Ngọc Yến - Vatican News
Giáo sư Riccardo Pozzo, thành viên của Hàn Lâm viện Toà Thánh về Khoa học Xã hội và một trong những người tổ chức sự kiện cho biết, một nhóm các nhà tri thức gồm triết gia, luật gia và kinh tế gia của châu Âu, châu Mỹ, châu Úc, đặc biệt của Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tập trung tại Roma để thảo luận về các mục tiêu phát triển do Liên Hiệp Quốc đặt ra, và về những thách đố của thế giới ngày nay, bắt đầu từ cái nhìn của Trung Quốc và Ấn Độ là hai trong số các quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế mạnh trên thế giới.
Vì thế, mục tiêu là giúp hiểu Trung Quốc và Ấn Độ từ quan điểm của họ. Hội thảo này muốn thúc đẩy một cuộc đối thoại có ý nghĩa và bền vững và một sự hợp tác hướng tới hiệu quả. Ý tưởng của hội thảo là tập hợp các nhà khoa học, kinh tế học, xã hội học và triết gia trong viễn cảnh toàn cầu để đối phó với thách đố nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, các mục tiêu chung được Liên Hiệp Quốc chỉ ra trong tương lai gần và cũng là trung tâm các hoạt động của Hàn Lâm viện Toà Thánh về Khoa học Xã hội. Đó là những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, tính bền vững, đổi mới xã hội, giáo dục, y tế và tái tạo đô thị, trao quyền cho phụ nữ và người trẻ, và các chiến lược chuyên môn hóa để phát triển khu vực.
Trong ngày đầu tiên, Đức Hồng Y Peter Turkson, Viện trưởng Hàn Lâm viện Toà Thánh về Khoa học Xã hội sẽ có bài tham luận về “công ích”. Tiếp theo đó là một loạt các hội thảo về từng mục tiêu do Liên Hiệp Quốc đặt ra cho năm 2023. Cuộc gặp gỡ cuối cùng liên quan đến “Hoà bình, công lý và các thể chế vững mạnh”.
Giáo sư Riccardo Pozzo nhận xét: “Nền tảng lý thuyết lớn cho việc tìm kiếm hòa bình trong thế kỷ 20 là chuyên luận ‘Nền hòa bình vĩnh cửu’ của Kant. Tài liệu đó về cơ bản đã nói: chúng ta muốn hòa bình vì ngành công nghiệp và thương mại cần nó. Ngày nay trong thế kỷ 21, chúng ta biết rằng điều này không còn đủ nữa: thế giới cần hòa bình, trái đất cần hòa bình. Đó là một viễn cảnh lớn hơn nhiều, mà chúng ta phải giúp nhau theo đuổi trong một viễn cảnh toàn diện”.
Giáo sư cho biết thêm, cuộc gặp gỡ sẽ cố gắng làm rõ các điều kiện tiên quyết về đạo đức cho một cuộc đối thoại thực sự là tự do và bình đẳng, là hai điều được đề cập trong tài liệu của Bộ Giáo dục Công giáo mà Hàn Lâm viện, và trong các thông điệp của Đức Thánh Cha. Mặc dù không phải là một cơ quan có khả năng gây ảnh hưởng đến các quyết định của chính phủ Trung Quốc và Ấn độ, nhưng Hàn Lâm viện Toà Thánh về Khoa học Xã hội muốn tổ chức hội thảo như là bước khởi đầu của tiến trình, trước hết ở các trường đại học. (Asianews 24/6/2023)