Chúa nhật 5 Phục sinh năm C (Ga 13,31-33a.34-35)

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Chúa nhật 5 Phục sinh năm C (Ga 13,31-33a.34-35)

Chúa nhật 5 Phục sinh năm C (Ga 13,31-33a.34-35)

Thầy ban cho anh em một điều răn mới,
là anh em hãy yêu thương nhau.

Bài đọc 1: Cv 14,21b-27

Hai Tông Đồ tập họp Hội Thánh và kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với hai ông.

Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.

21b Hồi ấy, sau khi đã loan Tin Mừng cho thành Đéc-bê và nhận khá nhiều người làm môn đệ, ông Phao-lô và ông Ba-na-ba trở lại Lýt-ra, I-cô-ni-ô và An-ti-ô-khi-a. 22 Hai ông củng cố tinh thần các môn đệ, và khuyên nhủ họ giữ vững đức tin. Hai ông nói: “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa.” 23 Trong mỗi Hội Thánh, hai ông chỉ định cho họ những kỳ mục, và sau khi ăn chay cầu nguyện, hai ông phó thác những người đó cho Chúa, Đấng họ đã tin.

24 Hai ông đi qua miền Pi-xi-đi-a mà đến miền Pam-phy-li-a, 25 rao giảng lời Chúa tại Péc-ghê, rồi xuống Át-ta-li-a. 26 Từ đó hai ông vượt biển về An-ti-ô-khi-a, là nơi trước đây các ông đã được giao phó cho ân sủng của Thiên Chúa để làm công việc vừa mới hoàn thành.

27 Khi tới nơi, hai ông tập họp Hội Thánh và kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với hai ông, và việc Người đã mở cửa cho các dân ngoại đón nhận đức tin.

 

Đáp ca: Tv 144,8-9.10-11.12-13ab (Đ. x. c.1)

Đ.Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con,
xin chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời.

8Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương.
9Chúa nhân ái đối với mọi người,
tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.

Đ.Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con,
xin chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời.

10Lạy Chúa, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ,
kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài,
11nói lên rằng: triều đại Ngài vinh hiển,
xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng.

Đ.Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con,
xin chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời.

12Để nhân loại được tường những chiến công của Chúa,
và được biết triều đại Ngài rực rỡ vinh quang.
13abTriều đại Ngài: thiên niên vĩnh cửu,
vương quyền Ngài vạn đại trường tồn.

Đ.Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con,
xin chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời.

 

Bài đọc 2: Kh 21,1-5a

Thiên Chúa lau sạch nước mắt họ.

Bài trích sách Khải huyền của thánh Gio-an tông đồ.

1 Tôi là Gio-an, tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa. 2 Và tôi thấy Thành Thánh là Giê-ru-sa-lem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang. 3 Rồi tôi nghe từ phía ngai có tiếng hô to: “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ. 4 Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất.”

5a Đấng ngự trên ngai phán: “Này đây Ta đổi mới mọi sự.”

 

Tin mừng: Ga 13, 31-33a.34-35

31 Khi Giu-đa ra khỏi phòng tiệc ly, Đức Giê-su nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người.

32 Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.

33a “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi.

34 Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.

35 Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.”

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Giuđa ra đi để chuẩn bị một toan tính đen tối: phản Thầy, thì Ðức Giêsu lại phán: “Bây giờ con Người được tôn vinh”.

Tại sao Ðức Giêsu sắp bước vào con đường khổ nạn, thì Ngài lại cho là Ngài sắp được tôn vinh ? Ðức Giêsu sống vì yêu và chết cùng vì yêu, chết vì hạnh phúc cho tha nhân. Chính khi Ngài chết vì một lý tưởng, cái chết của Ngài có ý cao đẹp: Ðó là sự vinh hiển của Ngài.

Người môn đệ của Ðức Giêsu cũng phải sống như Thầy: Chỉ có yêu thương mới là dấu chỉ người môn đệ của Ðức Giêsu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết sống yêu thương như Chúa. Vì yêu nhân loại chúng con, Chúa đã phải chết để cứu chuộc chúng con. Cũng vậy, nếu chúng con muốn yêu như Chúa, chúng con phải từ bỏ chính mình. Chúng con phải quên đi tư lợi của mình. Chúng con biết quan tâm tới lợi ích của tha nhân. Chỉ khi nào chúng con sống được như vậy, chúng con mới xứng đáng là môn đệ của Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau”.

 

2. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

GIỚI LUẬT YÊU THƯƠNG

A. DẪN NHẬP

Yêu thương! Đây là một đề tài rất quen thuộc và rất phổ biến đối với thời đại chúng ta. Người ta hay thảo luận, quảng cáo, ca ngợi tình yêu dưới nhiều hình thức như tiểu thuyết, phim ảnh, truyền hình, báo chí… Nhưng thứ tình yêu mà người ta bàn đến là thứ tình yêu nào? Thật là hàm hồ không thể xác định được.

Tình yêu thương mà chúng ta bàn đến hôm nay là thứ tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa, một thứ tình yêu cao quý giúp cho con người vươn tới Thiên Chúa là tình yêu (x. 1Ga 4,8). Tình yêu này là cốt lõi trong đạo và đã trở thành giới luật: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi… Ngươi phải yêu mến tha nhân như chính mình” (Mt 22,37-39). Giới luật này đã được ghi trong sách Thứ luật và sách Lêvi…

Nếu giới răn yêu người đã có sẵn trong sách Lêvi, tại sao hôm nay Đức Giêsu lại còn đưa ra một giới răn mới về giới luật yêu thương: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13,34)?

Sở dĩ giới răn Đức Giêsu đưa ra được gọi là mới vì nội dung của nó phong phú hơn, và nó đã được đổi mới. Nó phong phú không tại chữ “yêu” mà tại chữ “như”. Như vậy là Ngài có ý nói: chúng ta phải yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương. Ngài đã làm thế nào chúng ta phải làm như vậy.

Hãy sống với nền văn minh tình thương mà Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhiều lần nói tới. Giới răn yêu thương của Đức Giêsu đòi hỏi chúng ta phải có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện. Thực ra, Đức Giêsu đã làm gương, đã thực hiện trước, chúng ta chỉ việc dấn bước theo gương Ngài. Đây là một việc khả thi, không vượt quá sức chúng ta. Với sự trợ lực của Chúa cùng với sự cố gắng của chúng ta, chúng ta sẽ thực hiện được, và qua đó, người ta sẽ nhận ra chúng ta là môn đệ của Ngài (x. Ga 13,35).

 

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Cv 14,20-26

Bài đọc này chấm dứt hành trình truyền giáo đầu tiên của thánh Phaolô và Barnabê. Trước khi ra đi, hai vị Tông đồ củng cố các giáo đoàn mới thành lập, khuyên nhủ họ giữ vững lòng tin trong cơn thử thách gian nan, nếu muốn cho Nước Chúa được mở rộng. Sau khi cắt đặt các chức việc phụ trách các cộng đoàn, hai vị trở về cộng đoàn đã sai mình đi, báo cáo thành quả của việc rao giảng.

+ Bài đọc 2: Kh 21,1-5

Đây là thị kiến cuối cùng của thánh Gioan. Bài này mở ra một thế giới mới và một trật tự mới các sự việc do Đức Giêsu bắt đầu. Điểm tới mà Thiên Chúa muốn đưa nhân loại về là “trời mới đất mới”, như bài Khải huyền trình bày một cách thần bí: đó là được sống mãi mãi với Thiên Chúa, trong niềm vui hạnh phúc vững bền. Chính niềm tin này nâng đỡ khích lệ các tín hữu, đặc biệt các nhà truyền giáo, trung kiên trong sứ mạng.

+ Bài Tin mừng: Ga 13,31-33a.34-35

Lời từ biệt của Đức Giêsu được diễn ra trong phòng tiệc ly, sau khi Giuđa đã ra đi vào đêm tối. Lời từ biệt nhắc tới giờ Ngài bị treo trên thập giá. Đức Giêsu cho biết, bằng cuộc tử nạn, Ngài làm vinh quang cho Thiên Chúa Cha, và ngược lại, Thiên Chúa Cha lại tôn vinh Ngài.

Ngài sẽ ra đi, và trong lúc chờ đợi Ngài trở lại, họ còn có anh em đồng loại để yêu thương, họ phải sống theo một giới răn mới. Giới răn yêu thương – và tiêu chuẩn của giới răn này là “Như Thầy đã yêu thương các con”. Thế gian sẽ biết rằng các Tông đồ là môn đệ của Đức Kitô bởi lòng trung tín của họ đối với giới răn này.

B. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Các con hãy yêu thương nhau

I. GIỚI LUẬT YÊU THƯƠNG

1. Trong Cựu ước

Phải chăng tình yêu đích thực phải bắt nguồn từ Thiên Chúa (1Ga 4,7)? Sách Khởi nguyên cho ta thấy nguồn gốc của tình yêu đích thực. Nguồn gốc ấy chính là Thiên Chúa, Đấng luôn sáng tạo và giải phóng để mọi vật hiện hữu theo kế hoạch yêu thương của Ngài. Từ ban đầu, Ngài đã dựng nên ánh sáng, mặt trăng giữa hoàn vũ, trong đó có trái đất với mọi thứ cây cỏ và súc vật. Những thứ ấy đều tốt nhưng Thiên Chúa không thể yêu thương chúng, vì yêu thương đòi phải có đáp trả. Vậy cuối cùng Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài… Ngài ban cho họ có tình yêu, có tự do. Đó là món quà quý giá Ngài ban cho con người.

Khi Thiên Chúa chọn Israel làm dân riêng của Ngài, Ngài đã ký kết với họ một giao ước qua trung gian ông Maisen, theo đó, họ phải tin theo, yêu mến, trung thành với Ngài, với lề luật của Ngài. Trong lề luật đó, ta thấy có hai khoản luật căn bản và quan trọng nhất, đó là: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu mến tha nhân như chính mình” (Mt 22,37-39; Mc 12,28-34; Lc 10,25-28).

2. Trong Tân ước

Đọc đoạn Tin mừng hôm nay, chúng ta liên tưởng đến lời cụ Phan Bội Châu viết trong “Lưu cầu huyết lệ tân thư” rằng: “Con chim sắp chết hót tiếng bi thương, con người sắp chết nói lời tâm huyết”.

Sau khi Giuđa ra đi vào đêm tối, chỉ còn lại Đức Giêsu và mười một môn đệ, trong bầu khí yêu thương và nhuốm màu bi ai, Ngài đã nói những lời tâm huyết trối lại cho các ông những lời cuối cùng: “Thầy truyền cho các con điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13,14).

Kitô giáo vừa là đạo mới vừa là đạo cũ. Cũ là vì đạo đã có từ thời tổ phụ Abraham. Mới là vì Đức Kitô đến đổi mới lại đạo cũ. Đấng Cứu Thế đến thiết lập một giao ước mới không phải phê chuẩn bằng máu chiên bò, nhưng bằng chính máu của Ngài đổ ra trên thập giá.

II. MỘT GIỚI RĂN MỚI

Khi Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy ban cho các con một điều răn mới” thì thực sự, đó không phải là điều răn mới theo nghĩa Đức Giêsu là người đầu tiên ban bố. Dân Chúa trong Cựu ước đã nghe biết về giới răn yêu thương. Và giới răn yêu thương đã được viết trong sách Lêvi: “Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình” (Lv 19,18). Vậy tại sao Đức Giêsu lại gọi giới răn yêu thương là giới răn mới?

Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy điểm mới mẻ mà Đức Giêsu muốn nói không nằm ở chữ “yêu”, vì Ngài đã từng nói: “Nếu các ngươi yêu những kẻ yêu mến các ngươi, thì các ngươi có công gì? Há những người thu thuế cũng không làm thế sao?(Mt 5,6), nhưng cái mới ở đây nằm ở chữ “như”, Đức Giêsu nói: “NHƯ Thầy đã yêu thương các con, các con cũng hãy yêu thương nhau”.

Yêu như Đức Giêsu đã yêu là một thứ tình yêu vô vị lợi, không đòi đáp trả như một thứ đổi chác: Có đi có lại mới toại lòng nhau. Tình yêu rộng mở cho hết mọi người, kể cả kẻ thù, như cảm nghiệm của thánh Phaolô trong thư gửi cho tín hữu Rôma: “Đức Kitô đã chết vì chúng ta ngay lúc chúng ta còn là tội nhân” (Rm 5,8b). Đức Kitô đã chết cho chúng ta ngay lúc chúng ta còn là tội nhân, nghĩa là ngay lúc chúng ta ở trong tình trạng thù địch với Thiên Chúa. Yêu như Đức Giêsu đã yêu còn là một tình yêu dám hy sinh tính mạng vì người yêu, chịu chết trên cây thập giá vì tội lỗi nhân loại.

Trở lại với bài Tin mừng hôm nay, chúng ta biết rằng trước khi ban cho các môn đệ giới răn mới này, thì trước đó, ngay trong bữa ăn cuối cùng với các môn đệ, Đức Giêsu đã lập Bí tích Thánh Thể để lại chính Mình và Máu Ngài làm của ăn nuôi linh hồn chúng ta. Kế đó, Ngài lại còn dùng chính Máu của mình để lập nên một giao ước mới thanh tẩy tội lỗi chúng ta. Mặc dù là thân vô tội, nhưng vì yêu thương chúng ta, Đức Giêsu đã chấp nhận trở nên con Chiên hiền lành bị đem đi sát tế vì tất cả tội lỗi chúng ta (x. Ga 1,29).

Tắt một lời, cái mới trong giới răn yêu thương của Đức Giêsu không nằm ở nguyên một chữ “yêu”, nhưng nằm ở chữ “như”. Yêu như Ngài đã yêu chúng ta, đó là một tình yêu dành cho hết mọi người, hoàn toàn vị tha, luôn hướng về người mình yêu, một tình yêu không tính toán hơn thiệt, tình yêu chỉ có cho đi mà không hề đòi đáp trả, một tình yêu không có giới hạn.

III. SỐNG YÊU THƯƠNG VÀ PHỤC VỤ

Thư Mục vụ của HĐGMVN năm 2006

Thư mục vụ năm 2006 chọn chủ đề “Sống đạo hôm nay” để mời gọi mọi người sống niềm tin bằng những hành động cụ thể, như thánh Giacôbê viết: “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17). Quả thực, đời sống đạo vừa cần gắn bó với Thiên Chúa, vừa phải đi đến với anh em, như Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể và nhập thế đã nêu gương cho chúng ta.

Chúng ta có thể nói được ý chính của bức thư mục vụ này được tóm gọn trong công thức “Yêu thương và phục vụ”. Thư mục vụ nói: “Con người mới theo gương Chúa Giêsu phải là con người ‘dấn thân phục vụ’”. Nếu việc phục vụ tha nhân có thể giúp cho người khác nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Kitô hữu, thì chính việc phục vụ đó cũng có thể giúp Kitô hữu cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa cách rõ nét hơn…

Như thế, dấn thân phục vụ con người là đòi hỏi tất yếu của đức tin Kitô giáo. Đời sống đạo luôn luôn phải được đặt trên nền tảng bác ái yêu thương, vì đây là điều răn quý trọng nhất (x. Mt 22,37-39) và là dấu hiệu rõ ràng nhất khẳng định chúng ta thuộc về Chúa Giêsu: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35) (Trích thư Mục vụ số 6).

2. Sống và yêu thương

Yêu thương vẫn là lẽ sống của con người. Ai mà không biết yêu thương? Nếu một người chẳng muốn yêu ai, và cũng không muốn ai yêu mình thì có thể kể như không phải là con người nữa. Nói thế chắc không quá đáng? Ta hãy xem từ một kỳ công cho đến một công việc bình thường thôi, có ai lại không làm do động lực yêu thương? Dù là vị kỷ, chỉ yêu chính mình đi nữa – chứ nếu tuyệt nhiên không yêu thương đến cả bản thân mình – thì hầu chắc là trạng thái của người tâm thần mà thôi.

Trong cuộc sống hằng ngày, theo nguyên tắc thì ai cũng phải yêu, nhưng chúng ta thấy người ta có thể ở một trong ba trạng thái này:

a) Không yêu thương và không được yêu thương, điều này xem ra giống hoả ngục trần gian.

b) Yêu thương nhưng không được yêu thương đáp lại, nhưng vẫn tốt hơn tình trạng trên.

c) Yêu thương và được yêu thương – đây là tình trạng được chúc lành mà Đức Giêsu đã vui hưởng: “Như Cha Thầy đã yêu mến Thầy, cũng thế Thầy đã yêu mến anh em”.

3. Yêu bằng tình yêu nào?

Ngày nay người ta nói nhiều đến tình yêu, nghiên cứu tình yêu, ca ngợi tình yêu, nhưng là thứ tình yêu nào? Eros hay Agapè? Tình yêu bản thân hay tình yêu kẻ khác? Theo từ ngữ Hy lạp ta thấy hai từ Eros và Agapè diễn tả hai thực tại yêu thương đối nghịch nhau:

a) EROS: là thứ tình yêu vị kỷ, chỉ biết thu vào, tìm mình trong người khác. Đó là tình yêu lợi dụng kẻ khác đến huỷ hoại họ. Viết về kinh nghiệm của mình ở tại tập trung Auschwitz, Elie Wiesel nói rằng người Đức đã nỗ lực làm cho các tù nhân quên hết người thân và bạn bè, mà chỉ nghĩ đến mình và chỉ nhắm đến các nhu cầu của mình hoặc họ phải chết. Điều đó khiến họ nói đến các nhu cầu ấy cả ngày lẫn đêm. Nhưng điều ngược lại đã xảy ra. Những người nào chỉ sống cho mình, ít có cơ may sống sót, trong khi người nào sống cho người thân, bạn hữu, anh em, một lý tưởng đã có cơ may tốt hơn để sống còn. Người ta sống nhờ những gì người ta cho đi (McCarthy)

Truyện: Chàng Narcisse cô đơn

Huyền thoại Hy lạp kể rằng Narcisse là một vị thần rất đẹp trai. Nàng tiên Echo (Tiếng vọng) yêu chàng nhưng bị chàng cự tuyệt, đã biến thành tượng đá. Một hôm Narcisse đi lang thang, tình cờ đến bên bờ một giếng nước, chàng nhìn thấy bóng mình trong lòng giếng và đâm ra ngây ngất say mê. Chàng cố sức nắm bắt cái bóng của mình, nhưng không cách gì bắt được, nên sinh ra buồn bã và chết, biến thành bông hoa thuỷ tiên bên bờ giếng.

Mỗi người chúng ta ít nhiều đều là anh chàng Narcisse đáng buồn ấy, bởi vì ai cũng yêu mình thái quá, ai cũng khoe rằng mình hay, mình giỏi, mình đẹp… Và ai cũng muốn mình là trung tâm vũ trụ, người khác sinh ra là để phục vụ mình, để cuối cùng nằm chết bên bờ giếng hư vô, chả biết có hoá thành hoa thuỷ tiên không.

b) AGAPE: là thứ tình yêu xả kỷ, vị tha, chỉ biết tìm hạnh phúc cho người khác. Đó là tình yêu sẵn sàng hy sinh cho kẻ khác, quên mình, quên hạnh phúc của mình để nghĩ đến người khác.

Tính ích kỷ làm cho chúng ta khép kín tâm hồn, nó hạn chế chúng ta. Nó dựng nên các rào cản, cả những bức tường giữa chúng ta và những người khác. Điều giải phóng chúng ta khỏi sự giam hãm ấy là mỗi tình cảm sâu sắc, quan trọng đối với những người khác. Trở nên bạn hữu, anh em và chị em, người yêu là những người sẽ mở cửa nhà tù. Tình yêu thương giải phóng chúng ta khỏi tù ngục các tính ích kỷ.

Truyện: Trở nên người cùi

Trong y học, người ta không nhớ những thầy thuốc làm giàu do nghề nghiệp, nhưng nhớ đến những người đã hy sinh mạng sống để chữa lành những đau đớn của con người.

Tại một hội nghị chuyên đề về bệnh cùi được tổ chức tại Cairô, thủ đô Ai cập, có một y sĩ trẻ người thành Alexandria được người ta để ý, anh chăm chú nghe các bài thuyết trình của các chuyên gia, nhưng có một điều lạ là anh ngồi tách rời với đám đông, trong một góc nhỏ. Không ai biết anh dùng bữa ở đâu. Anh cũng không giao thiệp với bất cứ thành viên nào trong hội nghị. Vào phiên họp cuối cùng anh lên tiếng. Khi anh tóm kết bài tham luận, một sự im lặng như chết bao trùm cả phòng họp: nhiều người bật tiếng khóc. Anh nói gì? Anh tuyên bố rằng anh đã tự nguyện để mình nhiễm bệnh cùi, để có thể tự anh quan sát diễn biến của cái bệnh kinh khủng này. Anh cho thấy những vết trắng và nâu ở cánh tay anh, một triệu chứng không thể chối cãi của sự nhiễm trùng, và rồi anh mô tả tất cả những gì anh đã cảm thấy, cùng hiệu quả của tất cả các thuốc anh đã dùng. Anh biết rằng anh không thể tránh được cái chết từ từ và đau đớn, nhưng anh sẵn sàng chịu đựng tất cả, để góp phần vào sự tiến bộ của khoa học, hầu đẩy lui những hiểm nguy cho các người mắc bệnh.

Trong mọi cuộc chiến tranh, vinh quang tuyệt đỉnh không thuộc về những người sống sót, mà thuộc về những người đã bỏ thây nơi chiến trường. Bài học đơn giản của lịch sử là những người chịu hy sinh lớn thì nhận được vinh quang cao cả. Nhân loại quên đi những người thành công, nhưng chẳng bao giờ quên ơn những người dám hy sinh. Họ bước đi trong các vết chân của Đức Kitô.

Yêu thương có đặc tính là trao ban, là cho đi, trao tặng ngay cả đến bản thân. Chính lúc cho đi mạng sống mình trên thập giá, tình yêu của Đức Giêsu mới thực sự lên ngôi, tình yêu ấy mới bắt đầu chiếm hữu tâm hồn nhân loại. Nói khác đi, yêu thương chính là hy sinh chia sẻ bất cứ điều gì mình có – Thế nên trong tình yêu thương chân thành thì chuyện hy sinh là tất nhiên (như trong nước thì tất nhiên phải có oxy và hydrô vậy), chứ nếu ngại ngùng, sợ phiền hà… thì chưa kể là tình yêu thương đích thực.

Truyện: Tôi đã cho đi tình yêu của mình

Một buổi tối nọ, trước khi ngôi sao âm nhạc nổi tiếng của Broadway, Mary Martin lên sân khấu trình bày vở nhạc kịch lừng danh South Pacific (vở nhạc kịch này đoạt giải hay nhất năm 1950). Người ta đưa cho Mary Martin một mảnh giấy của Oscar Hammerstein, tác giả của vở kịch này, hiện đang nằm trên giường bệnh, sắp chết. Không biết trong mảnh giấy viết gì, chỉ biết rằng sau buổi trình diễn hôm đó, người ta ùn ùn chạy ra hậu trường, khóc lóc, nói rằng: “Mary, điều gì đã xảy ra với cô tối nay vậy? Chúng tôi chưa bao giờ thấy cô diễn xuất như vậy cả”. Vừa chớp mắt đôi mắt ướt đẫm, Mary đọc bức thư ngắn ngủi của Oscar Hammerstein, nội dung:

Mary mến, một cái chuông không phải là chuông cho đến khi cô rung nó. Một bản nhạc không phải là bản nhạc cho đến khi cô hát nó. Tình yêu trong trái tim của cô đừng để nó nằm yên tại đó. Tình yêu không phải là tình yêu cho đến khi cô cho đi”.

Rồi cô ta nói: “Tối nay, tôi đã cho đi tình yêu của mình” (Internet).

Hôm nay Chúa dạy chúng ta một bài học cụ thể, nhưng vô cùng khó khăn, phức tạp, đó là một thách đố triền miên: phải thực hiện sự cho đi của mình, phải thể hiện một cách rõ ràng bằng hành động, phải làm cho thiên hạ thấy được sự yêu thương nhau trong cư xử, của những người anh em trong một thân thể duy nhất là Hội thánh, trước khi lan tỏa đến những người ngoài Giáo hội.

4. Sống với nền văn minh tình thương

Trong những năm gần đây, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng thường đề cập đến một nền văn minh tình thương. Thực vậy, con người chỉ được coi là văn minh khi biết bước ra khỏi sự man rợ của thú tính, khi biết sống yêu thương và nhìn nhận kẻ khác cũng là người như mình, bất chấp những khác biệt về chủng tộc, màu da, tôn giáo hay quan điểm chính trị. Xây dựng một nền văn minh dựa trên tình thương, đó là bổn phận cấp bách của người Kitô hữu hôm nay. Và đó cũng là ý muốn của Chúa Giêsu khi Ngài nói với chúng ta: “Thầy ban cho chúng con một điều răn mới, là các con hãy thương yêu nhau”.

Nếu không có tình yêu thương, người ta sẽ là gì? Những người không muốn yêu thương đều có đời sống nghèo nàn. Nhưng những người sống yêu thương có một đời sống phong phú và hiệu quả. William Blake nói: “Chúng ta đã được đặt vào trần gian ngắn ngủi để học toả sáng tình thương”. Giải thoát khỏi tính ích kỷ và có khả năng yêu thương người khác – đó là ý nghĩa của đời sống của chúng ta và của mọi người.

Khi kết thúc cuộc đời, nhìn lại, người ta chẳng thấy có gì quý giá cho bằng tình thương yêu. Con người chỉ thấy được hạnh phúc khi mình biết yêu và được yêu. Đây là một chứng từ: một bác sĩ, được ưu tiên chia sẻ những giây phút thâm sâu nhất của cuộc đời, nói rằng: con người đối diện với cái chết không còn nghĩ gì về mức độ họ đã thu được, hoặc họ nắm giữ những địa vị nào, hoặc đã tích trữ được bao nhiêu của cải. Vào lúc cuối cùng, điều thực sự quan trọng là bạn đã yêu thương ai và ai đã yêu thương bạn (McCarthy).

Yêu thương anh em là sống tinh túy của đạo. Có thể rằng trong vài đạo giáo có sự đọc kinh nhiều hơn đạo ta, như Hồi giáo với 5 lần kinh nguyện trong ngày hướng về La Mecca. Có thể có đạo giáo với sự hãm mình phạt xác, diệt dục nhiều hơn ta như Ấn độ giáo. Nhưng cái đặc điểm đạo thánh ta phải là tình yêu “nhờ dấu ấy, người ta mới biết chúng con là môn đệ Thầy”. Giáo hữu tiên khởi đã hiểu và đã thực thi bác ái đến độ mọi người chung quanh đều kêu lên: “Kìa xem họ thương yêu nhau”.

Nhìn vào dòng lịch sử, chúng ta thấy yêu thương nhau là một nét tiêu biểu của các tín hữu buổi sơ khai. Sách Công vụ Tông đồ cho thấy: họ coi mọi sự như là của chung. Họ đồng tâm nhất trí chuyên cần lui tới đền thờ cầu nguyện và bẻ bánh, cùng nhau chia sẻ của ăn nuôi thân.

Ông Tertullianô đã ghi nhận về cộng đoàn các Kitô hữu thời sơ khai như sau: “Dân chúng nhìn họ, tức các Kitô hữu, và nói về họ rằng: Hãy xem họ yêu thương nhau biết bao và sẵn sàng hiến mạng cho nhau chừng nào. Những người ở ngoài gọi họ là Kitô hữu, nhưng họ vẫn gọi nhau là anh em”. Đó là cộng đoàn Kitô sơ khai ở Giêrusalem.

Thánh Giêrônimô có kể lại câu chuyện về thánh Gioan tông đồ. Lúc vị Tông đồ đã về già, ngài vẫn không ngừng nhắc nhở các Kitô hữu trong cộng đoàn là hãy yêu thương nhau. Người ta phát chán vì thấy Ngài cứ nói mãi điều ấy, nên mới hỏi lý do. Ngài trả lời: “Bởi vì đó là điều răn của Chúa, chỉ cần giữ điều răn này là đủ”.

Điều duy nhất và cần thiết mà chúng ta phải làm trong ngày hôm nay: đó là khám phá lại năng lực của tình yêu, loại tình yêu mà Đức Giêsu đã truyền giảng. Tình yêu ấy nâng con người lên một thế giới cao hơn, mang lại cho họ niềm hy vọng mới.

Một người Ấn giáo đã nêu thắc mắc nho nhỏ sau đây với một thừa sai Kitô giáo: “Nếu Kitô hữu các ngài sống đúng như lời Kinh thánh của các ngài dạy (nghĩa là biết yêu thương như lời Kinh thánh dạy) thì chỉ trong vòng 5 năm thôi, các ngài sẽ chinh phục được cả Ấn độ”.

Thực hiện lời Chúa dạy chúng ta trong bài Tin mừng hôm nay: “Mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ của Thầy ở điểm này: là các con có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35), chúng ta hãy đem tình yêu vào trong cuộc sống, chính tình yêu sẽ làm cho mọi công việc của chúng ta, tuy tầm thường, nhưng sẽ loé sáng trước mặt thiên hạ để người ta nhận ra sự hiện diện của Chúa qua con người của chúng ta.

Truyện: Viên ngọc loé sáng

Có hai người bạn đi vào tham quan bên trong một tiệm bán đồ nữ trang. Khi đã chiêm ngắm nhiều viên đá quí, họ để ý và lấy làm lạ là có một viên ngọc sần sùi, không óng ánh bóng loáng như những viên ngọc khác. Vì thế, một người bạn lên tiếng bình phẩm: “Nếu viên đá này không có vẻ gì quý giá cả, tại làm sao người ta lại trưng bày nó ở đây”? Nghe vậy, người chủ tiệm kim hoàn bèn cầm lấy viên ngọc và nắm chặt trong lòng bàn tay mình. Một lát sau viên đá mờ đục không bóng loáng đó trở nên lấp lánh muôn màu sắc hết sức kỳ diệu. Thấy lạ, một người bạn hỏi ông chủ tiệm: “Làm sao mà kỳ lạ vậy?” Người chủ trả lời: “Đây là viên ngọc mắt mèo, được mệnh danh là viên đá thiện cảm, nghĩa là nó cần có đụng chạm với hơi nóng ấm của bàn tay, tức khắc nó sẽ phát ra những tia sáng óng ánh muôn màu sắc là thế” (Quê Ngọc).

 

3. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

 

Tag:

2022-05-15