Vatican News
Nhắc lại bài phát biểu của Đức Thánh Cha trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 25/9/2015, Đức Tổng Giám Mục nói: “Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả việc thông qua Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững là một dấu hiệu quan trọng của hy vọng. Đồng thời, ngài cảnh báo về mối nguy hiểm khi dừng lại bằng lòng với việc lập danh sách dài các đề xuất, mục tiêu, và số liệu thống kê. Nửa chặng đường đến năm 2030, loại hy vọng mà cộng đồng quốc tế được mời gọi tiếp tục sống động và hoạt động là hy vọng mọi việc xảy ra và thay đổi cuộc sống”.
Với chủ đề “Huy động tài chính, đầu tư và phương tiện để đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG)”, Ngoại trưởng Toà Thánh cho rằng Hội nghị không được dùng để làm nền tảng cho những tuyên bố trừu tượng, đơn giản chỉ để xoa dịu lương tâm của chúng ta, ngược lại, chúng ta phải sử dụng nó để tăng cường nỗ lực và đẩy nhanh tiến độ nhằm làm cho thế giới hướng đến con đường bền vững. Điều này có nghĩa, trước hết là thực hiện những hành động cụ thể để giải quyết những thách đố lớn của thời đại, đặc biệt là chiến tranh và xung đột, nghèo đói, bạo lực, loại trừ xã hội, biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, cũng như văn hóa vứt bỏ lan tràn khi con người không còn được coi là giá trị tối thượng cần được chăm sóc và tôn trọng, đặc biệt là khi nghèo khổ hoặc khuyết tật, và bị loại bỏ vì chưa hữu ích - như thai nhi, hoặc không còn cần thiết - như người già.
Theo Đức Tổng Giám Mục, tiến triển trên con đường bền vững mà thế giới đã thực hiện vào năm 2015 cũng đòi hỏi các biện pháp hướng tới tương lai, vượt xa những lợi ích trước mắt và tập trung vào loại thế giới mà chúng ta đang để lại cho các thế hệ tương lai, phương hướng chung, ý nghĩa và giá trị. Về vấn đề này, việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 không chỉ đơn giản là huy động thêm nguồn lực và thiết kế các công cụ hiệu quả hơn để vượt qua nhiều thách đố kỹ thuật mà việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững đặt ra. Thay vào đó, vấn đề chủ yếu là cam kết và thực hiện một mô hình phát triển mới lấy con người làm trung tâm, hướng tới công ích và đặt nền tảng trên các nguyên tắc đạo đức về công bằng, liên đới và chia sẻ trách nhiệm.
Trong phần kết luận, nói về sự thành công của Hội nghị, Đức Tổng Giám Mục khẳng định: “Tòa Thánh cho rằng sự thành công của Hội nghị thượng đỉnh này là hành trình của chúng ta hướng tới một tương lai trong đó phẩm giá mỗi người được tôn trọng, nhu cầu của người nghèo và những người có hoàn cảnh dễ bị tổn thương được đáp ứng, và tương quan hài hòa với môi trường được khôi phục, tùy thuộc vào cam kết thực sự của chúng ta đối với chủ nghĩa đa phương như một biểu hiện của một ý thức đổi mới về đồng trách nhiệm toàn cầu, một tình liên đới đặt trên nền tảng trên công lý và đạt được hòa bình và hiệp nhất trong gia đình nhân loại”.