Thứ Bảy tuần 30 Thường niên năm I - Bài học khiêm nhường (Lc 14,1.7-11)

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Thứ Bảy tuần 30 Thường niên năm I - Bài học khiêm nhường (Lc 14,1.7-11)

Thứ Bảy tuần 30 Thường niên năm I - Bài học khiêm nhường (Lc 14,1.7-11)

Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống;
còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên
”.
(Lc 14,11)

BÀI ĐỌC I (năm I): Rm 11, 1-2a. 11-12. 25-29

“Nếu sự bỏ rơi người Do-thái là sự giao hoà của thế giới, thì đâu là cái lợi, nếu không phải là sự sống lại từ cõi chết?”

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, chớ thì Thiên Chúa đã bỏ rơi dân Người rồi sao? Hẳn là không. Vì chính tôi cũng là người Israel, miêu duệ của Abraham, thuộc chi họ Bengiamin. Thiên Chúa không từ bỏ dân Người mà Người đã chiếu cố trước.

Vậy tôi xin hỏi: Chớ thì họ đã vấp chân đến nỗi ngã xuống rồi sao? Hẳn là không. Nhưng vì lỗi lầm của họ mà Dân ngoại được ơn cứu độ, để họ ganh đua với những kẻ ấy. Nếu lỗi lầm của họ làm cho thế giới nên giàu có, và sự thiếu thốn của họ làm cho Dân ngoại được phú túc, thì sự dư đầy của họ còn lợi nhiều hơn biết bao.

Anh em thân mến, tôi không muốn để anh em không hay biết mầu nhiệm này (để anh em không tự cho mình là những kẻ khôn ngoan): là một phần dân Israel cứng lòng mãi cho đến khi toàn thể Dân ngoại nhập giáo, và bấy giờ toàn thể Israel cũng sẽ được cứu độ, như có lời chép rằng: “Từ Sion có Ðấng Cứu độ sẽ đến mà cất sự vô đạo khỏi Giacóp. Và đó là giao ước Ta ký kết với họ, khi Ta xoá bỏ tội lỗi của họ”.

Xét theo Tin Mừng thì họ thật là kẻ thù nghịch vì anh em, nhưng xét theo kén chọn, thì họ là những người rất được yêu thương vì các tổ phụ. Bởi vì Thiên Chúa ban ân huệ và kêu gọi ai, Người không hề hối tiếc.

Ðó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 93, 12-13a. 14-15. 17-18

Ðáp: Chúa sẽ không loại trừ dân tộc của Chúa (c. 14a).

Xướng: Lạy Chúa, phúc thay người được Ngài dạy bảo, và giáo hoá theo luật pháp của Ngài, hầu cho họ được thảnh thơi trong những ngày gian khổ. 

Xướng: Vì Chúa sẽ không loại trừ dân tộc, và không bỏ rơi gia nghiệp của Ngài. Nhưng sự xét xử sẽ trở lại đường công chính, và mọi người lòng ngay sẽ thuận tình theo.

Xướng: Nếu như Chúa chẳng phù trợ con, trong giây phút hồn con sẽ ở nơi yên lặng. Ðang lúc con nghĩ rằng “Chân con xiêu té”, thì, lạy Chúa, ân sủng Ngài nâng đỡ thân con. 

 

Tin mừng: Lc 14, 1.7-11

1 Một ngày sabát kia, Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người.

7 Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: 8 “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, 9 và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: “Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối.

10 Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn.

11 Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Khiêm tốn là nét duyên của người Kitô hữu trước mặt Chúa. Thiên Chúa thương yêu và nâng dậy những ai khiêm cung nhỏ bé.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, thân phận con người trước nhan Chúa chỉ là thụ tạo đối với Đấng Tạo Thành, là giới hạn đối với vô hạn, là kẻ yêu đuối lỗi lầm đối với Đấng Chí Thánh. Ai tưởng mình là thánh thiện, người đó thật ảo tưởng. Khi con đòi hỏi Chúa phải ban ơn như ý con, là lúc con quên thân phận thụ tạo của mình. Người kiêu căng tự phụ thật vô duyên trước mặt Chúa. Con không thể quên hình ảnh người biệt phái lên đền thờ vênh vang kể công đức của mình và coi thường anh em, và đã bị Chúa Giêsu chê trách.

Con muốn là người khiêm tốn để được Chúa thương mến. Người khiêm tốn là người biết nhận đúng về thân phận mình và cậy trông vào Chúa. Con nhìn về gương Mẹ Maria nhận mình là tôi tớ Chúa, phó thác cậy trông để Chúa dẫn dắt cuộc đời Mẹ. Chúa đã dẫn dắt Mẹ đi vào con đường làm Mẹ Thiên Chúa đầy đau khổ, nhưng cũng đầy bình an và hạnh phúc.

Lạy Chúa, xin giúp con biết sống khiêm tốn và phó thác, đừng than thân trách phận làm phiền lòng Chúa, Đấng đã vì thương mà tạo dựng nên con. Xin cho con biết sống khiếm tốn trước mọi người: biết tôn trọng, nhường nhịn, phục vụ nhau, biết nhận lỗi và can đảm xin lỗi khi con có lỗi với anh chị em. Con tin rằng khi con khiêm tốn phó thác cậy trông vào Chúa, như con thơ trong tay Cha nhân lành, Chúa sẽ dẫn dắt đời con tới bến bờ bình an và hạnh phúc. Amen.

Ghi nhớ: “Hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Thời Chúa Giêsu cũng như thời nay biết bao người chưa hề một lần tự nhủ mình phải khiêm tốn, không nên kiêu căng tự mãn. Câu chuyện thánh Luca kể lại đã gồm tóm giáo lý của Chúa về sự khiêm nhường: Hễ ai nhấc mình lên sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống sẽ được nhấc lên. Ngài đưa ra kết luận này nhân dịp đến dự một bữa tiệc tại nhà viên thủ lãnh các người Biệt phái khi thấy những người được mời chọn chỗ nhất. Các môn đệ của Chúa không được làm như thế nhưng phải học đến tận cùng mẫu gương khiêm nhượng thẳm sâu nơi Thầy mình. Thánh Phaolô trong thư Philipphê nói:

“Ngài, phận là phận của một vị Thiên Chúa nhưng Ngài đã không nghĩ phải giành cho được chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa. Song Ngài đã tự hủy mình ra không là lãnh lấy phận tôi đòi, trở thành giống hẳn người ta, đem thân đội lốt người phàm. Ngài đã tự hạ mình thấp hèn, trở thành vâng phục cho đến chết và là cái chết trên Thập Giá.”

Khiêm nhường trước hết hệ tại thái độ xác định vị trí khách quan của mình: tội lỗi trước Đấng Toàn Năng và Chí Thánh. Người khiêm nhường nhìn nhận rằng mọi sự mình có đều do lãnh nhận nơi Chúa, rằng mình là đầy tớ vô dụng, tự mình không là gì khác hơn là tội nhân. Nhưng kẻ khiêm nhường lại không thất vọng, ngã lòng, nhưng sẽ mở tâm hồn đón nhận ơn Chúa, đón nhận năng lực của ân sủng.

Mỗi khi ngắm nhìn Mẹ Maria, ta lại thấy Mẹ đáng yêu đáng kính đặc biệt vì Mẹ đã sống khiêm nhường. Lời XIN VÂNG biểu lộ sâu xa nhất tâm hồn khiêm nhường bao giờ cũng mang đặc tính nhìn nhận Thiên Chúa quyền phép. Để rồi ý thức mình chỉ là dụng cụ đơn hèn sẵn sàng tuân phục. Tuân phục ai thì bằng lòng để người ấy điều khiển mình. Đức Mẹ tuân phục Chúa nên Người đã đưa Mẹ vào chương trình cứu độ. Thiên Chúa vốn trọng những ai khiêm nhường thật sự. Chúng ta hãy dâng con người yếu đuối thấp hèn lên Chúa để quyền năng của Người biến đổi.

Dân Israel đã học hỏi sự khiêm nhường trước hết bằng kinh nghiệm về sự toàn năng của Chúa, Đấng cưú thoát họ. Họ giữ cho kinh nghiệm ấy được sống động bằng cách tưởng nhớ đến kỳ công của Thiên Chúa trong việc phụng tự của họ. Phụng tự đó là trường dạy khiêm nhường. Trong lúc ca tụng và tạ ơn Thiên Chúa, người Israel bắt chước gương vua Đavít khi nhảy múa trước hòm bia để tôn vinh Chúa... Rồi những nhục nhã, thất bại và lưu đày cũng cho họ ý thức về sự bất lực căn bản của con người.

Để sống khiêm nhường đích thực, chúng ta hãy ngắm nhìn Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng đã hạ mình xuống làm tội nhân chịu treo trên Thập Giá, đối với người đời đây đã là địa vị quá thấp hèn, nhưng Chúa còn muốn ẩn thân dưới hình Bánh hình Rượu, bề ngoài bất động, hầu cho ta được thấy sự tiêu hao mình đi vì lợi ích của đồng bào.

Ngày nọ, tôi trở về nhà khóc vì chỉ được giao một việc nhỏ của chương trình Thiếu nhi tại nhà thờ, trong khi các bạn khác được phân công vai chính. Thản nhiên, mẹ tôi lấy chiếc đồng hồ của bà và đặt vào tay tôi.

- Con có thấy gì không ?

- Một hộp vàng, mặt và những cây kim.

Rồi bà mở phía sau hộp và nhắc lại câu hỏi. Tôi nhìn thấy những bánh xe nhỏ và những đinh vít. Bà nói: “Chiếc đồng hồ này sẽ vô dụng nếu thiếu đi mỗi phần, ngay cả những phần con không thể nhìn thấy.”

Bài học của bà làm tôi vui sướng hơn tất cả.

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Hãy ở khiêm nhường (Lc 14,1.7-11)

  • Đức Giêsu được mời đến dự tiệc tại nhà một thủ lĩnh biệt phái. Trong bữa tiệc thường có những câu chuyện vui trao đổi giữa các thực khách để cho bữa tiệc càng thêm ngon miệng. Nhân dịp này, Đức Giêsu không nói chuyện vui, nhưng lại đưa ra những lời giáo huấn mạnh mẽ làm cho những khách mời cảm thấy khó chịu, vì những lời ấy đánh trúng tim đen của họ. Ngài khuyên họ hãy ở khiêm nhường, đừng tranh nhau chỗ nhất, chỗ danh dự trong đám tiệc. Đừng tự đánh giá mình, hãy để cho người ta đánh giá và định đoạt... Và giáo huấn của Ngài được kết tụ trong câu: “Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên, ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống” (Lc 14,11).
  • Hôm ấy, Đức Giêsu được một thủ lãnh biệt phái mời đến dùng bữa. Ngài vẫn ngồi dùng bữa với những người biệt phái và những nhà thông luật, họ đã dò xét Ngài, trong lúc Ngài chữa lành người mắc bệnh phù thũng, và xét đoán Ngài trong lòng họ. Còn về phía Đức Giêsu, Ngài nhận thấy khách dự tiệc cứ tranh nhau chọn chỗ trên mà ngồi. Thời Đức Giêsu, dường như người ta chưa có thói quen sắp xếp chỗ trước, ai muốn chọn chỗ nào thì chọn. Quả thật, đây là thói quen của những khách được mời, họ tự chọn lấy chỗ ngồi theo thứ tự ưu tiên. Những người tự xem mình là xứng đáng nhất, xô đẩy nhau để chiếm những chỗ cao nhất, vì thứ tự các chỗ ngồi không tương ứng với tuổi tác, nhưng với vinh dự của kẻ được mời.
  • Lúc đó, Đức Giêsu nhắc nhở những người được mời bằng những lời khôn ngoan thường tình. Người ta thường dạy rằng: tốt hơn là chọn một chỗ ở cuối bàn. Lúc đó, người khách sẽ được vinh dự trước mặt mọi người, khi chủ nhà đến yêu cầu lên chỗ cao hơn. Trái lại, thật là sỉ nhục khi điều ngược lại xảy ra, vì khách được mời nằm trên những chiếc ghế trường kỷ mà ăn, nên khó dậy mà đổi chỗ một cách trang nghiêm, nếu mình phải nhường chỗ cho một người khác. Kẻ hạ mình xuống sẽ không có nguy cơ bị hạ nhục trước mặt kẻ khác (R.C).
  • Nhưng trong cuộc sống vẫn còn rất nhiều cảnh “tranh giành ngôi thứ”, đòi “ăn trên ngồi trốc”, nhưng trong cách tranh giành người ta đã tự “hạ mình xuống” với hậu ý là để được cất nhắc lên. Người ta tự xưng là kẻ hèn hạ, là người không ra gì, không có gì, thậm chí là người tội lỗi nữa, với dụng ý là để người ta khen ngợi, ca tụng họ là khiêm tốn, nhu mì, thánh thiện. Đó là một tiểu xảo.
  • Ở đây Đức Giêsu không có ý dạy chúng ta như thế, mà là chân thành nhìn nhận giá trị thực sự của mình. Nói rõ hơn, hạ mình xuống là khiêm nhường, mà khiêm nhường thực sự là biết mình, biết sự thật về ưu điểm cũng như khuyết điểm của mình. Vì thế, “hạ mình xuống” là sửa lại những phóng đại lệch lạc cho đúng sự thật, đúng với chân giá trị của mình cũng như của người khác.

  • Từ câu chuyện bữa ăn ấy, Đức Giêsu đưa ra bài học nhằm vào những người biệt phái vốn là những người ưa cậy dựa vào nhân đức của mình để huênh hoang, tự đắc và khinh bỉ người khác. Ngài nói với họ: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”. Với câu châm ngôn ấy, Đức Giêsu muốn nói lên giá trị đích thực của con người trước mặt Thiên Chúa. Càng nhận ra thân phận thụ tạo bất toàn và giới hạn của mình trước mặt Thiên Chúa, con người càng nên cao trọng, càng dốc cạn  những hào nhoáng bên ngoài và những vướng bận trong tâm hồn, con người càng được tự do.
  • Truyện ngụ ngôn Esope kể rằng: có một con bò đi xuống đầm để uống nước. Khi đưa chân xuống đầm, nó đạp phải một con ếch. Con ếch bực mình, muốn mình to lên, để uy hiếp con bò. Nó cố sức phồng bụng lên. Cuối cùng, bụng nó như một chiếc bong bóng.
  • Sống ở đời, người tín hữu luôn bị giằng co giữa hai lối sống: lối sống thế gian và lối sống của người môn đệ Đức Giêsu. Lối sống thế gian tìm kiếm danh dự và tự đề cao mình; còn lối sống người môn đệ Đức Giêsu đòi hỏi phải khiêm nhường, yêu thương và hy sinh.

    Thật vậy, Đức Giêsu luôn đề cao sự khiêm nhường. Khiêm nhường là biết mình, là hạ mình và phục vụ người khác. Ai sống khiêm nhường thì được Thiên Chúa cất nhắc. Trái với khiêm nhường là kiêu ngạo, tự tôn, là thái độ khiến cho nguyên tổ loài người mất tình nghĩa với Thiên Chúa và bị đuổi ra khỏi vườn Địa đàng.

  • Truyện vui: Phải biết nhìn xuống
  • Có một hoàng tử lọ tên là Mukasaki, có một thái độ tự cao tự đại đến độ cả khi đi, ông cũng không bao giờ nhìn xuống đường. Ông bước đi trong tư thế làm oai, ngực đứng thẳng, mắt ngước lên, mọi người trong vùng đặt cho hoàng tử một tên riêng là “Người không bao giờ nhìn xuống” và hoàng tử Mukasaki xem ra cũng rất thích biệt hiệu này, ông tuyên bố: “Những bậc vĩ nhân không bao giờ nhìn xuống, họ chỉ biết nhìn lên trời mà thôi”.

    Một ngày nọ, hoàng tử được mời đến dự đại tiệc tại cung đình. Để khoe cho mọi người nhìn thấy bộ áo cẩn ngọc quý giá có một không hai của mình, hoàng tử quyết định không ngồi xe ngựa, nhưng hiên ngang đi bộ từ nhà đến cung đình, dĩ nhiên là với thái độ kiêu hãnh không bao giờ nhìn xuống. Dân chúng tuốn ra hai bên đường trầm trồ khen áo đẹp và quý, điều này lại làm cho hoàng tử thêm kiêu hãnh. Hoàng tử đến cung đình sau hết mọi người, và hiên ngang bước vào. Mọi người cười rộ lên, hoàng tử kiêu hãnh nói:

    - Tại sao mọi người cười tôi như vậy?

    Một trong những người khách mới trả lời:

    - Xin hoàng tử nhìn xuống đôi chân mình sẽ biết lý do tại sao!

    Hoàng tử nhìn xuống, mặt bỗng đỏ bừng vì hổ thẹn. Cả hai đế giày của hoàng tử đều dính đầy phân ngựa, vì không bao giờ nhìn xuống, hoàng tự giẫm lên không biết bao nhiêu đống phân ngựa từ nhà đến cung đình để dự tiệc.

     

    4. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

    Câu chuyện

    Mẹ Têrêsa thành Calcutta tỏa sáng trong thế giới với giải Nobel Hòa bình và nhiều giải thưởng vinh danh khác vì những hoạt động bác ái cho người nghèo, phục vụ người bệnh tật, quan tâm người bị bỏ rơi. Dù vĩ đại như vậy, được mọi người ngưỡng mộ nhưng mẹ đã khiêm tốn chỉ nhìn nhận mình là “cây viết chì trong tay Thiên Chúa”. Chính bằng cuộc sống phục vụ trong hy sinh, khiêm tốn và chân thành, mẹ Têrêsa đã để lại cho thế giới một di sản tinh thần bác ái không biên giới…

    Công trình bác ái của mẹ và tất cả những công trình bác ái, giáo dục trong lòng của Giáo hội, nếu chúng ta tìm về nguồn gốc ban đầu, sẽ khám phá đều bắt đầu từ những việc nhỏ nơi những tâm hồn khiêm tốn nhưng giàu lòng quảng đại như mẹ.

    Suy niệm

    Giáo huấn của Chúa Giêsu mang sứ điệp tinh thần khiêm tốn và cách thực thi sống bác ái quảng đại không vụ lợi, không mong được đáp trả như người đời thường nghĩ: “Có qua có lại mới toại lòng nhau”. Giáo huấn khiêm tốn và bác ái đó đã được thánh Phaolô nối tiếp khi chia sẻ với giáo hữu thành Ephêsô: “Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau” (Ep 4,2). Trong thư gửi giáo đoàn Galat, vị Tông đồ còn nhấn mạnh các hoa trái sinh từ Thánh Linh trong đó có đức ái và sự khiêm tốn hiền hòa. (x. Gl 5,22)

    Trong hai đức tính mà giáo huấn của Đức Kitô mời gọi, theo thánh Phaolô: Trổi vượt hơn những đặc sủng (1Cr 12,31-13,2), đức mến được xếp tối thượng trong các “hoa trái của Thánh Thần” (Gl 5,22-23). Còn tấm gương khiêm tốn hiền hòa, chúng ta học nơi chính Chúa Giêsu như Người đã dạy: “Anh em hãy mang lấy ách của Ta và hãy học với Ta vì Ta có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Như thế, khiêm tốn và bác ái đều khởi đi từ cung lòng Thiên Chúa và được chuyển đến con người với mong muốn: Con người thực thi trong lòng dương gian để cho chính bản thân mình và cho anh em. Khiêm nhường và bác ái như là nền tảng và trụ cột trong việc xây dựng đời sống nhân bản và thiêng liêng. Sách Huấn Ca đã viết: “Càng khiêm tốn thì các con càng cao cả, và các con sẽ được Chúa ủng hộ cho” (Hc 3,19-20). Trước đó sách Huấn Ca cũng nhấn mạnh làm việc phục vụ yêu thương một cách khiêm tốn thì càng được yêu mến hơn: “Hỡi các con trai và con gái của ta, hãy thi hành công việc của các con một cách khiêm tốn thì các con sẽ được yêu mến hơn khi các con đem quà tặng cho kẻ khác” (Hc 3,17-18). Hơn nữa khiêm tốn giúp ta thực thi bác ái với một tâm hồn quảng đại không mong đáp trả như Chúa Giêsu đã kêu gọi (x. Lc 14,12-13) đó là đức ái không tìm tư lợi mà thánh Phaolô khuyên người tín hữu (x. 1Cr 13,4).

    Thật thế, đó là đức ái trong khiêm tốn.

    Chính lúc chúng ta khiêm hạ và sống bác ái vô vị lợi, chúng ta đang “thêu dệt” công trình nhân cách chính mình trong cuộc sống hằng ngày. Hơn nữa, tinh thần đức tin của chúng ta đang vươn tới núi Sion Thành Thánh, nơi đại hội Giêrusalem của những người tin, đó là đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa là những kẻ đã được ghi tên trên trời, như thư Do Thái phác họa (x. Dt 12,18-19.22-24a).

    Ý lực sống

    Cây lúa trĩu hạt càng nép mình xuống, mang những bông hạt cống hiến cho đời những bát gạo thơm ngon…

    Tag:

    2023-11-04