Đức Giê-su làm cho kẻ điếc nghe được,
và kẻ câm nói được.
Bài đọc 1: St 3,1-8
Ông bà sẽ nên như Thiên Chúa, biết điều thiện điều ác.
Bài trích sách Sáng thế.
1 Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà Đức Chúa là Thiên Chúa đã làm ra. Nó nói với người đàn bà: “Có thật Thiên Chúa bảo: ‘Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn’ không?” 2 Người đàn bà nói với con rắn: “Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn. 3 Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: ‘Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết’.” 4 Rắn nói với người đàn bà: “Chẳng chết chóc gì đâu! 5 Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.” 6 Người đàn bà thấy trái cây đó: ăn thì phải ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn. 7 Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân.
8 Nghe thấy tiếng Đức Chúa là Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày, con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt Đức Chúa là Thiên Chúa.
Đáp ca: Tv 31,1-2.5.6.7 (Đ. c.1a)
Đ.Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ.
1Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ,
người có tội mà được khoan dung.2Hạnh phúc thay, người Chúa không hạch tội,
và lòng trí chẳng chút gian tà.
Đ.Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ.
5Lạy Chúa, con đã xưng tội ra với Ngài,
chẳng giấu Ngài lầm lỗi của con.
Con tự nhủ: “Nào ta đi thú tội với Chúa,”
và chính Ngài đã tha thứ tội vạ cho con.
Đ.Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ.
6Vì thế, ai là người hiếu trung với Chúa
sẽ kêu cầu Ngài lúc gặp cảnh gian truân;
cho dầu nước lũ có ngập tràn
cũng không dâng tới họ.
Đ.Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ.
7Chính Chúa là nơi con ẩn náu,
giữ gìn con khỏi bước ngặt nghèo.
Khắp bốn bề, Chúa làm trổi vang lên
những khúc ca mừng con được giải thoát.
Đ.Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ.
Tin mừng: Mc 7,31-37
31 Khi ấy, Đức Giê-su bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh.
32 Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh.
33 Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh.
34 Rồi Người ngước mắt lên trời, thở dài và nói: Ép-pha-tha, nghĩa là: hãy mở ra!
35 Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng.
36 Đức Giê-su cấm họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng cấm, họ càng đồn ra.
37 Họ hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Bị khuyết tật về thể lý đã là một đau khổ, nhưng bị khuyết tật về tâm linh lại càng đau khổ hơn. Chỉ có Đức Kitô là thầy thuốc tuyệt hảo sẽ chữa lành mọi khuyết tật thể xác và tâm linh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, người bị bệnh câm điếc giao tiếp rất vất vả, khó khăn. Họ chỉ có thể nói và nghe bằng dấu hiệu bàn tay. Còn con, con cám ơn Chúa vì được diễm phúc vẫn là người lành lặn về thể xác. Nhưng lạy Chúa, rất nhiều lúc con lại câm điếc về cuộc sống thiêng liêng. Vâng, con câm điếc vì chẳng nghe Chúa nói và cũng chẳng biết nói Chúa nghe. Vì mải mê lạc thú trần gian và đi tìm vui chơi giải trí, con chẳng còn giờ đến với Chúa. Tiền bạc danh vọng chi phối con, nên con không còn thiết tha với việc cầu nguyện. Con hững hờ trước việc đọc kinh, các buổi phụng vụ, con dửng dưng với bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể.
Còn đối với những người chung quanh, nhiều lúc con cũng trở thành một kẻ câm điếc. Bên cạnh con, biết bao người đang cần đến con: cần một nụ cười, một lời thăm hỏi, hay một sự giúp đỡ nào đó. Thế mà vì ích kỷ khép kín, con đã bịt tai ngậm miệng. Con chỉ nghĩ đến con, chỉ lo cho gia đình con.
Lạy Chúa Giêsu, hôm nay con đến với Chúa, xin cứu chữa con khỏi căn bệnh trầm trọng đó. Xin Chúa mở tai con, để con lắng nghe tiếng Chúa, để con nghe được những nhu cầu của tha nhân. Xin cho con biết thương xót, biết lo lắng cho những ai ở gần con. Xin cho con biết sống yêu thương.
Xin Chúa dạy con biết lặng thinh khi không nên nói, và xin dạy con biết nói khi không được im lặng. Amen.
Ghi nhớ: “Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A- Phân tích (Hạt giống...)
Phép lạ này có nhiều ý nghĩa biểu tượng:
- Diễn ra “giữa miền Thập Tỉnh”, nghĩa là miền đất lương dân.
- Nạn nhân là một người câm và điếc, tức là một người mất khả năng tương giao với kẻ khác: người ta nói thì anh không nghe, anh muốn nói cho người ta nghe cũng không được.
- Lúc chữa bệnh, Chúa Giêsu nói Epphata (Hãy mở ra), tiếng nầy ngày nay được phụng vụ dùng lại trong bí tích Rửa tội. Khi đọc câu đó, Linh mục cũng đưa tay sờ vào miệng và tai người thụ tẩy.
B- Suy gẫm (... nẩy mầm)
1. Hoạt động cứu rỗi của Chúa Giêsu nhằm giúp con người được sống sung mãn cương vị làm người của mình, trong đó khả năng tương giao rất quan trọng.
Có những người vì một lý do nào đó nên không “nói” lên được nỗi lòng của mình, và cũng không “nghe” được nỗi lòng của người khác. Có lẽ vì không có người tế nhị biết lắng nghe họ và không khéo léo khuyến khích họ nói.
2. “Có mắt miệng không nhìn không nói ; có mũi tai không ngửi không nghe” (Tv 115,5-6). Lời Thánh Vịnh này ám chỉ dân ngoại và những tượng thần của họ, không thấy những kỳ công của Thiên Chúa và không biết ngợi khen Ngài. Nhưng cũng đúng cho tôi nữa, vì nhiều khi tôi cũng như câm điếc đối với Chúa.
Lạy Chúa, xin hãy phán với miệng và tai con: Epphata.
3. Căn bệnh của anh này làm tôi nghĩ đến căn bệnh của rất nhiều người, nhất là những người sống trong xã hội ích kỷ ngày nay, đó là căn bệnh “đóng cửa”, đóng mắt, đóng tai, đóng tay, đóng lòng. Căn bệnh khiến người ta sống bên cạnh nhau mà không hề để ý tới nhau và quan tâm cho nhau.
4. “Chúa Giêsu ngước mắt lên trời và nói: “Epphata”, nghĩa là hãy mở ra. Lập tức, tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại” (Mc 7,34)
Khi sắm một bộ đồ mới, tôi không biết rằng có nhiều người đang mong bộ đồ cũ của tôi. Khi ngồi uống nước ngoài quán, tôi chẳng ngờ rằng có những người đang chờ tôi đứng lên để họ vét những giọt cuối cùng. Khi đổ thức ăn thừa vào thùng rác, tôi không biết là ngay lúc đó có biết bao con người đang chết dần vì đói.
Lạy Cha, xin hãy mở mắt con để con nhìn thấy những người khốn cùng trong xã hội. Xin hãy mở tay con để con đón nhận họ và nắm lấy tay mọi người (Epphata)
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Chúa chữa người câm và điếc (Mc 7,31-37)
Trên thế giới ngày nay còn nhiều người bị câm điếc. Những người câm thường hay bị điếc. Người bị câm điếc thường phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, họ bị coi như sống bên lề xã hội nên họ cảm thấy lẻ loi cô đơn. Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Marcô thuật lại việc Đức Giêsu chữa lành cho người bị câm điếc để đem lại đức tin và niềm vui cho anh ta. Sự chữa lành đó thuộc thể lý, nhưng qua đó, Chúa Giêsu muốn nói đến bệnh câm điếc thiêng liêng mà mọi người kẻ ít người nhiều đều mắc phải.
Tâm lý người bị câm điếc
Người câm điếc gặp khó khăn khi muốn trình bày hay diễn đạt một lời nói cho người khác hiểu ý mình, nhưng họ lại cảm thấy ngại ngùng giống như có một sợi dây vô hình trói buộc, làm cho họ không thể nói ra. Tình trạng bất hạnh ấy dễ làm người ta mặc cảm, không nói được mà cũng chẳng nghe được, tự thân đã khiến người bị tật khó hiểu thế giới bên ngoài, và thế giới bên ngoài càng khó hiểu người bị tật ấy.
Do đó, người bị tật tự nhiên cảm thấy mình lẻ loi như đứng bên lề xã hội, họ có khuynh hướng muốn rút lui và sống trong cô đơn. Vì thế, những người bị tật ấy cần những người lành mạnh có thái độ thông cảm, tôn trọng và yêu thương thành thật.
Chúa Giêsu chữa người câm điếc
Hôm nay chúng ta thấy Đức Giêsu không chữa bệnh đơn giản như mọi khi, nghĩa là chỉ đặt tay hay dùng một lời nói để chữa bệnh: Ta muốn ngươi được khỏi bệnh! Đức Giêsu lại đưa anh chàng ra khỏi đám đông, xỏ ngón tay vào tai người câm điếc, bôi bọt vào lưỡi anh ta và ngước mắt lên trời rên lên: “Epphata”: Hãy mở ra.
Về cử chỉ xỏ tay vào tai, bôi nước bọt vào lưỡi là cốt để khêu gợi đức tin là điều rất cần để Chúa ban ơn, mà bệnh nhân còn thiếu. Anh này điếc nên không nghe được, chỉ còn làm thế nào cho anh ta hiểu. Xỏ tay vào tai và đụng vào lưỡi để cho anh ta hiểu rằng: đó là những kết quả anh ta mong đợi.
Bệnh câm điếc thiêng liêng
Cử chỉ Chúa Giêsu trong phép lạ chữa lành người câm điếc, đã có một thời được Giáo hội lặp lại khi cử hành Bí tích Rửa tội. Thật thế, Bí tích Rửa tội cũng là một phép lạ trong đó chúng ta được chữa lành và tái sinh trong đời sống mới. Trong phép lạ này, Chúa Giêsu cũng nói với mỗi người chúng ta: Epphata, Hãy mở ra. Hãy mở lớn đôi tai để nghe được tiếng Ngài trong từng biến cố, từng giây phút của cuộc sống. Hãy mở rộng con tim và đôi tay để cảm thông và chia sẻ với người khác. Hãy mở miệng để cảm tạ, chúc tụng và loan báo tình thương Chúa, để nói những lời của yêu thương và hòa bình, của cảm thông và tha thứ.
Tránh sự dửng dưng trong đời sống
Trong truyện ngắn Máu cá (tức máu lạnh), nhà văn Nguyễn Minh Châu kể chuyện một bà mẹ trẻ mất con ở ga Hàng Cỏ, kêu la thảm thiết, nhưng chẳng ai đoái hoài. Nhà văn xin một công an trực rao trên loa, người này cũng chẳng nói chẳng rằng. Cả ngàn người trên ga Hàng Cỏ như điếc, như câm trước nỗi khổ của người mẹ quẫn trí vì mất con! Bài Tin mừng cho thấy Chúa Giêsu không dửng dưng trước đau khổ của con người, Ngài đã chữa lành cho người câm điếc. Lời tán dương của đám đông gợi nhớ lại lời kết luận của sách Sáng thế về công trình sáng tạo (St 1,31). Chúa Giêsu đến để phục hồi sự tốt đẹp của công trình sáng tạo: một thế giới trong đó mọi người tin nhận và sống tư thế con thảo của Cha trên trời, nhìn vào mặt người khác và nhận ra họ là anh em, chị em mình (5 phút Lời Chúa).
Hãy biết lắng nghe và chia sẻ
Chúng ta phải phá bỏ bức tường câm điếc đã làm cho chúng ta xa cách tha nhân, không còn hiểu nhau, không còn thông cảm và thương yêu nhau, coi nhau như kẻ thù. Trái lại, phải xây lại nhịp cầu thông cảm và yêu thương mà chính Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta khi chịu phép Rửa tội. Trong ngày đó, chúng ta được cởi mở khỏi xiềng xích tội lỗi và được đàm đạo với Chúa như với người bạn chí thiết.
Truyện: Bức tường Bá Linh
Ngày 13/8/1961, người ta xây một bức tường chưa từng thấy trong lịch sử loài người: cao 8 mét, dài 700 cây số ngăn đôi một gia đình, một thành phố, một dân tộc, một nước Đức, không ai được qua lại với nhau, coi nhau như kẻ thù ghê gớm. Ai vượt qua bức tường đó hoặc bị bắt hoặc bị bắn chết. Mãi đến 28 năm sau, ngày 13/11/1989 bức tường đó bị phá đổ, chấm dứt hận thù chia rẽ. Gia đình, dân tộc được đoàn tụ với nhau, nước Đức được thống nhất, thế giới chấm dứt chiến tranh lạnh, trở thành đồng minh đồng chí với nhau.