Thứ Năm tuần 11 Thường niên năm II - Chúa Giêsu dạy cầu nguyện (Mt 6,7-15)

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Thứ Năm tuần 11 Thường niên năm II - Chúa Giêsu dạy cầu nguyện (Mt 6,7-15)

Thứ Năm tuần 11 Thường niên năm II - Chúa Giêsu dạy cầu nguyện (Mt 6,7-15)

“Khi cầu nguyện, Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì,
trước khi anh em cầu xin”. (Mt 6, 8)

BÀI ĐỌC I(Năm II) Hc 48, 1-15 (Gr 1-14)

“Êlia được che khuất trong gió cuốn, và Êlisê được trọn vẹn thần trí của người”.

Trích sách Huấn Ca.

Bấy giờ tiên tri Êlia như lửa hồng xuất hiện, lời ông nóng bỏng như ngọn đuốc cháy phừng. Ông đem cho họ một mùa đói khát, và số người ghét ông đã hao đi, vì chúng chẳng giữ được giới răn Chúa. Do lời Chúa phán, ông đóng cửa trời và ba lần khiến lửa trời xuống. Êlia được vinh quang nhờ các việc lạ lùng đã làm, và ai có thể tự hào được vinh quang như người? Bởi lời Chúa là Thiên Chúa, người cứu kẻ chết ra khỏi âm phủ, khỏi quyền sự chết. Người triệt hạ các vua xuống cảnh điêu tàn, bẻ gãy dễ dàng quyền thế của họ, xô kẻ sang trọng rớt khỏi giường nằm. Trên núi Sinai, người đã nghe lời xét xử, và trên núi Horeb, người đã nghe án quyết phục thù. Người xức dầu các vua để báo oán và đặt các tiên tri để nối nghiệp mình. Người đã được cất đi trong bầu lửa, trong xe ngựa kéo đi. Người đã nên dấu chỉ sự đe phạt qua các thời đại, để làm nguôi cơn thịnh nộ Chúa, để giao hoà cha với con, và chấn hưng lại những chi họ Giacóp. Phúc cho những ai đã thấy người, và được hân hạnh thiết nghĩa với người: Vì chúng tôi chỉ được sống trong cuộc sống này, sau giờ chết, danh tiếng của chúng tôi sẽ được như thế. Êlia được che khuất trong gió cuốn, và Êlisê được trọn vẹn thần trí của người. Trong đời người, người không sợ vương tướng, và không quyền lực nào thắng được người, cũng không ai vượt người trong lời nói, và khi người chết rồi, xác người vẫn nói tiên tri. Khi còn sống, người đã làm những phép lạ, và khi đã qua đời, người đã làm những việc kỳ diệu.

Ðó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 96, 1-2. 3-4. 5-6. 7

Ðáp: Người hiền đức, hãy mừng vui trong Chúa (c. 12a).

Xướng: Chúa hiển trị, địa cầu hãy hân hoan, hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui. Mây khói và sương mù bao toả chung quanh, công minh chính trực là nền kê ngai báu.

Xướng: Một làn lửa đi trước thiên nhan, để đốt những quân đối nghịch chung quanh Chúa. Chớp của Người sáng rực cõi trần, địa cầu xem thấy và run rẩy sợ hãi.

Xướng: Núi non vỡ lở như mẩu sáp ong trước thiên nhan, trước thiên nhan Chúa tể toàn cõi đất. Trời xanh loan truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người.

Xướng: Hãy hổ ngươi tất cả những ai phụng thờ hình ảnh, những ai khoe khoang về thần tượng, bao nhiêu chúa tể hãy cúc cung bái lạy Người.

 

Tin mừng: Mt 6, 7-15

7 Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời.

8 Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin

9 “Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, 10 triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

11 Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; 12 xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; 13 xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.

14 “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em.

15 Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Lời kinh Chúa dạy dẫn chúng ta đến một chân trời rộng mở. Tất cả đều là con cùng một Cha. Vì thế, ta cần giang rộng vòng tay đón nhận anh em trong tình yêu Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa là Cha của con, con xin dâng Cha tâm tình cảm tạ tri ân, vì Con Một Cha đã dạy con gọi Chúa là Cha. Ngài cũng dạy con biết cách trò chuyện với Cha trong tâm tình cha con. Lời kinh tuyệt hảo này như cánh cửa mở ra dẫn con bước vào khung trời yêu thương: mọi người là con Cha, là anh em với nhau.

Lạy Cha, lời kinh Chúa Giêsu dạy giúp con khám phá địa vị của người khác. Cho dù người bên cạnh con sống với tâm hồn khép kín, cho dù người bên cạnh con đang cố tình tránh mặt Cha, cho dù người bên cạnh con gây nên bất hòa… thì họ vẫn là con Cha, là anh chị em với con. Cha đã quảng đại đón nhận tất cả mọi người vào gia đình Cha. Xin cũng mở rộng lòng con để con biết đón nhận mọi người. Xin Cha phá tung cánh cửa ích kỷ nơi con để con biết nghĩ đến người khác. Vì từ nghĩa cử cao đẹp con làm cho anh em là con đang được lớn lên trong ân tình của Cha. Và từng ánh mắt cảm thông, từng nụ cười chia sẻ với người khác, là con trở nên thân thiết với họ, làm tình anh em được bền chặt hơn.

Lạy Cha, tình thương của Cha đang thúc bách con yêu thương người khác. Và thực hành yêu thương là điều khẩn cấp, vì đó là điều kiện để con trở thành con Cha và nên anh em bạn hữu thân thiết với mọi người. Xin Cha giúp con. Amen.

Ghi nhớ: “Vậy các ngươi hãy cầu nguyện như thế này”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Phân tích

Chúa Giêsu dạy về sự cầu nguyện:

1. Khi cầu nguyện không cần nhiều lời: lý do là Chúa Cha biết chúng ta cần gì trước khi chúng ta nói ra.

2. Bảy điều cần phải xin: Kinh Lạy Cha.

Suy gẫm

Vì nghĩ rằng cầu nguyện là nói cho Chúa nghe, nên tôi không có gì để nói hay tôi không cảm thấy Chúa đang nghe thì tôi không cầu nguyện. Thực ra cầu nguyện trước hết là ở với Chúa, kết hợp tâm tình với Chúa. Khi cầu nguyện điều cần hơn là xin Chúa nói cho tôi biết Chúa cần gì nơi tôi.

2. Có hai hình thức cầu nguyện là cầu nguyện chung với những người khác và cầu nguyện riêng một mình với Chúa. Việc cầu nguyện riêng nuôi dưỡng việc cầu nguyện chung. Người nào ít cầu nguyện riêng thì việc cầu nguyện chung của họ chủ yếu là làm theo lệ, không có tâm tình bao nhiêu.

3. Tác phẩm “Con đường hành hương” kể câu chuyện như sau:

Một người kia đọc Thánh Kinh thấy lời khuyên hãy cầu nguyện không ngừng. Ông không biết làm thế nào để có thể cầu nguyện không ngừng. Vì thế ông hành hương đến một tu viện và xin một Tu sĩ chỉ dạy cho ông. Vị Tu sĩ mời người khách hành hương ở lại tu viện, trao cho ông một tràng chuỗi và dặn ông cứ lần chuỗi và đọc câu “lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Người này nghe lời làm theo, mỗi ngày vừa lần chuỗi vừa đọc không biết bao nhiêu lần câu đó, có đến cả trăm ngàn lần.

Một ngày kia vị Tu sĩ qua đời. Người khách hành hương khóc sướt mướt khi đưa vị Tu sĩ đến nơi an nghỉ cuối cùng. Sau đó ông rời tu viện tiếp tục cuộc hành hương, bởi vì vị Tu sĩ ấy vẫn chưa dạy cho ông thế nào là cầu nguyện không ngừng. Vừa đi, ông làm theo thói quen như vị Tu sĩ đã dạy. Khi ông hít vào, ông đọc “Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa” khi ông thở ra, ông đọc tiếp “Xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Cứ thế không bao lâu lời cầu nguyện đã trở thành hơi thở của ông. Dù khi ăn, dù khi uống, dù khi nói năng, đi đứng. Mỗi hơi thở, mỗi nhịp đập của trái tim ông đều trở thành lời cầu nguyện. Và người khách hành hương chợt hiểu: “Bây giờ tôi đã hiểu thế nào là cầu nguyện không ngừng.”

4.”Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho kẻ có lỗi với chúng con” (Mt 6, 12).

Sao Vân không nhìn nó? nhiều lần Ly thấy nó nhìn Vân có vẻ muốn nói chuyện lắm.

Kệ nó, Vân biết nhưng Vân không muốn! Nó đã xúc phạm Vân. Vân chỉ nói chuyện khi nào nó xin lỗi.

Vân cố chấp và ích kỷ quá! Vân nên…

Ly định nói gì nữa nhưng tôi đã quay mặt bỏ đi, mặc cho Ly đứng một mình giữa sân trường.

Chiều, đi lễ. Bước vào Nhà thờ, tôi cúi mình chào Chúa rồi sốt sắng đọc kinh “Lạy Cha chúng con ở trên trời... như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.”

Tôi dừng lại và không thể đọc được nữa. Ánh mắt biết lỗi của và câu nói của Ly cứ hiện lên trong đầu tôi như bắt tôi nhìn lại mình.

Lạy Chúa, khi bị treo trên Thập Giá, Chúa đã biện hộ cho tội chúng con: “Xin Cha tha tội cho chúng vì chúng chẳng biết.” Xin Chúa cho con lòng quảng đại để luôn biết tha thứ cho nhau.

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Phải cầu nguyện thế nào (Mt 6,7-15)

  • Thiên Chúa là Cha chúng ta. Người biết rõ chúng ta cần gì và điều gì tốt hơn cho chúng ta. Vì thế, khi cầu nguyện không nên lải nhải nhiều lời. Chúa muốn lắng nghe những lời tâm tình đơn sơ chân thành của chúng ta, những quan tâm của ta đối với cuộc sống với anh em, chứ không phải là những nhu cầu cá nhân, ích kỷ. Chúng ta hãy xin Chúa Giêsu dạy chúng ta cách cầu nguyện đẹp ý Chúa. Khi cầu nguyện, chúng ta phải đặt mình trong tương quan Cha – con với Thiên Chúa: Cha muốn gì, con xin vâng theo.
  • Chúng ta cần cầu nguyện với Chúa Cha để sống và hoạt động tông đồ đắc lực, khi cầu nguyện như thế, chúng ta cậy nhờ Chúa Giêsu và nhờ chính lời cầu nguyện của Ngài. Có một điểm Chúa Giêsu căn dặn là trong khi cầu nguyện đừng có thái độ thuyết phục Thiên Chúa theo ý muốn của mình, bằng những lời khéo léo dài dòng như những người ngoại giáo đối với các thần minh của họ. Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng làm như thế, bởi vì ”Cha các con đã biết rõ các con cần gì, trước khi các con cầu xin”. Nói khác đi, khi cầu nguyện, chúng ta chỉ cần đơn sơ khiêm tốn nhìn nhận mình hèn mọn thiếu thốn, vạch rõ con người của chúng ta trước mặt Thiên Chúa, rồi vững dạ cậy trông tin tưởng. Thiên Chúa chẳng những sẽ lấp đầy cái trống rỗng của chúng ta, mà còn dằn lắc, còn ban cho chúng ta nhiều hơn chúng ta khẩn xin (Mỗi ngày một tin vui).
  • Chúa Giêsu không muốn cho các môn đệ nói nhiều lời với Thiên Chúa. Cầu nguyện không phải là nói nhiều lời như con két. Nhưng trước hết, phải là hành động của con tim, của lòng yêu mến đối với Thiên Chúa Cha, là trao đổi tâm tình với Thiên Chúa, Cha chúng ta, Đấng ngự trên trời: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Thánh Augustinô đã khuyên các tín hữu như sau: “Tất cả những gì chúng ta muốn cầu nguyện đều có sẵn trong kinh Lạy Cha. Và những gì không có trong kinh này, thì chúng ta không nên cầu xin”.
  • Cầu nguyện được ví như hơi thở, là hoạt động căn bản của đời sống tâm linh. Cầu nguyện đối với người Công giáo là tâm tình con thảo với Cha trên trời, là thể hiện niềm tin và phó thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa.
  • Các nhà tu đức học thường coi cầu nguyện là câu chuyện thân mật giữa ta và Chúa với tâm tình con thảo. Vì thế, cầu nguyện là nói chuyện với Chúa. Đã nói chuyện thì phải có lúc nói lúc nghe. Nếu chỉ nói thì cuộc nói chuyện sẽ trở thành độc thoại. Xin kể ra đây một ít sự kiện để chúng ta hiểu việc cầu nguyện với Chúa như thế nào. Khi viếng Chúa, các thánh thường làm gì ? Sau đây là một số câu trả lời:

    * Thánh Ignatiô Loyola nói: “Có khi tôi nói chuyện với Chúa như một người bạn, có khi như một người đầy tớ đối với Chúa. Tôi xin Chúa một vài ơn, thú tội đã phạm với Chúa, xin Ngài an ủi và khuyên bảo”.

    * Còn thánh Phanxicô Xaviê trả lời: Có khi tôi thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con khẩn cầu Chúa đừng để con thoải mái trong cuộc đời, hoặc ít ra, khi con chìm vào lòng nhân lành thương xót của Chúa, xin dẫn đưa con đến nhà thánh của Chúa”.

    * Vua Louis IX của nước Pháp có lần hỏi vua Henry III của nước Anh:

        - Tại sao bệ hạ thích dự Thánh lễ hơn là nghe giảng ?

        - Bởi vì, vua Henry trả lời, tôi thích nói chuyện mặt đối với Vua trên trời hơn là nghe kẻ khác nói về Ngài.

        * Khi thánh Phanxicô khó khăn trình lên Đức Thánh Cha Hônôriô II bản qui luật của Dòng, để xin Ngài phê chuẩn thì Đức Thánh Cha có hỏi thánh nhân: - Có bao giờ con thấy Chúa chưa ?

         Phanxicô: - Dạ thưa có. Con vừa thấy đêm hôm qua.

         Đức Thánh Cha: - Người có nói gì với con không ?

         Phanxicô: - Người và con ở bên nhau suốt đêm mà không nói được gì. Tuy nhiên mỗi lần con nói “Abba” với Người thì Người lại trả lời với con: “Con Ta”. Cứ thế... chẳng có gì hơn cho tới sáng.

  • Truyện: Thế nào là cầu nguyện không ngừng
  • Tác phẩm “Con đường hành hương” kể câu chuyện như sau:

    Một người kia học Thánh kinh thấy lời khuyên hãy cầu nguyện không ngừng. Ông không biết làm thế nào để có thể cầu nguyện không ngừng. Vì thế, ông hành hương đến một tu viện và xin một tu sĩ chỉ dạy ông. Vị tu sĩ mời khách hành hương ở lại tu viện, trao cho ông một tràng chuỗi và dặn ông cứ lần chuỗi và đọc câu “Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Người này nghe lời làm theo, mỗi ngày vừa lần chuỗi vừa đọc không biết bao nhiêu lần câu đó, có đến cả trăm ngàn lần.

    Một ngày kia vị tu sĩ qua đời. Người khách hành hương khóc sướt mướt khi đưa vị tu sĩ đến nơi an nghỉ cuối cùng. Sau đó ông rời tu viện tiếp tục cuộc hành hương, bởi vì vị tu sĩ ấy vẫn chưa dạy cho ông làm thế nào để có thể cầu nguyện không ngừng. Vừa đi, ông vừa làm như thói quen vị tu sĩ đã dạy. Khi ông hít vào, ông đọc “Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa”, khi thở ra, ông đọc tiếp “Xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Cứ thế không bao lâu lời cầu nguyện đã thành hơi thở của ông: dù khi ăn, dù khi uống, dù khi nói năng, đi đứng... Mỗi hơi thở, mỗi nhịp đập của trái tim ông đều trở thành cầu nguyện. Và người khách hành hương chợt hiểu: Bây giờ tôi đã hiểu thế nào là cầu nguyện không ngừng (Chờ đợi Chúa).

     

    Suy niệm 3: (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

    Câu chuyện

    Người con gái của Karl Marx có lần tâm sự với một người bạn: “Tôi lớn lên mà không hề biết đến bất cứ tôn giáo nào. Tôi cũng không tin tưởng Thiên Chúa. Thế rồi, tình cờ tôi đọc được một quyển sách trong đó có lời kinh khác lạ. Tôi đọc hết lời kinh ấy và tự nhủ: Nếu quả thật Thiên Chúa của lời kinh đó hiện hữu, tôi nghĩ rằng tôi có thể tin Ngài được”.

    Người bạn hỏi cho biết đó là lời kinh nào. Người con gái của Karl Marx mới từ từ đọc lại kinh Lạy Cha (...) Tình cha con và tình anh em được Chúa Giêsu mạc khải qua kinh Lạy Cha. Sống với Cha trong tình phó thác, với anh em trong tình bác ái.

    Suy niệm

    Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cách cầu nguyện: đừng nói nhiều lời vì Thiên Chúa là Cha chúng ta, Ngài đã hiểu rõ chúng ta đang cần gì. Ðiều quan trọng là chúng ta phải sống trong tương quan thân tình với Cha và với anh chị em như Ngài dạy lời cầu nguyện Abba - Lạy Cha.

    So với kinh Lạy Cha của Luca ghi lại, kinh Lạy Cha của Matthêu chi tiết hơn: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Trong lúc đó, Luca ghi nhận vắn tắt hơn: “Lạy Cha, nguyện cho danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến”. Và câu kết của kinh Lạy Cha theo Matthêu: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”, trong khi Luca trình bày ngắn hơn: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”.

    Lời kinh Lạy Cha, đầu tiên “nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến”: Nước Cha đến là nội dung chính của lời Đức Giêsu loan báo. Ngài loan báo Tin Mừng về triều đại Thiên Chúa, về quyền chúa tể của Thiên Chúa (x. Lc 4,43; 8,1; 10,9.11). Vì Cha là tình yêu, khi danh Cha toả sáng, là tình yêu Cha trải dài trên trái đất nơi những người con của Cha hiện hữu và ý Cha thể hiện được cả dưới đất cũng như trên trời: Tuân hành thánh ý là nhiệm vụ của Đức Kitô ở trần gian (x. Mt 26,39) là lương thực của Đức Giêsu (x. Ga 4,34).

    Bốn lời nguyện tiếp theo, con người trình bày với Cha về các nhu cầu và những sự cần thiết của mình trên đường tiến về quê cha: được nuôi dưỡng, xin được tha thứ - chữa lành tội lỗi và được thắng cuộc chiến đấu với Sự Dữ bằng Sự Lành và ân sủng đến từ Thiên Chúa qua Đấng Cứu Thế. Khi xin “cho chúng con” là chúng ta nói lên, trong tình hiệp thông huynh đệ của mình, lòng tin tưởng của con cái được phó thác nơi Cha trên trời.

    Với tâm tình con thảo, “Việc cầu nguyện cùng Cha của chúng ta phải làm triển nở trong chúng ta ý muốn nên giống như Ngài và nuôi dưỡng nơi chúng ta một tấm lòng khiêm nhu tin tưởng” (Giáo lý Công giáo, số 2800). Cha luôn dõi mắt theo từng người con mà ban phát, như Chúa Giêsu khẳng định: “Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho” (Lc 11,9-10).

    Tất cả thức đẩy chúng ta luôn tin tưởng phó thác vào Chúa là Cha hiển vinh như định luật tình thương mà Con Thiên Chúa đã mạc khải: “Chúa sẽ ban những của tốt lành cho những kẻ xin Người” (Mt 7,11).

    Ý lực sống

    “Tình thương Chúa đời đời con ca ngợi” (Tv 89,2).

     

    Tag:

    2024-06-20