Thứ Hai tuần 9 Thường niên năm I (Mc 12,1-12)

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Thứ Hai tuần 9 Thường niên năm I (Mc 12,1-12)

Thứ Hai tuần 9 Thường niên năm I (Mc 12,1-12)

“Tảng đá những người thợ xây loại ra, trở thành đá góc tường.
Ðó là việc Chúa làm, thật lạ lùng trước mắt chúng ta”. (Mc 12,10-11)

 

BÀI ĐỌC I: Tb 1, 1a. 2; 2, 1-9

“Tôbia kính sợ Thiên Chúa hơn là nhà vua”.

Khởi đầu sách Tôbia.

Tôbia, người chi họ và thành Nephthali, ông bị bắt lưu đày trong đời Salmanasar, vua xứ Assyria. Mặc dầu bị lưu đày, ông không bỏ đường chân lý.

Khi đến lễ trọng kính Chúa, trong gia đình Tôbia có dọn bữa ăn thịnh soạn, ông nói với con trai ông rằng: “Con hãy đi mời mấy người, thuộc chi họ chúng ta biết kính sợ Chúa, đến dự tiệc với chúng ta”. Con ông đi, rồi trở về báo tin cho ông hay rằng: “Một người con cái Israel bị bóp cổ chết nằm ngoài đường”. Lập tức, ông bỏ bàn ăn, ra khỏi phòng, bụng còn đói, chạy đến chỗ tử thi. Ông lén vác xác về nhà, để chờ lúc mặt trời lặn sẽ chôn cất cẩn thận. Sau khi đã giấu xác rồi, ông vừa dùng bữa vừa than khóc và run sợ, vì nhớ lại lời Chúa dùng miệng tiên tri Amos mà phán rằng: “Ngày lễ của các ngươi sẽ trở thành ngày than khóc và tang chế”. Khi mặt trời lặn, ông đi chôn xác. Tất cả các người bà con chỉ trích ông rằng: “Ông đã bị lên án tử hình cũng vì công việc đó, và may là ông thoát khỏi án tử, nay ông lại đi chôn kẻ chết nữa sao ?” Nhưng Tôbia kính sợ Thiên Chúa hơn là sợ nhà vua, vẫn lấy trộm xác kẻ bị giết, giấu trong nhà, rồi đến nửa đêm ông đem đi chôn. Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 111, 1-2. 3-4. 5-6

Đáp:   Phúc đức thay người tôn sợ Chúa (c. 1a).

Hoặc đọc:  Alleluia.

1)     Phúc đức thay người tôn sợ Chúa, người hết lòng ham mộ luật pháp của Ngài. Con cháu người sẽ hùng cường trong Đất Nước: thiên hạ sẽ chúc phúc cho dòng dõi hiền nhân.

2)     Trong nhà người có tài sản phú quý, và lòng quảng đại người còn mãi muôn đời. Trong u tối, người xuất hiện như ánh sáng soi kẻ lòng ngay, người nhân hậu, từ bi và công chính.

3)     Phúc đức cho người biết xót thương và cho vay, biết quản lý tài sản mình theo đức công bình. Cho tới đời đời người sẽ không nao núng: người hiền đức sẽ được ghi nhớ muôn đời.

 

Tin mừng: Mc 12,1-12

Khi ấy, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà nói với các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão rằng: “Có người trồng một vườn nho, rào dậu xung quanh, đào bồn đạp nho và xây một tháp, đoạn cho tá điền thuê vườn nho và trẩy đi phương xa.

“Ðến kỳ hạn, ông sai đầy tớ đến với tá điền thu phần hoa lợi vườn nho. Nhưng những người này bắt tên đầy tớ đánh đập và đuổi về tay không. Ông lại sai đầy tớ khác đến với họ. Người này cũng bị chúng đánh vào đầu và làm sỉ nhục. Nhưng người thứ ba thì bị chúng giết.

Ông còn sai nhiều người khác nữa, nhưng kẻ thì bị chúng đánh đập, người thì bị chúng giết chết. “Ông chỉ còn lại một cậu con trai yêu quý cuối cùng, ông cũng sai đến với họ, (vì) ông nghĩ rằng: “Chúng sẽ kiêng nể con trai ta”.

Nhưng những tá điền nói với nhau rằng: “Người thừa tự đây rồi, nào ta hãy giết nó và cơ nghiệp sẽ về ta”. Ðoạn chúng bắt cậu giết đi và quăng xác ra ngoài vườn nho.

Chủ vườn nho sẽ xử thế nào  ? Ông sẽ đến tiêu diệt bọn tá điền và giao vườn nho cho người khác. Các ông đã chẳng đọc đoạn Thánh Kinh này sao: “Tảng đá những người thợ xây loại ra, trở thành đá góc tường.

Ðó là việc Chúa làm, thật lạ lùng trước mắt chúng ta”. Họ tìm bắt Người, nhưng họ lại sợ dân chúng. Vì họ đã quá hiểu Người nói dụ ngôn đó ám chỉ họ. Rồi họ bỏ Người mà đi.

 

  • Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
  • Sứ điệp: Đến muôn đời, Thiên Chúa là tình yêu. Vì yêu thương mà Người đã thực hiện chương trình cứu độ. Dù ta phá vỡ chương trình của Người, Người vẫn một lòng yêu thương và tiếp tục thực hiện những điều kỳ diệu.

    Cầu nguyện: Lạy Cha, trong thực tế có lẽ không người cha nào lại làm như Chúa Giêsu kể trong dụ ngôn. Không người cha nào đủ kiên nhẫn và quá dại dột như vậy. Nhưng chính vì vậy mà con cảm nhận Cha yêu thương con vô cùng. Vì yêu thương con mà Cha đã ban cho con các tổ phụ, các tiên tri, và sau cùng là chính Chúa Giêsu, người Con Yêu Dấu của Cha. Con xin cảm tạ tình thương bao la ấy.

    Lạy Cha, Chúa Giêsu muốn chứng minh cho con thấy rằng tình yêu thương của Cha thì nhẫn nại, bao la, và có thể nói là điên rồ vì yêu thương con người, cho dù tội ác của con người càng lúc càng gia tăng. Vâng, một bên là tình thương ngút ngàn, một bên là tội lỗi đầy tràn; một bên là lòng thương xót bao la, một bên là sự cố chấp gian tà.

    Ôi lạy Cha, xin cho con biết cảm nhận tình yêu thương đầy nhẫn nại của Cha, để con quyết tâm từ bỏ tội lỗi. Xin cho con đừng bao giờ trở thành những tá điền sát nhân khát máu nữa, bởi mỗi lần con cố tình phạm tội, nhất là tội trọng, là con lại đóng đinh Chúa Giêsu một lần nữa trên thập giá. Xin Cha gìn giữ con khỏi sa chước cám dỗ. Con tin rằng tình yêu thương của Cha vẫn luôn luôn thắng sự cố chấp của con. Xin cho con biết tin vào tình thương ấy và đừng bao giờ để con cứng lòng. Amen.

    Ghi nhớ: “Chúng bắt cậu con trai giết đi và quăng xác ra vườn nho”.

     

  • Suy niệm 1: (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
  • A- Phân tích (Hạt giống...)

    Đây là một ẩn dụ mà Chúa Giêsu dùng để ám chỉ các nhà lãnh đạo Tôn giáo Do Thái. Ông chủ vườn nho là Thiên Chúa, vườn nho là dân Israel, các tá điền là các lãnh tụ ấy, tôi tớ được sai được thu hoạch các hoa lợi là các ngôn sứ, người con của ông chủ là Chúa Giêsu. Thiên Chúa đã giao dân Israel cho các lãnh tụ Do Thái chăm sóc, nhưng họ không chu toàn trách nhiệm. Các ngôn sứ nhiều lần được sai đến nhắc nhở họ, họ đã không nghe mà còn bách hại các vị ấy. Cuối cùng Thiên Chúa sai chính Con Một của mình đến, họ cũng không nghe mà còn giết chết Người Con ấy. Bởi vậy Thiên Chúa truất quyền họ, Ngài ban Nước trời cho một dân khác là Giáo Hội. Phần Chúa Giêsu tuy bị giết chết nhưng Ngài sẽ sống lại và làm nền tảng cho Giáo Hội.

    B- Suy gẫm (... nẩy mầm)

    1. Áp dụng ngụ ngôn này vào bản thân: Vườn nho mà Chúa giao cho tôi là những khả năng mà Ngài ban. Lẽ ra tôi phải dùng chúng để phục vụ người khác. Nhưng tôi có khuynh hướng giữ chúng làm của riêng cho mình. Tôi dùng chúng một cách ích kỉ. Không phục vụ ai cả. Hãy coi chừng Chúa sẽ lấy lại vườn nho mà trao cho người khác.

    2. Cặp vợ chồng nọ trúng số độc đắc. Bà con thân thuộc kéo đến nhận họ hàng, xin xỏ, vay mượn. Cuộc sống gia đình luôn bị xáo trộn. Ông chồng bàn với vợ dọn đi chỗ khác, đổi tên đổi họ không cho ai biết. Nhưng người vợ nói: dù đã đổi tên đổi họ nhưng nếu người ta biết mình có tiền thì người ta vẫn tìm đến quấy rầy. Người chồng bảo hãy dấu luôn số tiền và sống đạm bạc y như những người nghèo thực thụ. Hai người nhất trí làm y như vậy. Họ đến một nơi khác cất một túp lều tranh nghèo nàn, chôn dấu số tiền sống đạm bạc. Dần dần họ quên luôn mình có số tiền đó. Khi chết họ quên cả chối lại cho con cháu số tiền ấy. Thành ra trúng số mà cũng như không.

    Nhận lãnh là để trao ban, có là để chia sẻ. Không trao ban, không chia sẻ thì ơn Chúa ban cũng giống như nén bạc bị chôn xuống đất. Nó không đem lại niềm vui mà chỉ gây nên lo lắng buồn phiền.

    Lạy Chúa, xin cho con luôn nhớ rằng: “Cho thì có phúc hơn nhận lãnh”. Xin cho con hưởng được niềm vui khi trao ban và tiêu hao bản thân con mỗi ngày.

    3. Có người kia trồng được một vườn nho, ông rào dậu xung quanh, đào bồn đạp nho và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác và trẩy đi xa. Đến mùa, ông sai đầy tớ đến để thu hoa lợi vườn nho mà họ phải nộp” (Mc 12,1-2)

    Tôi là ai  ? Tôi có cái gì  ?

    Tôi là một con người. Tôi có một thể xác, một tâm hồn. Tôi có lý trí, có tình cảm. Tôi có tình yêu, và quan trọng hơn là tôi được sống.

    Thiên Chúa đã tạo nên hình hài này, trang bị cho nó những điều ấy, rồi Ngài trao nó cho tôi.

    Vậy, tôi phải làm gì đây  ?

    Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng con cho Chúa. xin hãy dùng con như ý Chúa muốn để sinh hoa lợi cho Ngài.

     

  • Suy niệm 2: (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
  • Những tá điền hung ác (Mc 12,1-12)

  • Qua dụ ngôn tá điền hung ác, ta thấy Thiên Chúa hết sức yêu thương con người, mà dân tộc Israel được dùng làm điển hình. Người đã kêu gọi, tuyển chọn, bảo vệ, hướng dẫn… nghĩa là Người có cả một kế hoạch yêu thương. Khi con người thất tín, ngược đãi và chống lại Thiên Chúa, nghĩa là muốn phá đổ chương trình yêu thương, thì Thiên Chúa đã tìm đủ mọi cách, ngay cả chính Con Một yêu dấu của Người, Người cũng ban cho nhân loại. Phải chăng Thiên Chúa thất bại? Không, Thiên Chúa không thất bại. Đức Giêsu đã toàn thắng. Ngài đã phục sinh trong vinh quang. Dù con người thất tín, Thiên Chúa vẫn một mực thành tín. Đó chính là chiến thắng của Thiên Chúa.
  • Đây là một ẩn dụ mà Đức Giêsu dùng để ám chỉ các nhà lãnh đạo tôn giáo Do thái. Ông chủ vườn nho là Thiên Chúa; vườn nho là dân Israel; các tá điền là các lãnh tụ ấy; tôi tớ được sai đi thu hoa lợi là các tiên tri; người con của ông chủ là Đức Giêsu. Thiên Chúa đã giao dân Israel cho các lãnh tụ Do thái chăm sóc, nhưng họ không chu toàn trách nhiệm. Các tiên tri nhiều lần được sai đến nhắc nhở họ, họ đã không nghe mà còn bách hại các vị ấy. Cuối cùng Thiên Chúa đã sai chính Con Một của mình đến, họ cũng không nghe và còn giết Người Con ấy. Bởi vậy Thiên Chúa đã truất quyền họ, Ngài sẽ ban Nước trời cho một dân khác là Giáo hội. Phần Đức Giêsu, tuy bị giết chết nhưng Ngài sẽ sống lại và làm nền tảng cho Giáo hội.
  • Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn các vị lãnh đạo Do thái thời đó hiểu rằng: giai đoạn mới trong lịch sử cứu độ đã bắt đầu và không còn ngược lại được nữa; lòng độc ác của những tá điền không thể phá huỷ chương trình hành động của Thiên Chúa, Đấng nhân từ, kiên nhẫn, nhưng cũng rất công bằng và đòi hỏi sự cộng tác của con người.
  • Những chi tiết trong dụ ngôn vườn nho gợi lên những giai đoạn của lịch sử cứu độ Thiên Chúa thực hiện cho nhân loại. Cái chết của người con ông chủ vườn nho thoạt xem ra là kết quả lòng thù ghét của con người đối với Thiên Chúa. Như những tá điền muốn giết người con được sai đến, để cướp vườn nho khỏi tay ông chủ, những kẻ thù nghịch Thiên Chúa cũng muốn loại bỏ Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa, để tự do làm chủ vận mệnh nhân loại. Qua hình ảnh tảng đá góc tường, Đức Giêsu mở ra chìa khoá, để con người có thể hiểu được ý nghĩa sâu xa liên hệ đến việc cứu chuộc của Ngài.

  • Bài học cho chúng ta: Giáo hội Công giáo, người Công giáo đã được Thiên Chúa tuyển chọn thay thế cho dân Do thái làm vườn nho cho Chúa và đóng hoa lợi cho Ngài. Chúng ta tin Thiên Chúa sẽ giữ gìn Giáo hội khỏi rơi vào vết xe cũ của dân Do thái. Nhưng từng cá nhân có thể trở thành những tá điền thất tín. Tức là trong một khuôn khổ hạn hẹp nào đó, bất cứ tín hữu nào giữ đạo một cách vụ lợi, hoặc không dám dấn thân để mang những hoa trái đức tin và lòng mến vào cuộc sống hằng ngày với hy vọng làm chứng cho Chúa Kitô và làm đẹp bộ mặt Giáo hội, thì sẽ là tín hữu có tiếng mà không có miếng.
  • Vì thế, cần có một cái nhìn, một quan điểm trung thực về Đức Kitô, về Giáo hội, về vai trò của mỗi Kitô hữu, nhờ đó chúng ta có thể sống đạo và hành đạo làm lợi vốn liếng đức tin và lòng mến Chúa trao cho chúng ta.

  • Ngày nay, người ta thường nói: “Tiền là Tiên, là Phật”. Dưới ảnh hưởng của trào lưu tục hoá, con người hôm nay dường như chỉ tôn thờ vật chất và xem tiền tài là cứu cánh cuộc đời. Hậu quả là, chính việc tôn thờ này đã tạo ra một xã hội bất an. Con người trở nên ích kỷ, hận thù, ghen ghét và loại trừ lẫn nhau.
  • Áp dụng dụ ngôn này vào bản thân: Vườn nho mà Chúa trao cho tôi là những khả năng và phương tiện Ngài ban. Lẽ ra tôi phải dùng chúng để phục vụ người khác. Nhưng tôi có khuynh hướng giữ chúng làm của riêng cho mình. Tôi dùng chúng một cách ích kỷ, không phục vụ ai cả. Hãy coi chừng Chúa sẽ lấy lại vườn nho mà trao cho kẻ khác.

  • Truyện: Hoàng đế Julianus
  •           Vua Julianus hoàng đế cai trị Rôma từ năm 361 đến 363. Nhà vua là cháu hoàng đế Constantinô. Nhàvua là người Công giáo, nhưng lại không muốn sống đời hy sinh theo Chúa, không muốn cầu nguyện, không muốn tránh xa tội lỗi, nhưng chỉ muốn sống đời dâm đãng, bất công và không có lòng bác ái. Chính vì thế mà nhà vua đã bỏ đạo, rồi lại còn quay sang bắt bớ Giáo hội. Sau khi đã lên án xử tử cho Đức Giáo hoàng, nhà vua còn hỏi nhạo báng rằng: “Ông Giêsu thợ mộc đang làm gì ở xưởng thợ Nazareth?”

              Đức Giáo hoàng đã khiêm tốn trả lời: “Tâu đức vua, Chúa Giêsu của tôi Ngài đang ở trên trời. Ngài đang đóng quan tài cho đức vua đó”.

              Chẳng bao lâu sau đó, vua Julianus đem quân đi giao chiến với quân Ba Tư, nhà vua bị một mũi tên của quân thù ghim thẳng vào trái tim. Nhà vua đã tức giận rút mũi tên đó ra, phi nó thẳng lên trời mà kêu lên rằng: “Hỡi ông Giêsu người xứ Nazareth, ông đã thắng tôi rồi”. Đoạn nhà vua tắt thở.

     

  • Suy niệm 3: (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
  • Câu chuyện

    Một thầy dòng là thợ may cho cộng đoàn. Ngày kia, ông đau nặng và chờ chết. Ông nói với anh em: “Đưa cho tôi chìa khóa vào thiên đàng !”.

    Anh em nhìn nhau bối rối. Họ không biết ông muốn nói gì. Nhưng ông chỉ lặp lại lời đề nghị: “Đưa cho tôi chìa khóa vào thiên đàng”. Cuối cùng, họ đưa cho ông chiếc kim may. Một nụ cười mãn nguyện làm gương mặt thầy già sáng lên khi liếc nhìn chiếc kim trong tay và nói: “Tôi làm việc mỗi ngày với chiếc kim này vì vinh quang Chúa. Bây giờ nó là chìa khóa mở cửa cho tôi vào thiên đàng”.

    Suy niệm

    Vườn nho là một trong những chủ đề phong phú nhất của Cựu ước. Nó thường được liên kết với chủ đề tình yêu và vườn nho trở nên biểu tượng của “dân Thiên Chúa” (x. Is 5,1-7; Gr 2,21; Ed 17,6; Hs 10,1; Tv 78,9-16). Ngôn sứ Isaia đã phác họa hình ảnh vườn nho được chăm sóc để làm nổi bật Thiên Chúa đã yêu thương, chăm sóc dân “tuyển chọn” rất ân cần chu đáo qua nhân vật chủ vườn nho: “Anh ra tay cuốc đất nhặt đá, giống nho quý đem trồng, giữa vườn anh xây một vọng gác, rồi khoét bồn đạp nho” (Is 5,2a). Người chủ quý vườn nho đến nỗi anh có thể làm tất cả cho sự trù phú của nho: “Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm  ?” (Is 5,4)…

    Trong Tân ước, Chúa Giêsu tiếp tục phát triển hình ảnh vườn nho, cây nho như là biểu tượng của tình yêu Thiên Chúa, nho là hình ảnh sự liên kết thân mật, sức sống tình yêu với Ngài: “Thầy là cây nho, anh em là nhành, nhành nào liên kết với Thầy sẽ sinh hoa trái” (Ga 15,5) và vườn nho trở nên biểu tượng của nước Thiên Chúa …

    Cách riêng trong dụ ngôn “Những tá điền bất lương và vườn nho”, Đức Giêsu chỉ đích danh các thượng tế và kỳ lão. Họ là những người được Thiên Chúa trao phó trách nhiệm chăm sóc vườn nho. Nhưng thay vì mang hoa lợi về cho chủ là Thiên Chúa, họ lại muốn chiếm đoạt hoa lợi ấy cho mình. Vì thế, những sứ giả được Thiên Chúa sai đến là các ngôn sứ đều bị họ giết chết. Ngay người con duy nhất của Thiên Chúa là Đức Giêsu cũng bị họ đóng đinh và treo Người trên cây thập giá. Vườn nho mà Thiên Chúa trao cho dân Israel, được trao lại cho mọi dân tộc và từ nay Thiên Chúa chăm sóc cho tất cả mọi dân nước: “Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho nước ấy sinh hoa lợi”. Trong Tân ước, mọi người, mọi dân tộc đều được mời gọi đi làm và ở trong vườn nho (x. Mt 20,1-16a). Dân nước này sẽ được làm thành bởi mọi kẻ sẽ sinh hoa trái của nước Trời, nghĩa là những kẻ khi tiếp nhận Người Con, sẽ tụ họp quanh Người để làm nên dân mới của Thiên Chúa (x. Rm 9,25; 1Pr 2,10).

    Dụ ngôn “Những tá điền bất lương và vườn nho” có tính cách lịch sử: nghĩa là diễn tả những biến cố có thực, là những can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử dân Do Thái, và thái độ của dân Do Thái đối với những ngôn sứ Chúa sai đến với họ, thái độ của họ với chính Chúa. Dụ ngôn cũng mang tính cách tiên tri: Nơi con người thời đại đang và sẽ đến đối xử với Thiên Chúa và những tá điền vườn nho là hình ảnh của các giới lãnh đạo dân Do Thái nhưng cũng chỉ trực diện mỗi chúng ta ngày hôm nay, những người trong giao ước mới, được mời gọi đi làm vườn nho. Thế giới chúng ta đang sống chính là vườn nho trong dụ ngôn. Thiên Chúa là ông chủ vườn nho. Mỗi người chúng ta là những tá điền được Chúa trao phó trách nhiệm trông coi vườn nho và làm phát sinh hoa lợi. Những gì ta đang có chính là hoa lợi từ vườn nho.

    Tự tước lấy hoa trái của Thiên Chúa, muốn mình định đoạt tất cả, loại Thiên Chúa trong cuộc đời mình, chính là hình ảnh những tá điền bất lương của ngày hôm nay, con người vẫn đang đi vào vết xe đổ của lịch sử: Vẫn đang diễn lại từng ngày, khi chúng ta chọn lựa cho mình một cách sống tự mình là chủ định đoạt “vườn nho” mà không cần biết Đấng làm chủ vườn nho, chúng ta muốn tước đoạt của “thừa tự” của Đấng làm Con Thiên Chúa. Chúng ta đang phác họa lại hình ảnh nguyên tổ trong vườn Địa đàng: Muốn lấy cái “biết” của Thiên Chúa qua hành động hái và ăn trái “hiểu biết” theo ý đồ của Satan, để có vinh quang bằng Đấng Tạo hóa. Nhưng sự “biết” không thấy đâu lại bị tước đoạt vườn Địa đàng được trao phó. Những tá điền vườn nho cũng vậy, khi giết con thừa tự, vườn nho không những không được hưởng, mà lại còn bị chủ vườn lấy quyền làm vườn giao phó cho các tá điền khác.

    Hôm nay, tôi và bạn là những tá điền làm vườn nho được Thiên Chúa ký thác. Ước chi chúng ta luôn ý thức trách nhiệm mình là những tá điền chuyên chăm trong vườn nho của Chúa…

    Tá điền cộng tác tạo dựng công trình vườn nho cho vinh quang Thiên Chúa....

    Ý lực sống

    “Chúa đã ủy thác cho tôi vài công việc mà Ngài không ủy thác cho kẻ khác. Tôi có sứ mệnh của tôi. Có thể tôi không bao giờ biết được nó trong cuộc sống này nhưng trong cuộc sống mai hậu ắt tôi sẽ rõ” (Đức Hồng y J. H. Newmann).

    Tag:

    2024-06-03