TỪ HIẾN CHẾ DEI VERBUM
ĐẾN TÔNG HUẤN VERBUM DOMINI
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
WHĐ, 26-05-2020 -
Ngày 11 tháng 11 năm 2010, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chính thức công bố
Tông huấn Verbum Domini về Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng của Hội
Thánh.[1] Bốn mươi lăm năm trước, Công đồng Vaticanô II đã công bố
hiến chế Dei Verbum, một trong bốn hiến
chế trụ cột của Công đồng, và được coi là kim chỉ nam cho toàn thể đời sống Hội
Thánh. Tại sao bây giờ lại phải có thêm một tông huấn về Lời Chúa? Phải chăng
hiến chế Dei Verbum đã lỗi thời? Phải
chăng đã có quá nhiều thay đổi từ đó đến nay nên cần xem xét lại và bổ túc
thêm? Hay hiến chế chỉ cung cấp những định hướng cơ bản và cần đến một tông huấn
với những chỉ dẫn thực hành? Những câu hỏi trên là những gợi ý cho suy nghĩ
trong bài này; theo đó, cần nhìn nhận những tác động tích cực của hiến chế Dei Verbum trong đời sống Hội Thánh, đồng
thời cũng nêu ra những khó khăn và hạn chế đã xuất hiện trong 45 năm qua. Thiết
nghĩ đây cũng là một cách tiếp cận để dẫn vào tông huấn Verbum Domini.[2]
I. Những tác động tích cực của hiến chế Dei Verbum về mặt mục vụ
Là một trong những
văn bản cuối cùng được Công đồng Vaticanô II thông qua, nhưng hiến chế Dei Verbum lại gây ảnh hưởng rất nhanh
trên đời sống tín hữu. Đã 400 năm qua kể từ cuộc cải cách của anh em Tin Lành,
người công giáo xem ra chỉ chú trọng đến các bí tích, ngược lại với anh em Tin
Lành nhấn mạnh Lời Chúa. Bây giờ hiến chế Dei
Verbum đề cao tầm quan trọng của Lời, cũng khơi lên trong lòng người công
giáo niềm khao khát học hỏi Lời Chúa.
Nói như thế không
có nghĩa là người công giáo xa rời các bí tích. Đúng hơn, việc cải tổ phụng vụ
đi đôi với việc đề cao Lời Chúa. Công đồng nhấn mạnh rằng phải đọc Lời Chúa
trong mọi cử hành các bí tích, dù chỉ một hoặc hai câu. Các bài đọc trong Năm
phụng vụ được mở rộng và cấu trúc lại thành chu kỳ 3 năm và được đọc bằng tiếng
bản xứ thay vì tiếng La tinh. Mỗi năm được dành cho một trong ba Tin Mừng nhất
lãm (Matthêu cho năm A, Marcô cho năm B, và Luca cho năm C). Tin Mừng Gioan được
đọc hằng năm trong mùa Chay và Phục sinh, đồng thời bổ túc cho mùa thường niên
của năm B. Trong các thánh lễ Chúa nhật, phụng vụ Lời Chúa gồm một bài đọc Cựu
Ước, tiếp theo là Thánh vịnh đáp ca, rồi một bài đọc trong Tân ước, cuối cùng
là công bố Tin Mừng. Mùa Phục sinh mang nét đặc thù với bài đọc I trích từ sách
Công vụ để kể chuyện Hội Thánh sơ khai. Bài giảng của các linh mục được gợi hứng
và khơi nguồn từ các bài đọc chứ không chỉ là những bài dạy luân lý đạo đức.
Như thế, khi tham dự Thánh lễ, người công giáo càng ngày càng làm quen với
Thánh Kinh là điều trước đây không có.
Được làm quen với
Lời Chúa, nhiều tín hữu mong ước học hỏi và hiểu biết Thánh Kinh hơn nữa, cả
trên bình diện nghiên cứu chuyên môn lẫn thực hành mục vụ. Trong bối cảnh đó,
những ấn bản và tài liệu giúp học hỏi, nghiên cứu Thánh Kinh xuất hiện thật
phong phú, không những giúp cho các sinh viên trong môi trường đại học mà còn
giúp cho các linh mục trong việc rao giảng Lời Chúa cũng như anh chị em giáo
dân ước mong học hỏi và chia sẻ Lời Chúa.[3] Đó là chưa kể đến những
sáng kiến mục vụ nhằm đưa Lời Chúa vào đời sống các tín hữu ngày càng gần gũi
và sâu sắc hơn. Chẳng hạn tại châu Á, châu Phi cũng như châu Mỹ, những cộng
đoàn Giáo Hội cơ bản (BEC-Basic Ecclesial Communities) hoặc những cộng đoàn nhỏ
(SCC-Small Christian Communities) xuất hiện ngày càng nhiều, trong đó việc chia
sẻ Lời Chúa đóng vai trò chủ yếu.
Đào tạo linh mục
Hiến chế Dei Verbum khẳng định: “Tất cả các giáo
sĩ, trước hết là các linh mục của Chúa Kitô và những người có bổn phận phục vụ
Lời Chúa như các phó tế và giáo lý viên, phải gắn bó với Thánh Kinh nhờ việc
chăm đọc Lời Chúa và ân cần học hỏi, để khi họ truyền đạt kho tàng bao la của Lời
Chúa cho các tín hữu được ủy thác cho họ, nhất là trong phụng vụ thánh, không
ai trong họ trở thành “kẻ huênh hoang rao giảng Lời Chúa ngoài môi miệng mà
không lắng nghe Lời Chúa trong tâm hồn”[4].
Khẳng định này trở
thành lời mời gọi xem xét lại việc đào tạo linh mục trong các chủng viện như Sắc
lệnh về Đào tạo linh mục nêu rõ: “Để
chu toàn chức vụ rao giảng Lời Chúa, chủng sinh phải được chuẩn bị để mỗi ngày
mỗi hiểu Lời mạc khải hơn nhờ suy gẫm, thấm nhuần Lời Chúa và diễn tả Lời trong
lời nói cũng như cách sống của mình”[5]. Khi bàn đến đào tạo trí thức
cho các linh mục tương lai, Sắc lệnh nhấn mạnh hơn nữa: “Phải đặc biệt chuyên
lo dạy Thánh Kinh cho các chủng sinh, vì Thánh Kinh phải như linh hồn của toàn
thể khoa thần học; sau phần nhập môn thích hợp, phải cẩn thận khai sáng cho họ
phương pháp chú giải, giúp họ thấu triệt các chủ đề lớn trong mạc khải, tập cho
họ có hứng thú đọc và suy niệm Lời Chúa hằng ngày làm của ăn nuôi dưỡng”[6].
Trong thực tế, nếu so sánh việc đào tạo linh mục trước và sau Vaticanô II, phải
nhìn nhận rằng Thánh Kinh ngày càng chiếm vị trí quan trọng hơn, đúng như Hội
Thánh mong muốn là Thánh Kinh phải trở thành linh hồn của toàn bộ khoa thần học.
Nỗ lực này song
hành với mối quan tâm đến việc giảng thuyết của các linh mục. Trước Vaticanô
II, các linh mục được dạy giảng (sermo) nhưng xem ra những bài giảng này không
liên quan đến Thánh Kinh bao nhiêu. Bài giảng của các linh mục thường có khuynh
hướng nghiêng về những giáo huấn luân lý hoặc giải thích giáo huấn của Hội
Thánh, hoặc những chủ đề về đời sống thiêng liêng, những việc đạo đức theo
gương các thánh. Sau Công đồng, đã có sự thay đổi rõ nét. Bài giảng lễ
(homilia) phải dựa vào các bài đọc Thánh Kinh trong Thánh Lễ, giải thích và suy
niệm từ các bài đọc trong truyền thống đức tin của Hội Thánh để soi sáng cho đời
sống tín hữu trong từng hoàn cảnh: “Bài giảng căn cứ vào Thánh Kinh để trình
bày các mầu nhiệm đức tin và những quy tắc cho đời sống kitô hữu trong suốt chu
kỳ Năm phụng vụ, rất đáng được coi như một phần của chính Phụng Vụ. Hơn nữa,
trong những thánh lễ được cử hành vào các Chúa nhật và lễ buộc, có dân chúng
tham dự, không được bỏ giảng nếu không có lý do hệ trọng”.[7] Để đạt mục
đích trên, chủng sinh cần được đào tạo về kiến thức Thánh Kinh cũng như về giảng
thuyết. Cho dù đã có nhiều cố gắng nhưng chắc chắn đây là công việc dài hơi,
đòi hỏi những cố gắng liên lỉ, không mệt mỏi, để giúp các linh mục gia tăng chất
lượng bài giảng như lòng dân Chúa ước mong. Trong tông huấn Pastores Dabo Vobis, một lần nữa, Đức
Gioan Phaolô II đề cao tầm quan trọng của Thánh Kinh trong việc đào tạo linh mục,
vì một trong ba chức năng chính của linh mục là thừa tác viên của Lời, và ngài
kêu gọi: “Do đó, chính bản thân linh mục trước hết phải càng ngày càng gần gũi
với Lời Chúa hơn”.[8]
Huấn quyền
Ảnh hưởng của hiến
chế Dei Verbum còn có thể được nhận
thấy qua những tài liệu chính thức của Huấn quyền như các thông điệp, tông huấn,
sứ điệp của các vị giáo hoàng.
Trong triều đại
giáo hoàng của ngài (1978-2005), nhiều thông điệp và tông huấn của Đức Gioan
Phaolô II được gợi hứng từ Thánh Kinh. Chẳng hạn, ngay sau khi làm giáo hoàng,
trong suốt 129 buổi triều yết, ngài đã trình bày “thần học về thân xác” dựa
trên những chương đầu của sách Sáng Thế, các thư của thánh Phaolô và bốn sách
Tin Mừng. Khi khai triển những bài giáo lý này, Đức Thánh Cha đã vận dụng những
phương pháp phê bình hiện đại để giúp người nghe hiểu được Lời Chúa. Không chỉ
giới hạn trong những bài giáo lý này, người đọc còn có thể nhận ra dấu ấn Thánh
Kinh trong những thông điệp và tông huấn của Đức Gioan Phaolô II. Thông điệp Laborem Exercens (1981) về phẩm giá của
lao công được triển khai dựa trên những chương đầu sách Sáng Thế. Thông điệp Evangelium Vitae (Tin Mừng sự sống,
1995) trình bày tính thánh thiêng của sự sống con người dựa trên nhiều văn bản
Cựu Ước và Tân Ước. Rõ hơn nữa, lược đồ thông điệp Veritatis Splendor (Ánh quang chân lý, 1993) được xây dựng dựa trên
câu truyện về người thanh niên giàu có trong Tin Mừng Matthêu 19,16-25. Trước
đó không lâu, tông huấn Pastores Dabo
Vobis (1992) được gợi hứng từ Giêrêmia 3,15, đồng thời sử dụng những bản
văn Thánh Kinh khác làm nền tảng cho những chỉ dẫn về đào tạo linh mục ngày
nay. Cuối cùng, vào cuối đời ngài, thông điệp Mane Nobiscum Domine về Thánh Thể (2004) chủ yếu sử dụng Luca 24 và
những bản văn tương ứng như Mt 28,20 và Ga 15,4.
Một cái nhìn
thoáng qua như thế đủ cho thấy đối với Đức Gioan Phaolô II, Thánh Kinh có tầm
quan trọng như thế nào trong đời sống Hội Thánh. Ngài cụ thể hóa lời mời gọi của
Vaticanô II thúc đẩy các tín hữu phải làm quen và gần gũi với Thánh Kinh hơn,
và các nhà thần học phải lấy Thánh Kinh làm linh hồn cho toàn bộ suy tư thần học
của mình. Thiết nghĩ cần nhắc đến ở đây một sáng kiến khác của Đức Gioan Phaolô
II, sáng kiến tưởng chừng nhỏ bé nhưng có tác động lớn trong đời sống tín hữu.
Trong tông thư Rosarium Virginis Mariae
(Chuỗi Mân côi của Đức Trinh nữ Maria, 2002), ngài đề nghị thêm năm sự sáng vào
chuỗi Mân côi truyền thống với năm sự vui, thương, mừng. Năm sự sáng là Chúa
Giêsu chịu Phép Rửa, Tiệc cưới Cana, Loan báo Nước Thiên Chúa, Hiển dung, Tiệc
Ly. Làm như thế, ngài vừa làm nổi bật nền tảng Thánh Kinh của chuỗi Mân côi, vừa
nhấn mạnh tầm quan trọng của việc suy niệm các mầu nhiệm Thánh Kinh trong đời sống
Chúa Giêsu, nhờ đó giúp người tín hữu lớn lên trong đời sống thiêng liêng và cảm
nhận Lời Chúa gần gũi mình hơn nữa.
Hiến chế Dei Verbum cũng để lại dấu ấn sâu đậm
trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo.
Trong nhiều năm sau Công đồng, người công giáo than phiền rằng không có một cuốn
sách cung cấp giáo huấn công giáo cách đầy đủ và rõ ràng, để họ có thể tìm được
câu trả lời và hướng dẫn khi cần thiết. Ước mong này được nói lên trong Thượng
Hội đồng Giám Mục khóa đặc biệt năm 1985. Đáp ứng yêu cầu này, năm 1986, Đức
Gioan Phaolô II thiết lập một ủy ban thực hiện dưới quyền điều hành của Đức
giáo hoàng hiện tại, khi đó là Tổng trưởng Bộ Giáo thuyết đức tin. Và năm 1992,
Đức Gioan Phaolô II công bố sách Giáo Lý này. Trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, hiến chế Dei Verbum được trích dẫn 77 lần, chủ yếu là trong chương 2 ‘Thiên
Chúa đến gặp con người'. Không chỉ trích dẫn, lược đồ của phần nói về Thánh
Kinh cũng dựa theo lược đồ hiến chế Dei
Verbum, theo hướng lấy Chúa Kitô là trung tâm. Theo đó, sách giáo lý trình
bày Chúa Kitô là Lời nhập thể (số 101-104) rồi bàn đến vấn đề linh hứng và chân
lý trong văn bản Thánh Kinh (số 105-108). Tiếp theo là phần nói về Chúa Thánh
Thần như Đấng giải thích Thánh Kinh (109-119), gồm cả việc trình bày những
‘nghĩa' truyền thống của Thánh Kinh đã có từ thời Trung Cổ (nghĩa văn tự,
thiêng liêng, ẩn dụ, luân lý). Phần tiếp theo bàn về thư quy các sách thánh, nhấn
mạnh tính thống nhất giữa Cựu Ước và Tân Ước (120-130), cuối cùng kết thúc bằng
việc nói về tầm quan trọng của Thánh Kinh trong đời sống Hội Thánh (131-133).
Rõ ràng, cho dù sách giáo lý vận dụng những nguồn tư liệu khác nữa, nhưng lược
đồ chủ yếu vẫn là lược đồ của hiến chế Dei
Verbum.
Đối thoại đại kết
Tác động của hiến
chế Dei Verbum còn được thể hiện rõ
nét trong lãnh vực đối thoại đại kết. Năm 1969, Đức Hồng y Johannes
Willebrands, người đứng đầu Văn Phòng Hiệp Nhất Kitô, đã thành lập Liên Hiệp
Thánh Kinh Công Giáo (CBF-Catholic Biblical Federation) nhằm thúc đẩy việc học
hỏi và nghiên cứu Thánh Kinh trên toàn thế giới. Dự án này đã được bắt đầu từ Hồng
y Bea là vị tiền nhiệm của Hồng y Willebrands, đáp ứng lời kêu gọi của hiến chế
Dei Verbum là làm sao để mọi tín hữu
Kitô có thể tiếp cận được với Thánh Kinh. Liên hiệp này đã cổ võ việc nghiên cứu
Thánh Kinh và tổ chức nhiều hội nghị về Thánh Kinh và các vấn đề liên quan.
Cụ thể hơn, hiến
chế Dei Verbum đã góp phần tạo đà lực
mới trong cuộc đối thoại giữa Hội Thánh công giáo và những cộng đoàn Giáo Hội
Kitô khác.
Cuộc đối thoại giữa
Công giáo và Tin Lành Luther đã dẫn đến những tuyên bố chung quan trọng. Năm
1972, tài liệu Thánh Phêrô trong Tân Ước
đã khai triển những dữ kiện Thánh Kinh về thánh Phêrô, đồng thời gợi ý suy tư về
chức năng của đức giáo hoàng. Năm 1978, tài liệu Đức Maria trong Tân Ước đào sâu những dữ kiện Thánh Kinh về Đức
Maria nhằm cổ võ sự hiểu biết nhau hơn khi nói đến vai trò của Đức Maria trong
lịch sử cứu độ. Năm 1982, tài liệu Sự
công chính trong Tân Ước trình bày điểm then chốt trong đức tin Kitô giáo,
nhằm giúp nhau hiểu đúng hơn quan điểm của mỗi bên về ơn công chính hóa.
Cuộc đối thoại giữa
Công giáo và Anh giáo cũng đem lại những hoa trái tích cực. Năm 1966, Đức
Phaolô VI và Miachael Ramsay, Tổng giám mục Canterbury, đã thiết lập một ủy ban
hỗn hợp để nghiên cứu vấn đề hiệp nhất giữa hai bên, gọi là Ủy ban quốc tế về
Anh giáo và Công giáo Rôma (ARCIC Anglican Rôman Catholic International
Commission). Ủy ban tổ chức những cuộc họp hằng năm, bàn về nhiều đề tài như
Thánh Thể, Thừa tác vụ trong Hội Thánh, Quyền bính của giáo hoàng... là những đề
tài lớn được cả hai bên quan tâm.
Trong tất cả những
cuộc đối thoại trên, Thánh Kinh đóng vai trò nền tảng. Nếu không có sự hiểu biết
cả về phương pháp nghiên cứu lẫn nội dung chính yếu của những văn bản Thánh
Kinh, thiết nghĩ những cuộc đối thoại trên khó có thể tiến hành. Do đó, sẽ
không quá chủ quan nếu kết luận rằng hiến chế Dei Verbum với những định hướng căn bản đã góp phần quan trọng
trong những cuộc đối thoại này.
Tắt một lời, có
thể lấy lại nhận định của chính Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI để nói về tác động
của hiến chế Dei Verbum trong đời sống
Hội Thánh những năm qua: “Với lòng biết ơn, các Nghị phụ trong Thượng Hội đồng
đã thừa nhận những lợi ích lớn lao mà hiến chế Dei Verbum đem lại cho đời sống của Hội Thánh về mặt chú giải, thần
học, thiêng liêng, mục vụ và đại kết”.[9]
2. Những thách đố
Trong phần dẫn nhập
tông huấn Verbum Domini, Đức
Bênêđictô XVI viết: “Mọi người đều biết sự thúc đẩy mạnh mẽ mà hiến chế tín lý Dei Verbum đã đem lại cho việc tái khám
phá Lời Chúa trong đời sống của Hội Thánh, việc suy tư thần học về mạc khải của
Thiên Chúa và việc nghiên cứu Thánh Kinh. Trong bốn mươi năm qua, Huấn Quyền đã
ban hành nhiều bản tuyên bố về các đề tài này. Khi cử hành Thượng Hội đồng này,
với ý thức về hành trình liên tục của mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần,
Hội Thánh cảm thấy được mời gọi phải đào sâu hơn nữa chủ đề Lời Thiên Chúa, để
vừa thẩm định việc thực hiện các chỉ dẫn của Công đồng, vừa đương đầu với những
thách đố mới trong thời đại hiện nay đang đặt ra cho các tín hữu Kitô”.[10] Như
thế, cùng với luồng ánh sáng ấm áp và tích cực mà hiến chế Dei Verbum soi chiếu, không thể không ý thức về những khoảng tối vẫn
còn đó sau bốn mươi lăm năm ban hành hiến chế này.
Theo nhận định của
Thượng Hội đồng Giám Mục khóa đặc biệt năm 1985, những khoảng tối này phát xuất
từ bối cảnh chung là việc giải thích và áp dụng các văn kiện của Công đồng
Vaticanô II. Văn bản đã có sẵn nhưng cách đọc, cách giải thích và cách áp dụng
lại không giống nhau. Người ta đi từ thái cực này sang thái cực khác. Chính vì
thế, nhìn lại đời sống Hội Thánh 20 năm sau Công đồng, các Nghị phụ đã đưa ra
sáu nguyên tắc quan trọng nhằm giúp giải thích và áp dụng cách đúng đắn những
văn kiện của Công đồng:
1. Đọc văn bản Công
đồng trong bối cảnh của nó: phải luôn ghi nhớ bối cảnh của từng đoạn văn, từng
tài liệu, và tìm hiểu xem những đoạn văn và tài liệu đó liên hệ với nhau ra
sao.
2. Vai trò của bốn
hiến chế: bốn hiến chế (Phụng Vụ, Hội Thánh, Mạc Khải, Mục Vụ) là bản chỉ dẫn
thiết yếu cho việc giải thích những tài liệu khác.
3. Không nên tạo ra
sự đối nghịch giả tạo giữa hai mặt giáo thuyết và mục vụ của các văn bản Công đồng.
4. Không được tách
ly tinh thần ra khỏi văn tự trong những văn bản Công đồng.
5. Phải quan tâm và
tôn trọng tính liên tục giữa Vaticanô II và những Công đồng trước trong lịch sử
Hội Thánh.
6. Vaticanô II tiếp
tục bàn đến những vấn đề của thời đại ngày nay.
Tất cả những
nguyên tắc trên cũng cần được áp dụng khi đọc và giải thích hiến chế Dei Verbum. Theo Ronald D. Witherup, sau
hiến chế Dei Verbum, trong bốn mươi
năm qua, những lãnh vực sau đây vẫn chưa được làm sáng tỏ:
1. Mối tương quan phức
tạp giữa Thánh Kinh và Thánh Truyền. Phần II trong hiến chế Dei Verbum “Lưu truyền Mạc Khải” đã
trình bày những nét chính yếu về mối tương quan này: “Thánh Truyền và Thánh
Kinh liên kết, phối hợp mật thiết với nhau vì cả hai phát xuất từ một nguồn mạch
là Thiên Chúa, có thể nói kết hợp làm một và cùng hướng về một mục đích... Hội
Thánh không chỉ nhờ Thánh Kinh mà biết cách xác thực những điều mạc khải. Chính
vì thế, cả Thánh Kinh lẫn Thánh Truyền đều phải được đón nhận và tôn kính bằng
một tâm tình quý mến và kính trọng như nhau” (số 9). Theo Đức Hồng y Bea, tài
liệu không nói rằng Thánh Kinh chỉ hiểu
được trong ánh sáng của Thánh Truyền. Cũng không nói rằng Thánh truyền là thiết
yếu cho việc hiểu Thánh Kinh. Thánh Truyền có thể soi sáng cho việc giải thích
Thánh Kinh, vì toàn bộ Thánh truyền (lòng đạo, thực hành phụng vụ, suy niệm,
nghiên cứu...) giúp tập trung vào ý nghĩa của văn bản Thánh Kinh trong nhiều
giai đoạn khác nhau của lịch sử Hội Thánh. Do đó nghĩa của Thánh Kinh không hiển
nhiên. Việc chú giải đòi hỏi trước hết phải nắm bắt nghĩa văn tự của lời thành
văn, rồi phải đào sâu ý nghĩa chứa đựng trong đó. Hội Thánh cổ võ việc giải
thích này trong toàn bộ truyền thống sống động của Hội Thánh. Dù vậy, mối tương
quan phức tạp giữa Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn Quyền vẫn là đề tài được
bàn cãi nhiều trong những thập niên qua với nhiều lý thuyết khác nhau, và mong
được làm sáng tỏ hơn.
2. Vai trò của
phương pháp phê bình lịch sử và những phương pháp khác trong việc chú giải
Thánh Kinh. Phương pháp này xuất hiện từ thế kỷ 19 trong giới nghiên cứu, sử dụng
những khí cụ phân tích khoa học và ngữ học để xác định tính lịch sử của văn bản
Thánh Kinh. Từ “phê bình” ở đây không có nghĩa là phê phán cho bằng là nghiên cứu
khoa học. Phê bình lịch sử cũng không chỉ là cách tiếp cận duy nhất nhưng bao
hàm trong đó nhiều cách tiếp cận: hình thái, nguồn, biên soạn. Xem ra hiến chế Dei Verbum chấp nhận phương pháp phê
bình lịch sử trong việc giải thích Thánh Kinh khi khẳng định: “Để hiểu đúng ý
nghĩa tác giả Thánh Kinh muốn quả quyết trong bản văn, chúng ta phải chú tâm
đúng mức đến các cách thức cảm nghĩ, diễn tả, tường thuật do bẩm sinh, được thịnh
hành trong thời của họ, cũng như phải để ý đến các hình thức mà người thời ấy
thường dùng khi giao tế với nhau” (số 12). Ngược lại, càng ngày người ta càng
thấy những giới hạn của phương pháp này trong việc tiếp cận Thánh Kinh, vì
Thánh Kinh không chỉ là một văn bản thế tục nhưng trước hết và trên hết, là Lời
Thiên Chúa. Nhà thần học Joseph Ratzinger đã nhiều lần chỉ ra những thiếu sót
và bất cập của phương pháp này, cách riêng trong việc tiếp cận Đức Giêsu, đối
tượng trung tâm của đức tin Kitô giáo.[11] Thực ra, chính hiến chế Dei Verbum đã lường trước khó khăn này
và đã đưa ra chỉ dẫn cụ thể: “Để hiểu đúng ý nghĩa của Sách Thánh, chúng ta
cũng phải ân cần lưu ý đến nội dung và sự thống nhất toàn bộ Thánh Kinh, dựa
trên truyền thống sống động của toàn thể Hội Thánh và sự tương hợp toàn bộ đức
tin” (số 12). Dù vậy vẫn có những lập trường khác biệt nhau, thậm chí chống đối
nhau trong việc chú giải Thánh Kinh.
3. Tìm kiếm một cách
tiếp cận mang nét đặc thù của Công giáo trong việc nghiên cứu và chú giải Thánh
Kinh. Đây là vấn đề về phương pháp luận. Câu hỏi đặt ra là liệu có thể có một
cách tiếp cận, một cách giải thích Thánh Kính mang tính đặc thù, nếu không nói
là độc nhất của Công giáo không? Câu hỏi này phát xuất từ nhiều lý do. Trước hết
là sự bất mãn đối với phương pháp phê bình lịch sử xem ra ngày càng chiếm thế
thượng phong trong ngành chú giải Thánh Kinh. Kế đó là sự bùng nổ của nhiều
phương pháp trong việc nghiên cứu Thánh Kinh, dẫn đến tình trạng hỗn loạn. Sau
cùng là sự hồi tưởng những phương pháp đã có trong lịch sử Hội Thánh, nhất là
phương pháp của các giáo phụ, đã đem lại hoa trái thiêng liêng phong phú cho đời
sống Hội Thánh.
4. Vai trò của Ủy
ban giáo hoàng về Thánh Kinh. Ủy ban này được Đức Leo XIII thiết lập năm 1902.
Từ đó đến nay, Ủy ban đã công bố nhiều tài liệu quan trọng về các đề tài Thánh
Kinh. Bước thay đổi lớn diễn ra dưới thời Đức Phaolô VI khi ngài tái cấu trúc
các cơ quan của Tòa Thánh, biến Ủy ban Thánh Kinh thành một ban có trách nhiệm
tư vấn cho Bộ Giáo thuyết Đức Tin. Từ đó có người cho rằng những tài liệu của Ủy
ban này không có giá trị giáo huấn; người khác lại cho rằng khi được sự phê chuẩn
của Đức Giáo hoàng, những tài liệu của Ủy ban này mang giá trị giáo huấn. Về vấn
đề này, khi công bố tài liệu Việc giải
thích Thánh Kinh trong Hội Thánh năm 1993, Đức Hồng y Joseph Ratzinger, Tổng
trưởng Bộ Giáo thuyết Đức Tin lúc đó và Đức Giáo hoàng hiện nay, đã xác định ủy
ban này là “một ủy ban gồm các học giả, trong trách nhiệm về mặt khoa học cũng
như Giáo Hội, với tư cách là những nhà chú giải có đức tin, đưa ra lập trường về
những vấn đề quan trọng trong việc giải thích Thánh Kinh và họ biết rằng Huấn
quyền tin tưởng họ trong trách nhiệm này”. Như thế, một đàng, ngài xác định đây
là ủy ban của những học giả; đàng khác, ngài cho thấy Huấn quyền tin tưởng vào
những nghiên cứu của họ.
5. Những thách đố của
phong trào duy văn tự Thánh Kinh (biblical fundamentalism). Hiến chế Dei Verbum đã khơi dậy nơi người công
giáo mối quan tâm nhiều hơn đến Thánh Kinh. Thế nhưng lại có nhận xét rằng:
quan tâm thì có mà hiểu biết Thánh Kinh thì không. Nhiều người công giáo vẫn cảm
thấy thua kém anh em Tin Lành vì thấy họ hiểu biết và trích dẫn Thánh Kinh rất
dễ dàng. Nhiều linh mục lại than phiền, dù cố gắng mở các khóa học Thánh Kinh
nhưng chẳng mấy ai đến dự. Đang khi đó, những khóa Thánh Kinh do Tin Lành mở lại
thu hút nhiều người, kể cả người công giáo. Và nhiều khóa học lại do những nhóm
theo chủ trương duy văn tự Thánh Kinh hướng dẫn, tìm cách tấn công Hội Thánh
công giáo là không theo sát Lời Chúa và lôi kéo người công giáo theo họ. Hầu hết
các học giả công giáo cho rằng chủ trương duy văn tự Thánh Kinh là chủ trương
đi ngược lại quan điểm của Công giáo về giải thích Thánh Kinh. Tài liệu Giải thích Thánh Kinh trong Hội Thánh đã
nói rất mạnh về vấn đề này: “Lối tiếp cận duy văn tự là lối tiếp cận nguy hiểm
vì nó hấp dẫn đối với những người đang tìm kiếm trong Thánh Kinh những câu trả
lời có sẵn cho những vấn đề của đời sống. Nó có thể đánh lừa họ khi đem lại cho
họ những cách giải thích đạo đức nhưng lại là ảo tưởng hão huyền, thay vì nói
cho họ biết rằng Thánh Kinh không chứa đựng câu trả lời trực tiếp cho mọi vấn đề.
Không phải nói nhiều, chủ trương duy văn tự đưa người ta tới một hình thức tự
sát của tư tưởng. Nó đưa vào trong đời sống một xác tín giả dối, bởi vì nó vô
tình lẫn lộn bản chất thần linh của sứ điệp Thánh Kinh với cái thực ra là những
giới hạn của con người” (I, E).
Phải chăng đây
chính là những “thách đố thời hiện đại” mà Đức Bênêđictô XVI nói đến trong phần
dẫn nhập của tông huấn Verbum Domini?
Và như thế, hi vọng tông huấn sẽ cung cấp những chỉ dẫn mới cho những vấn đề được
quan tâm.
Kết luận
Thượng Hội đồng
Giám Mục nhóm họp là để đáp ứng nhu cầu sống đức tin của Dân Chúa trong những
hoàn cảnh sống không ngừng thay đổi của thế giới. Chính vì thế, tiến trình thực
hiện một Thượng Hội đồng rất công phu: xin ý kiến của các Hội Đồng Giám Mục để
xác định đề tài; biên soạn Đề cương
(lineamenta) và gửi đến các Hội Thánh địa phương xin góp ý; dựa trên những ý kiến
phản hồi, tiến hành biên soạn Tài liệu
làm việc (instrumentum laboris) của Thượng Hội đồng; lắng nghe và đúc kết
những ý kiến thảo luận trong đại hội để đúc kết thành những Đề nghị (propositiones) cũng như biên soạn
Sứ điệp của đại hội; đệ trình những đề
nghị này lên Đức Thánh Cha để ngài tùy nghi sử dụng và biên soạn Tông huấn hậu Thượng Hội đồng.
Thượng Hội đồng
Giám Mục lần thứ XII đã tiến hành tại Vatican với chủ đề Lời Thiên Chúa trong đời sống và sứ mạng của Hội Thánh. Lời Chúa là
“nguồn mạch bất tận luôn đổi mới”, đồng thời là “trung tâm điểm của mọi hoạt động
trong Hội Thánh”[12]. Lời Chúa không ngừng được công bố trong Hội
Thánh dưới nhiều hình thức, nhưng vấn đề là làm sao để hiểu cho đúng Lời Chúa
như Chúa muốn, đồng thời mở rộng cánh cửa tâm hồn để đón nhận Lời chân lý, Lời
cứu độ. Nhìn lại hiến chế Dei Verbum
để nhận ra những hoa trái tốt lành mà hiến chế này đã đem lại cho đời sống Hội
Thánh trong bốn mươi năm qua, đồng thời để thấy rõ hơn những khó khăn còn tồn tại
cũng như những thách đố phải đối diện. Thiết nghĩ đây cũng là một cách tiếp cận
và dẫn vào tông huấn Verbum Domini,
nhờ đó đọc tông huấn cách chăm chú hơn, tiếp cận Lời Chúa cách phong phú hơn và
rao giảng Lời Chúa cách hiệu quả hơn. Bởi lẽ, “không có điều ưu tiên nào lớn
hơn ưu tiên này là: hãy mở ra lại cho con người ngày nay con đường đến với
Thiên Chúa, một vị Thiên Chúa đang nói và chia sẻ với chúng ta tình yêu của
Ngài, để chúng ta có được sự sống dồi dào” (x. Ga 10,10).
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 63 (tháng 1 & 2, năm 2011)
1. Ngày 1-1-2011, Ủy
ban Kinh Thánh trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã chính thức phổ biến bản
dịch tiếng Việt của Tông huấn này.
2. Những chất liệu
trong bài chủ yếu được rút từ Ronald D. Witherup, Scripture, Rediscovering Vaticanô II, Paulist Press, New
York/Mahwah NJ, 2006.
3. Có thể nhắc đến ở
đây một số tác phẩm nổi tiếng và quen thuộc. Raymond E. Brown, Joseph A.
Fitzymyer và Roland E. Murphy thực hiện bộ The
Jerome Biblical Commentary (1968), sử dụng những phương pháp hiện đại để phân
tích văn bản Thánh Kinh. Năm 1990, bộ sách này được bổ sung và tái bản, cung cấp
nhiều chất liệu về lịch sử và cách tiếp cận của Công giáo với Thánh Kinh. Bộ The Collegeville Bible Commentary (1989)
bắt nguồn từ những tập sách nhỏ, giải thích từng cuốn trong Thánh Kinh với ngôn
ngữ dung dị hơn, sau này được tập hợp lại thành bộ sách.
4. Vaticanô II, Hiến
chế tín lý về mạc khải Dei Verbum, số
5.
5. Vaticanô II, Sắc
lệnh về Đào tạo linh mục, số 4.
6. Ibid, số 16.
7. Vaticanô II, Hiến
chế Phụng Vụ, số 51 và 52.
8. Gioan Phaolô II,
Tông huấn Pastores Dabo Vobis, số 26,
54.
9. Bênêđictô XVI,
Tông huấn Verbum Domini, số 3.
10. Ibid., số 3.
11. Quan điểm của nhà
thần học Joseph Ratzinger được trình bày rõ nhất trong Lời tựa của tác phẩm nổi tiếng Giêsu
Nazareth. Bản tin Hiệp Thông số này cũng giới thiệu bài viết của ngài.
12. Bênêđictô XVI,
Tông huấn Verbum Domini, số 1.