Chúa nhật 20 Thường niên năm A (Mt 15,21-28)

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Chúa nhật 20 Thường niên năm A (Mt 15,21-28)

Chúa nhật 20 Thường niên năm A (Mt 15,21-28)

“Này bà, bà có lòng mạnh tin”.

BÀI ĐỌC I: Is 56, 1. 6-7

“Ta sẽ dẫn con cái Ta lên núi thánh”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Đây Thiên Chúa phán: “Hãy giữ luật và thực thi công bình, vì ơn cứu độ của Ta đã gần tới, và sự công chính của Ta sẽ tỏ hiện.

“Người ngoại bang theo Chúa để phụng sự Chúa và mến yêu danh Người, để trở nên tôi tớ Chúa, tất cả những ai giữ ngày Sabbat, không hề sai lỗi, và trung thành với giao ước của Ta, Ta sẽ dẫn chúng lên núi thánh, và Ta sẽ cho chúng niềm vui trong nhà cầu nguyện. Ta sẽ nhận những lễ toàn thiêu và hiến tế của chúng trên bàn thờ, vì nhà Ta là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 66, 2-3. 5. 6 và 8

Đáp: Chư dân hãy ca tụng Ngài! Thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài (c. 4).

Xướng:

1) Xin Thiên Chúa xót thương và chúc phúc lành cho chúng con, xin tỏ ra cho chúng con thấy long nhan Ngài tươi sáng, để trên địa cầu, thiên hạ nhìn biết đường lối của Ngài, cho chư dân người ta được rõ ơn Ngài cứu độ. - Đáp.

2) Các dân tộc hãy mừng vui và khoái trá, vì Ngài công bình cai trị chư dân, và Ngài cai quản các nước địa cầu. - Đáp.

3) Chư dân hãy ca tụng Ngài. Thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài! Xin Thiên Chúa chúc phúc lành cho chúng con, để cho khắp cùng bờ cõi trái đất kính sợ Ngài. - Đáp.

BÀI ĐỌC II: Rm 11, 13-15. 29-32

“Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi Israel, thì Người không hề hối tiếc”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tôi nói với anh em là những người gốc Dân Ngoại rằng: Bao lâu tôi là Tông đồ các Dân Ngoại, tôi sẽ tôn trọng chức vụ của tôi, nếu có cách nào làm cho đồng bào tôi phân bì, mà tôi cứu rỗi được ít người trong họ. Vì nếu do việc họ bị loại ra, mà thiên hạ được giao hoà, thì sự họ được thâu nhận sẽ thế nào, nếu không phải là một sự sống lại từ cõi chết ?

Vì Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi ai, thì Người không hề hối tiếc. Như xưa anh em không tin Thiên Chúa, nhưng nay vì họ cứng lòng tin, nên anh em được thương xót; cũng thế, nay họ không tin, vì thấy Chúa thương xót anh em, để họ cũng được thương xót. Thiên Chúa đã để mọi người phải giam hãm trong sự cứng lòng tin, để Chúa thương xót hết mọi người.

Đó là lời Chúa.

Tin mừng: Mt 15, 21-28

Khi ấy, ra khỏi đó, Chúa Giêsu lui về miền Tyrô và Siđon, thì liền có một bà quê ở Canaan từ xứ ấy đến mà kêu cùng Người rằng: “Lạy Ngài là con Vua Đavít, xin thương xót tôi: con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm”. Nhưng Người không đáp lại một lời nào. Các môn đệ đến gần Người mà xin rằng: “Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi”. Người trả lời: “Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel”. Nhưng bà kia đến lạy Người mà nói: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi”. Người đáp: “Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó”. Bà ấy đáp lại: “Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống”. Bấy giờ, Chúa Giêsu trả lời cùng bà ấy rằng: “Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy”. Và ngay lúc đó, con gái bà đã được lành.


Bài giảng của linh mục Ignatio Hồ Văn Xuân

Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Qua đoạn Tin Mừng trên, lúc đầu làm chúng ta có cảm tưởng như Chúa chỉ thương cứu con cháu nhà Israel, những người được rửa tội. Nhưng sau Chúa đã chữa lành cho con gái người đàn bà Canaan, chứng tỏ rằng: Thiên Chúa yêu thương và ban ơn cứu độ cho tất cả mọi người, không trừ ai. Dù người có đạo hay vô đạo, giàu hay nghèo, vui sướng hay đau khổ... Thiên Chúa vẫn hằng yêu thương tất cả.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, những lúc chúng con gặp chuyện buồn, chuyện không may, hay lúc chúng con nghèo khổ... Chúng con đã trách Chúa không thương chúng con. Xin Chúa tha thứ lầm lỗi cho chúng con và ban thêm lòng tin để chúng con luôn xác tín được rằng: Thiên Chúa là Cha yêu thương thì không khi nào cho con cái mình điều gì xấu. Ðể bất cứ trước nghịch cảnh nào, chúng con vẫn luôn được bình an và vui sống trong tình yêu của Thiên Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Này bà, bà có lòng mạnh tin”.

 

Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

CHÚA MUỐN CỨU RỖI MỌI NGƯỜI

A. DẪN NHẬP

 Thiên Chúa không dành riêng ơn cứu độ cho một dân tộc nào, mà muốn dành cho mọi dân tộc không phân biệt màu da, tiếng nói. Dân Do thái là dân được tuyển chọn, dân riêng của Chúa được chuẩn bị để đón nhận ơn cứu độ, đón nhận lời rao giảng của Chúa Giêsu, nhưng họ đã từ chối, lại còn chống đối Ngài.

 Người đàn bà Canaan là đại diện cho dân ngoại được đón nhận đức tin, được Chúa ban hồng ân theo lòng tin khiêm tốn và kiên trì của bà. Chính Chúa Giêsu đã phải bỡ ngỡ về lòng tin sắt đá của bà, nên đã khen ngợi: “Lòng tin của bà mạnh thật”, và đáp lại lòng tin ấy Chúa Giêsu đã nói: “Bà muốn sao thì được như vậy”.

 Chúng ta là những Kitô hữu, ai cũng đã có đức tin nhưng nhiều khi còn non yếu, có khi còn non yếu hơn cả người ngoại. Hãy củng cố đức tin ấy và sẵn sàng đón nhận những thử thách Chúa gửi cho, để đức tin của chúng ta mỗi ngày một tăng trưởng dưới sự hướng dẫn và che chở của Chúa.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Is 56,1.6-7

 Tiên tri Isaia đã viết đoạn sách này từ một thế kỷ sau cuộc lưu đày ở Babylon. Dân Israel được trở về quê hương, xây dựng lại đền thờ Giêrusalem, và đền thờ trở nên trung tâm của mọi sinh hoạt tôn giáo và xã hội. Isaia cho biết: Thiên Chúa không những chỉ dành ơn cứu độ cho dân riêng của Ngài là Israel, Ngài còn muốn mở rộng dân này bằng cách nhận tất cả những ai thừa nhận Ngài, như là Đức Chúa chân thật và duy nhất, mà hiến thân phục vụ Ngài, vì “Nhà Ta là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc”.

+ Bài đọc 2: Rm 11,13-15.29-32

 Trên bước đường truyền giáo, thánh Phaolô thấy dân Do thái đã được chuẩn bị đón Chúa lại khước từ không nhận Ngài. Tuy thế, Ngài không thất vọng, vì dân ngoại đã có lòng tin mạnh mẽ, nên được Thiên Chúa xót thương, để cho dân Do thái, dân đã có đạo từ lâu, thấy mình không được ơn thương xót cứu giúp vì kém lòng tin, nên phải có lòng tin mạnh mẽ mới mong được ơn thương xót của Chúa.

 Lòng thương xót của Chúa đối với dân ngoại là một đòn bẩy gián tiếp bẩy dân có đạo noi gương lòng tin mạnh mẽ của dân ngoại, đánh thức lòng tin của dân Chúa để sẽ được Chúa xót thương.

+ Bài Tin mừng: Mt 15,21-28

 Bài Tin mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta: Thiên Chúa không phải chỉ dành riêng cho dân Do thái, mà còn ban ơn cho cả dân ngoại. Người đàn bà Canaan là một người dân ngoại, đáng lẽ bà không được hưởng hồng ân của Chúa ban, vì Đức Giêsu chỉ muốn thi hành sứ mệnh của Ngài với dân Do thái mà thôi, theo lời Ngài đã hứa với họ, nhưng Chúa không ngần ngại nhận lời cầu xin của người dân ngoại này.

 Tại sao Chúa ban hồng ân cho bà ấy ? Vì bà đã có đức tin rất khiêm nhường và hoàn toàn trông cậy, nên bà ấy đã làm cho Chúa xiêu lòng: Ngài đã nhận lời cầu xin của bà và hứa cho con bà khỏi bị quỉ ám.

 

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Lòng tin của bà mạnh thật

 Lòng tin mạnh mẽ cần thiết, thế nên lòng tin ấy cần phát sinh tâm tình khiêm hạ, can đảm, kiên trì cũng như niềm hy vọng thật sự, thì lòng tin ấy mới có hiệu lực và ích lợi. Người đàn bà Canaan ngày hôm nay, do lòng tin mạnh mẽ, nên bà đã khiêm hạ thực sự, nhìn nhận tất cả những thành kiến của người khác đối với mình, sự khiêm hạ này đã khiến Đức Kitô động lòng như thế nào ?

 Bà cũng đã can đảm nói lên ước muốn và kiên trì xin cho được một ân huệ, bất chấp sự thinh lặng hững hờ của Chúa Giêsu, và bà đã không thất vọng vì những câu trả lời của Đức Giêsu đối với các môn đệ. Trái lại, qua những lời bà nghe thấy, bà nắm chắc được tia hy vọng lóe sáng ở đó: Ngài để cho vụn bánh từ bàn ăn rơi xuống... nhờ niềm hy vọng mà lời cầu xin của bà ta có sức mạnh.

I. NÓI VỀ ĐỨC TIN

1. Tin là gì ?

 Đức tin là hạt giống thiên ân. Hạt giống đức tin vun trồng nhờ ơn thánh và sự nỗ lực của từng cá nhân. Tin là đòi hỏi chúng ta chấp nhận những điều vượt trên sự lý giải của lý trí. “Tin là chấp nhận vô điều kiện và bước theo” (ĐHY Nguyễn Văn Thuận).

 Phân tích chữ TIN. Chữ TIN bởi chữ TÍN.

 Theo Hán học, chữ TÍN gồm chữ “nhân” và chữ “ngôn”, nghĩa là tin vào lời người khác nói.

 Tiếng Pháp thì chữ CROIRE, nguyên ngữ của nó nghĩa là “dựa vào lời lẽ kẻ khác và chứng kẻ khác mà tin”, vì họ không thể sai lầm và không thể đánh lừa chúng ta.

 Chữ TIN còn có nghĩa rộng là nhận làm chắc chắn những cái ngũ quan ta không thấy, chỉ nhờ lý luận của ta mà biết có thực. Ví dụ: Tôi thấy có vùng khói trước mặt tôi, tôi tin có lửa sau bức tường che mắt tôi.

 Theo triết gia Spinoza và những triết gia khác đã phân tách: tin là việc hoàn toàn tuỳ thuộc vào lý trí, chúng ta tin vì những lý chứng hiển nhiên đáng cho ta tin. Một ý tưởng hiển nhiên nó thúc bảo chúng ta phải tin, chúng ta không thể phủ nhận không tin được ...

 Ông J. Calvet nói: “Dĩ nhiên lòng tin phải dựa vào lý chứng, bởi vì một phần nào nó cũng là kiến thức về chân lý, nhưng nó là một hành động tự do của ý chí cho chúng ta tin tưởng gieo mình vào cánh tay của Thiên Chúa, khi ta tới chỗ nào mà khoa học không còn gì cho ta biết nữa” (J. Calvet, Prends et lis, dịch bởi Lê Thành Trị, Tìm hiểu Duy linh, tr 91-92).

2. Thấy và hiểu mới tin ư ?

 Khó hiểu là một chuyện mà phi lý lại là một chuyện khác! Khó hiểu mà hợp với chân lý thì không sao. Chỉ sợ khó hiểu mà đi ngược với chân lý thôi.

 Biết bao điều bí ẩn trong vũ trụ mà ta chưa hiểu hết được, hay nói một cách thông thường, chán chi những sự dễ dàng trước mắt mà ta không hiểu nổi và không hiểu hết.

 Trí khôn con người chỉ hiểu biết một mức nào thôi, cũng ví như cậu học sinh không thể hiểu biết được ngang với trình độ giáo sư. Ví dụ: một em bé, học mới trình độ toán cộng, em làm một bài toán: 1+1+1 = 3. Nhưng tôi lại bảo rằng cũng phương pháp làm toán mà ba con số 1 bằng số 1: 1x1x1 = 1.

 Em bé chưa hiểu quy tắc phép nhân nên không hiểu biết được. Vậy thì hỏi em bé này có tin phương pháp làm toán này không ? Ví dụ trên cũng như trăm ngàn ví dụ khác đều chứng minh cho ta thấy rằng: chán chi sự việc trong đời rất tầm thường mà ta không thể hiểu hết được, nhưng ta vẫn tin (Sđd, tr 88-89).

Truyện: Hiểu mới tin

 Một vị trạng sư tự phụ rêu rao trước mặt đông người rằng: mình chỉ tin cái mình hiểu thôi. Trong đám đông có một thằng nhỏ đã được nghe cha xứ giảng, đứng lên hỏi:

- Thưa ông, nếu vậy ông không tin những gì ông không hiểu ư ?

- Dĩ nhiên thế.

- Thưa ông, vậy xin ông cho cháu biết: tại sao ông cử động được ngón tay ?

- Tại vì ta muốn, chỉ có thế thôi.

- Ông muốn, vậy sao ông không thể cử động được hai tai ?

 Vị trạng sư bí lối không biết trả lời thế nào, bèn mắng:

- Thằng nhỏ này mày muốn giảng cho ta phải không ?

 Nghe vậy mọi người đều cười (Lm. Trần Công Hoán, Tìm hiểu ít thắc mắc, tr 50).

 

II. ĐỨC TIN CỦA NGƯỜI ĐÀN BÀ CANAAN

 Người đàn bà Canaan ngoại giáo này có một đức tin đặc biệt đã làm cho Chúa phải xiêu lòng, mà ban cho bà được như ý sở nguyện: “Bà muốn thế nào sẽ được như vậy” (Mt 15,28). Như vậy, đức tin của người đàn bà này có nhiều đặc tính, chúng ta cùng tìm hiểu.

1. Đức tin mạnh mẽ

 Tại sao một số người có đức tin mạnh mẽ, đang khi số khác đức tin lại yếu kém ? Tại sao một số người thấy đức tin là điều dễ dàng, đang khi số khác lại thấy đó là điều khó khăn ? Người đàn bà ngoại giáo này biết mình là người ngoại, không hy vọng được Chúa đoái nghe, vì người Do thái không ưa người Canaan, nếu không muốn nói là ghét và khinh bỉ họ. Thái độ lãnh đạm, khó chịu và muốn xua đuổi của các Tông đồ đối với bà ? Nhưng bà tin rằng thế nào Chúa cũng phải thương bà. Bà có lòng tin như một người ngoại khác là viên bách quan kia: “Thưa Thầy, tôi chẳng đáng Thầy vào nhà tôi, song xin Thầy chỉ phán một lời” (Mt 8,8). Nghe vậy Chúa Giêsu bỡ ngỡ nói với các kẻ theo Ngài: “Quả thật, Ta bảo các ngươi, Ta chưa hề gặp được lòng tin như thế nơi một người nào trong Israel” (Mt 8,10).

 

2. Tin và khiêm nhường

 Chữ “con cái” thì hiểu về dân Do thái, “chó con” thì hiểu về dân ngoại. Chúa Giêsu dùng cách nói thông thường của người Do thái, chứ không có ý mỉa mai. Dùng chữ “chó con” mà không dùng chữ “chó” không. Chó con giống nuôi trong nhà được vỗ về, con chó hay chạy bậy nơi đường phố có ý nghĩa khinh bỉ. Và chính tiếng “chó con” đã gợi cho bà này một lời thỉnh nguyện đầy khiêm nhường và tin tưởng.

 Các Tông đồ đuổi bà đi mà không được, và chính Chúa Giêsu cũng dùng kiểu nói hơi nặng lời: “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”. Bà sụp lạy trước mặt Ngài hơn lũ chó con nằm chực vụn bánh trên bàn chủ rơi xuống, nên không lạ gì bà đã thưa: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng lũ chó con lại được ăn những vụn bánh trên bàn rơi xuống”. Thật đáng kinh ngạc! Không ai trong dân Israel hay dân có đạo nào lại khiêm tốn, hạ mình xuống đến thế trước mặt Ngài.

3. Tin và yêu thương

 Người đàn bà Canaan này có đứa con gái bị quỉ ám đau khổ lắm. Bà thương con vô cùng mà không biết làm cách nào để cứu chữa con, bà bất lực hoàn toàn trong cảnh huống này. Vì quá thương đứa con gái bị quỉ ám, nên đã lặn lội đi tìm Đức Giêsu, nài nỉ van xin Ngài, bị các Tông đồ xua đuổi nhiều lần, bị Chúa Giêsu có vẻ hững hờ và còn nói những lời khinh bỉ nữa. Bà vẫn kiên trì, lòng yêu thương con bà giúp bà chịu đựng tất cả. Bà đến với Chúa Giêsu là vì người khác chứ không vì chính bà, bà đã đến vì tình yêu, đã đến với tư cách một người mẹ đầy lòng yêu thương, tin tưởng. Lòng yêu thương của bà đối với đứa con đã làm cho Chúa cảm động và nhận lời cầu khẩn của bà. Còn tình yêu nào cảm động cho bằng câu chuyện dưới đây

Truyện: Người mẹ Arménia

 Câu chuyện này xảy ra vào tháng 12 năm 1987. Một cơn động đất đã xảy ra ở Armenia thuộc Liên Xô cũ giết chết hàng ngàn người. Trong số những người bị chôn dưới đống gạch vụn có hai mẹ con bà Suzanna. Hai mẹ con may mắn nằm lọt trong một khoảng trống nhỏ. Tất cả lương thực họ có chỉ là một hũ mứt nhỏ. Nhưng chẳng bao lâu hũ mứt cũng hết sạch. Lúc đó đứa con 4 tuổi kêu lên: “Mẹ ơi, con khát quá”. Bà Suzanna không biết tìm đâu ra nước cho con. Nhưng tình mẫu tử đã gợi cho bà một sáng kiến táo bạo: bà dùng một miếng kính vỡ cắt đầu ngón tay mình cho máu chảy ra và đưa vào miệng đứa con cho nó mút. Một lúc sau nữa nó lại kêu khát, bà lại cắt một đầu ngón tay nữa. Cứ như thế cho đến cuối cùng người ta cứu hai mẹ con ra. Sau khi ra ngoài, bà mẹ cho biết rằng: “Lúc đó tôi biết thế nào tôi cũng chết. Nhưng tôi muốn con tôi sống”.

4. Tin và kiên nhẫn

 Người đàn bà này gặp cản trở vì không phải là người Do thái. Bà ấy thuộc về một dân tộc không những là ngoại giáo, nhưng từ lâu còn là thù địch của dân được Chúa tuyển chọn. Thế mà bà đã cứ kêu to nài xin Chúa Giêsu cứu chữa con của bà bị quỉ ám.

 Bà mẹ người Canaan này là người dân ngoại. Bà biết ít hay không biết gì về Đấng là Thiên Chúa thật. Tuy nhiên, rõ ràng là bà đã nghe biết phép lạ của Chúa Giêsu, bà kêu lớn tiếng: “Lạy Ngài là con vua Đavít, xin thương xót tôi”. Tóm lại, bà này không tin rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nhưng bà tin Ngài là một người khác thường và có quyền năng tuyệt vời.

 Các môn đệ cứ muốn đuổi bà ấy đi, còn Chúa Giêsu thì thoái thác. Nhưng bà mẹ khôn ngoan và kiên trì này không thất vọng. Bà kêu lớn tiếng: “Lạy Ngài, xin giúp tôi”… Người đàn bà này đến với Chúa không phải chỉ vì Ngài có thể giúp đỡ, nhưng Ngài là nguồn hy vọng duy nhất của bà. Bà đến với niềm hy vọng tha thiết với nhu cầu thúc bách, với quyết tâm không chịu nản lòng. Người đàn bà này có một đức tính tối cần để cho lời cầu nguyện được hữu hiệu, đó là bà có lòng kiên nhẫn và thiết tha vô cùng. Cầu nguyện đối với bà không phải là một nghi thức, nhưng là dốc đổ ước vọng nung nấu linh hồn bà, khiến bà cảm biết mình không thể bị từ chối.

 

III. ĐỨC TIN CỦA CHÚNG TA THẾ NÀO ?

 Qua bài Tin mừng hôm nay, Giáo hội muốn mời gọi chúng ta noi gương bắt chước người ngoại giáo này, để có một đức tin chân thành, khiêm tốn và kiên trì trong khi cầu nguyện.

 Trong cuộc đời, rất nhiều khi ta bị hay được Thiên Chúa thử thách, nghĩa là Ngài cố tình để ta lâm vào cảnh đau khổ, cùng khốn, khó khăn. Cả cuốn sách về ông Gióp trong Kinh thánh nói lên sự thử thách có thể tới mức rất khủng khiếp của Ngài. Và thái độ của Đức Giêsu đối với người đàn bà Canaan là một thí dụ. Nhưng cuộc thử thách nào cũng phát xuất từ tình thương vô biên của Ngài đối với ta. Vì thử thách tới một mức độ nào đó rất là cần thiết để giúp con người tiến bộ, phát triển đức độ hoặc tài năng. Qua thử thách ta mới được rèn luyện vững vàng, bản lãnh. Và nhờ có thử thách ta mới chứng tỏ được đức tin, đạo đức, tài năng hay bản lĩnh của ta tới mức độ nào.

 Kinh thánh nói: “Lửa thử vàng, gian nan thử đức”. Thử thách rất quan trọng cho con người trong cả đời sống vật chất cũng như tinh thần, nhất là trong đời sống thiêng liêng. Tổ phụ Abraham được gọi là “Pater credentium” (cha của những kẻ tin), vì ông đã chịu một thử thách quá sức tưởng tượng mà ông đã thắng.

 Khi nghe tiếng Thiên Chúa phán, Abraham kể ra có nhiều cớ để từ chối đề nghị của Thiên Chúa. Người ta thường dễ phiêu lưu, mạo hiểm khi còn trẻ tuổi, chưa bị gắn buộc bởi nghĩa vụ gia đình, hoặc chưa gây được sự nghiệp: nhưng Abraham đã cao niên, tuổi quá thất tuần (St 12,4), lại đã lập gia thất (St 11,29), còn cơ nghiệp thì dư dật, bộ hạ đông đúc, lục súc không ít, lời Thiên Chúa mời gọi xem như chẳng đem thêm gì đến cho tổ phụ và còn nguy hiểm nữa.

 Người ta lại cũng dễ thay đổi môi trường sinh hoạt khi có môi trường phong phú hơn đem đến cho mình cơ hội sống an toàn, sung mãn, với đủ tiện nghi: nhưng khi ấy Abraham đang sống tại Harân, một thị xã miền Mêsopotamia mà lịch sử công nhận là văn minh, phồn thịnh. Bỏ Harân đã chắc gì tìm thấy một vị trí khá hơn ? Nơi Thiên Chúa ấn định là nơi xa lạ, chẳng hiểu đến rồi làm ăn có nổi chăng ? Đành rằng Chúa cũng hứa nơi ấy sau này sẽ phì nhiêu cho con cháu của ông Abraham (St 12,2-3): nhưng tổ phụ làm gì có con cái để mà hy vọng cho hậu thế ? (St 18,11-12)

 Vậy mà lời Chúa vang lên, Abraham đáp liền, rời cảnh an ninh, nếp sống nhàn hạ, lên đường để khởi xướng một giai đoạn lang thang, long đong, chật vật, hết nếm mùi đói kém lại chịu cơn khói lửa của chiến tranh (St 12,10 và 14,13-14). Abraham đã gỡ mọi dây liên ái, để gia nhập đất khách quê người: mà tổ phụ đã làm như thế CHỈ VÌ THIÊN CHÚA ĐÃ GỌI, CHỈ VÌ ABRAHAM ĐÃ TIN.

 Đức tin bao giờ cũng là một cuộc VĨNH BIỆT, CHIA LY: vĩnh biệt cái lòng tự phụ làm mình đinh ninh là có thể giải quyết mọi vấn đề, đối phó với các trở ngại bởi duy sức riêng mình, chẳng cần nhờ đến sự can thiệp bên ngoài, bên trên. Vĩnh biệt để chấp nhận một trật tự khác: trật tự siêu nhiên của Thiên Chúa (Lm. Nguyễn Huy Lịch, báo Nhà Chúa, số 3, 1968, tr 6-7).

 Trong mọi gian nan thử thách, chúng ta luôn tin tưởng rằng Chúa luôn ở bên chúng ta để nâng đỡ, khích lệ mặc dầu chúng ta không trông thấy. Con mắt Ngài hằng theo dõi chúng ta, như người mẹ hiền đang tập cho con bước đi. Đứa con cứ tin tưởng bước đi trong vòng tay của mẹ, nếu có ngã thì vòng tay của mẹ đã ôm vào lòng.

Truyện: Chính ba tôi cầm tay lái

 Ông Byron, một thi sĩ Anh, có viết một câu chuyện như sau:

 Hôm ấy, một con tàu đang rẽ sóng lướt đi trên mặt biển mông lung. Phía chân trời xa, một chòm mây xám chờn vờn nổi lên. Bầu trời quang đãng không mấy chốc đã bị phủ kín đen đặc. Rồi cơn giông tố ầm ầm phát nổ. Sấm chớp kinh hoàng. Và càng lâu mưa càng lớn, gió càng mạnh. Các hành khách hoảng hồn mất vía kêu la thất thanh, hỗn loạn. Duy có một đứa trẻ cứ ngồi chơi trên cầu tàu, bình tĩnh ngồi nhìn con tàu chòng chành nghiêng ngửa, giữa muôn con sóng dữ tợn gầm gừ đang lao mình tới, như không có việc gì xảy ra.

 Lạ lùng! Một thuỷ thủ giương to đôi mắt hỏi:

- Em không sợ chết sao ?

- Sao lại sợ ? Chính ba tôi cầm tay lái con tàu này kia mà.

 Chớ chi ta cũng trả lời được như vậy trước mỗi một cơn thử thách, mỗi một bước gập ghềnh trên biển dương thế đầy giao động, vì chính Cha chúng ta đang cầm lái con tàu trần gian!

 Chớ chi ta biết áp dụng vào đời sống lời Chúa đã nói lên trước ngày Thương khó:

                                      “Tôi phải đâu một mình đơn côi ?

                                      “Tôi có Người Cha vạn năng ở bên cạnh” (Ga 16,32)

 Xin Chúa cho mọi người chúng con cũng có một lòng tin mạnh mẽ vào quyền năng của Chúa như người đàn bà Canaan nọ, và từ niềm tin đó chúng con cũng biết khiêm hạ, trước nhan Chúa, nhưng không khiếp sợ; trái lại, can đảm kiên trì bày tỏ tất cả những ước muốn chất chứa trong cõi lòng chúng con với niềm hy vọng sâu xa vào sự giúp đỡ của Chúa. Có như thế đời sống của chúng con sẽ đầy tràn sự thỏa mãn và hạnh phúc.

 

Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

Mt 15,21-28

NHỮNG MẢNH VỤN

Người phụ nữ dân ngoại là mẫu mực của những ai cầu xin.

Bà là một người mẹ có một cô con gái bị quỷ ám.

Quỷ hành hạ cô này một cách khủng khiếp

khiến trái tim của người mẹ nhói đau, nhưng bất lực.

Chúng ta không rõ tại sao bà quen biết Đức Giêsu,

và tin Ngài là Đấng Mêsia, có quyền năng trừ quỷ.

Khi thấy Đức Giêsu, bà mừng quá, chỉ la thật to để Ngài chú ý.

“Xin thương xót tôi!”

Bà xin Ngài thương xót một người mẹ đang đau khổ vì con.

Đức Giêsu xem ra không màng đến tiếng kêu của bà.

Ngài thinh lặng, chẳng nói một lời đáp lại.

 

Nhưng còn hy vọng, bà cứ lẽo đẽo đi theo Đức Giêsu và các môn đệ,

vừa đi vừa kêu to, nài nẵng, kể lể, than van thống thiết.

Các môn đệ không thể chịu được tiếng kêu này,

nên xin Thầy mau đáp ứng yêu cầu của bà, để họ được yên.

Thầy Giêsu đã thẳng thắn từ chối.

Ngài cho biết hiện nay Chúa Cha chỉ sai Ngài đến với dân Ítraen thôi.

Bây giờ chưa phải là lúc để đến với dân ngoại.

Cần phải ưu tiên cho người Do-thái trước đã.

Chính Ngài đã từng nhắc nhở các môn đệ như vậy (Mt 10,5-6).

 

Câu trả lời của Thầy Giêsu như đặt một dấu chấm hết.

Các môn đệ hiểu là họ không thể làm Thầy đổi ý,

vì Thầy chỉ làm điều Thầy tin là ý muốn của Cha.

Nhưng người phụ nữ vẫn chưa mất niềm hy vọng.

Bà không đi phía sau mà kêu nữa,

nhưng đến ngay trước Đức Giêsu, và quỳ gối trước mặt Ngài.

Cuộc đối thoại thật sự bắt đầu khi bà có thể nhìn thẳng vào Ngài,

và nói với Ngài một câu ngắn gọn: “Lạy Ngài, xin giúp tôi!”

 

Câu trả lời của Thầy Giêsu như dập tắt mọi hy vọng còn lại.

Một câu từ chối lạnh lùng, dứt khoát, và có thể gây tổn thương:

“Không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó con.”

Phúc lành dành cho Ítraen, Ngài không muốn chia sẻ cho dân ngoại.

Nghe câu này, người phụ nữ có thể nổi nóng và căm giận bỏ đi.

Nhưng lạ thay, bà lại thấy mở ra một lối thoát.

Bà khiêm tốn nhận mình chỉ là chó con, quanh quẩn dưới gầm bàn,

còn người Do-thái là con cái trong nhà, được ngồi nơi bàn của chủ.

Chó con đâu dám đòi ăn bánh của con cái,

nhưng ai cấm chó con được hưởng những vụn bánh rơi từ bàn ?

Người phụ nữ khiêm tốn cũng chỉ dám xin vụn bánh thôi.

Bà chỉ cần chút vụn bánh cho cô con gái mình yêu quý.

 

Lòng Đức Giêsu tan chảy khi nghe câu nói của bà.

Ta có thể nói dường như Ngài chịu thua sự kiên trì của bà,

dù bao lần bị Ngài thẳng thừng từ chối.

Ngài nể phục sự khiêm tốn của bà, khi có vẻ bà bị coi khinh.

Ngài quý niềm hy vọng của bà, khi mọi sự dường như sụp đổ.

Ngài ngỡ ngàng trước lòng tin lớn của bà, khiến Ngài đổi ý,

vì qua đó Ngài nghe tiếng mời của Cha.

Cha vẫn nói với Con qua những biến cố đời thường,

qua môi miệng những người nghèo hèn bé nhỏ.

Đối với Con, tiếng của Cha vẫn luôn luôn mới mỗi ngày.

 

“Bà muốn sao thì được vậy. Từ giờ đó, con của bà được khỏi.”

Như thế Đức Giêsu đã nhận lời bà, đã thương xót và cứu giúp bà.

Ngài hiểu phía sau lòng tin khiêm hạ và kiên trì của bà

là cả một tình yêu bao la của tấm lòng người mẹ.

Chỉ ai yêu mới dám đi tới cùng.

Bây giờ bà đã được ăn bánh, không chỉ ăn vụn bánh thôi.

Bây giờ chúng ta là dân ngoại, đã được ngồi vào bàn tiệc thánh rồi.

Chỉ mong chúng ta được ngồi ăn trong bàn tiệc thiên quốc

vào ngày cánh chung, cùng với muôn người trong khắp cả thiên hạ.

 

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa,

Xin ban cho con đức tin lớn hơn hạt cải,

để con làm bật rễ khỏi lòng con

những ích kỷ và khép kín.

 

Xin cho con đức tin can đảm

để con chẳng sợ thiệt thòi khi trao hiến,

chẳng sợ từ bỏ những gì con cậy dựa xưa nay.

 

Xin cho con đức tin sáng suốt

để con thấy được thế giới

mà mắt phàm không thấy,

thấy được Đấng Vô Hình,

nhưng rất gần gũi thân thương,

thấy được Đức Kitô nơi những người nghèo khổ.

 

Xin cho con đức tin liều lĩnh,

dám mất tất cả chỉ vì yêu Chúa và tha nhân,

dám tiến bước trong bóng đêm

chỉ vì mang trong tim một đốm lửa của Chúa,

dám lội ngược dòng với thế gian

và khước từ những mời mọc quyến rũ của nó.

 

Xin cho con đức tin vui tươi,

hạnh phúc vì biết những gì đang chờ mình ở cuối đường,

sung sướng vì biết mình được yêu

ngay giữa những sa mù của cuộc sống.

 

Cuối cùng, xin cho con đức tin cứng cáp

qua những cọ xát đau thương của phận người,

để dù bao thăng trầm dâu bể,

con cũng không để tàn lụi niềm tin

vào Thiên Chúa và vào con người.

 

Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Một em bé vâng lời mẹ xách giỏ ra tiệm tạp hóa. Em cẩn thận đọc cho người bán hàng tên của từng món đồ mà mẹ em đã ghi trên mảnh giấy. Người bán hàng nhìn em và để ý theo dõi từng cử chỉ cẩn thận của em một cách thích thú.

Sau khi đã xếp gọn các món vào giỏ cho em, người bán hàng dẫn em đến trước cái hộp đầy kẹo. Vừa mở nắp hộp người bán hàng vừa bảo em thò tay vào lấy kẹo. Em bé vui mừng rút ra một viên kẹo. Người bán hàng bèn khích lệ em và nói: “Cháu hãy bốc cho đầy lòng bàn tay của cháu đi”. Em bé mỉm cười đáp: “Vậy ông hãy bốc kẹo giùm con”. Người bán hàng ngạc nhiên hỏi: “Tại sao vậy?” Em bé dí dỏm trả lời: “Tại vì bàn tay của ông lớn hơn bàn tay của con rất nhiều”.

Em bé nhìn nhận cái bé nhỏ của mình trước sự lớn lao của người khác, nên đã được ban cho dư đầy. Người đàn bà ngoại giáo xứ Canaan khiêm tốn nhận mình là dân ngoại, so sánh với dân Chúa Israel? Bà coi mình nhỏ bé như “chó con” chỉ đáng được ăn “những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”, chính vì bé nhỏ trước mặt Thiên Chúa, cho nên bà được Chúa rộng ban theo lòng thương xót của Ngài, còn hơn cả lòng bà mong ước.

Suy niệm

Người đàn bà ngoại giáo khẩn cầu xin Chúa chữa lành cho con bà bị quỷ ám. Lời cầu của người đàn bà đầy niềm tin, nhẫn nại và khiêm tốn. Bà nhận biết Chúa Giêsu là Đấng Mêssia - Cứu Thế (dòng dõi Đavít) (x. Mt 15,22) trong lúc đó những người Do Thái không chấp nhận tư cách Mêssia của Ngài. Chính đức tin mạnh mẽ với lòng khiêm tốn chân thành của bà đã làm Chúa Giêsu xúc động, Ngài đã thi ân trên lời cầu xin.

Sự viên mãn đời đời của chúng ta là do đức tin. Chính thánh Phaolô đã xác định: “Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống” (Rm 1,17; Gl 3,11), đức tin không phải do chúng ta đạt tiêu chuẩn mà có, nhưng là một ơn riêng nhưng không của Thiên Chúa ban cho. Đức tin có nghĩa là tin một cách đơn sơ, cởi mở, vô điều kiện vào Thiên Chúa toàn năng, Đấng tạo dựng và ban sự sống như người phụ nữ đã tín thác tuyệt đối bằng lời cầu xin: “Xin rủ lòng thương tôi!...” (Mt 15,22), cả khi bị thử thách, niềm tin vẫn không lay chuyển như người nữ Canaan xác tín: “Lạy Ngài xin cứu giúp tôi!” (Mt 15,25). Lòng kiên nhẫn của bà được sinh ra từ đức tin, như thánh Giacôbê xác quyết: “Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn” (Gc 1,3). Các môn đệ muốn đuổi bà đi vì sợ bà quấy rầy Thầy. Nhưng các ông không làm lay chuyển đức tin của bà nơi sức mạnh cứu độ của Chúa Giêsu, sức mạnh có thể chữa lành con bà. Cho nên, thay vì thối chí rút lui với tâm hồn cam chịu số phận, bà tiến đến quỳ trước Ngài và van xin một cách khiêm tốn, chân thành và đơn sơ. Hình ảnh của bà đã nói lên một chân lý: Đức tin được dọn đường bằng khiêm nhượng.

Người phụ nữ mang tâm tình như trẻ nhỏ tin và chạy đến với cha mình, bà xác tín vào tình yêu và quyền năng của Chúa, Ngài là Đấng không bao giờ rút lại tình yêu đối với người đặt niềm tin tưởng phó thác vào Ngài. Hình ảnh đức tin nơi bà có nghĩa là tin như trẻ nhỏ, tin vào sự chiến thắng của Thiên Chúa trên tất cả. Niềm tin đó được Thánh vịnh quả quyết tin Chúa như con tin vào cha: “Như trẻ thơ đặt hết niềm tin nơi Chúa” (Tv 131). Cho nên, Đức Kitô đã quả quyết nơi người mang đức tin trẻ nhỏ trở nên vĩ đại: “Ai hạ mình xuống như những trẻ nhỏ sẽ là người lớn trong nước Trời” (Mt 18,4).

Nếu như ban đầu, là một hành động thử thách, Đức Giêsu đã làm ngơ trước lời khẩn cầu trong niềm tin của bà, nhưng Ngài không thể im lặng trước lòng tin mang tâm tình chân thành, khiêm tốn của một người mẹ dám làm tất cả cho con mình được sống, Chúa Giêsu trả lời, “Này bà, đức tin của bà mạnh. Bà được như bà tin”... “Lập tức, con gái bà được lành” (Mt 15,28). Bà hạnh phúc vì Thiên Chúa thi ân: Con yêu của bà được chữa lành, niềm tin của bà đã nở hoa.

Xin Đức Kitô – Đấng đã nhìn thấu lòng tin của người phụ nữ Canaan, cũng hãy dạy con vì con luôn có nhu cầu tin chân thành và khiêm tốn như người phụ nữ Canaan, tin là không đòi hỏi, là tín thác, chờ đợi tất cả từ tay Chúa và đón lấy tất cả như hồng ân nhưng không. Niềm tin phát sinh kiên nhẫn và với lòng khiêm cung trước Thiên Chúa qua mọi hoàn cảnh trong cuộc đời, chúng con sẽ được Thiên Chúa ở cùng và thi ân…

     Ý lực sống

“Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa,
và có Đức Chúa làm chỗ nương thân” (Gr 17,7).

 

Suy niệm (song ngữ)

20th Sunday in Ordinary Time
Reading I: Isaiah 56:6-7
Reading II: Romans 11:13-15,29-32

Chúa Nhật 20 Thường Niên
Bài Đọc I: Isaia 56,6-7
Bài Đọc II: Roma 11,13-15.29-32
___________________________

Gospel
Matthew 15:21-28

21 And Jesus went away from there and withdrew to the district of Tyre and Sidon.
22 And behold, a Canaanite woman from that region came out and cried, “Have mercy on me, O Lord, Son of David; my daughter is severely possessed by a demon.”
23 But he did not answer her a word. And his disciples came and begged him, saying, “Send her away, for she is crying after us.”
24 He answered, “I was sent only to the lost sheep of the house of Israel.”
25 But she came and knelt before him, saying, “Lord, help me.”
26 And he answered, “It is not fair to take the children's bread and throw it to the dogs.”
27 She said, “Yes, Lord, yet even the dogs eat the crumbs that fall from their masters' table.”
28 Then Jesus answered her, “O woman, great is your faith! Be it done for you as you desire.” And her daughter was healed instantly.

Phúc Âm
Matthêu 15, 21-28

21 Ra khỏi đó, Đức Giêsu lui về miền Tia và Xi-đon,
22 thì này có một người đàn bà Ca-na-an, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng: “Lạy Ngài là con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỵ ám khổ sở lắm!”
23 Nhưng Người không đáp lại một lời. Các môn đệ lại gần xin với Người rằng: “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!”
24 Người đáp: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà ít-ra-en mà thôi.
25 Bà ấy đến lạy mà thưa Người rằng: “Lạy Ngài xin cứu giúp tôi!”
26 Người đáp: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”
27 Bà ấy nói: “Thưa Ngài đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”.
28 Bấy giờ Đức Giêsu đáp: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy”. Từ giờ đó, con gái bà được khỏi.

Interesting Details

  • St. Mark and St. Matthew wrote for a different public at different periods. St. Mark wrote for Gentile Christians, showing them that salvation was first for the Jews only and then for the Gentiles. St. Matthew wrote for Jewish Christians showing them that faith, and faith alone, breaks down the barrier between the Jews and the Gentiles.
  • (v.21) Tyre and Sydon are two cities located on the Mediterranean coast line, they now belong to Lebanon. This area is not within the Galilee region, but close to it.
  • To avoid the collective persecution by Herod's regime and the Jewish authorities, Jesus fled to Tyre and Sydon to train his apostles.
  • (v.22) The woman's prayer was filled with faith, patience, humility. She recognized Jesus as the savior (descendant of David) whom the Jews did not acknowledge.
  • (v.24) His first mission was to bring the Jewish people the message of their salvation. The message was later brought to the whole world.
  • Chi Tiết Hay

  • Thánh Mác-cô cũng tường thuật lại câu chuyện này (Mc 7,24-37). Nhưng thánh Mác-cô và thánh Mát-thêu viết Phúc Âm vào hai thời kỳ khác nhau và cho hai giới người khác nhau. Mác-cô viết cho những Kitô hữu không phải gốc Do Thái, Người trình bày Tin Mừng cứu độ trước hết được rao giảng cho người Do Thái, sau đó mới đến người ngoại đạo. Mát-thêu viết cho những Kitô hữu gốc Do Thái, Người loan báo rằng chỉ có đức tin mới san bằng những cách biệt giữa người Do Thái và người ngoại đạo.
  • (c.21) Tia và Sidon là hai thành phố gần bờ biển Địa Trung Hải, bây giờ thuộc về Lê-ban-non. Miền này không thuộc về Galilê nhưng sát biên giới Galilê về phía Bắc.
  • Để tránh sự bách hại của Hêrôđê và các nhà cầm quyền Do Thái, Chúa Giêsu đến Tia và Sidon để huấn luyện các tông đồ.
  • (c. 22) Lời cầu của người đàn bà đầy niềm tin, nhẫn nại và khiêm tốn. Bà nhận biết Chúa Giêsu là đấng Cứu Thế (dòng dõi David) nhưng người Do Thái không chấp nhận.
  • (c.24) Sứ vụ đầu tiên của Đức Giêsu là rao giảng ơn cứu độ cho dân Do Thái. Sau đó, Ngài mới loan báo cho toàn nhân loại.
  • One Main Point

    The extraordinary faith of the woman and her humble prayer touches Jesus.

    Một Điểm Chính

    Đức tin đặc biệt của người đàn bà ngoại giáo và lời cầu xin khiêm tốn của bà đã làm Chúa Giêsu xúc động.

    Reflections

  • Reflect on the woman's extraordinary faith in Jesus; how is my faith in God ?
  • What are my attitudes toward non-Catholics who live Christian values ?
  • What are my attitudes to God when my prayers are being rejected ?
  • When others seek my help persistently, how do I react ?
  • Suy Niệm

  • Đức tin bền đỗ của người đàn bà làm tôi nghĩ gì về đức tin của tôi với Chúa ?
  • Thái độ của tôi như thế nào đối với những người không Công Giáo nhưng sống đúng với tinh thần Phúc Âm ?
  • Khi lời cầu xin của tôi không được chấp nhận thì tôi đối với Chúa như thế nào ?
  • Khi có một người cứ nài nỉ van xin tôi giúp đỡ, tôi sẽ đối xử như thế nào ?
  • Tag:

    2023-08-20