“Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.
Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. (Mc 1,15)
BÀI ĐỌC I: St 9, 8-15
"Giao ước giữa Thiên Chúa và ông Nôe sau khi ông này được cứu khỏi nướt lụt".
Trích sách Sáng Thế.
Đây Thiên Chúa phán cùng ông Nôe và con cái ông rằng: "Đây Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi và con cháu các ngươi, với tất cả sinh vật đang sống với các ngươi, như chim chóc, gia súc, tất cả những thú vật đang sống trên mặt đất với các ngươi, những gì ra khỏi tàu và toàn thể thú vật trên mặt đất. Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi: nước lụt không còn tiêu diệt mọi loài nữa, cũng không khi nào còn lụt tàn phá trái đất nữa". Và Thiên Chúa phán: "Đây là dấu chỉ giao ước ký kết giữa Ta với các ngươi, và tất cả sinh vật đang ở với các ngươi và sau này mãi mãi. Ta sẽ đặt trên trời một cái mống, và nó sẽ là dấu chỉ giao ước giữa Ta với trái đất. Khi Ta quy tụ mây lại trên trời, mống sẽ xuất hiện trên mây, và Ta sẽ nhớ lại giao ước đã ký kết giữa Ta với các ngươi và mọi sinh vật, và không khi nào nước lụt tiêu diệt mọi loài như thế nữa!"
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 24, 4bc-5ab. 6-7bc. 8-9
Đáp: Tất cả đường nẻo Chúa là ân sủng và trung thành dành cho những ai giữ minh ước và điều răn Chúa (x. c. 10).
Xướng: 1) Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa; xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con. - Đáp.
2) Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa. - Đáp.
3) Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài. - Đáp.
BÀI ĐỌC II: 1 Pr 3, 18-22
"Hiện giờ phép thánh tẩy cũng cứu thoát anh em giống như thể thức ấy".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.
Anh em thân mến, Chúa Kitô đã chết một lần cho tội lỗi chúng ta, Người là Đấng công chính thay cho kẻ bất công, để hiến dâng chúng ta cho Thiên Chúa; thật ra Người đã chết theo thể xác, nhưng đã nhờ Thần Linh mà sống lại. Với Thần Linh, Người đã đến rao giảng cho những tâm hồn bị giam cầm, cho những kẻ xưa kia có lúc không tin, đang khi lòng nhân từ Chúa còn khoan giãn lúc ông Nôe đóng tầu, nhờ đó một số ít người, gồm tất cả tám người, được cứu khỏi nước lụt. Và hiện giờ, phép thánh tẩy cũng cứu thoát anh em cũng giống như thể thức ấy, vì phép ấy không phải chỉ rửa sạch thân xác, mà đó là lời cầu xin Thiên Chúa ban cho một lương tâm ngay thẳng, nhờ sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, Đấng ngự bên hữu Thiên Chúa, sau khi về trời, đã bắt các thiên thần, các quyền thần và các đạo binh suy phục Người.
Đó là lời Chúa.
Tin mừng: Mc 1,12-15
Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người.
Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng”.
Bài giảng của Lm. Ignatio Hồ Văn Xuân
Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B:
WHĐ (14.02.2024) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.
Số 394, 538-540, 2119: Chúa Giêsu chịu cám dỗ
Số 2846-2849: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”
Số 56-58, 71: Giao ước với ông Nôê
Số 845, 1094, 1219: Con tàu của ông Nôê báo trước về Hội Thánh và bí tích Rửa Tội
Số 1116, 1129, 1222: Giao ước và các bí tích (đặc biệt là bí tích Rửa Tội)
Số 1257, 1811: Thiên Chúa cứu độ qua bí tích Rửa Tội
Bài Ðọc I: St 9, 8-15
Bài Ðọc II: 1Pr 3, 18-22
Phúc Âm: Mc 1, 12-15
Số 394, 538-540, 2119: Chúa Giêsu chịu cám dỗ
394. Thánh Kinh chứng tỏ ảnh hưởng tai hại của kẻ mà Chúa Giêsu gọi là “tên sát nhân … ngay từ đầu” (Ga 8,44), nó cũng đã ra sức làm cho Chúa Giêsu đi trệch ra khỏi sứ vụ Người đã lãnh nhận nơi Chúa Cha[1]. “Con Thiên Chúa xuất hiện, là để phá hủy công việc của ma quỷ” (1 Ga 3,8). Trong các hậu quả của các việc làm của ma quỷ, nghiêm trọng nhất là sự quyến rũ dối trá dẫn đưa con người đến chỗ bất tuân Thiên Chúa.
538. Các sách Tin Mừng có nói đến một thời gian Chúa Giêsu sống cô tịch trong hoang địa, ngay sau khi Người nhận phép rửa của ông Gioan. “Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa” (Mc 1,12) và Chúa Giêsu ở lại đó bốn mươi ngày không ăn; Người sống giữa các dã thú và các Thiên thần hầu hạ Người.[2] Cuối thời gian này, Satan cám dỗ Người ba lần nhằm đặt vấn đề về thái độ con thảo của Người đối với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã đẩy lui các cuộc tấn công này, chúng thu tóm cơn cám dỗ của ông Ađam trong vườn địa đàng và những cơn cám dỗ của dân Israel trong hoang địa, rồi ma quỷ bỏ Người mà đi, “chờ đợi thời cơ” (Lc 4,13).
539. Các tác giả Tin Mừng nêu rõ ý nghĩa cứu độ của biến cố bí nhiệm này. Chúa Giêsu là Ađam mới, Người vững lòng trung thành ở chỗ Ađam cũ đã đầu hàng cơn cám dỗ. Chúa Giêsu thực hiện cách hoàn hảo ơn gọi của dân Israel: trái hẳn với những kẻ xưa kia đã thách thức Thiên Chúa suốt bốn mươi năm trong hoang địa[3], Chúa Giêsu được mạc khải như Người Tôi Trung của Thiên Chúa, hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Trong việc này, Chúa Giêsu toàn thắng ma quỷ: Người đã trói kẻ mạnh và thu lại tài sản nó đã cướp[4]. Chiến thắng của Chúa Giêsu trước kẻ cám dỗ trong hoang địa báo trước chiến thắng của cuộc khổ nạn, là sự vâng phục tuyệt đối trong tình yêu con thảo của Người đối với Chúa Cha.
540. Cám dỗ Chúa Giêsu phải chịu cho thấy cách thế Con Thiên Chúa là Đấng Messia, trái ngược hẳn điều Satan xúi giục Người và người ta muốn gán cho Người[5]. Chính vì thế, Đức Kitô chiến thắng Tên cám dỗ là chiến thắng cho chúng ta: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4,15). Mỗi năm, qua bốn mươi ngày Mùa Chay, Hội Thánh kết hợp với mầu nhiệm Chúa Giêsu trong hoang địa.
2119. Hành động thử thách Thiên Chúa là dùng lời nói hay việc làm để thử sự tốt lành và sự toàn năng của Thiên Chúa. Đây là điều Satan muốn thấy nơi Chúa Giêsu, khi xúi giục Người gieo mình từ trên nóc Đền Thờ xuống, và qua cử chỉ đó, ép buộc Thiên Chúa phải hành động[6]. Chúa Giêsu dùng Lời Thiên Chúa đối lại nó: “Anh em đừng thách thức Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em” (Đnl 6,16). Thách đố, hàm chứa một sự thử thách như vậy, làm tổn thương lòng tôn kính và tin tưởng mà chúng ta phải dành cho Đấng Tạo Hoá và là Chúa của chúng ta. Thử thách Thiên Chúa luôn hàm chứa thái độ hoài nghi về tình yêu của Ngài, sự quan phòng và quyền năng của Ngài[7].
Số 2846-2849: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”
2846. Lời cầu xin này xuất phát từ điều trước, vì tội lỗi của chúng ta là kết quả của sự ưng theo cám dỗ. Chúng ta xin Cha chúng ta đừng “dẫn” chúng ta vào cơn cám dỗ. Khó mà dịch kiểu nói Hy lạp bằng một từ: Nó có nghĩa là “đừng cho phép bước vào”[8], “đừng để chúng con sa chước cám dỗ”. “Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu, và chính Ngài cũng không cám dỗ ai” (Gc 1,13), trái lại, Ngài muốn giải thoát chúng ta khỏi cơn cám dỗ. Chúng ta cầu xin Ngài đừng để ta đi vào con đường dẫn đến tội lỗi. Chúng ta đang ở trong cuộc chiến đấu “giữa xác thịt và Thần Khí”. Lời cầu xin này khẩn cầu Thần Khí cho chúng ta biết phân định và có sức mạnh.
2847. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta biết phân định đâu là thử thách, vốn cần thiết để con người nội tâm tăng trưởng[9] và nhằm “thử thách nhân đức”[10], và đâu là cám dỗ dẫn đến tội lỗi và sự chết[11]. Chúng ta còn phải biết phân định giữa “bị cám dỗ” và “thuận theo” cơn cám dỗ. Cuối cùng, phân định vạch trần sự dối trá của chước cám dỗ: bề ngoài, đối tượng có vẻ “ngon, trông đẹp mắt và đáng quý” (St 3,6), nhưng thật sự, kết quả của nó là sự chết.
“Thiên Chúa không muốn áp đặt điều tốt cho ai, nhưng muốn họ tự nguyện…. Hơn nữa, cám dỗ cũng có cái lợi. Ngoại trừ Thiên Chúa, không ai biết được những gì tâm hồn chúng ta đã lãnh nhận, kể cả chính chúng ta, những điều đó được bộc lộ ra nhờ các cơn cám dỗ, kẻo chúng ta vẫn không biết mình cách đúng nghĩa, nhưng khi đã biết mình, chúng ta sẽ nhận ra tình trạng tệ hại của mình, và chúng ta phải tạ ơn Chúa vì những ơn lành, được bộc lộ ra cho chung ta nhờ các cơn cám dỗ”[12].
2848. Để khỏi sa chước cám dỗ, cần phải có một sự cương quyết của trái tim. “Kho tàng của anh ở đâu thì lòng anh ở đó…. Không ai có thể làm tôi hai chủ” (Mt 6,21.24). “Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước” (Gl 5,25). Trong việc “thuận theo” Chúa Thánh Thần như vậy, Chúa Cha sẽ ban cho chúng ta sức mạnh. “Không một cám dỗ nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Ngài sẽ không để anh em bị cám dỗ quá sức; nhưng khi để anh em bị cám dỗ, Ngài sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (1 Cr 10,13).
2849. Cần phải cầu nguyện thì mới có thể chiến đấu và chiến thắng được. Chính nhờ việc cầu nguyện mà Chúa Giêsu chiến thắng tên Cám dỗ ngay từ buổi đầu[13], và trong cuộc chiến cuối cùng khi hấp hối[14]. Trong lời cầu xin này dâng lên Chúa Cha, Đức Kitô kết hợp chúng ta vào cuộc chiến đấu và cơn hấp hối của Người. Tâm hồn phải tỉnh thức, hiệp thông với sự tỉnh thức của Người, là điều không ngừng được nhắc đi nhắc lại[15]. Sự tỉnh thức là “kẻ canh giữ trái tim” và Chúa Giêsu xin Cha Người gìn giữ chúng ta trong Danh Cha[16]. Chúa Thánh Thần không ngừng hành động, để giúp chúng ta tỉnh thức[17]. Lời cầu xin này mang đầy ý nghĩa bi thảm khi nghĩ đến cơn cám dỗ cuối cùng của cuộc giao tranh trên đời này; lời cầu xin này xin ơn bền đỗ đến cùng. “Đây, Ta đến như kẻ trộm. Phúc thay kẻ đang canh thức” (Kh 16,15).
Số 56-58, 71: Giao ước với ông Nôê
56. Khi sự hợp nhất của nhân loại bị tội lỗi phá vỡ, Thiên Chúa lập tức có ý định cứu độ nhân loại khi can thiệp qua từng nhóm người. Giao ước với ông Nôê sau cơn lụt đại hồng thủy[18] nói lên nguyên tắc của Nhiệm cục thần linh đối với “các dân tộc”, nghĩa là đối với những người quy tụ lại “theo tiếng nói, dòng họ và dân tộc của mình” (St 10,5)[19].
57. Trật tự đa dân tộc này, vừa có tính vũ trụ, vừa có tính xã hội và tôn giáo[20], nhằm hạn chế tính kiêu căng của một nhân loại đã sa ngã, muốn đồng lòng trong sự ngoan cố của mình[21], muốn tự mình gầy dựng sự hợp nhất theo kiểu xây tháp Babel[22]. Nhưng vì tội lỗi[23], nên thuyết đa thần cũng như việc tôn thờ các ngẫu tượng là dân tộc và lãnh tụ của mình, đã không ngừng đe doạ biến Nhiệm cục tạm thời này thành sự gian tà ngoại đạo.
58. Giao ước với ông Nôê có hiệu lực trong suốt thời gian của các dân tộc[24], cho tới khi Tin Mừng được loan báo một cách phổ quát. Thánh Kinh tôn kính một số vĩ nhân của “các dân tộc”, như “Abel, người công chính”, vua tư tế Melchisêđê[25], ông này là hình bóng của Đức Kitô[26], hoặc các người công chính “Nôê, Đaniel và Job” (Ed 14,14). Như vậy Thánh Kinh nói lên mức độ thánh thiện cao vời mà những người sống theo Giao ước Nôê có thể đạt tới, đang khi mong đợi Đức Kitô “quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,52).
71. Thiên Chúa lập với ông Nôê một giao ước vĩnh cửu giữa Ngài và mọi sinh linh[27]. Giao ước này sẽ tồn tại bao lâu thế gian còn tồn tại.
Số 845, 1094, 1219: Con tàu của ông Nôê báo trước về Hội Thánh và bí tích Rửa Tội
845. Để quy tụ lại tất cả con cái của Ngài đã bị tội lỗi làm tản mát và lạc lối, Chúa Cha đã muốn tập họp toàn thể nhân loại vào Hội Thánh của Con Ngài. Hội Thánh là nơi trong đó nhân loại phải tìm lại được sự hợp nhất của mình và ơn cứu độ của mình. Hội Thánh là “trần gian đã được giao hoà”[28]. Hội Thánh là con tàu “được căng buồm bằng thánh giá của Chúa, theo luồng gió của Chúa Thánh Thần, an toàn vượt biển trần gian này”[29], theo một hình ảnh khác quen thuộc với các Giáo phụ, Hội Thánh được hình dung bằng con tàu của ông Nôê, con tàu duy nhất cứu khỏi cơn lụt đại hồng thủy[30].
1094. Chính trên sự hoà hợp này giữa hai Giao Ước[31], mà giáo lý về cuộc Vượt Qua của Chúa được xây dựng[32], rồi đến giáo lý của các Tông Đồ và của các Giáo phụ. Giáo lý này khai mở những điều còn bị che giấu trong văn tự của Cựu Ước: đó là mầu nhiệm của Đức Kitô. Cách giải thích này được gọi là “tiên trưng”, vì nó cho thấy sự mới mẻ của Đức Kitô khởi từ những “hình bóng” (biểu trưng) loan báo về Người qua các sự kiện, lời nói và biểu tượng của Giao ước cũ. Nhờ việc đọc lại Cựu Ước trong Thánh Thần chân lý khởi đi từ Đức Kitô, các hình bóng được biểu lộ ra[33]. Chẳng hạn, cơn lụt hồng thủy và con tàu ông Nôê là hình bóng báo trước ơn cứu độ nhờ bí tích Rửa Tội[34]; cột mây và việc vượt qua Biển Đỏ cũng cùng ý nghĩa đó; nước từ tảng đá là hình bóng các hồng ân thiêng liêng của Đức Kitô[35]; manna trong hoang địa là hình bóng tiên báo Thánh Thể, “Bánh bởi trời, banh đích thực” (Ga 6,32).
1219. Hội Thánh nhìn con tàu của ông Nôê là hình ảnh tiên báo ơn cứu độ nhờ bí tích Rửa Tội: “Trong con tàu ấy, một số ít, cả thảy là tám người, được cứu thoát nhờ nước” (1 Pr 3,20).
“Chúa lại dùng nước hồng thuỷ làm hình ảnh tiên báo Phép Rửa ban ơn tái sinh, vì nước biểu thị quyền năng Chúa, vừa tiêu diệt tội lỗi lại vừa khai mở một đời sống mới”[36].
Số 1116, 1129, 1222: Giao ước và các bí tích (đặc biệt là bí tích Rửa Tội)
1116. Là “những năng lực phát ra” từ thân thể Đức Kitô[37], Đấng hằng sống và ban sự sống, là những hành động của Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động trong thân thể Đức Kitô là Hội Thánh, các bí tích là “những kỳ công của Thiên Chúa” trong Giao Ước mới và vĩnh cửu.
1129. Hội Thánh khẳng định rằng, đối với các tín hữu, các bí tích của Giao Ước Mới là cần thiết cho ơn cứu độ[38]. “Ân sủng bí tích” là ân sủng của Chúa Thánh Thần được Đức Kitô ban cho riêng từng bí tích. Chúa Thánh Thần chữa lành và biến đổi những ai đón nhận Ngài bằng cách làm cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con Thiên Chúa. Hoa trái của đời sống bí tích là, Thần Khí của ơn làm nghĩa tử làm cho các tín hữu được tham dự bản tính Thiên Chúa bằng cách kết hợp họ một cách sống động với Người Con duy nhất, là Đấng Cứu Độ[39].
1222. Cuối cùng, bí tích Rửa Tội được tiên báo trong việc vượt qua sông Jorđanô, nhờ đó dân Thiên Chúa nhận được hồng ân là Đất đã được hứa ban cho dòng dõi ông Abraham, là hình ảnh của đời sống vĩnh cửu. Lời hứa về gia tài hồng phúc này sẽ được thực hiện trong Giao Ước Mới.
Số 1257, 1811: Thiên Chúa cứu độ qua bí tích Rửa Tội
1257. Chính Chúa khẳng định rằng bí tích Rửa Tội là cần thiết để được cứu độ[40]. Vì vậy, Người đã truyền lệnh cho các môn đệ Người rao giảng Tin Mừng và làm Phép Rửa cho muôn dân[41]. Bí tích Rửa Tội cần thiết cho ơn cứu độ đối với những người đã được loan báo Tin Mừng và có khả năng xin lãnh nhận bí tích này[42]. Ngoài bí tích Rửa Tội, Hội Thánh không biết đến một phương thế nào khác để bảo đảm cho người ta được vào vinh phúc vĩnh cửu; vì vậy, Hội Thánh không xao lãng sứ vụ mình đã lãnh nhận từ nơi Chúa là phải làm cho tất cả những người có thể lãnh bí tích này được sinh ra “bởi nước và Chúa Thánh Thần”. Thiên Chúa đã ràng buộc ơn cứu độ với bí tích Rửa Tội, nhưng chính Ngài không bị ràng buộc bởi các bí tích của Ngài.
1811. Con người bị tổn thương bởi tội lỗi, không dễ mà giữ được sự quân bình luân lý. Ơn cứu độ của Đức Kitô đem lại cho chúng ta ân sủng cần thiết để kiên trì trong việc tìm kiếm các nhân đức. Mỗi người phải luôn cầu xin ơn soi sáng và ơn sức mạnh, luôn chạy đến với các bí tích, luôn cộng tác với Chúa Thánh Thần, nghe theo lời kêu gọi của Ngài để yêu mến điều tốt và giữ mình khỏi điều xấu.
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Suy niệm: Ðược sự thúc đẩy của Thần Khí, Ðức Giêsu đã vào sa mạc để ăn chay, cầu nguyện và chịu cám dỗ, trước khi công khai ra đi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa.
Trong thời gian này và trong suốt cuộc đời Ngài, Ðức Giêsu không kể mình là một vị Thiên Chúa quyền uy. Ngài đã hòa mình sống, chia sẻ, cảm thông với kiếp nhân sinh. Ðây cũng là thời gian để Ngài lắng nghe và sẽ thi hành sứ vụ Chúa Cha trao. Sứ vụ: Loan Tin Mừng Cứu Ðộ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con thật sung sướng hạnh phúc được làm môn đệ của Chúa. Chúa là vị Thầy luôn yêu thương chúng con đến nỗi đã trở nên giống chúng con mọi sự, ngoại trừ tội lỗi.
Xin cho chúng con biết ăn năn sám hối, từ bỏ con đường tội lỗi để trở nên giống Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Chúa chịu Satan cám dỗ và các Thiên Thần hầu hạ Người”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
NƠI HOANG ĐỊA
Richar Millor là một học sinh cấp ba vào thập niên đầu của thế kỷ 20. Chàng là một thanh niên hay chống đối, coi thường quyền bính. Chàng yêu say đắm một cô gái lối xóm tên là Muriel M. Comber. Cha nàng sợ lối sống lập dị của Richar nên cố gắng dập tắt mối tình lãng mạng ấy.
Thất vọng, Richar lui tới một quán rượu, chàng gặp một phụ nữ tên Belle. Theo ngôn ngữ thời ấy người ta gọi là “Flirt” (gái giang hồ), một người đàn bà đùa giỡn với tình yêu không đứng đắn. Richar uống ruọu và đánh lộn với một thương gia và bị tống cổ ra khỏi quán rượu. Cha của Richar hiểu và thông cảm với con mình. Ông từ từ giúp chàng lấy lại quân bình. Nhờ một tin mật, Richar được biết Murielm thực sự yêu chàng. Chàng quyết định hối cải và đợi nàng.
Đó là cốt truyện một vở hài kịch Eugene - O‘neil viết vào năm 1933 tựa đề “Ah wilderness” (Nơi hoang tàn). Vở kịch được trình diễn rộng rãi vì nó phác họa một hoàn cảnh chung, rất nhân bản trong đời sống hàng ngày, nó vẽ lên phần nào cảnh hoang dại mà chúng ta đang sống.
Bài Tin Mừng hôm nay nói với chúng ta rằng: đức Giêsu đã ở trong sa mạc, nơi hoang dã đã 40 ngày đêm. Đó là lý do cho 40 ngày của mùa chay. Sa mạc là nơi trú ẩn của thần dữ, thú dữ tượng trưng cho sự dữ mà đức Kitô đã đến chế ngự.
Tại sao chúng ta đọc bài Tin Mừng này vào Chúa nhật thứ nhất mùa chay. Có gì liên hệ giữa nơi hoang dã Chúa Giêsu đã sống mùa chay đầu, với bạn và tôi trong mùa Chay này.
Đơn giản thôi, chúng ta đang sống trong một nơi “hoang dã”, một thế giới tràn ngập những tạo vật man rợ dưới hình thức con người. Có gì hung dữ hoặc xấu xa hơn sự tàn bạo của con người thời đại - sát nhân không gớm tay. Cướp giật, đốt nhà, ngược đãi trẻ em ? Có con thứ dữ nào giết hại hàng triệu người mỗi năm ? Việc phá thai làm đúng như thế đó.
Thú dữ hình người trong hoang địa của chúng ta đang phá hủy không những sự sống thể xác, mà còn đặc biệt sự sống tinh thần của những người gần chúng ta nữa, xin kể một vài con thú xấu xa đó: người quảng cáo ma túy, người xuất bản sách báo đồi trụy. Những tác giả chuyện phim và chương trình truyền hình.
Không có cách nào để kiềm chế những kẻ tàn phá thể xác và tâm hồn này sao ? Dạ có, phương cách của Chúa Giêsu. Có nhiều sự dữ Chúa Kitô đến để cứu chữa. Lý do chính Chúa vào nơi hoang địa là để chiến thắng những sự dữ này bằng đền tội và cầu nguyện. chỉ trong đường lối của Chúa, chúng ta mới chiến thắng được sự dữ trong thế giới ngày nay. Chỉ bằng lời cầu nguyện xin Chúa giúp, bằng sự hy sinh để tỏ lòng mến Chúa. Chúng ta có thể kiềm chế, thuần hóa những thú dữ ở giữa chúng ta. Thời gian bắt đầu việc này là mùa chay. Trong tinh thần chúng ta hãy cùng sống với đức Giêsu trong “hoang địa” ngày nay. Với Người, chúng ta thống hối và cầu nguyện. Như thế, cũng như Người đã chiến thắng sự dữ trong thời của Người, chúng ta cũng sẽ chiến thắng sự dữ trong hoang địa thời hiện đại chúng ta.
Xin Chúa chúc lành bạn.
3. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)
HÃY HỐI CẢI
Giáo Hội bước vào Mùa Chay cùng với cả thế giới.
Cả thế giới đã sống Mùa Chay của mình từ hơn một năm qua.
Đến nay đã có hơn 110 triệu người bị nhiễm,
và 2,4 triệu người chết vì dịch bệnh Covid.
Cơn dịch bệnh kinh hoàng đã tác động đến toàn bộ cuộc sống
của hầu hết mọi người trên thế giới.
Đời sống tôn giáo cũng chịu ảnh hưởng nặng nề.
Nhà thờ đóng cửa, Thánh lễ Chúa nhật và các bí tích bị ngừng.
Nghi thức tiễn biệt người qua đời cũng làm trong vội vã.
Lo âu, buồn thảm, hoang mang, thất vọng.
Cả người có đức tin mạnh cũng thấy mình bị dao động.
Chúng ta đã và đang sống trong một Mùa Chay dài.
Mùa Chay của năm phụng vụ đi với Mùa Chay cuộc đời.
Điều đó làm cho Mùa Chay năm nay mang nét rất riêng.
Bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay thật ngắn,
kể lại chuyện Đức Giêsu bị Xatan cám dỗ, thử thách.
Nơi thử thách là hoang địa, vắng người ở, ít sự sống.
Đức Giêsu không tự ý đi vào hoang địa,
Ngài được Thần Khí dẫn vào, đẩy vào nơi vắng vẻ đó.
Có thể nói Thần Khí đưa Đức Giêsu vào một cuộc tĩnh tâm,
kéo dài nhiều ngày, trước khi bắt đầu thi hành sứ vụ.
Hoang địa vừa là nơi gần gũi thân tình với Thiên Chúa,
vừa là nơi diễn ra cuộc chiến ác liệt với Xatan.
Hoang địa là nơi Đức Giêsu chìm sâu trong cầu nguyện,
nhưng cũng là nơi Ngài nghe những mời mọc của Xatan,
trước khi quyết định hướng đi sắp tới của mình.
Khi chịu phép rửa, Đức Giêsu là Người Con mà Cha hài lòng.
Ngài cũng là Đấng Mêsia được Thần Khí ngự xuống.
Còn nơi hoang địa, Xatan cám dỗ Ngài không sống theo ý Cha,
không sống theo Thần Khí, không đi vào con đường hẹp.
Đây là một thử thách thật sự khó khăn.
Đức Giêsu đã vượt qua được cơn thử thách này.
Thế giới hôm nay cũng đang ở trong một cơn thử thách lớn.
Thiên Chúa cho phép những thử thách đau khổ xảy ra
trong đời các Kitô hữu (1 Pr 1,6; 4,12; 1 Cr 10,13; Gc 1,13-15),
đời từng người, và trong cả dòng lịch sử nhân loại.
Chúng ta không hiểu, và cũng khó chấp nhận thử thách,
vì nó quá tàn nhẫn, khiến ta nghĩ đến một Thiên Chúa độc ác,
vì nó đầy ngạo nghễ, khiến ta nghĩ đến một Thiên Chúa bất lực.
Nhưng thử thách dạy chúng ta nhiều điều.
Bất chấp mọi tiến bộ khoa học, kỹ thuật,
một con vi-rút nhỏ bằng một phần bảy mươi ngàn sợi tóc
đã làm náo loạn cả thế giới, và cho thấy con người mong manh.
Nhẫn nại và khiêm tốn cầu xin trong cơn thử thách
là điều phải làm song song với nỗ lực dập tắt dịch bệnh.
Thiên Chúa nói với con người qua những thử thách.
Thái độ của chúng ta là khiêm tốn lắng nghe.
Thử thách đưa đến những hậu quả khủng khiếp,
nhưng chúng ta tin “Thiên Chúa làm cho mọi sự sinh ích lợi
cho những ai yêu mến Ngài” (Rm 8,28).
Thử thách là lời mời gọi khẩn thiết của Thiên Chúa.
Ngài mời chúng ta liên đới với nhau hơn,
cùng nhau chống lại những bệnh dịch mới đe dọa sự sống
hơn là chạy đua vũ trang và gây chiến tranh khắp nơi.
Ngài mời chúng ta lo cho nhau hơn, coi nhau như người nhà,
phá đi những bức tường ngăn cách giữa các quốc gia.
Ngài mời chúng ta sống nhẹ nhàng hơn, thanh thoát hơn,
bớt mua sắm, bớt giờ cho internet, thêm giờ cho Chúa.
Ngài mời chúng ta phong tỏa cái xấu, giãn cách với tội lỗi,
tránh xa mọi lây nhiễm bằng thứ khẩu trang nhiều lớp,
và cẩn thận rửa tay mình cho sạch mọi ô nhơ.
Nạn đại dịch là một lời mời, một nhắc nhở
của Người Cha đầy yêu thương dành cho con cái.
Nếu chúng ta đáp lại lời mời đó bằng hoán cải, canh tân,
thì đại họa có thể trở thành cơ hội tuôn trào ân phúc.
Và Mùa Chay này thành thời gian tuyệt vời dẫn đến Phục Sinh.
LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu là vị Thượng Tế nhân từ,
chắc Chúa buồn và thương
khi thấy chúng con đang vật vã với cơn thử thách.
Chúa cảm thông với những gì chúng con đang trải qua,
vì chính Chúa đã nếm nỗi đau của cuộc Khổ nạn.
Chúa đã xao xuyến trong Vườn Dầu,
đã khẩn khoản nài xin Cha cất chén đắng,
và cảm thấy bị Cha bỏ rơi khi hấp hối trên thập giá.
Chúa đã chịu thử thách về mọi mặt như chúng con,
nhưng vẫn giữ một niềm trung tín.
Lạy Chúa Giêsu là cây nho thật,
xin cho chúng con chấp nhận sự cắt tỉa của Chúa Cha,
để cành nho chúng con thêm trĩu quả.
Xin cho chúng con đừng mất niềm tin vào Thiên Chúa,
Đấng không để chúng con bị thử thách vượt quá sức mình.
Xin cho chúng con trưởng thành hơn, cứng cáp hơn
qua những thử thách đau thương,
để trở nên như lưỡi gươm thép được tôi luyện
cho cuộc chiến chống lại quyền lực của ác thần. Amen.
4. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
MÙA THANH TẨY TÂM HỒN
+++
A. DẪN NHẬP
Chúng ta đã bước vào mùa Chay thánh từ hôm thứ tư lễ Tro. Ai trong chúng ta cũng biết rằng: Mùa Chay là thời gian thuận lợi giúp các tín hữu chú trọng vào việc sám hối bằng việc ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Đề tài này đã có từ lâu trong Giáo hội và đã trở thành truyền thống lên mãi tới thời các giáo phụ.
Bài Tin mừng Chúa nhật thứ nhất hôm nay cho chúng ta biết Đức Giêsu sau khi đã chịu phép rửa của ông Gioan và được tuyên phong là Con yêu dấu của Chúa Cha, đã vào trong hoang địa ăn chay 40 đêm ngày và đã bị ma quỷ cám dỗ.
Khác với thánh Mátthêu và Luca, thánh Marcô nói rất vắn tắt không cho biết diễn tiến cám dỗ và Chúa đã chiến thắng như thế nào. Tuy nhiên, Giáo hội cho chúng ta nghe đọc đoạn Tin mừng này, để mời gọi chúng ta chiêm ngắm hình ảnh Đức Giêsu như kiểu mẫu và bảo đảm cho chúng ta cuộc chiến đấu với Satan và những cám dỗ của nó. Chúng ta sẽ bị ma quỷ cám dỗ, nhưng theo gương chiến đấu của Đức Giêsu và với sự trợ giúp của Ngài, chúng ta sẽ thắng chúng.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1: St 9,8-15
Nhiều tôn giáo cũng có biết đến một trận hồng thuỷ do các thần gây nên để tiêu diệt một nhân loại phản loạn. Riêng Thánh kinh trình bày cho chúng ta việc Thiên Chúa tạo nên một trận đại hồng thuỷ tiêu diệt loài người tội lỗi. Nhưng cũng trình bày cho chúng ta một Thiên Chúa tốt lành, Ngài sẽ phục hồi những gì nạn hồng thuỷ phá huỷ, và xây dựng lại một nhân loại trong một bầu khí giao ước và chia sẻ. Ngài cũng hứa sẽ không bao giờ cho nạn hồng thuỷ tiêu diệt loài người nữa; và dấu hiệu giao ước Ngài ký kết với loài người là chiếc cầu vồng.
Vì thế, cho dầu tội lỗi chúng ta và thế gian có thế nào đi nữa, chúng ta đừng thất vọng, hãy tin tưởng vì nơi Thiên Chúa luôn có sự tha thứ và cứu vớt: chính vì Ngài là Tình yêu vô tận.
+ Bài đọc 2: 1 Pr 3,18-22
Muốn khích lệ các tín hữu đang bị ngược đãi, thánh Phêrô nhắc lại nạn hồng thuỷ xưa và coi đó là hình bóng của phép rửa tội. Cũng như ngày xưa Thiên Chúa nhân từ đã cứu sống ông Noe và gia đình ông thế nào, thì ngày nay phép rửa cũng cứu thoát con người khỏi tội lỗi, giải thoát con người khỏi hình phạt do tội gây nên. Muốn được như thế chúng ta phải cam kết sống như Chúa Kitô, tức là phải từ bỏ mình và phục vụ vô vị lợi vì lòng mến Chúa và yêu thương tha nhân.
+ Bài Tin mừng: Mc 1,12-15
Thánh Marcô nói tóm tắt việc khởi đầu sứ mạng của Đức Giêsu với hai biến cố quan trọng:
- Vào hoang địa bị ma quỷ cám dỗ.
- Rao giảng Tin mừng tại Galilêa.
Trong suốt 40 đêm ngày chay tịnh (như thời gian xảy ra cơn hồng thuỷ) Đức Giêsu với tư cách là con người đã bị ma quỷ cám dỗ để đi sai đường lối của Thiên Chúa, nhưng Ngài đã chiến đấu dũng mạnh và chiến thắng vinh quang, để đi đúng đường lối của Chúa là dấn thân vào công cuộc cứu chuộc nhân loại.
Sau thời gian chay tịnh, Ngài khởi đầu công cuộc rao giảng Tin mừng với đề tài cũng giống như của ông Gioan Tẩy giả: “Hãy sám hối và tin vào Tin mừng”.
Cuộc chiến đấu và chiến thắng của Đức Kitô cũng phải là cuộc chiến đấu và chiến thắng của chúng ta, nghĩa là hãy sống thân mật với Chúa bằng cầu nguyện, để có thể mạnh mẽ chống lại sự dữ tấn công chúng ta.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Chiến thắng cám dỗ của ma quỷ
I. ĐỨC GIÊSU BỊ CÁM DỖ
1. Ngài vào trong sa mạc
Sau khi đã chịu phép rửa của ông Gioan và được tuyên dương là Con Yêu Dấu của Thiên Chúa Cha, Đức Giêsu được đẩy vào sa mạc để sống gần gũi với Thiên Chúa, sống trong tình thân mật của Ngài. Chính tình yêu đó đẩy bước chân Ngài vào sa mạc, để sống thân mật với Thiên Chúa, để sống trọn vẹn 40 năm trời Dân Chúa xưa đã sống trong sa mạc, nhưng không được tốt lành hoàn toàn.
2. Ngài ăn chay 40 đêm ngày
Vào trong hoang địa để sống với Cha Ngài, Đức Giêsu cũng đồng thời ăn chay 40 đêm ngày. Nói Ngài ăn chay 40 đêm ngày là có ý nói Ngài ăn chay một thời gian đáng kể, chứ không hiểu theo nghĩa đen như chúng ta hiểu ngày nay. Chúng ta cũng thấy trong Cựu ước hay dùng con số 40: Maisen được cho biết đã lên đỉnh núi với Chúa Giavê 40 ngày (Xh 24,18); sau khi được bữa ăn của thiên sứ, Elia đã đủ sức đi trong 40 ngày lên núi Horeb (1 V 19,8).
3. Ngài bị Satan cám dỗ và đã thắng
Trong thời gian ăn chay đó, Đức Giêsu bị Satan cám dỗ. Từ ngữ Satan trong Hy văn chỉ có nghĩa đơn giản là kẻ chống đối, kẻ thù, và sau cùng là thế lực chống lại Thiên Chúa. Thánh Marcô không nói rõ diễn tiến cơn cám dỗ như thánh Mátthêu, nhưng cơn cám dỗ đều quy về một điểm là chúng muốn làm cho Ngài bỏ ý tưởng cứu chuộc, để đi vào quan điểm của người Do thái, vật chất và trần tục. Đức Giêsu đã cương quyết chống lại cơn cám dỗ ấy, và Satan đã thất bại nặng nề trong cơn cám dỗ kéo dài trong suốt 40 đêm ngày.
Truyện: Anh nông dân keo kiệt
Một nông dân kia giàu có nhất huyện nhưng lại rất keo kiệt. Một biến cố xảy đến trong đời ông khiến ông kịp thời hối cải. Ông ý thức rằng mình chỉ là người quản lý: quản lý đất đai và tiền bạc.
Không lâu sau đó, một người láng giềng nghèo bị cháy hết nhà cửa. Người này đến cửa nhà ông xin ăn. Người nông dân giàu, có ý định cho người nông dân nghèo kia nguyên cả cái đùi heo trong bếp nhà ông. Ông nghe quỷ thì thầm bên tai: “Cho hắn cái đùi heo nhỏ nhất ấy”. Ông nhà giàu cố gắng chiến đấu với tính keo kiệt cố hữu của mình. Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng lòng quảng đại đã thắng tính keo kiệt ấy. Ông lựa lấy cái đùi heo lớn nhất để biếu người nông dân nghèo. Ngay tức khắc, ma quỷ liền cười nhạo ông: “Mày khùng quá!” Nhưng người nông dân đã biết cách bịt miệng tên quỷ. Ông bảo nó: “Nếu mày không im, tao sẽ cho hết mọi cái đùi heo tao có bây giờ”.
Cám dỗ không thể làm hại được người ta khi người ta không theo cám dỗ ấy, và điều đó lại càng hiệu nghiệm hơn khi có sự trợ lực từ nhiều phía, nhất là của Thiên Chúa.
II. CHÚNG TA CŨNG BỊ CÁM DỖ
1. Các giai đoạn của cám dỗ
Cám dỗ chỉ có nghĩa là xúi giục người ta bỏ điều lành mà làm điều xấu. Chính Satan đã cám dỗ Đức Giêsu bỏ ý hướng tốt lành của Cha Ngài để theo đường lối của thế gian. Nhưng cần phải phân biệt 3 giai đoạn của cám dỗ: a) Gợi lên một hình ảnh.
b) Làm cho thích thú hoặc hướng chiều về sự ác.
c) Sau cùng là ưng thuận.
Satan chỉ có thể làm được nơi Đức Giêsu ở giai đoạn thứ nhất: gợi hình ảnh hoặc một sự vật ở giác quan hoặc ở trí tưởng tượng. Truyện: Cách vượt ngục đặc biệt
Một phạm nhân vượt ngục một cách rất khác thường. Người này bị nhốt trong một tháp cao, cao đến nỗi không ai có thể trèo xuống được. Để vượt ngục, người này nhổ hai sợi tóc mỗi ngày và xe lại với nhau. Sau một thời gian, người ấy đã có thể làm được một sợi dây bằng tóc. Người ấy thả sợi dây tóc đó xuống dưới cửa sổ của nhà tù, và một người bạn đợi sẵn ở dưới buộc một sợi lụa vào đầu sợi dây tóc và ở cuối sợi chỉ lụa lại buộc một sợi dây dài và cuối sợi dây dài đó lại buộc một sợi dây thừng nhỏ, đầu sợi dây thừng nhỏ lại buộc một sợi dây thừng lớn. Người tù đã dùng sợi dây thừng lớn này để vượt ngục.
Đó chính là đường lối ma quỷ cám dỗ bản tính yếu hèn của ta. Chúng ta giam tù các dục vọng của ta, nhưng ma quỷ giúp chúng vượt ngục dần dần. Rất ít khi ma quỷ cám dỗ ta phạm tội trọng ngay từ đầu. Như thế sẽ khiến ta sợ. Nhưng chúng cám dỗ ta phạm một lỗi nhỏ để rồi dẫn chúng ta đến chỗ phạm tội trọng. Không bao giờ chúng cám dỗ ta làm hai điều một trật. Còn đủ thời giờ để cám dỗ chúng ta phạm tội kia. Nhưng chúng cám dỗ ta thế nào, để cơn cám dỗ này đưa đến một cám dỗ khác, rồi một cơn cám dỗ khác nữa và cứ thế tiếp tục cho đến khi chúng ta phạm tội trọng. (W.J. Diamond, Đồng cỏ non, 1968, tr 51).
2. Những lợi ích của cám dỗ.
Trong cuộc sống, không ai tránh được cuộc tấn công của cám dỗ, nhưng điều chắc chắn là những cuộc cám dỗ không nhằm mục đích khiến chúng ta phải sa ngã, nhưng làm cho linh hồn chúng ta được trưởng thành, được trung kiên thi hành ý Chúa. Cơn cám dỗ có lợi cho ta vì:
- Lập công phúc khi chiến thắng cám dỗ.
- Sống khiêm nhường và nhận ra sự bất lực của mình để trông cậy vào Chúa.
- Thúc đẩy cầu nguyện, vì Chúa phán: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa cám chước dỗ”.
- Sau cơn cám dỗ ta được vui mừng an ủi vì “Gieo trong đau thương, gặt trong vui mừng".
3. Kitô hữu trước những thử thách
Sống giữa trần gian này là phải chiến đấu và lấy quyết định. Đức Giêsu tuy là Con Thiên Chúa, Ngài đã làm người và Ngài đã không đi ra ngoài quy luật ấy. Ngài cũng đã chịu thử thách như Adong trong vườn địa đàng và như dân Do thái suốt 40 năm trong hoang địa. Nhưng khác với Adong và dân Do thái suốt 40 năm trong hoang địa: Ngài đã chiến thắng Satan, và sự chiến thắng này là nhờ vào sức mạnh của Thiên Chúa.
Ngày nay nhiều người cho rằng cám dỗ của ma quỷ liên quan đến ba đối tượng là danh, lợi, thú. Ham danh, ham lợi, ham phú quý là bản tính của con người. Ai cũng muốn địa vị cao sang, ai cũng muốn giàu có, ai cũng ham thích thú vui. Hoặc như quan niệm của Tây phương thì cám dỗ xoay quanh Avoir (cái có), Savoir (cái biết) và Pouvoir (quyền lực). Đây là những cám dỗ triền miên mà con người ở mọi thời đại luôn gặp phải. Điều quan trọng là phải tỉnh thức, “phải sám hối và tin vào Tin mừng” (Mc 1,15b) thì mới có thể vượt qua được cơn cám dỗ ấy.
III. PHẢI CHIẾN THẮNG CÁM DỖ
1. Trước cái thế giằng co
Đức Giêsu bị cám dỗ trước cái thế giằng co giữa lời kêu gọi của Thiên Chúa Cha và lời kêu gọi của Satan: Thiên Chúa nói với Đức Giêsu “Hãy thiết lập vương quyền bằng tình thương”, còn Satan lại bảo Đức Giêsu: “Hãy thiết lập một chế độ độc tài bằng bạo lực”. Hôm đó, Đức Giêsu đã phải chọn giữa phương pháp của Thiên Chúa và đường lối của kẻ thù địch với Thiên Chúa.
Trong con người chúng ta có hai khuynh hướng trái ngược nhau: Một khuynh hướng kéo con người đi lên, khuynh hướng kia kéo con người đi xuống. Đời người đúng là một đấu trường giữa thiện và ác. Thánh Phaolô đã có kinh nghiệm về vấn đề này khi Ngài nói: “Tôi không hiểu nổi việc tôi làm: điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,16). Vì thế, muốn đi lên, con người phải cố gắng, phải dùng chính sức mạnh của mình, phải hao tổn năng lực của mình.
2. Quyết tâm cải thiện đời sống
“Cải thiện” hay “cải tà quy chính” là nhìn nhận những gì xấu, không tốt đẹp trong đời sống chúng ta, và từ đó là từ bỏ chúng, quay lưng lại với chúng. Nói khác đi là thẳng thắn đối diện với tội lỗi trong đời sống của ta, rồi cương quyết không bao giờ tái phạm nữa. “Cải thiện” là đối diện với những khuynh hướng xấu trong đời sống chúng ta và làm một cái gì để sửa đổi những khuynh hướng đó.
Léon Tolstoi đã nói không sai: “Mọi người đều nghĩ đến chuyện thay đổi nhân loại, nhưng không ai nghĩ đến chuyện thay đổi chính mình”.
3. Phải đề cao cảnh giác
Mùa Chay là thời gian hồi tâm, trở về với Chúa để định hướng cho tương lai. Mùa Chay cũng là lúc dừng lại để nhận ra những cám dỗ, những cạm bẫy đang bủa vây. Nguyên tắc bất di bất dịch là: “Cẩn tắc vô ưu”, cẩn thận đề phòng thì không sợ sa ngã, khỏi phải buồn phiền. Trong thư gửi cho tín hữu Côrintô, thánh Phaolô đã nhắc đến nguyên tắc này khi Ngài nói: “Ai tưởng đứng vững, coi chừng kẻo ngã” (1Cr 10,12).
Truyện: Cạm bẫy của người Eskimô
Người Eskimô bắc cực có một cái bẫy chó sói rất độc đáo, để lấy bộ lông làm áo da thú.
Thợ săn cáo mài một con dao thật sắc, lưỡi dao mỏng và bén đến độ chỉ cần vuốt nhẹ là cắt da lòi thấu xương. Họ nhúng con dao ấy vào trong máu súc vật, rồi đem ra ngoài trời tuyết lạnh cho máu đông lại. Họ làm như thế nhiều lần cho đến khi con dao bọc toàn máu.
Khi trời nhá nhem tối, họ đem ra cắm ngoài cánh đồng tuyết. Với cái mũi rất thính của loài sói bắc cực, nó đánh hơi được mùi máu tươi đông lạnh. Vội vàng chạy tới liếm lấy liếm để, liếm tới tấp, liếm điên cuồng cho đến khi lưỡi mình đã bị dao cắt đứt mà vẫn sung sướng liếm dòng máu tươi, không biết mình đang liếm máu của chính mình.
Càng say máu, sói càng liếm cuồng điên, cho tới khi kiệt sức rồi lăn ra mà chết.
4. Cần sự trợ lực của Chúa.
Trong kinh Lạy Cha chúng ta đọc: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”, có nghĩa là Chúa dạy chúng ta phải cầu nguyện xin Chúa ban ơn trợ lực để chúng ta khỏi thua chước cám dỗ. Ma quỷ luôn rình rập làm hại chúng ta, chúng ta phải nhớ lời thánh Phêrô nhắc nhở: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự” (1 Pr 5,8-9a). Chúng ta cũng phải nhớ đến thân phận yếu hèn của mình mà tin cậy vào ơn Chúa vì chính Chúa đã nói: “Không có Thầy, các con không làm được gì” (Ga 15,5).
Những gương chiến đấu tốt đẹp chống lại ma quỷ còn để lại cho chúng ta nơi các thánh. Ma quỷ đã hiện ra nhiều lần dưới nhiều hình quái ghê sợ để buộc thánh Antôn bỏ cuộc, nhưng ngài đã xua đuổi và trở nên tổ phụ đời sống tu trì. Về đêm, trong im lặng, ma quỷ quấy phá thánh Gioan Vianney trong 35 năm, ngài vẫn đứng vững dưới sự trợ lực của Chúa.
Một vị thánh kia có lần được thấy ma quỷ khi đi qua một tu viện và thấy nhiều quỷ ngồi ở mỗi góc, cả ở nhà nguyện nữa. Vị thánh đó đi ra phố và thấy rằng chỉ có một thằng quỷ đi cám dỗ mà thôi. Vị thánh đó hỏi tại sao thì quỷ trả lời: “Chỉ một thằng quỷ cũng đủ cám dỗ các linh hồn ở ngoài phố, vì họ không cố gắng chống lại, chứ còn để bắt được một linh hồn lành thánh thì cần cả một đạo binh quỷ kia”.
Nếu chúng ta bị cám dỗ thì có nghĩa là linh hồn chúng ta đang lớn mạnh đó. Nếu Chúa để cho chúng ta bị cám dỗ, thì Ngài cũng ban cho chúng ta đủ sức mạnh để nói, như Chúa chúng ta đã phán: “Hỡi Satan, hãy xéo đi”. Và chúng ta sẽ thấy dễ chịu khi nghe câu cuối cùng của bài Tin mừng: “Bấy giờ ma quỷ bỏ Ngài và có các thiên thần đến hầu cận Ngài”.
5. Suy niệm (song ngữ)
1st Sunday of Lent
Reading I: Genesis 9:8-15
Reading II: 1Peter 3:18-22
Chúa Nhật 1 Mùa Chay
Bài Đọc I: Sáng thế 9,8-15
Bài Đọc II: 1 Phêrô 3,18-22
Gospel
Mark 1:12-15
12 At once the Spirit drove him out into the desert,
13 and he remained in the desert for forty days, tempted by Satan. He was among wild beasts, and the angels ministered to him.
14 After John had been arrested, Jesus came to Galilee proclaiming the gospel of God:
15 "This is the time of fulfillment. The kingdom of God is at hand. Repent, and believe in the gospel."
Phúc Âm
Maccô 1,12-15
12 Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa.
13 Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người.
14 Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giêsu đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.
15 Người nói: "Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng."
Interesting Details
(vv.12-13) Mark discussed the temptation only briefly. For Mark, the "wrestling match" between Jesus and Satan, between good and evil, hardly appears a struggle at all.
The "forty days" in the gospel should not be taken literally. It was used often, such as with Moses (Exod 24, 18) and Elija (1 Kgs 19, 8), to mean "a considerable time."
Satan means "adversary," opponent or against the goodness of man, in Hebrew.
The wild beasts could be:
- Desperation.
- People who do not know God.
- People who are not listening to Jesus.
- People who oppose Jesus.
- People who Jesus would be killed by.
These all mean Jesus was conscious of tremendous threats.
(v.14) "After John had been arrested" indicates the work of John the Baptizer had been concluded and Jesus' ministry has begun. John the Baptizer being "handed over" refers to Jesus' death and passion. It's occurrence here makes John the Baptizer's fate foreshadow Jesus' fate.
(v.15) "This is the time of fulfillment" meaning the nature of God's ministry was preaching and accepting the good news. The good news consists of: truth, hope, peace, promise, immortality, and salvation.
Real repentance is "not to be sorry for the consequences of sin but to hate sin itself."
"The kingdom of God" referred primarily to God's future display of power and judgment, to the future establishment of God's rule over creation.
"Believe in the gospel" is to believe in Jesus (the bearer of the message) and His words.
Chi tiết hay
Thánh Mác-cô nói về Đức Giê-su bị cám dỗ một cách ngắn gọn. Đối với thánh Mác-cô, sự "giằng co" giữa Đức Giê-su và Xa-tan, giữa chính và tà, không có gì là quyết liệt.
Con số "bốn mươi" thường xuyên dùng trong Kinh Thánh, như với ông Môi-sê (Exod 24, 18) và tiên tri Ê-li-a (1 Kgs 19, 18), để diễn tả một khoảng thời gian khá dài.
Theo tiếng Hy-Lạp, Xa-tan có nghĩa là "Kẻ thù địch," kẻ phản đối hay chống đối lại với chính nghĩa của con người.
Dã thú (c. 1, 13) cũng có thể là
- Sự thất vọng
- Sự cô đơn
- Những người không lắng nghe tiêng Chúa
- Những người chống đối Chúa
- Những người có thể sẽ giết Chúa
Tóm lại, Đức Giêsu biết về những sự dữ Ngài phải đối diện.
(c.14) "Sau khi ông Gio-an bị nộp" ý chỉ sứ-mạng của ông đã được hoàn tất và sự rao giảng của Đức Giê-su được bắt đầu. Sự việc Gio-an "bị nộp" như báo trước cuộc tử nạn và sự thương khó của Đức Giê-su.
(c.15) "Thời kỳ đã mãn" có nghiã rằng đặc điểm sứ mạng của Chúa là tiếp nhận và rao giảng tin mừng. Tin Mừng là: Sự thật, hy-vọng, bình an, lời-hứa, sự sống đời đời, và sự cứu rỗi.
(c.15) "Triều Đại Thiên Chúa" nói lên sự uy quyền của Chúa, sự phán xét của đời sau, và quyền năng của nước Chúa đối với mọi thụ tạo.
(c.15) "Tin vào Tin Mừng" là tin vào Chúa Kitô (người mang thông điệp từ Chúa Cha) và lời của Người.
One Main Point
Jesus began his ministry with the message that the very power of God is available to those who open themselves to Jesus and to His gospel and His way of loving service.
Một điểm chính
Chúa Giê-su bắt đầu cuộc rao giảng của Ngài với lời hứa là uy quyền của Thiên Chúa sẽ đến với những ai mở lòng tiếp nhận Lời Ngài và con đường phục vụ trong yêu thương của Ngài.
Reflections
What Gospel, or good news, do I hear in Jesus' message ?
When we are engrossed in our ministries, do we spend the time to sanctify ourselves ?
What are the temptations in my daily life, and where do I sin ?
What do I need to do to "repent" and be free of my sins ?
In daily temptations, do I recognize aid from the Holy Spirit ?
Suy Niệm
Những Tin Mừng nào tôi được nghe từ Chúa Giê-su ?
Khi tôi dấn thân trong công tác mục vụ và phục vụ, tôi có dành thời giờ để cải hóa chính tôi không ?
Những sự cám giỗ trong đời sống hằng ngày của tôi là gì ? Tôi thường phạm tội gì ?
Tôi cần làm gì để "ăn năn," "sám hối," và thoát bỏ khỏi tội lỗi ?
Trong những sự cám giỗ hằng ngày, tôi có nhận biết sự hiện diện và giúp đỡ của Chúa Thánh Thần không ?