sống Ta mà thề không lặp lại câu tục ngữ ấy ở Israel nữa. Này tất cả mọi sinh mạng đều thuộc về Ta; sinh mạng người cha cũng như sinh mạng người con, đều thuộc về Ta. Ai phạm tội, người ấy sẽ chết. Ai công chính, giữ lề luật và đức công bình, không ăn (của cúng) trên núi và không ngước mắt nhìn các thần tượng của nhà Israel, không xúc phạm đến vợ người khác, không gần gũi đàn bà khi họ không được sạch, không áp bức người ta, trả đồ cầm cố cho người mắc nợ, không cưỡng đoạt của ai, đem bánh cho người đói khát, đem áo mặc cho người trần trụi, không cho vay ăn lời, không lấy thêm của người, giữ tay không làm điều gian ác, xét đoán công minh giữa hai người, ăn ở theo luật lệ của Ta, và giữ các giới răn của Ta để thực hiện chân lý, người đó mới là công chính, nó sẽ được sống, Chúa là Thiên Chúa phán.
Nhưng nếu người đó sinh ra một đứa con trộm cướp, khát máu, phạm tội trong những lỗi nói trên, thì đứa con ấy không đáng sống, vì đã làm những điều đáng ghét, nó sẽ chết, và máu nó sẽ đổ trên đầu nó.
Vì vậy, hỡi nhà Israel, Ta sẽ xét xử mỗi người theo cách nó sống: Chúa là Thiên Chúa phán. Các ngươi hãy trở lại và hãy hối cải tất cả những điều gian ác, thì sự gian ác sẽ không huỷ diệt các ngươi. Hãy dứt bỏ hết mọi tội lỗi các ngươi đã phạm, và hãy tạo cho các ngươi một tâm hồn và một tinh thần mới. Hỡi nhà Israel, tại sao các ngươi muốn chết. Ta không thích cho ai phải chết: Chúa là Thiên Chúa phán. Hãy trở lại để được sống.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 50, 12-13. 14-15. 18-19
Ðáp: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch (c. 12a).
Xướng: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con.
Xướng: Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ; với tinh thần quảng đại, Chúa đỡ nâng con. Con sẽ dạy kẻ bất nhân đường nẻo Chúa, và người tội lỗi sẽ trở về với Ngài.
Xướng: Bởi vì Chúa chẳng ưa gì sinh lễ, nếu con dâng lễ toàn thiêu, Chúa sẽ không ưng. Của lễ con dâng, lạy Chúa, là tâm hồn tan nát; lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát khiêm cung.
Tin mừng: Mt 19, 13-15
13 Bấy giờ người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện. Các môn đệ la rầy chúng.
14 Nhưng Đức Giê-su nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.”15 Người đặt tay trên chúng, rồi đi khỏi nơi đó.
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Thiên Chúa là Đấng chân thành và đầy yêu thương. Cùng với các trẻ em, những ai biết sống chân thành và đầy tình yêu thương, sẽ được Chúa đón nhận và chúc lành.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa yêu thương và ôm các thiếu nhi vào lòng, chẳng phải vì vóc dáng dễ thương nhưng vì các em sống đơn sơ và chân thành. Một em bé đánh mất lòng đơn sơ chân thành chẳng đáng là công dân Nước Trời. Ngược lại, một người lớn mà vẫn giữ được lòng đơn sơ chân thành như trẻ thơ vẫn đáng được Chúa đón nhận.
Chính Chúa là Đấng chân thành và đầy lòng yêu thương. Chúa đòi hỏi những ai muốn ở với Chúa cũng phải đơn sơ, chân thành và sống chan hòa yêu thương.
Lạy Chúa, xin giúp con đến với Chúa trong tình yêu mến chân thành của trẻ thơ. Xin đừng để con đến với Chúa để cầu lợi, vì khi ấy con đã trở thành con buôn đến với Chúa. Đừng để con đến với Chúa mà khoe khoang như người biệt phái lên đền thờ cầu nguyện, vì con sẽ chẳng đáng Chúa thương. Đừng để con đến với Chúa mà mặc cảm như ông Giu-đa, không dám xin Chúa tha thứ, vì như thế Chúa chẳng cứu được con. Xin dạy con sống đơn sơ chân thành: biết cám ơn Chúa về điều tốt đẹp nơi con, biết xin Chúa thứ tha cho những điều thiếu sót, biết trình bày những thiếu thốn khó khăn và phó thác trong tay Chúa.
Lạy Chúa, dù con còn bé hoặc đã trưởng thành, xin cho con biết giữ mãi tinh thần trẻ thơ để con mãi mãi ở trong tay Chúa và đáng được Chúa chúc lành. Amen.
Ghi nhớ: “Ðừng ngăn cấm các trẻ nhỏ đến với Ta, vì Nước Trời là của những người giống như chúng”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A- Phân tích (Hạt giống...)
Người Do Thái coi khinh trẻ nhỏ, vì chúng chưa đến Hội đường để học cho nên chưa biết Luật Môisê. Trong chuyện này, các môn đệ cũng theo quan niệm khinh thường trẻ nhỏ như thế, cho nên khi người ta đem chúng đến với Chúa Giêsu thì các ông đuổi. Đó là thái độ khai trừ.
Chúa Giêsu không đồng ý với thái độ khai trừ đó. Ngài bảo: “Hãy để các trẻ nhỏ đến với Ta, và đừng ngăn cấm chúng.” Trẻ nhỏ (và những người giống như chúng) được Chúa đề cao không phải vì chúng khờ dại hay yếu ớt mà vì 2 lý do:
1. Chúng bị xã hội “khai trừ”. Mà ai bị người đời khai trừ thì Thiên Chúa lại che chở
2. Chúng ngoan ngoãn, lệ thuộc và tín nhiệm người lớn (trẻ nhỏ dễ nghe, dễ vâng lời). Hai điểm này khiến chúng trở thành những “người nghèo” được Thiên Chúa ưu ái.
B- suy gẫm (...nẩy mầm)
1. Người đời quen phân biệt, ai là người mình nên trọng, ai là kẻ mình khinh thường. Ngày xưa, người Do Thái khinh thường và khai trừ một số người khỏi sinh hoạt chung của xã hội và Tôn giáo. Đó là phụ nữ, người cùi, người tội lỗi công khai và trẻ nhỏ. Đặc điểm của Kitô giáo và đặc biệt của Công Giáo là mở rộng vòng tay tiếp đón mọi người không khai trừ ai.
Nhưng đó mới chỉ là thái độ của Chúa Giêsu thôi. Đó có phải là thái độ của mọi Kitô hữu chưa?
2. “Hãy để các trẻ nhỏ đến với Ta, và đừng ngăn cấm chúng”: Người lớn ngăn cấm trẻ nhỏ đến với Chúa bằng nhiều cách: không dẫn chúng đến Nhà thờ, không tạo điều kiện cho chúng học giáo lý, làm gương xấu, gieo vào đầu óc ngây thơ của chúng những ý tưởng đen tối.v.v...
3. Một cậu bé gõ cửa nhà một bà cụ già, và hỏi xem bà có mua những trái trứng cá chín mọng mà cậu vừa hái được.
Bà trả lời: “Có, bà sẽ xách xô của cháu và đong hai lít”.
Cậu bé đứng ngoài đùa giỡn với con chó.
Bà nói: “Sao cháu không vào xem bà đong có đúng không? Nhỡ bà lường gạt cháu thì sao?”
- Cháu không sợ! Vì làm thế bà sẽ nhận được điều xấu nhất.
- Ý cháu muốn nói là gì?
- Vì cháu chỉ mất vài trái nhỏ nhưng bà tự biến bà thành kẻ trộm. (Góp nhặt)
4. Chúa Giêsu bảo: “Hãy để các trẻ nhỏ đến với Ta, và đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những người giống như chúng.” (Mt 19, 14)
Con đường nhỏ xíu, chạy ngoằn ngoèo, nước chảy lênh láng, những dãy nhà nhô ra thụt vào mất trật tự như đám con nít xóm này. Không thể tưởng tượng ở đâu ra nhiều con nít như thế. Chúng dơ bẩn, quần áo cũ rích, chạy lung tung ngoài đường, nói bậy luôn mồm. Một cậu bé mải chơi đâm sầm vào một bà đi đường. Té ngã, thằng bé văng tục. Bà kia quát: “Đồ du côn, đồ mất dạy”... Lời giáo huấn tưởng chừng như không bao giờ kết thúc.
Là ai, nếu không phải người lớn vô tình làm vấy bẩn tâm hồn trong trắng của các em. Hơn ai hết, chúng đủ tư cách hưởng hạnh phúc nhất. Nhưng xã hội rất nhẫn tâm đè bẹp những cánh hoa mong manh ấy bằng những gương xấu, bằng những cơ chế nghèo hèn, thất học. Thậm chí những em bé kém may mắn bị đẩy ra ngoài đời sớm còn tiêm nhiễm biết bao thói hư tật xấu. Thiên Đàng của các em là đấy!
Xã hội phân hóa giàu nghèo, con người quay cuồng với miếng cơm manh áo. Nhưng xin Chúa cho chúng con luôn biết nhớ và tôn trọng quyền được chăm sóc và giáo dục của trẻ em. (Hosanna)
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Chúa Giêsu và trẻ em (Mt 19,13-15)
Theo truyền thống xã hội của Do thái thời Chúa Giêsu, những ai chưa kết hôn thì chưa hoàn toàn là người trưởng thành, vì thế bị coi rẻ trong xã hội. Việc Chúa Giêsu đón nhận các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng biểu lộ tình thương và sự gần gũi của Người đối với các em. Chúa Giêsu yêu mến tinh thần đơn sơ, phó thác và cho đó là điều kiện để được vào Nước trời: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, và đừng ngăn cấm chúng, vì Nước trời thuộc về những ai giống như chúng”.
Người đời quen phân biệt ai là người mình nên trọng, ai là kẻ mình khinh thường. Ngày xưa người Do thái khinh thường và khai trừ một số người khỏi sinh hoạt chung của xã hội và tôn giáo, đó là phụ nữ, người cùi, người tội lỗi công khai và trẻ nhỏ... Đặc điểm của Kitô giáo và đặc biệt là của Công giáo là mở rộng vòng tay tiếp đón mọi người không khai trừ ai.
Lời Chúa hôm nay cho thấy Chúa Giêsu yêu thương trẻ em và tất cả những ai sống đơn sơ khiêm nhường như chúng: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước trời thuộc về những ai giống như chúng”.
Thật ra, trẻ nhỏ chưa phát triển đầy đủ như con người trưởng thành để có thể chịu trách nhiệm về những hành vi của mình. Con người thực sự có giá trị vẫn là con người có đủ tài đức để phục vụ người khác. Nhưng Chúa Giêsu muốn chúng ta trở nên như trẻ nhỏ, là vì nơi chúng có những đức tính tự nhiên mà mọi người cần thực hành để vào Nước trời.
Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện”
“Đặt tay” là một nghi thức thường được dùng để chữa bệnh hay tấn phong; còn trong trường hợp này, đây là cử chỉ chúc phúc xin Chúa che chở trên một kẻ nào đó. Người ta đem trẻ nhỏ đến xin Chúa đặt tay lên chúng là để xin ơn che chở cho trẻ nhỏ, là những kẻ cần được bảo vệ và chăm sóc. Giáo dân thường đến xin các linh mục chúc lành là vì họ tin tưởng Chúa hiện diện nơi linh mục. Những ai càng gần Chúa thì càng có thế giá để cầu xin phúc lành của Thiên Chúa (Lm. Trần Hữu Thành).
Trên nguyên tắc người ta phải tôn trọng trẻ em, nhưng trong thực tế người ta đã khinh thường trẻ em nên có những hành động làm tổn thương các em. Năm vừa qua, nhiều nhà báo phản ánh chuyện các em học sinh bị giáo viên đánh đập tàn bạo, đến nỗi ban đêm nằm ngủ ở nhà, các bé cũng la hét hoảng loạn, van xin cô đừng đánh nữa.
Ai trong chúng ta cũng biết trẻ em là tương lai của gia đình, xã hội và Giáo hội. Vì thế, các em cần được yêu thương, chăm sóc. Tuy nhiên, các em cũng là đối tượng của sự bạo hành, đánh đập và bóc lột tàn tệ của một số người, vì các em yếu đuối và không có khả năng tự bảo vệ.
Thiên Chúa thì khác, Người luôn quan tâm săn sóc các em. Kinh thánh cho biết, trẻ em chính là đối tượng được Thiên Chúa yêu thương cách đặc biệt. Hơn nữa, Đức Giêsu còn khẳng định những ai giống như trẻ em mới được vào Nước trời. Vì sao? Vì các em đơn sơ, trong trắng, thật thà và chân thành.
Mỗi khi phải đón tiếp những nhân vật quan trọng, người ta thiết lập những hàng rào an ninh nghiêm ngặt nhằm bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các VIP đó. Những việc lớn lao như thế đương nhiên là việc người lớn, còn “con nít thì đi chỗ khác chơi!” Các môn đệ Chúa Giêsu cũng dễ sa vào cơn cám dỗ “kẻ cả” đó: biến Thầy mình thành VIP để vai trò của mình được quan trọng hoá lên. Và họ cho rằng việc đầu tiên phải làm ngay là cấm chỉ không cho lũ trẻ nít bén mảng đến gần Thầy mình. Kể ra các môn đệ cũng “hơi bị quê độ” khi Đức Giêsu sửa lưng các ngài ngay tức khắc: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng xua đuổi chúng” (5 phút Lời Chúa).
Hôm nay một lần nữa, Chúa Giêsu muốn nói rõ hơn về những đức tính tốt khi thấy một em bé được người ta bế đến, để xin Ngài đặt tay và chúc lành cho chúng. Các môn đệ tỏ vẻ không đồng ý, vì coi là chuyện quấy rối mất thì giờ. Tuy nhiên, trẻ em thì đơn sơ, trong trắng, chân thật và thuỷ chung. Chúng cần đến sự trợ giúp của người khác, và thường nài xin cha mẹ và những người lớn điều chúng muốn. Nhân đây, Chúa Giêsu không có ý nói là phải nhỏ bé lại theo nghĩa đen, mà là theo nghĩa bóng, tức là hãy mặc lấy tâm tình của trẻ thơ, đó là hãy sống trong trắng, đơn sơ, chân thành, không nghi kỵ, vòng vo, gian dối, không tự kiêu, tự mãn, nhưng biết phó thác, tin tưởng vào Chúa quan phòng. Luôn yêu thương và gắn kết trong sự tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, vì: “Mọi gánh nặng hãy trút bỏ cho Ngài, tin tưởng vào Ngài, Ngài sẽ ra tay”.
Truyện: Một trẻ thơ làm chứng nhân
Ông Taba, một nhà trí thức tại Indonesia và cũng là một tín hữu Kitô đã kể lại câu chuyện đời ông như sau:
“Tôi rất hãnh diện và tôi cho rằng tôi là người tín hữu duy nhất trong giáo xứ có được bằng tiến sĩ, mà còn là chủ tịch hội luật gia, đồng thời là chủ tịch hội trí thức trong tỉnh nữa. Với tất cả những danh hiệu và chức vụ này, tôi tưởng như chẳng ai bằng tôi cả. Thế nhưng tôi lại bê trễ việc đạo vì quá bận rộn. Tôi không còn quan tâm gì đến việc cầu nguyện nữa.
Một hôm, cháu trai mới hai tuổi của tôi đến chơi và ngủ lại chung phòng. Khi thấy như thế, cháu hỏi: “Cậu ơi, sao cậu không cầu nguyện? Cậu cãi nhau với Chúa rồi à?”
Câu hỏi ngây thơ ấy làm tôi tỉnh ngộ. Thật chính là Chúa đã dùng một đứa bé mới có hai tuổi làm nhân chứng cảnh tỉnh và nhắc nhở tôi. Tôi lập tức cầu nguyện ngay trước mặt cháu. Và từ đó tới nay tôi luôn cầu nguyện trước khi đi ngủ”.