Vatican News
Đại diện Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc tái khẳng định mối quan tâm của Tòa Thánh về cuộc xung đột đẫm máu tại Ucraina, nhắc lại lời kêu gọi ngưng tiếng vũ khí và nhắc lại lời Đức Thánh Cha kêu gọi “tất cả những nhân vật chính của đời sống quốc tế và các nhà lãnh đạo chính trị của các quốc gia hãy làm mọi thứ có thể để chấm dứt chiến tranh”.
Chiến tranh là một thảm kịch
Tổng Giám mục Caccia nhắc lại việc Đức Giáo hoàng coi cuộc xung đột ở Ucraina, “giống như tất cả các cuộc chiến tranh”, như một thảm kịch “đối với người dân và các gia đình, trẻ em và người già, với những người buộc phải rời bỏ đất nước của họ, đối với các thành phố và làng mạc, và đối với thụ tạo, như chúng ta đã thấy sau vụ phá hủy đập Nova Kakhovka.”
Trở về nhà và đoàn tụ gia đình
Trong khi bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả các quốc gia đã tiếp đón và hỗ trợ những người tị nạn, Tòa Thánh nhấn mạnh rằng điều quan trọng đối với những người tiếp tục phải di dời là được hỗ trợ nhân đạo cho đến khi họ có thể trở về nhà của mình một cách an toàn, tự nguyện và xứng đáng.
Theo đại diện của Vatican, một điểm quan trọng là “sự đoàn tụ nhanh chóng của tất cả các gia đình” đã bị chia cắt trong cuộc xung đột, đảm bảo “những lợi ích tốt nhất của trẻ em bị ảnh hưởng được tôn trọng”.
Dùng mọi cách thức ngoại giao để hỗ trợ nhân đạo
Đức Tổng Giám mục Caccia nói thêm: "Khi đối mặt với những đau khổ như vậy, cộng đồng quốc tế không được trở nên cam chịu chiến tranh nhưng cùng nhau làm việc vì hòa bình”. Ngài cũng nói về việc Đức Thánh Cha ủy thác cho Đức Hồng y Matteo Zuppi “trách nhiệm lãnh đạo các sứ vụ nhằm lắng nghe và xác định các cử chỉ nhân đạo có thể hướng tới con đường hòa bình”. Ngài nhắc lại nhu cầu cấp thiết phải “sử dụng tất cả các phương tiện ngoại giao, ngay cả những phương tiện có thể chưa được sử dụng cho đến nay, để chấm dứt thảm kịch khủng khiếp này,” vì “chiến tranh tự nó là một sai lầm và một nỗi kinh hoàng”.
Quan sát viên Thường trực của Vatican kết thúc bài phát biểu với lời Tòa Thánh kêu gọi ngừng bắn và bắt đầu “các cuộc đàm phán hướng tới một nền hòa bình công bằng và lâu dài.”