Chúa nhật 5 Phục sinh năm A (Ga 14,1-12)

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Chúa nhật 5 Phục sinh năm A (Ga 14,1-12)

Chúa nhật 5 Phục sinh năm A (Ga 14,1-12)

“Chúa Giê-su đáp: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống.
Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”. (Ga 14,6)

 

BÀI ĐỌC I: Cv 6, 1-7

“Họ chọn bảy người đầy Thánh Thần”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, số môn đồ gia tăng, nên xảy ra việc các người Hy-lạp kêu trách các người Do-thái, vì trong việc phục vụ hằng ngày, người ta khinh miệt các bà goá trong nhóm họ. Nên Mười hai Vị triệu tập toàn thể môn đồ đến và bảo: “Chúng tôi bỏ việc rao giảng lời Chúa mà lo đi giúp bàn, thì không phải lẽ. Vậy thưa anh em, anh em hãy chọn lấy bảy người trong anh em có tiếng tốt, đầy Thánh Thần và khôn ngoan, để chúng tôi đặt họ làm việc đó. Còn chúng tôi, thì sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ lời Chúa”.

Cả đoàn thể đều tán thành lời các ngài, và chọn Têphanô, một người đầy đức tin và Thánh Thần, và chọn Philipphê, Prôcô, Nicanô, Timon, Parmêna, và Nicôla quê ở Antiôkia. Họ đưa mấy vị đó đến trước mặt các Tông đồ. Các ngài cầu nguyện và đặt tay trên các vị đó.

Lời Chúa lan tràn, và số môn đồ ở Giêrusalem gia tăng rất nhiều. Cũng có đám đông tư tế vâng phục đức tin.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 32, 1-2. 4-5. 18-19

Đáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, như chúng con đã trông cậy Chúa (c. 22).

Hoặc đọc: Alleluia.

1) Người hiền đức, hãy hân hoan trong Chúa! Ca ngợi là việc của những kẻ lòng ngay. Hãy ngợi khen Chúa với cây đàn cầm, với đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa. - Đáp.

2) Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa. - Đáp.

3) Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Người, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Người, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn. - Đáp.

BÀI ĐỌC II: 1 Pr 2, 4-9

“Anh em là dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, khi đến cùng Chúa là tảng đá sống động, bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa tuyển chọn và tôn vinh, chính anh em như những tảng đá sống động, xây dựng toà nhà thiêng liêng, chức vụ tư tế thánh thiện, để hiến dâng của lễ thiêng liêng đáng Thiên Chúa chấp nhận nhờ Đức Giêsu Kitô. Vì thế, có lời Thánh Kinh rằng: “Đây Ta đặt tại Sion tảng đá góc tường, được tuyển chọn và quý giá, ai tin Người, sẽ không phải hổ thẹn”. Vậy, vinh dự cho anh em là những kẻ tin; nhưng đối với những kẻ không tin, thì tảng đá mà thợ xây loại bỏ, đã trở thành đá góc tường, đá vấp ngã và đá chướng ngại cho những kẻ chống lại và không tin lời Chúa, và số phận của họ là thế. Còn anh em là dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân tộc thánh thiện, dân riêng của Chúa, để rao giảng quyền năng của Đấng đã gọi anh em ra khỏi tối tăm mà vào ánh sáng kỳ diệu của Người.

Đó là lời Chúa.

Tin mừng: Ga 14, 1-12

1 Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.

2 Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em.

3 Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.

4 Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi”.

5 Ông Tô-ma nói với Chúa Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường ?”

6 Chúa Giê-su đáp: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.

7 Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người”.

8 Ông Phi-líp-phê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”.

9 Chúa Giê-su trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư ? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: 'Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha' ?

10 Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao ? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình.

11 Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm.

12 Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.

 


Bài giảng của linh mục Ignatio Hồ Văn Xuân

 

Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Trong bài Tin Mừng, Ðức Giêsu nói: “Ta đi dọn chỗ cho các ngươi. Ta sẽ đến và đem các ngươi theo Ta, để Ta ở đâu, các ngươi cũng ở đó.

Ðức Giêsu về trời bên Chúa Cha và sẽ đón chúng ta trong ngày cuối đời của mỗi người và nhất là trong ngày Ngài quang lâm. Qua biến cố Phục Sinh, Ðức Giêsu đã mở cho chúng ta con đường đi vào ơn cứu độ và vinh quang với Người. Chúng ta hãy an tâm, tin tưởng và vững lòng đi theo Ðức Giêsu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa muốn rằng Chúa ở đâu, môn đệ của Chúa cũng được ở đó. Lời Chúa đang trấn an mỗi người chúng con vì chúng con tin rằng mình đã được Chúa chuẩn bị chỗ cho chúng con trên nước của Chúa. Ðiều quan trọng là chúng con phải biết tự bảo vệ và giữ lấy địa vị của mình: địa vị làm con Chúa. Xin giúp chúng con luôn sống xứng đáng với tình thương Chúa đã dành cho chúng con. Xin giúp chúng con đừng vì yếu đuối mà đánh mất ân huệ cao quý Chúa ban. Amen.

Ghi nhớ : “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”.

 

Suy niệm 1: (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Sợi chỉ đỏ:

- Bài đọc 1: Cộng đoàn tín hữu sơ khai gặp khó khăn; giải quyết bằng cách lập định chế phó tế; số tín hữu gia tăng.

- Bài đọc 2: mỗi tín hữu là một viên đá sống động xây dựng đền thờ của Chúa Thánh Thần.

- Bài Phúc Âm: Sống theo Chúa Giêsu là Đường, Sự Thật và Sự Sống.

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Có một điều chúng ta hay quên nên Thánh lễ hôm nay muốn nhắc chúng ta nhớ. Đó là chúng ta tuy ở giữa thế giới này nhưng lại thuộc về một “dân thánh”, “dân được Thiên Chúa tuyển chọn”. Đây là một vinh dự, đồng thời là một trách nhiệm. Nếu như chúng ta cảm thấy mình chưa xứng đáng với vinh dự này và chưa chu toàn trách nhiệm này, thì hãy đến với Chúa trong Thánh lễ. Ngài sẵn sàng thanh luyện chúng ta và thêm sức giúp chúng ta.

II. GỢI Ý SÁM HỐI

- Là thành phần của một cộng đoàn được Chúa quy tụ, nhưng chúng ta hay chia rẽ nhau.

- Là dân được Thiên Chúa tuyển chọn, nhưng chúng ta ít quảng đại hiến thân cho Chúa.

- Chúa Giêsu là đường, là sự thật và là sự sống. Nhưng nhiều khi chúng ta không bước theo Ngài, học với Ngài và sống như Ngài.

III. LỜI CHÚA

1. Bài đọc I: Cv 6,1-7

Bài tường thuật này mô tả nếp sống của cộng đoàn tín hữu sơ khai, một cộng đoàn không thiếu những khó khăn nội bộ, nhưng đã biết cách giải quyết thỏa đáng nên vẫn tiếp tục lớn mạnh.

- Khó khăn phát xuất từ việc phân phối những nhu cầu đời sống, gây ra những sự kêu trách.

- Các tông đồ đã đưa vấn đề ra tập thể, đề nghị một giải pháp theo hướng chia sẻ trách nhiệm (chọn 7 phó tế lo việc đời sống), và tập thể đã nhất trí.

- Nhờ khéo giải quyết nên cộng đoàn lại đoàn kết yêu thương và tăng số.

2. Đáp ca: Tv 32

Chúng ta có gì phải sợ trên con đường dương thế ? Đã có chính Chúa Giêsu đi bên cạnh chúng ta; Ngài dẫn chúng ta về nhà Chúa Cha; Ngài nuôi chúng ta bằng tình yêu thương của Ngài; Ngài luôn bênh vực chúng ta và cứu chúng ta thoát khỏi cái chết đời đời.

3. Bài đọc II: 1 Pr 2,4-9

Thánh Phêrô nhắc tín hữu nhớ đến phẩm giá cao quý và trách nhiệm của họ:

- Phẩm giá: Tín hữu là dòng giống được Thiên Chúa tuyển chọn, là hoàng tộc chuyên lo tế tự và là dân riêng của Thiên Chúa.

- Trách nhiệm: Hãy để Thiên Chúa dùng mình như những viên đá sống động xây nên ngôi đền thờ của Thánh Thần; hãy dâng những của lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa; hãy loan truyền những công trình vĩ đại của Ngài.

4. Bài Phúc Âm: Ga 14,1-12

Bài Phúc Âm kêu gọi tín hữu đi theo Chúa Giêsu, học với Ngài và sống với Ngài, bởi vì Ngài là đường, sự thật và sự sống:

- Chúa Giêsu là đường vì Ngài dẫn tín hữu đến với Chúa Cha, nguồn hạnh phúc đích thực.

- Chúa Giêsu là sự thật vì Ngài phát xuất từ Chúa Cha là nguồn chân lý, và Ngài dạy cho chúng ta biết Chúa Cha.

- Chúa Giêsu là sự sống vì “sự sống đích thật là nhận biết Chúa Cha và Đấng Ngài sai đến” (Ga 17,3).

 

Suy niệm 2 (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Bạn tôi - một chủng sinh đã xong chương trình thần học vì hoàn cảnh thời cuộc nên chưa được tiến chức và đang chờ đợi như “Mùa vọng của thánh chức”. Thật ra anh hơn tôi vài tuổi, tôi gọi là anh là thầy nhưng chúng tôi như những người bạn vì đã cùng chia sẻ thân tình từ những năm học ở Sài Gòn đầy khó khăn... Tuy chưa được chịu chức linh mục nhưng anh thật chững chạc, thoát tục và dấn thân cho sứ vụ. Chính vì sự mẫu mực, hơn nữa, những năm trải đời trong đời sống thánh hiến giữa đời tạo nên nơi anh một người thanh thoát, mọi người nhìn anh ngưỡng mộ như là một tấm gương sáng. Nơi anh, các đàn em chủng sinh đến chia sẻ cõi lòng, những cõi lòng ẩn khuất khó khăn của người dâng hiến mà ngay cả vị linh hướng họ cũng không dám bày tỏ vì nhiều lý do... Chúng tôi thường chia sẻ về cuộc sống, về đời thánh hiến dù cách xa nửa quả địa cầu (qua điện thoại và internet): Trao đổi, phân tích những khó khăn của các bạn bè đồng môn đến chia sẻ với anh để tìm hướng đi tốt nhất cho bạn bè mình...

Trong những hoàn cảnh khó khăn, những sự việc hoang mang nhất không thể gỡ rối được, chúng tôi cảm nhận được rằng: Đường đời đã gian nan, đời tu trong hoàn cảnh hôm nay càng gian nan hơn bao giờ hết, chúng ta - những người dâng hiến luôn xác định: Chúa là trên hết, chọn và đi theo Ngài, những khó khăn, những gian nan trong đời vẫn còn đó, những yếu đuối của thụ tạo, có những khó khăn tâm linh, dù trọn đời đã chọn Chúa, đã dâng cho Ngài tất cả. Chọn Chúa, theo bước chân Ngài, ta vẫn cứ quảng đại bước đi...

Anh được trao tác vụ linh mục trong Năm Linh Mục vào tháng 5/2010.

Suy niệm

Trên con đường cuộc đời, Đức Kitô khẳng định: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”. Con đường duy nhất được mở ra trong ơn cứu độ, dẫn tới sự sống:

“Con đường” là một trong những tượng trưng của Thánh Kinh. Đức Giêsu là đường, chính Ngài là Lời mà Thánh Kinh quy tụ. Theo Cựu ước, nghe lời Thiên Chúa là tin tưởng vào Ngài, dân Israel ra đi và trải qua một con đường dài đầy cực nhọc, thử thách để tới đất hứa. Do đó, “đường” là tượng trưng cho cuộc xuất hành (x. Đnl 1,3-33; 2,1-2; 8,2-10; Tv 77,20; 136): từ nô lệ đến tụ do. Khi đã vào đất hứa, dân Israel còn phải ăn ở theo đường Thiên Chúa mới được lãnh phần thưởng muôn đời (x. Đnl 32,4; Tv 25,10; 128,1; 147,19-20; Br 3,13-14.37; 4,1). Mà Thiên Chúa đã mạc khải những đường hướng ấy trong luật Môisê. Do đó, “đường” còn là tượng trưng cho luật Môisê. Trong Tân ước, Thiên Chúa mạc khải những đường hướng của Người qua trung gian Đức Giêsu - vị trung gian thế giá nhất và là Đấng trung gian sau hết. Do đó, “đường” vẫn còn là tượng trưng, nhưng đối tượng của tượng trưng đã thay đổi, không còn phải là đường trong sa mạc, cũng không phải là luật Môisê, mà là chính Đức Giêsu (x. Mc 8,34; Mt 16,24; Lc 9,23; Dt 10,20).

Chúa Giêsu là đường dẫn đưa “vượt qua” từ sự đau khổ đến vinh quang, từ sự chết đến sự sống, từ đời sống trần gian mau qua đến đời sống trường sinh, như chính Ngài đi từ đau khổ, xuyên sự chết đến vinh quang phục sinh. Ngài là đường dẫn tới đích, đường duy nhất dẫn tới Chúa Cha: “Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”.

Chúa Giêsu là sự thật, toàn bộ Kinh Thánh đã diễn đạt lại sự thật Thiên Chúa đã hết lòng yêu thương, chung thủy với dân người. Cho nên, Kinh Thánh đã diễn giải sự thật về một Thiên Chúa cứu độ và giải thoát con người: “Các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8, 32). Chân lý sự thật mà Thánh Kinh diễn đạt, xưa kia, được truyền đạt cho loài người qua trung gian ông Môisê và các ngôn sứ; nhưng ngày nay, chân lý ấy được mạc khải qua trung gian Đức Giêsu (Ga 1,17). Tất cả mạc khải Cựu ước chỉ là chuẩn bị và dọn đường cho mạc khải trọn vẹn và đích thực nằm trong bản thân Đức Giêsu, Ngài là Chúa Con nhập thể và, vì thế, Ngài là Lời tuyệt hảo của Chúa Cha (x. Ga 1,1.14), là chân lý được Chúa Cha phát biểu bằng cuộc sống và lời nói của Đức Giêsu (x. Ga 1,18; 17,8.14).

Đức Giêsu là sự sống vì Ngài không phải chỉ nói lời của Thiên Chúa như Môisê hay các ngôn sứ đại diện. Nhưng Người chính là Lời tuyệt đẳng của Thiên Chúa, Ngài là Ngôi Lời - Đấng là Lời của Thiên Chúa. Cho nên, trong tư cách mục tử Ngài khẳng định với những người tin đứng vào hàng ngũ của đoàn chiên dưới sự dẫn dắt của chủ chiên: “Ta ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay ta” (Ga 10,28). Ngài là sự sống như Ngài khẳng định: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11,25).

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta mải mê dệt cuộc đời mình bằng danh vọng địa vị, tiền bạc, chạy quyền, mua chức. Chỉ lo làm giàu, cạnh tranh với đời, chạy đua với thời đại. Cho nên, chúng ta dễ lạc xa đường chân lý, quên đích điểm của đời mình. Như người lữ hành trên lộ trình, như một thủy thủ khi ra khơi, như một phi công với chiếc máy bay trên bầu trời mênh mông… Họ sẽ đi đến đâu nếu đọc sai bản đồ, nếu đi lệch đường…

Hơn lúc nào hết, trên đường trần gian, giữa những ngã ba, ngã tư cuộc đời, tôi, bạn và chúng ta cần xác định lại hướng đi: Chọn Chúa là con đường, nơi đường có ánh sáng của sự thật soi chiếu như cột mây, cột lửa soi dân Do Thái trên đường về đất hứa (x. Xh 13,20-22). Nơi đường đầy ánh sáng của sự thật có sự sống dưỡng nuôi bởi bánh từ trời (x. Ga 6,32-58).

Ý lực sống: “Thượng Đế thường vẽ đường thẳng bằng những đường cong!” (Ngạn ngữ Ả Rập).

 

Giáo lý cho Bài giảng lễ Chúa nhật 5 Phục sinh năm A (nguồn: WHĐ)

(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích)

WHĐ (06.5.2023) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập WHĐ xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.


Số 2746-2751: Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly

Số 661, 1025-1026, 2795: Đức Kitô mở đường cho chúng ta về trời

Số 151, 1698, 2614, 2466: Tin vào Chúa Giêsu

Số 1569-1571: Chức phó tế

Số 782, 803, 1141, 1174, 1269, 1322: "Giống nòi được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả"

Bài Ðọc I: Cv 6, 1-7

Bài Ðọc II: 1 Pr 2, 4-9

Phúc Âm: Ga 14, 1-12

 

Số 2746-2751: Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly

2746. Khi đến Giờ của Người, Chúa Giêsu cầu nguyện cùng Chúa Cha[1]. Lời cầu nguyện của Người, lời dài nhất được sách Tin Mừng lưu truyền, bao gồm toàn bộ Nhiệm cục tạo dựng và cứu độ, cũng như cả cái Chết và sự Phục sinh của Người. Lời cầu nguyện trong Giờ của Chúa Giêsu vẫn luôn còn là lời cầu nguyện của Người, cũng như cuộc Vượt Qua của Người, đã diễn ra “một lần cho mãi mãi”, vẫn luôn hiện diện trong phụng vụ của Hội Thánh Người.

2747. Truyền thống Kitô giáo gọi lời nguyện này một cách xác đáng là “lời nguyện tư tế” của Chúa Giêsu. Đây chính là lời cầu nguyện của Vị Thượng Tế của chúng ta, lời cầu nguyện này không thể tách rời khỏi cuộc hiến tế của Người, khỏi cuộc Vượt Qua của Người để về cùng Chúa Cha, trong đó chính Người “được thánh hiến”[2] trọn vẹn cho Chúa Cha.

2748. Trong lời cầu nguyện của cuộc Vượt Qua, của cuộc hiến tế này, mọi sự “được quy tụ”[3] trong Người: Thiên Chúa và thế gian, Ngôi Lời và xác phàm, sự sống vĩnh cửu và thời gian, tình yêu tự trao nộp và tội phản bội lại tình yêu, các môn đệ đang có mặt và những người sẽ tin vào Người nhờ lời của các ông, sự hạ mình và vinh quang. Đó là lời cầu nguyện của sự Hợp nhất.

2749. Chúa Giêsu đã hoàn thành toàn bộ công trình của Chúa Cha và lời cầu nguyện cũng như hy lễ của Người trải rộng tới lúc hoàn tất thời gian. Lời cầu nguyện trong Giờ của Người hoàn thành những thời buổi cuối cùng và dẫn đưa chúng đến chỗ hoàn tất. Chúa Giêsu, Người Con đã được Chúa Cha trao cho mọi sự, đã trao hiến trọn vẹn cho Chúa Cha và đồng thời Người tỏ ra mình hoàn toàn tự do[4], nhờ quyền năng Chúa Cha ban cho Người trên mọi xác phàm. Người Con, Đấng đã trở thành Người Tôi Tớ, là Chúa, là Đấng Toàn Năng (Pantocrator). Vị Thượng Tế cao cả của chúng ta, Đấng cầu nguyện cho chúng ta, cũng là Đấng cầu nguyện trong chúng ta, và là Thiên Chúa, Đấng nhận lời chúng ta cầu nguyện.

2750. Khi đã thuộc về Danh thánh của Chúa Giêsu, chúng ta có thể đón nhận, từ bên trong, lời cầu nguyện chính Người dạy chúng ta: “Lạy Cha chúng con”. Lời cầu nguyện tư tế của Người, từ bên trong, gợi hứng cho những lời cầu xin quan trọng của kinh Lạy Cha: quan tâm đến Danh Cha[5], nhiệt tình với Nước Cha (vinh quang[6]), chu toàn Ý Cha, kế hoạch cứu độ của Ngài[7] và sự giải thoát khỏi sự dữ[8].

2751. Cuối cùng, trong lời cầu nguyện này, Chúa Giêsu mạc khải và dạy chúng ta sự “hiểu biết” bất khả phân ly về Chúa Cha và Chúa Con[9]. Sự hiểu biết ấy chính là mầu nhiệm của đời sống cầu nguyện.

Số 661, 1025-1026, 2795: Đức Kitô mở đường cho chúng ta về trời

661. Bước cuối cùng này vẫn liên kết chặt chẽ với bước đầu tiên, nghĩa là với việc từ trời xuống thế, được thực hiện trong việc Nhập Thể. Chỉ có Đấng “từ Chúa Cha mà đến” mới có thể “trở về cùng Chúa Cha”: đó là Đức Kitô[10]. “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13)[11]. Nhân loại, với sức tự nhiên của mình, không thể vào được “Nhà Cha”[12], không thể đạt tới sự sống và sự vinh phúc của Thiên Chúa. Chỉ có Đức Kitô mới có thể mở lối cho con người tiến vào: “Người lên trời không phải để lìa xa thân phận yếu hèn của chúng con, nhưng để chúng con là chi thể của Người, tin tưởng được theo Người đến nơi mà chính Người là Đầu và là Thủ lãnh của chúng con đã đến trước”[13].

1025. Sống trên thiên đàng là “ở với Đức Kitô”[14]. Những người được tuyển chọn sống “trong Người”, nhưng ở đó họ vẫn giữ, thậm chí họ tìm được, căn tính riêng của mình, danh xưng riêng của mình[15].

“Quả vậy, sự sống là được ở với Đức Kitô, bởi vì ở đâu có Đức Kitô, ở đó là Nước Trời”[16].

1026. Chúa Giêsu Kitô, nhờ sự chết và sự sống lại của Người, đã “mở cửa” thiên đàng cho chúng ta. Sự sống của các Thánh cốt tại việc sở hữu sung mãn các hoa trái của ơn Cứu Chuộc mà Đức Kitô đã hoàn thành, Người là Đấng kết hợp vào vinh quang thiên quốc của Người những ai đã tin vào Người và đã trung thành với thánh ý Người. Thiên Đàng là cộng đồng vinh phúc của tất cả những người đã được tháp nhập trọn vẹn vào Đức Kitô.

2795. Thuật ngữ “ở trên trời” hướng chúng ta đến mầu nhiệm Giao ước mà chúng ta đang sống, khi chúng ta cầu nguyện với Cha chúng ta. Ngài “ở trên trời”, đó là nơi Ngài ngự, là nhà của Cha, nên cũng là “quê hương” của ta. Tội lỗi đã khiến chúng ta bị lưu đày xa miền đất Giao ước[17], còn hối cải tâm hồn sẽ dẫn đưa chúng ta trở về cùng Cha “ở trên trời”[18]. Quả vậy, trời đất được giao hòa trong Đức Kitô[19], bởi vì chỉ có Chúa Con đã “từ trời xuống”, và chính Người đã dẫn đưa chúng ta lên trời với Người, nhờ thập giá, sự Phục sinh và Thăng thiên của Người[20].

Số 151, 1698, 2614, 2466: Tin vào Chúa Giêsu

151. Đối với Kitô hữu, tin vào Thiên Chúa không thể tách rời khỏi việc tin vào Đấng Ngài đã sai đến, tức là Con chí ái của Ngài, đẹp lòng Ngài mọi đàng[21]. Thiên Chúa đã dạy chúng ta phải nghe lời Con của Ngài[22]. Chính Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ Người: “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,l). Chúng ta có thể tin vào Chúa Giêsu Kitô, vì chính Người là Thiên Chúa, là Ngôi Lời nhập thể: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18). Bởi vì Người “đã thấy Chúa Cha” (Ga 6,46), nên chỉ một mình Người biết Chúa Cha và có thẩm quyền mạc khải Chúa Cha cho chúng ta[23].

1698. Điểm quy chiếu đầu tiên và tối thượng của việc dạy giáo lý như vậy sẽ luôn luôn là chính Chúa Giêsu Kitô, Đấng là “con đường, là sự thật, và là sự sống” (Ga 14,6). Khi nhìn ngắm Người bằng đức tin, các Kitô hữu có thể hy vọng chính Người sẽ thực hiện nơi họ những điều Người đã hứa, và khi yêu mến Người bằng tình yêu mà Người đã yêu mến họ, họ có thể thực hiện được những việc phù hợp với phẩm giá của mình:

“Tôi xin bạn hãy coi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Đầu thật của bạn và bạn là một trong các chi thể của Người…. Người đối với bạn cũng như đầu đối với các chi thể; mọi sự của Người, là của bạn: tinh thần, trái tim, thân thể, linh hồn và mọi khả năng của Người, … bạn phải sử dụng tất cả như của riêng bạn để phục vụ, ca ngợi, yêu mến và tôn vinh Thiên Chúa. Nhưng bạn thuộc về Người, như chi thể thuộc về đầu, vì vậy Người hết sức khao khát sử dụng tất cả các tài năng của bạn, như là của Người, để phục vụ và tôn vinh Cha Người”[24].

“Đối với tôi, sống là Đức Kitô” (Pl 1,21).

2614. Khi Chúa Giêsu ký thác cách công khai cho các môn đệ Người mầu nhiệm cầu nguyện với Chúa Cha, thì Người tỏ cho các ông kinh nguyện của các ông - và cũng là của chúng ta - phải thế nào, một khi Người sẽ trở về với Chúa Cha trong nhân tính đã được tôn vinh của Người. Vào lúc đó điều mới mẻ là “cầu xin nhân danh Người[25]. Lòng tin vào Người đưa các môn đệ đến chỗ biết Chúa Cha, vì Chúa Giêsu là “Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6). Lòng tin mang lại hoa trái trong lòng mến: đó là tuân giữ lời Người, các giới răn của Người, đó là cùng với Người ở lại trong Chúa Cha, Đấng yêu mến chúng ta trong Người, đến độ ở lại trong chúng ta. Trong Giao ước mới này, chúng ta xác tín rằng những lời cầu xin của chúng ta được đoái nhận, niềm xác tín đó dựa trên nền tảng là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu[26].

2466. Chân lý của Thiên Chúa được tỏ hiện cách trọn vẹn nơi Chúa Giêsu Kitô. Chính Người, Đấng tràn đầy ân sủng và chân lý[27], là “ánh sáng thế gian” (Ga 8,12). Chính Người là chân lý[28]. Mọi kẻ tin vào Người, thì không còn ở trong bóng tối[29]. Môn đệ của Chúa Giêsu ở trong lời Người, để nhận biết chân lý có sức giải thoát[30] và thánh hóa[31]. Bước theo Chúa Giêsu là sống bởi Thánh Thần chân lý[32], Đấng Chúa Cha sai đến nhân danh Người[33], và là Đấng sẽ dẫn đưa đến “sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13). Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải tuyệt đối yêu mến chân lý: “Trong lời nói của anh em, hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’” (Mt 5,37).

Số 1569-1571: Chức phó tế

1569. “Ở bậc thấp hơn của phẩm trật, có các phó tế, những người được đặt tay, không phải để lãnh nhận chức tư tế, nhưng là để phục vụ”[34]. Khi truyền chức phó tế, chỉ một mình Giám mục đặt tay; điều này cho thấy phó tế được liên kết đặc biệt với Giám mục trong các trách nhiệm “phục vụ”[35] của ngài.

1570. Các phó tế tham dự vào sứ vụ và ân sủng của Đức Kitô[36] một cách đặc biệt. Bí tích Truyền Chức Thánh ghi cho họ một ấn tín không thể tẩy xóa, và làm cho họ nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, Đấng trở thành “người phục vụ”, nghĩa là tôi tớ của mọi người[37]. Ngoài các nhiệm vụ khác, phần việc của các phó tế là phụ giúp Giám mục và các linh mục trong việc cử hành các mầu nhiệm thần linh, nhất là mầu nhiệm Thánh Thể, trao Mình Thánh Chúa, chứng kiến và chúc lành cho bí tích Hôn Phối, công bố và giảng Tin Mừng, chủ sự lễ nghi an táng và dấn thân vào các việc phục vụ bác ái[38].

1571. Sau Công đồng Vaticanô II, Giáo Hội La tinh tái lập chức phó tế “xét như một bậc riêng và vĩnh viễn của phẩm trật”[39], trong khi các Giáo Hội Đông phương vẫn duy trì chức vụ này từ xưa. Chức phó tế vĩnh viễn này, có thể được ban cho những người nam đã lập gia đình, làm phong phú cho Hội Thánh trong vấn đề sứ vụ. Quả vậy, thật là thích hợp và hữu ích, khi có những người chu toàn thừa tác vụ phó tế trong Hội Thánh cả trong đời sống phụng vụ và mục vụ cả trong các công tác xã hội và bác ái, “nhờ việc đặt tay đã được các Tông Đồ truyền lại, họ được nên vững mạnh và được kết hợp mật thiết hơn với bàn thánh, để chu toàn thừa tác vụ của mình một cách hữu hiệu hơn nhờ ân sủng bí tích của chức phó tế[40].

Số 782, 803, 1141, 1174, 1269, 1322: "Giống nòi được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả"

782. Dân Thiên Chúa có những đặc tính, phân biệt họ một cách rõ ràng với tất cả những tập thể trong lịch sử về tôn giáo, chủng tộc, chính trị hoặc văn hóa:

– Đây là dân của Thiên Chúa: Thiên Chúa không thuộc riêng một dân nào. Nhưng Ngài thủ đắc cho mình một dân từ những người trước kia không phải là một dân: “là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh” (1 Pr 2,9).

– Người ta trở nên phần tử của dân này, không nhờ sự sinh ra theo thể lý, nhưng nhờ sự sinh ra “bởi ơn trên”, “bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,3-5), nghĩa là, nhờ đức tin vào Đức Kitô và nhờ bí tích Rửa Tội.

– “Dân này có Đấng làm Đầu là Chúa Giêsu Kitô (Đấng Được Xức Dầu, Đấng Messia): bởi vì cùng một Sự Xức Dầu, là Chúa Thánh Thần, chảy từ Đầu vào Thân thể, nên đây là “Dân thuộc về Đấng Được Xức Dầu”.

– “Dân này có phẩm giá và sự tự do của các con cái Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần ngự trong trái tim của họ như trong một đền thờ”[41].

– “Dân này có Luật là giới răn mới của yêu thương như chính Đức Kitô đã yêu thương chúng ta”[42]. Đó là Luật “mới” của Chúa Thánh Thần[43].

– Sứ vụ của dân này là làm muối đất và ánh sáng thế gian[44]. “Dân này là hạt giống chắc chắn nhất mang lại sự hợp nhất, niềm hy vọng và ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại”[45].

– Cuối cùng, mục đích của dân này là “Nước Thiên Chúa, đã được chính Thiên Chúa khởi sự nơi trần thế và ngày càng lan rộng, cho đến khi được chính Ngài hoàn tất trong ngày tận thế”[46].

803. “Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa” (1 Pr 2,9).

1141. Cộng đoàn cử hành phụng vụ là cộng đoàn của những người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, “nhờ sự tái sinh và sự xức dầu bằng Chúa Thánh Thần, họ được thánh hiến để trở thành ngôi nhà thiêng liêng và hàng tư tế thánh, để dâng lên những của lễ thiêng liêng qua tất cả các công việc của Kitô hữu”[47]. “Chức tư tế cộng đồng” này là chức tư tế của Đức Kitô, vị Tư Tế duy nhất, mà tất cả các chi thể của Người đều được tham dự vào[48]:

“Mẹ Hội Thánh tha thiết ước mong mọi tín hữu đều được hướng dẫn tham dự các việc cử hành phụng vụ cách đầy đủ, ý thức và tích cực. Việc tham dự như vậy do chính bản chất phụng vụ đòi hỏi, và dân Kitô giáo, ‘là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa’ (1 Pr 2,9)[49], do bí tích Rửa Tội, có quyền lợi và nhiệm vụ trong việc tham dự như vậy”[50].

1174. Mầu nhiệm của Đức Kitô, cuộc Nhập Thể và Vượt Qua của Người, mà chúng ta cử hành trong bí tích Thánh Thể, đặc biệt nơi cộng đoàn quy tụ ngày Chúa nhật, thấm nhập và biến đổi thời gian của từng ngày nhờ việc cử hành các Giờ Kinh phụng vụ, còn gọi là kinh “Thần Vụ”[51]. Trung thành với những lời khuyên của các Tông Đồ là “hãy cầu nguyện không ngừng”[52], việc cử hành này “đã được thiết lập để suốt cả ngày đêm được thánh hiến bằng việc ca ngợi Thiên Chúa”[53]. Các Giờ Kinh phụng vụ là “kinh nguyện công khai của Hội Thánh”[54], trong đó các tín hữu (giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân) thực thi chức tư tế vương giả của những người đã lãnh bí tích Rửa Tội. Khi được cử hành “theo hình thức được Hội Thánh phê chuẩn”, các Giờ Kinh phụng vụ “thật sự là tiếng của chính Hiền Thê nói với Phu Quân; thậm chí còn là lời cầu nguyện của Đức Kitô cùng với Thân thể Người dâng lên Chúa Cha”[55].

1269. Người đã chịu Phép Rửa đã trở thành phần tử của Hội Thánh, họ không còn thuộc về mình nữa[56], nhưng thuộc về Đấng đã chết và đã sống lại vì chúng ta[57]. Từ nay, họ được mời gọi để phục tùng lẫn nhau[58] và phục vụ người khác[59] trong sự hiệp thông của Hội Thánh, được mời gọi “vâng lời và phục tùng” các vị lãnh đạo của Hội Thánh[60] với lòng kính trọng và quý mến[61]. Cũng như bí tích Rửa Tội là nguồn mạch của các trách nhiệm và bổn phận, người chịu Phép Rửa cũng được hưởng các quyền lợi trong lòng Hội Thánh: được lãnh nhận các bí tích, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và được nâng đỡ bằng các trợ giúp thiêng liêng khác của Hội Thánh[62].

1322. Bí tích Thánh Thể hoàn tất việc khai tâm Kitô giáo. Những người đã được nâng lên hàng tư tế vương giả nhờ bí tích Rửa Tội, và được nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô cách sâu xa hơn nhờ bí tích Thêm Sức, nay nhờ bí tích Thánh Thể được tham dự vào chính hy tế của Chúa cùng với toàn thể cộng đoàn.

 

Tag:

2023-05-07