CẢM XÚC VÀ TÌNH CẢM CỦA CHÚA
GIÊSU:
MỘT PHÂN TÍCH THEO CÁC SÁCH TIN MỪNG NHẤT LÃM
Vincenzo Anselmo, SJ
La Civiltà Cattolica
Ngày 24.01.2021
WHĐ (12.3.2022) -
Trong cuốn tiểu thuyết Tên của hoa hồng
viết bởi Umberto Eco, vị tu sĩ mù Jorge ở Burgos, trích lời thánh Gioan Chrysostom,
lập luận rằng “Chúa Kitô không bao giờ cười”.
Một tuyên bố mạnh mẽ như vậy dường như không chỉ loại trừ khả năng Chúa Giêsu
thành Nadarét có thể cười, mà còn đặt câu hỏi về nhân tính của Ngài, một nhân tính
hàm ý có khả năng tham gia vào toàn bộ kinh nghiệm, bao gồm khả năng trải qua đầy
đủ các dạng tình cảm và cảm
xúc. Ngược lại, như Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes (GS) tuyên bố, “Con Thiên Chúa […] đã làm việc với bàn tay
con người, suy nghĩ với khối óc con người, hành động theo sự lựa chọn của con
người, và được yêu thương bằng trái tim con người. Sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria,
Ngài đã thực sự trở thành một người trong chúng ta, giống chúng ta trong mọi sự,
trừ tội lỗi ” (GS 22).
Thật vậy, các
sách Tin Mừng trình bày cho chúng ta một bức chân dung rất nhân bản về một Chúa Giêsu có khả năng vui mừng và
khóc, xúc động và tức giận, phẫn nộ và yêu thương, cảm thấy đau khổ và kinh ngạc.
Ngài tự gọi mình
là “hiền lành và khiêm nhường” (Mat
11:29), nhưng Ngài cũng hăng hái nhiệt
thành khi mạnh mẽ xua đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ.
Trong bài viết
này, chúng ta sẽ cố gắng mở ra một cửa sổ về nội tâm của Chúa Giêsu như được
truyền cho chúng ta trong các Tin Mừng Nhất Lãm.
Mô tả sinh động và nhiều sắc thái nhất về cảm xúc và tình cảm của Chúa Giêsu được
tìm thấy trong các sách Tin Mừng Máccô. Mátthêu và Luca tỉnh táo hơn nhưng
không kém phần quan trọng trong việc miêu tả nội tâm của Con Thiên Chúa.
Trong tâm lý học,
“cảm xúc” có thể được định nghĩa là một
quá trình nhanh chóng, một phản ứng mãnh liệt đối với một kích thích hoặc một
tình huống, trong khi “tình cảm” đề cập
đến một loạt các cảm giác và đam mê kéo dài hơn và liên tục theo thời gian,
trong một số trường hợp có những đặc điểm ổn định đánh dấu tính cách của ai đó
một cách xác định và đặc biệt.
Chúng ta sẽ thấy rằng trong một số trường đoạn, tình cảm của Chúa Giêsu nổi lên như một phản ứng trước một
tình huống cụ thể, trong khi ở những thời điểm khác, tình cảm này được mô tả như một đặc điểm thường
xuyên hơn trong con người của Ngài.
Lòng từ bi của Chúa Giêsu
Một động từ lặp đi
lặp lại với một tần suất nhất định trong sách Tin Mừng Máccô và có Chúa Giêsu
làm chủ ngữ là splanchnizomai, được dịch
là “có lòng trắc ẩn”, “xúc động với lòng trắc ẩn.” Hình ảnh mà
động từ này truyền đạt rất mạnh mẽ: trên thực tế, nó biểu thị sự chuyển động của
các cơ quan nội tạng của một người đang bị rung chuyển bởi một điều gì đó hoặc
một ai đó. Trong thế giới Sêmít, các bộ phận bên trong của con người, ruột và tử
cung, được coi là nơi chứa đựng những cảm xúc nội tâm sâu sắc nhất như lòng trắc
ẩn và lòng thương xót.
Lần xuất hiện đầu
tiên của động từ này là ở đầu Tin Mừng, trong cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và
người phung. Để đáp lại lời khẩn cầu của anh ta, “Chúa Giêsu thương xót” người phung, đưa tay ra, chạm vào anh ta và
nói: “Tôi bảo anh. Hãy được sạch! ” (Máccô
1:41). Sự chuyển động bắt đầu từ các cơ quan nội tạng dẫn đến việc Chúa Giêsu
không chỉ chữa lành bệnh qua lời của Ngài, mà còn chạm đến người phung, vượt
qua sự xa cách xã hội được quy định bởi sách Lêvi (Lêvi 13-14), vốn đã đặt ra một
sự cách biệt rõ ràng giữa cộng đồng và người bệnh, để tránh bị ô nhiễm bởi sự
ô uế. Tuy nhiên, lần này chính sự
thánh thiện của Chúa Giêsu đã được chứng minh là có thể lan tỏa, chữa lành cho
người phong hủi.
Những gì xảy ra
ngay sau đó giữa Chúa Giêsu và người phung cho thấy thế giới cảm xúc phức tạp
như thế nào trong các sách Tin Mừng: “Nhưng
Ngài nghiêm giọng đuổi anh đi ngay” (Máccô 1:43). Tại sao thái độ của Chúa
Giêsu thay đổi đột ngột như vậy? Điều gì khiến Chúa có một phản ứng đột ngột đụng
độ với lòng trắc ẩn mà Ngài vừa biểu lộ? Động từ được sử dụng mang ý nghĩa phủ
định là “đe dọa, từ chối, đối xử thô bạo.”
Có lẽ nên hiểu hành vi của Chúa Giêsu liên quan đến mệnh lệnh không được nói bất
cứ điều gì với bất kỳ ai, khiến nó mang một sắc thái của sự đột ngột có thẩm
quyền (Máccô 1:44). Chúa Giêsu muốn những chỉ dẫn của mình được tôn trọng,
nhưng người phung được chữa lành không quan tâm. Điều này gây ra hậu quả nghiêm
trọng cho Chúa Giêsu, Ngài không còn có thể công khai vào thành phố sau khi tin
tức về công việc chữa bệnh của Ngài được lan truyền (Máccô 1:45).
Trong Tin Mừng
Máccô, động từ “có lòng trắc ẩn” xuất
hiện một lần nữa trong bối cảnh của hai đoạn kết về việc hóa bánh ra nhiều,
nhưng theo hai cách khác nhau. Trong trình thuật thứ nhất, người kể chuyện
trình bày phản ứng của Chúa Giêsu trước cảnh đám đông tụ tập để gặp ngài: “Khi lên bờ, Ngài thấy một đám đông; Ngài
thương xót họ, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt; và Ngài bắt đầu dạy họ
nhiều điều” (Máccô 6:34). Lòng dạ Chúa Giêsu cảm động vì đám đông, mà trước
mắt Ngài họ dường như mất phương hướng và lạc lõng, không có người hướng dẫn chăm
sóc họ (Êdêkiel 34). Lòng trắc ẩn thúc giục Chúa Giêsu nói, dạy dỗ nhiều điều, dành
thời gian và sức lực để phục vụ đám đông. Thái độ này còn nổi bật hơn nữa, bởi
vì nó được đối trọng với thái độ của các môn đệ, là những người muốn thoát khỏi
sự phiền phức của việc có những người phụ thuộc vào họ và nói với Chúa Giêsu: “Đây là một nơi hoang vắng, và giờ đã rất muộn;
hãy đuổi họ đi để họ đi vào các làng mạc và đồng quê xung quanh và mua một thứ
gì đó cho mình ăn” (Máccô 6: 35-36). Chúa Giêsu đáp ứng yêu cầu này bằng cách
lần đầu tiên làm cho bánh hóa ra nhiều được Tin Mừng Máccô tường thuật.
Trong trình thuật
thứ hai, chính Chúa Giêsu đã bày tỏ nội tâm của mình, nói với các môn đệ: “Ta thương xót đám đông, vì họ đã ở với ta ba
ngày rồi mà không có gì để ăn” (Máccô 8: 2). Lần này, chính sự mệt mỏi và
đói khát của những con người đã chạm đến lòng dạ của Chúa Giêsu, cùng với nỗi
lo rằng nếu không có thức ăn, họ sẽ không thể sống sót trong cuộc hành trình trở
về (Máccô 8: 3). Kết quả của xúc động nội tâm này trong Chúa Giêsu là lần thứ
hai Ngài làm cho bánh hóa ra nhiều.
Trong Máccô, sự lặp
lại của động từ “có lòng trắc ẩn” được
tìm thấy trong một trường hợp khác của lời nói trực tiếp. Lần này không phải
Chúa Giêsu chủ động, mà là cha của một cậu bé bị quỷ câm ám, ông đã cầu xin
lòng từ bi của Chúa để được giúp đỡ, sau khi các môn đệ cố gắng không thành
công: “Nhưng nếu Thầy có thể làm được bất
cứ việc gì, xin hãy thương xót chúng tôi và giúp đỡ chúng tôi” (Máccô
9:22).
Trong các Tin Mừng
Nhất Lãm khác, động từ splanchnizomai
với Chúa Giêsu làm chủ ngữ xuất hiện trong một số ngữ cảnh quan trọng.
Trong Mátthêu, cũng như trong các câu chuyện kể về việc hóa bánh ra nhiều, điều
đó được nói đến vào thời điểm quan trọng của sứ mệnh của Chúa Giêsu: “Khi thấy đám đông, Ngài thương xót họ, vì họ
bị quấy nhiễu và bất lực, như bầy cừu không người chăn dắt. Ngài phán cùng môn
đồ rằng: Mùa màng dồi dào, nhưng thợ làm ít; vậy, hãy cầu xin Chúa mùa gặt sai
những người làm công vào mùa gặt của mình. Bấy giờ, Chúa Giêsu triệu tập mười
hai môn đồ và ban cho họ quyền cai trị các thần ô uế, đuổi họ ra khỏi và chữa mọi
bệnh tật” (Matthêu 9: 36-10: 1). Lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu đối với đám
đông đang đau khổ và bơ vơ đã khiến Ngài một mặt yêu cầu các môn đệ cầu nguyện
với Thiên Chúa để sai thợ đến thu hoạch, và mặt khác, Ngài giao cho chính Nhóm
Mười Hai quyền làm công việc đó, thực hiện công trình của riêng Ngài.
Sau đó, lòng dạ
Chúa Giêsu lại rung động trước lời khẩn cầu được chữa lành của hai người mù: “Chúa Giêsu chạnh lòng thương, sờ vào mắt họ;
tức khắc, họ nhìn thấy được và đi theo Ngài.” (Mat 20:34). Một lần nữa sự
chữa lành cho thấy mối tương quan giữa Chúa Giêsu và những người yêu cầu Ngài
giúp đỡ.
Tuy nhiên, trong
Luca, chỉ có một dịp duy nhất người ta thấy Chúa Giêsu động lòng lòng trắc ẩn.
Đó là khi Ngài gặp bà góa thành Naim đem đứa con trai duy nhất của bà đi chôn:
“Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và
nói: "Bà đừng khóc nữa!” (Luca 7:13). Từ sự biến động lòng dạ này mà diễn
ra phép lạ làm cho đứa con trai bà góa sống lại
Theo một từ điển
Kinh thánh Tân ước, “những bản văn này
không mô tả một chuyển động mang tính cảm xúc, nhưng mô tả khuôn mặt thiên sai
của Chúa Giêsu.” Tuy nhiên, tuyên bố này có nguy cơ đã bị giảm
thiểu, bởi vì, nếu một mặt, đúng là trong các sách Tin Mừng, chủ ngữ của động từ
“có lòng trắc ẩn” hầu như luôn luôn
là Chúa Giêsu, vốn là Đấng Mêsia, mặt khác việc xác định tính chất Mêsia của Ngài
không loại trừ việc Ngài là hoàn toàn con người, khả năng của Ngài cảm nhận được
những gì mà mọi người cảm thấy, cách cảm nhận của Ngài “trong lòng”, bộc lộ cảm xúc nội tâm của Ngài. Từ những sự việc được
xem xét ở trên, chúng ta có thể thấy rằng lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu không phải
là cảm xúc nhất thời, mà là một đặc điểm ổn định, đặc trưng cho tình cảm của ngài và cách Ngài tiếp cận và tương tác với mọi người.
Chúa Giêsu có yêu không?
Một động từ rất
quan trọng khác, chỉ xuất hiện một lần khi nhắc đến Chúa Giêxu, là agapa? “yêu”: “Chúa Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Ngài bảo anh ta:
“Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo,
anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Máccô 10:21).
Trong số các Tin Mừng nhất lãm, chỉ có Máccô làm nổi bật phản ứng đầy cảm xúc
này, giúp người đọc tiếp cận với cái nhìn thân tình nhất của Chúa Giêsu.
Đối với chàng
than niên muốn Chúa Giêsu cho biết mình phải làm gì để được sự sống đời đời, bởi
vì đối với anh ấy, dường như sự trung thành với lề luật được trau dồi từ khi anh
còn trẻ là chưa đủ, Chúa Giêsu đưa ra một quan điểm mới. Tuy nhiên, dù mang
tính đòi buộc thế nào đi nữa, lời nói của Ngài cũng được quyết định bởi một ánh
mắt trìu mến. Do đó, mệnh lệnh của Ngài không nên được giải thích theo phạm trù
bổn phận, nhưng phải theo quan điểm của tình yêu thương. Ngài mời người chàng
thanh niên này đi theo con đường triệt để, bởi vì Ngài yêu mến anh ta sâu sắc và theo một nghĩa nào đó, Ngài
muốn giải thoát anh ta khỏi những lo lắng đang đeo bám anh ta và khỏi xiềng
xích trói buộc anh ta vào của cải vật chất. Người đọc trình thuật này được đặc
ân biết được cảm xúc của Chúa Giêsu ẩn sau lời nói của Ngài, mặc dù chúng ta
không biết liệu người thanh niên mà Chúa Giêsu nói với ánh mắt yêu thương này
có nhận biết rằng anh ta được yêu thương hay không. Tuy nhiên, anh ta đã không
trả lời những gì anh ta được yêu cầu và anh thà bỏ đi buồn bã và thất
vọng hơn là từ bỏ sự giàu có của mình.
Một số cảm xúc tiêu cực
Trong các sách Tin
Mừng, con người của Chúa Giêsu cũng được đặc trưng bởi một số phản ứng cảm xúc
mà chúng ta có thể sai khi coi những phản ứng ấy là thái quá. Tin Mừng Máccô
cung cấp cho chúng ta một số ví dụ góp phần tạo chiều sâu cho bức chân dung phức
tạp của Chúa Giêsu thành Nadarét. Đối mặt với sự im lặng của những kẻ muốn bắt
Ngài và cáo buộc Ngài đã chữa lành một người đàn ông bị bại tay trong ngày Sabát,
phản ứng của Chúa Giêsu vừa rất mạnh mẽ vừa phức tạp: “Chúa Giêsu giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. Ngài bảo
anh bại tay: “Anh giơ tay ra!” người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường”
(Máccô 3: 5). Qua thái độ này của Chúa Giêsu, sự tức giận và buồn bã của Ngài đối
với những người Pharisêu kết hợp lại với nhau vì sự cứng cỏi và im lặng của họ,
đằng sau đó là sự ác cảm ẩn giấu của họ đối với Ngài. Thật thú vị khi để ý đến
cách Chúa Giêsu xung đột với các đối thủ, không chỉ vì tức giận với họ, mà còn
buồn lòng vì sự cứng lòng cố chấp của họ.
Sau đó, trong Tin
Mừng Máccô, động từ “thaumaz - ngạc nhiên” cũng xuất hiện. Tại Nazareth, Chúa Giêsu
là đối tượng của những cảm xúc trái ngược nhau: lúc đầu dân làng đồng hương của
Ngài ngạc nhiên về sự giảng dạy của Ngài trong hội đường: “Đến ngày sabát, Ngài bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người
nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn
ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa
là gì?” (Máccô 6: 2), sau đó họ đổ cho Ngài là gây ra tai tiếng; và Chúa
Giêsu, như thánh sử khẳng định, “Người lấy
làm lạ vì họ không tin.” (Máccô 6: 6). Vì họ thiếu đức tin nên Chúa Giêsu
không thể làm phép lạ trong cộng đoàn của mình, và hành động của Ngài bị hạn chế
lại (Máccô 6: 5). Việc Ngài là Con Thiên Chúa, vốn dĩ biết người khác nghĩ gì (Mác
2: 8) không ngăn cản Ngài kinh ngạc trước những người chống lại sứ vụ của Ngài.
Động từ “thở dài” (stenaz) xứng đáng
được xử lý riêng biệt. Tùy thuộc vào ngữ cảnh mà nó xuất hiện, chúng ta có thể
hiểu nó theo những cách khác nhau: “Rồi
Ngài ngước mắt lên trời, thở dài một tiếng (stenaz) và nói:
"Épphatha", nghĩa là: hãy mở ra!” (Máccô 7:34). “Ngài thở dài não nuột (anastenaz) và nói:
“Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ? Tôi bảo thật cho các ông biết: thế hệ này sẽ
không được một dấu lạ nào cả” (Máccô 8:12). Trong trường hợp thứ nhất, tiếng
thở dài của Chúa Giêsu được liên kết với lời cầu nguyện dẫn đến việc chữa lành
người câm điếc; trong trường hợp thứ hai, Chúa Giêsu thở dài vì Ngài khó chịu
trước sự không tin của những người Pharisêu, là những người đang thử thách Ngài
và yêu cầu Ngài một dấu hiệu.
Trong một đoạn
khác, Chúa Giêsu bực tức với các môn đồ vì các ông cản người ta không muốn cho
Ngài tiếp xúc với trẻ em: “Thấy vậy, Ngài
bực mình nói với các ông: "Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng,
vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng.” (Máccô 10:14).
Trong những trường
hợp khác, không có dấu hiệu rõ ràng về cảm xúc đặc trưng trong hành động của
Chúa Giêsu, nhưng điều đó có thể dễ dàng nhận ra từ bối cảnh. Một ví dụ liên
quan đến việc thanh tẩy đền thờ. Máccô viết: “Thầy trò đến Giêrusalem. Chúa Giêsu vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những
kẻ đang mua bán trong Đền Thờ, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những
kẻ bán bồ câu” (Máccô 11:15). Chúa Giêsu đánh đuổi những người bán hàng cách sự kịch liệt và cuồng
nhiệt, phẫn nộ và tức giận, lật đổ bàn của những người đổi tiền. Trạng thái tâm
trí của Ngài thể hiện qua những hành động mạnh mẽ mà Ngài thực hiện trong đền
thờ Giêrusalem, đến nỗi trong Tin Mừng Gioan hành động tiên tri này nhắc nhở
các môn đồ về Thánh vịnh 69:10: “Vì nhiệt
tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” (Gioan 2:17).
Đôi khi, chính những
lời nói nghiêm khắc của Chúa Giêsu khiến người ta nghĩ rằng đằng sau chúng có một
cảm xúc rất mãnh liệt: “Ai làm cớ cho một
trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ
nó mà ném xuống biển còn hơn” (Máccô 9:42).
Chúa Giêsu biết
cách nghiêm khắc với không chỉ các kinh sư và người Pharisêu, mà còn cả dân
chúng nói chung và các môn đệ của Ngài, khi họ dường như không hiểu hết sứ vụ của
Thầy mình. Những phản ứng cảm xúc này giúp cho chúng ta hình ảnh chân thực về
Chúa Giêsu.
Ở vườn cây dầu Giệtsimani
Trong các Tin Mừng
Nhất Lãm (Matthêu 26: 36-46; Máccô 14: 32-42; Luca 22: 40-46), có một đoạn cho
người đọc được hân hạnh tiếp
cận với nội tâm của Chúa Giêsu, với sự giao tiếp mật thiết của Ngài với Chúa
Cha tại một khoảnh khắc ấn tượng và quan trọng trong cuộc khổ nạn của mình. Đó
là tình tiết tại Giếtsimani: “Rồi Ngài
đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo. Ngài bắt đầu cảm thấy hãi hùng xao
xuyến. Ngài nói với các ông: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây
mà canh thức.” Ngài đi xa hơn một chút, sấp mình xuống đất mà cầu xin cho mình
khỏi phải qua giờ ấy, nếu có thể được. Ngài nói: Ápba, Cha ơi, Cha làm được mọi
sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha
muốn” (Máccô 14: 33-36).
Lúc đầu, Chúa Giêsu
muốn có sự đồng hành của Phêrô, Giacôbê và Gioan; sau đó Ngài chỉ có một mình,
và độc giả được phép chia sẻ thảm trạng nội tâm đang giằng xé Ngài. Đầu tiên, thánh sử thông báo rằng Chúa Giêsu
cảm thấy sợ hãi và đau khổ. Trong mắt người đọc, vị Thầy tỏ vẻ khiếp sợ và xao
xuyến. Hai cảm xúc này làm cho tình hình trở nên nặng
nề và u ám; và, theo một nghĩa nào đó, bóng tối mà Chúa Giêsu cảm thấy sẽ phủ
bóng lên Ngài, biểu lộ ngay cả ra bên ngoài nội tâm của Ngài, trên cả người đọc.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu không ngại bày tỏ cảm xúc của mình trước mặt các môn đệ
qua một biểu hiện mạnh mẽ: buồn bã đến chết, điều này cho thấy mức độ đau khổ của
Ngài.
Sau đó, câu chuyện
cho chúng ta biết Chúa Giêsu ở một mình trong khi Ngài hướng về Thiên Chúa. Sấp
mình xuống đất là một dấu hiệu dễ thấy của trạng thái tâm lý phục tùng mà Ngài nhận
ra nơi mình. Lời khẩn cầu của Ngài lên Thiên Chúa thì chân thành, cũng như cách
sử dụng từ ngữ “Abba, Cha ơi” thì
riêng tư và thân mật. Chúa Giêsu khẩn cầu được giải thoát khỏi nỗi thống khổ của
cuộc khổ nạn và cái chết đang chờ đợi Ngài, nhưng Ngài đã vượt lên trên những cảm
xúc của chính mình và tuyên bố rằng mình sẵn sàng chấp nhận những gì Chúa Cha
muốn nơi Ngài. Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi giải thích như sau: “Điều đáng nói là trong lời khẩn cầu này có sự
biện chứng giữa nỗi thống khổ vốn dẫn đến nỗi buồn cay đắng và ý chí vốn thống
trị cảm xúc, với quyết định đi vào con đường đớn đau, muốn leo lên đỉnh đồi
Canvê.”
Trong khi Phêrô,
Gioan và Giacôbê đang ngủ - họ không những không chấp nhận lời yêu cầu phải giữ
sự cảnh giác, mà thậm chí họ còn không cảm nhận được bổn phận tình cảm trong lời
mời gọi mà Thầy của họ dành cho họ, một vị Thầy đang xưng ra sự yếu đuối của
mình - lời cầu nguyện của Chúa Giêsu tiếp tục đi vào đêm tối và người đọc có đặc
quyền tham gia vào trải nghiệm đó và quan sát việc đó một cách gần gũi, như thể
được đứng bên Ngài. Luca làm cho sự mô tả về nỗi đau của Chúa
Giêsu thêm phong phú với nhiều chi tiết đáng kể: sự đau khổ của đêm hôm đó dẫn
Ngài đến chứng xuất huyết, tức là đổ mồ hôi máu (Luca 22:44).
Những giọt nước mắt và niềm vui của Chúa Giêsu
Chúa Giêsu trong
Tin Mừng Luca không ngại bày tỏ cảm xúc của mình trước Phêrô và các môn đệ, cho
dù đó là sự đau khổ trong viễn cảnh về sự hoàn thành phép rửa trên thập giá (Luca 12:50) hay mạnh mẽ và mãnh liệt mong
muốn được chia sẻ Lễ Vượt Qua với họ (Luca 22:15).
Trong số các sách
Tin Mừng Nhất quan, chỉ có Luca giới thiệu với chúng ta về Chúa Giêsu, Đấng đã
bật khóc khi nhìn thấy Giêrusalem
: “Khi đến gần Giêrusalem và trông thấy
thành, Chúa Giêsu khóc thương” (Lc 19:41). Chúa Giêsu than thở cho số phận
đang chờ đợi thành thánh, nơi sẽ bị bao vây và phá hủy. Nỗi đau của Ngài trái
ngược với sự chào đón hân hoan dành cho Ngài (Luca 19: 35-40), nhưng đó là khúc
dạo đầu cho dấu hiệu gây tranh cãi về việc thanh tẩy đền thờ và sự từ chối của
những người lãnh đạo dân chúng, những người sẽ đưa Ngài đến thập giá.
Vậy thì nếu Chúa Giêsu khóc, thì sao Ngài lại không thể cười?
Câu hỏi chúng ta đã hỏi khi bắt đầu,
khi nhắc đến cuốn sách Tên của hoa hồng
viết bởi Eco, được tìm thấy một
câu trả lời khả dĩ trong Tin Mừng Luca, nơi mà niềm hân hoan và vui sướng vang
lên ngay từ những trang đầu tiên. Trước hết, những điều này được hứa với Dacaria,
và sau đó chúng được thể hiện qua việc Gioan Tẩy Giả nhảy mừng rỡ trong lòng mẹ:
“Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em
chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng” (Luca 1:44) và trên môi
của Mẹ Maria khi Mẹ hát kinh Magnificat:
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi”
(Luca 1:47).
Cũng vậy, một số
dụ ngôn của Luca là lời mời gọi những người Pharisêu và kinh sư hãy vui mừng,
chia sẻ niềm vui của Thiên Chúa dành cho mọi tội nhân được tìm thấy: “Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng
thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín
mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.” (Luca 15: 7). Và
có một lần, chính Chúa Giêsu cũng vui mừng: “Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động,
Chúa Giêsu hớn hở vui mừng và nói: “Lạy
Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc
khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người
bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Luca 10:21). Nếu không phải
là tiếng cười của Ngài, chắc chắn chúng ta có thể hình dung nụ cười tràn đầy niềm
vui của Ngài trong Chúa Thánh Thần khi Ngài ngợi khen Chúa Cha đã tỏ mình ra
cho những người bé mọn. Như Stephen Voorwinde đã nhắc nhở chúng ta, đây là niềm
vui của Ba Ngôi: “Do đó niềm vui hân hoan
của Chúa Giêsu trong Luca 10:21 cũng là niềm vui của Đấng Mêsia, Đấng duy nhất
được Chúa Thánh Thần xức dầu tối cao. Nhưng đó cũng là niềm vui của Con Đấng Tối
Cao, là Đấng người có mối liên hệ độc nhất với Chúa Cha.”
Trong phần Linh
Thao (Exercices Spirituels), vào tuần thứ tư, Thánh Inhaxiô thành Loyola gửi lời
mời gọi khẩn thiết đến linh thao viên hãy cầu xin Chúa ban cho một ân sủng đặc
biệt trong cầu nguyện “Khúc dạo đầu thứ
ba hệ tại việc xin những gì ta muốn: hãy xin ơn vui mừng mãnh liệt vì vinh
quang và niềm vui cao cả của Đức Kitô, Chúa chúng ta” (ES 221).
Những ai cầu nguyện
hãy xin Chúa ban cho mình ơn được hân hoan trong niềm vui của Chúa Kitô đã sống
lại từ cõi chết. Vì vậy, họ không chỉ xin được vui mừng vì Chúa Giêsu đã sống lại,
nhưng để được tham gia vào những cảm xúc giống như Đấng đang sống, và cùng vui
mừng với Ngài. Vì vậy, người cầu nguyện có liên kết với cảm xúc và tình cảm của
Chúa Giêsu bằng cách học biết từ nhân tính của Ngài, mà chúng ta thấy rất phong
phú và đa dạng, khởi đi từ lòng thương cảm của Ngài đối với người nghèo và người
bệnh, nhưng cũng nghiêm khắc với những người ngoan cố và chống lại sứ vụ mà
Chúa Cha đã giao phó cho Ngài. Như Gaudium et Spes nhắc lại, “Ai theo Chúa Kitô, Đấng hoàn hảo, cũng trở
nên giống Ngài hơn” (GS 41). Theo Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật và con
người thật, có nghĩa là làm cho chính mình đồng nhất với Ngài, trở nên giống Ngài
ngay cả trong cảm xúc bên trong của chúng ta.
Phêrô Phạm Văn Trung
Chuyển ngữ từ: laciviltacattolica.com
(04.01.2021)
Sách Tin Mừng Gioan xứng đáng có một cách xử lý riêng
biệt vì những điểm đặc biệt của nó giúp phân biệt nó với các Sách Nhất lãm.
Về chủ đề này, hãy xem những đóng góp sau: G.
Barbaglio, Emozioni ehesiai di Gesù, Bologna, EDB, 2009; S. Voorwinde, Cảm xúc
của Chúa Giêsu trong các sách Tin Mừng, London - New York, Bloomsbury, 2011.
Xem P. Bonaiuto - V. Biasi, “Cảm xúc”, trong Từ điển
Bách khoa Triết học, Milan, Bompiani, 2006, tập. IV, 3331.
Xem H. Köster, “σπλ?γχνον, σπλαγχν?ζομαι,
ε?σπλαγχνος, πολ?σπλαγχνος, ?σπλαγχνος”, in Grande Lessico del Nuovo
Testamento, Brescia, Paideia, 1979, quyển. XII, 903-934.
Một biến thể của văn bản này trong một số bản viết
tay là "tức giận" thay vì "có lòng trắc ẩn." Mặc dù đây là
lời giải thích, cần lưu ý rằng việc đề cập đến sự tức giận có thể là sự thêm
vào nhằm mục đích làm hài hòa văn bản, tạo sự mạch lạc giữa giọng điệu trìu mến
của Chúa Giêsu, nhưng sau này lại tỏ ra nghiêm khắc với người phung hủi (Máccô 1:43). Cf G. Perego, Vangelo secondo
Marco. Giới thiệu, traduzione e commento, Cinisello Balsamo (Mi), San Paolo,
2011, 67.
Động từ “có lòng trắc ẩn” cũng có trong một số dụ
ngôn: “Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn
món nợ” (Mat 18:27); “Nhưng một người Samaria kia đi đường, tới ngang chỗ người
ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương” (Luca 10:33); “Anh ta còn ở đàng xa, thì
người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy
hôn để” (Luca 15:20).
H. Köster, “σπλ? Γχνον, σπλαγχν? Ζομαι…”, gốc. đã dẫn.,
922.
Trong các Tin Mừng Nhất Lãm khác, Chúa Giêsu cũng ngạc
nhiên về một điều gì đó tích cực như đức tin của viên bách quản: “Nghe người ấy
nói, Chúa Giêsu lấy làm lạ và nói với những người theo Ngài: “Nghe vậy, Chúa
Giêsu thán phục ông ta, Ngài quay lại nói với đám đông đang theo Ngài rằng:
"Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Israel, tôi cũng chưa thấy một
người nào có lòng tin mạnh như thế” (Mat 8:10 và Luca 7: 9).
Về vấn đề này, hãy xem đóng góp của nhà phân tâm học
người Lacanian M. Recalcati, La notte del Getsemani, Turin, Einaudi, 2019.
Chỉ có Máccô sử dụng động từ biểu thị sự sợ hãi mạnh
mẽ và dữ dội (xem Mác 9:15; 14:33; 16: 5; 16: 6), trong khi Mátthêu sử dụng động
từ “buồn, cảm thấy buồn” (Mat 26 : 37).
Xem G. Perego, Tin Mừng theo Máccô…, gốc. đã dẫn.,
294.
G. Ravasi, Tiểu từ điển về cảm xúc: Tình yêu, nỗi nhớ
và những cảm xúc khác, Milan, il Saggiatore, 2019.
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu bật khóc trước cái chết của
người bạn là Ladarô (Gioan 11:35).
S. Voorwinde, Cảm xúc của Chúa Giêsu trong các sách Tin
Mừng, gốc, đã dẫn, 132.