Thứ Năm tuần 18 Thường niên năm II - Hiểu biết và Dấn thân (Mt 16,13-23)

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Thứ Năm tuần 18 Thường niên năm II - Hiểu biết và Dấn thân (Mt 16,13-23)

Thứ Năm tuần 18 Thường niên năm II - Hiểu biết và Dấn thân (Mt 16,13-23)

Ông Si-môn Phê-rô thưa: Thầy là Đấng Ki-tô,
Con Thiên Chúa hằng sống
.” (Mt 16, 16)

 

BÀI ĐỌC I (năm II): Gr 31, 31-34

“Ta sẽ ký kết giao ước mới và Ta sẽ không còn nhớ tội lỗi nữa”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Chúa phán: “Ðây tới ngày Ta ký kết giao ước mới với nhà Israel và nhà Giuđa, giao ước này không giống như giao ước Ta ký kết với tổ phụ chúng trong ngày Ta cầm tay chúng dắt ra khỏi đất Ai-cập, giao ước ấy chính chúng đã phản bội, mặc dầu Ta thống trị chúng”. Chúa phán: “Ðây là giao ước Ta sẽ ký kết với nhà Israel sau những ngày đó. Ta sẽ đặt lề luật của Ta trong đáy lòng chúng, và sẽ ghi trong tâm hồn chúng; Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân của Ta”. Chúa phán: “Người này sẽ không còn phải dạy người nọ, anh sẽ không còn phải dạy em rằng: ‘Ngươi hãy nhìn biết Chúa’, vì mọi người từ nhỏ chí lớn đều nhìn biết Ta, vì Ta sẽ tha tội ác của chúng, và sẽ không còn nhớ đến tội lỗi của chúng”.

Ðó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 50, 12-13. 14-15. 18-19

Ðáp: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch (c. 12a).

Xướng: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con.

Xướng: Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ, với tinh thần quảng đại, Chúa đỡ nâng con. Con sẽ dạy kẻ bất nhân đường nẻo Chúa, và người tội lỗi sẽ trở về với Ngài.

Xướng: Bởi vì Chúa chẳng ưa gì sinh lễ; nếu con dâng lễ toàn thiêu, Chúa sẽ không ưng. Của lễ con dâng, lạy Chúa, là tâm hồn tan nát; lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát, khiêm cung.

 

Tin mừng: Mt 16, 13-23

13 Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?” 14 Các ông thưa: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó”.

15 Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

16 Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. 17 Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. 18 Thầy sẽ trao cho con chìa khoá Nước trời. 19 Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”.

20 Bấy giờ Người truyền cho các môn đệ đừng nói với ai rằng Người là Ðức Kitô. 21 Kể từ đó, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, phải bị giết, và ngày thứ ba thì sống lại.

22 Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: “Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu”.

23 Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: “Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy: con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người”.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Cuộc đời người Kitô hữu là đi tìm cho bằng được câu trả lời Chúa Giêsu là ai. Cũng như Thánh Phêrô đã thay mặt Hội thánh trả lời chính xác và đầy đủ, mỗi người cũng cần tìm ra câu trả lời của chính mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, hôm nay con dừng lại cùng với các môn đệ để lắng nghe Chúa hỏi: “Người ta bảo Thầy là ai”. Và Chúa hỏi thêm: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?”.

Lạy Chúa, con dễ dàng nói lên câu trả lời của người khác về Chúa, còn câu trả lời của con thì không nói được. Cũng như các môn đệ, khi Chúa hỏi người ta nói Thầy là ai, thì các ông cùng trả lời; nhưng đến lúc Chúa hỏi chính các ông, thì chỉ có một mình Thánh Phêrô trả lời mà thôi.

Đã bao nhiêu năm con đi theo Chúa, bao nhiêu năm con sống với Chúa, nhưng con vẫn chưa hiểu Chúa là bao. Con vẫn cảm thấy bối rối khi nghe câu hỏi của Chúa. Con nghe thánh Phêrô tuyên xưng Chúa là Đức Kitô Con Thiên Chúa Hằng Sống; con biết rằng Chúa là tình yêu. Con thuộc lòng các câu giáo lý. Nhưng con chưa thực sự cảm nhận được tình yêu Chúa trong đời mình. Con chưa nhận ra được sự hiện diện sống động của Chúa trong cuộc sống con hôm nay. Con chưa tự mình nói lên được một lời tuyên xưng đức tin phát xuất từ đáy lòng.

Xin cho con biết dừng lại hồi tâm suy niệm, để nhận được tình yêu Chúa và sự hiện diện của Chúa trong đời con. Xin đừng để con chỉ hiểu biết Chúa theo sách vở mà không một lần sống với Chúa trong đời. Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Thiên Chúa của con, là gia nghiệp của con, xin cho con bước theo Chúa đến tận cùng. Amen.

Ghi nhớ: “Con là Ðá, Thầy sẽ ban cho con chìa khoá nước trời”.

 

2. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Chúa Giêsu là ai? (Mt 16,13-23)

  • Sau một thời gian giảng dạy và làm nhiều phép lạ, Đức Giêsu muốn biết người ta nghĩ sao về mình và Ngài cũng muốn hỏi các Tông đồ nghĩ sao về Ngài.
  • Dân chúng biết mù mờ về Đức Giêsu bởi họ không chú ý đến giáo huấn của Ngài. Lúc này đã gần đến giờ của Đức Giêsu, giờ Ngài sắp bước vào cuộc Thương khó – đỉnh cao của chương trình cứu chuộc nhân loại. Ngài muốn các môn đệ xác tín lập trường của mình, để các ông can đảm theo Ngài. Chúng ta cũng không thể biết Đức Giêsu là ai, nếu chúng ta không quan tâm học hỏi và khám phá. Không biết Đức Giêsu là một thiệt thòi lớn lao. Vì chỉ khi biết Đức Giêsu, chúng ta mới đạt được nguồn bình an và hạnh phúc vĩnh cửu.

  • Có nhiều câu trả lời về Chúa Giêsu: người thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó. Mọi câu trả lời đều nói lên phần nào sứ mệnh của Chúa, nhưng chưa đúng hẳn, tức là dân chúng chỉ coi Chúa Giêsu là một tiên tri, tức là một người được Thiên Chúa sai đến để dọn đường cho Đấng Thiên Sai, chứ chưa phải là Đấng Thiên Sai. Vì thế, chỉ với câu trả lời của ông Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, Chúa Giêsu mới hoàn toàn bằng lòng, tức là ông Phêrô tuyên xưng Chúa là Đấng Thiên Sai. Quả thực, tin nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống là diễn tả được cả sứ mạng lẫn con người của Ngài.
  • Lời đáp trả của Phêrô quả là một lời tuyên xưng: “Ngài là Đức Kitô” tức là Đấng Thiên Chúa sai đến để giải phóng dân tộc. Tuy nhiên chúng ta thấy, trong cái nhìn của Phêrô và phù hợp với giấc mơ chung của các ông, thì Đức Kitô mà các ông mong đợi là Đấng sẽ đánh đuổi ngoại xâm và biến đất nước thành một vương quốc cường thịnh.
  • Chính vì thế, khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn Ngài phải trải qua, Phêrô đã can gián Ngài.   Tuyên xưng một Đức Kitô Cứu Thế mà không chấp nhận con đường thập giá, Chúa Giêsu gọi đó là thái độ của Satan. Ba cám dỗ của Satan đối với Chúa Giêsu đều qui về một mối là khước từ con đường Thập giá. Do đó, khi Phêrô can gián Ngài từ bỏ ý định cứu rỗi bằng con đường Thập giá, Ngài đã gọi Phêrô là Satan.

    Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống và được Ngài khen là người có phúc. Tuy nhiên, ông không thể chấp nhận Đấng Kitô phải chịu đau khổ và chịu chết như thế được. Cũng như bao người Do thái khác, Phêrô mong đợi một Đấng Kitô như là một vị vua trần thế nắm quyền lực chính trị, giải phóng Israel khỏi ánh thống trị Rôma, làm bá chủ thế giới. Nhưng đường lối của Chúa thì khác, con đường hiến thân phụ vụ: “Con người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người” (Mc 10,45) (5 phút Lời Chúa).

  • Phêrô và các môn đệ chỉ hiểu được sứ mệnh của Chúa Giêsu khi Ngài từ trong kẻ chết sống lại. Đấng Kitô là một danh hiệu gắn liền với Thập giá. Mang danh hiệu Kitô, tuyên xưng Đức Kitô cũng có nghĩa là chấp nhận đi theo con đường của Ngài. Phêrô và các môn đệ đã sống đến tận cùng lời tuyên xưng của các ông. Tất cả đều lặp lại cái chết khổ hình của Đức Kitô.
  • Chúng ta ghi dấu Thánh giá trên người chúng ta, chúng ta mang thánh giá trong người chúng ta, đó không là dấu hiệu của sự chết, nhưng là biểu dương của một sức sống của Đấng đã chết, đã phục sinh và đang tác động trong chúng ta. Nói như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”. Chúa Kitô sống trong chúng ta để tiếp tục và hoàn tất chương trình cứu rỗi loài người. Chúa Kitô đã vác Thập giá và đã chết một lần, cuộc Tử nạn ấy cần phải được tiếp tục qua các Kitô hữu. Cũng chính thánh Phaolô đã nói: “Tôi cần phải bổ khuyết những gì còn thiếu sót trong cuộc tử nạn của Chúa Kitô” (Mỗi ngày một tin vui).

  • Truyện: Ý nghĩa của một bức tượng
  • Nhà điêu khắc Dannecker người Đức, đã để nhiều công khó trong công tác tạc một bức tượng của Chúa Giêsu bằng cẩm thạch. Trong hai năm đầu, bức tượng đã xong, nhà điêu khắc mời một em bé vào phòng vẽ của mình và hỏi em bé rằng:

    - Ai đó?

    Em bé tức khắc trả lời:

    - Một vĩ nhân.

    Nhà điêu khắc buồn và nghĩ rằng, công khó của mình trong hai năm kể như đã hỏng. Ông tiếp tục tạc lại trong sáu năm nữa và mời một em bé khác vào phòng vẽ và hỏi:

    - Em biết bức tượng này là ai không?

    Sau khi nhìn bức tượng một lúc, yên lặng và nước mắt tràn ra đôi mi, em khẽ nói:

    - Hỡi những con trẻ đau khổ hãy đến cùng ta!

    Nhà điêu khắc thoả mãn, thành công về tác phẩm của mình. Nhà điêu khắc Dannecker sau đó đã tuyên bố:

    - Tôi đã thấy Chúa Cứu Thế Giêsu và hình ảnh của Ngài đã thể hiện trong khi tôi tạc bức tượng Ngài bằng cẩm thạch này.

    Sau đó ít lâu, hoàng đế Napoléon Bonaparte yêu cầu nhà điêu khắc tạc cho hoàng đế bức tượng nữ thần Vệ Nữ để trưng bầy trong việc bảo tàng Louvre, Paris. Hoàng đế hứa sẽ trả cho ông một món tiền rất lớn, nhưng Dannecker từ chối. Ông nói rằng: “Một người đã thấy Đấng Kitô và đã tạc vẽ mặt của Ngài rồi thì không thể dùng nghệ thuật của mình vào những việc ở đời này được nữa, bởi vì làm như thế là tục hoá nghệ thuật của mình mất rồi”.

     

    3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

     

    Tag:

    2024-08-08