Hồng Thủy - Vatican News
Cho đến năm 2015, Burkina Faso là một quốc gia tương đối yên bình, nhưng sự trỗi dậy của các nhóm chiến binh ở các nước láng giềng Mali và Niger như al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo ở vùng Thượng Sahara, cùng với xung đột chính trị nội bộ, đã khiến đất nước này phải hứng chịu bạo lực, tình hình trở nên tồi tệ hơn do biên giới dễ bị xâm phạm. Tình hình trở nên tồi tệ hơn sau hai cuộc đảo chính quân sự vào năm 2022, dẫn đến hoạt động của các chiến binh gia tăng xung quanh thủ đô Ouagadougou.
Chính phủ Burkina Faso cho biết hàng ngàn người đã thiệt mạng và hơn hai triệu người phải di dời.
Nói về cuộc thảo luận với ông Traoré, Đức Hồng y Parolin cho biết, “Chúng tôi đã nói rất nhiều về hòa bình và cuộc chiến chống khủng bố, về ý chí của chính phủ nhằm giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ”.
Cuộc chiến chống khủng bố là một cuộc chiến khó khăn vì phải chiến đấu với một kẻ thù thực sự có thể biến mất trong cộng đồng hoặc sử dụng cộng đồng làm vỏ bọc.
Cần kết hợp hoạt động quân sự và phát triển cuộc sống người dân
Do đó, Đức Hồng y Parolin lưu ý rằng "cần kết hợp, một mặt, hành động quân sự, nhưng mặt khác, hoạt động phát triển, bởi vì điều quan trọng là mọi người có thể được hưởng các quyền cơ bản của họ về thực phẩm, giáo dục, sức khỏe và mọi thứ giúp cuộc sống trở nên khả thi, một cuộc sống có phẩm giá cho người dân”. Ngài cho biết Giáo hội hoàn vũ và Tòa Thánh sẵn sàng sát cánh cùng Burkina Faso để đảm bảo rằng người dân có được cuộc sống có phẩm giá hơn, thông qua hoạt động của giáo hội địa phương.
Burkina Faso nhìn nhận vai trò của Giáo hội
Như hành động ghi nhận hoạt động của Vatican trong việc cải thiện cuộc sống cho người dân Burkina Faso, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Hợp tác khu vực và Cộng đồng người di cư Karamoko Jean Marie Traore đã trao tặng Đức Hồng y Parolin một huân chương danh dự. Ông nói rằng danh hiệu là thành tựu của nhiều năm hoạt động của hàng giáo sĩ vì người dân Burkina Faso kể từ khi quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Burkina Faso được thiết lập vào năm 1973. (Crux 19/02/2025)