Vatican News
Phát biểu trước Ủy ban pháp lý (Ủy ban 6) của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ngày 19/10, Đức Tổng Giám Mục Gabriele Caccia nói: “Pháp quyền phục vụ con người và có mục đích bảo vệ nhân phẩm của mỗi người. Do đó, không thể có trường hợp ngoại lệ đối với việc áp dụng Pháp quyền ngay cả trong lúc khẩn cấp. Bất kỳ xã hội công bằng nào cũng phải dựa trên nguyên tắc của Pháp quyền, trong đó luật pháp chứ không phải ý chí độc đoán của cá nhân có quyền tối thượng”.
Nhận xét về báo cáo của Tổng thư ký Antonio Guterres về việc củng cố và điều phối các hoạt động Pháp quyền của Liên Hiệp Quốc, Đức Tổng Giám Mục nhắc lại rằng Tòa Thánh đã liên tục thúc đẩy nguyên tắc này như nền tảng thiết yếu cho công lý, hòa bình và tình liên đới nhân loại. Ngài nói: “Thật vậy, công lý là điều không thể thiếu để đạt được tình huynh đệ phổ quát và xây dựng một thế giới trong đó các xung đột được giải quyết một cách hòa bình và luật của kẻ mạnh hơn không thắng thế”.
Do đó, vị đại diện Toà Thánh nhấn mạnh rằng các cuộc xung đột vũ trang mới đang nổi lên ở cả cấp độ quốc tế và quốc gia không được làm suy yếu “cam kết của Liên Hiệp Quốc đối với Pháp quyền. Hiện nay, Pháp quyền đang phải đối diện với những thách đố mới trên toàn cầu. Ở cấp độ quốc tế, chúng ta đang chứng kiến những cuộc xung đột vũ trang mới, thách đố các nguyên tắc nền tảng mà trật tự quốc tế được xây dựng dựa trên đó. Trong khi đó, ở cấp quốc gia, chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng đáng báo động về số các cuộc chuyển giao quyền lực bằng bạo lực, vi phạm trật tự hiến pháp đã được thiết lập, cũng như sự leo thang về cường độ và quy mô của các cuộc xung đột dân sự. Những sự kiện này sẽ không làm suy yếu cam kết của chúng ta đối với Pháp quyền”.
Đức Tổng Giám Mục còn nhận xét thêm rằng bản chất thực sự của Pháp quyền, bao gồm các giá trị và nguyên tắc cơ bản không thể thiếu cho sự hòa hợp xã hội, cũng phải được duy trì đều đặn. Ngài nói: “Đặc biệt, chúng ta phải từ chối kiểu thời trang văn hóa tỏ ra không khoan dung với những khác biệt và tập trung vào thời điểm hiện tại, vào nhu cầu và quyền của các cá nhân, trong khi thường xuyên bỏ bê nhiệm vụ của mình đối với những người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất”.
Đề cập đến những thách đố mới đặt ra cho Pháp quyền do sự tiến bộ nhanh chóng của các công nghệ mới trong lĩnh vực kỹ thuật số, đại diện Toà Thánh nhắc lại rằng “các công cụ kỹ thuật số phải được sử dụng một cách đạo đức để thúc đẩy tính minh bạch, trách nhiệm và hiệu quả trong hệ thống tư pháp, đồng thời đề cao phẩm giá của mỗi người. Bởi vì, nếu không được sử dụng đúng, công nghệ kỹ thuật số có thể gây hại, làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng”.
Trong phần kết luật, Đức Tổng Giám Mục chia sẻ quan điểm: “việc duy trì Pháp quyền là điều cần thiết để giải quyết các cuộc khủng hoảng phức tạp của thời đại chúng ta và để xây dựng các xã hội hòa bình với những cơ hội bình đẳng và tôn trọng các quyền và tự do của tất cả”.