Chúa nhật 6 Thường niên năm A (Mt 5,17-37)

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Chúa nhật 6 Thường niên năm A (Mt 5,17-37)

Chúa nhật 6 Thường niên năm A (Mt 5,17-37)

Anh em đã nghe luật dạy người xưa.
Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết.

Bài đọc 1: Hc 15,15-20

Đức Chúa không truyền cho ai ăn ở thất đức.

Bài trích sách Huấn ca.

15Nếu con muốn thì hãy giữ các điều răn
mà trung tín làm điều đẹp ý Đức Chúa.

16Trước mặt con, Người đã đặt lửa và nước,
con muốn gì, hãy đưa tay ra mà lấy.

17Trước mặt con người là cửa sinh cửa tử,
ai thích gì, sẽ được cái đó.

18Vì trí khôn ngoan của Đức Chúa thật lớn lao,
Người mạnh mẽ uy quyền và trông thấy tất cả.

19Người để mắt nhìn xem những ai kính sợ Người,
và biết rõ tất cả những gì người ta thực hiện.

20Người không truyền cho ai ăn ở thất đức,
cũng không cho phép ai phạm tội.


Đó là lời Chúa.

Đáp ca: Tv 118,1-2.4-5.17-18.33-34 (Đ. c.1b)

Đ.Hạnh phúc thay người noi theo luật pháp Chúa Trời.

1Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện,
biết noi theo luật pháp Chúa Trời.
2Hạnh phúc thay kẻ tuân hành ý Chúa,
hết lòng hết dạ kiếm tìm Người.

Đ.Hạnh phúc thay người noi theo luật pháp Chúa Trời.

4Vâng lạy Chúa, Ngài đã ban huấn lệnh,
truyền chúng con tuân giữ vẹn toàn.
5Ước mong sao con hằng vững bước
theo thánh chỉ Ngài ban.

Đ.Hạnh phúc thay người noi theo luật pháp Chúa Trời.

17Xin tỏ lòng nhân hậu cùng tôi tớ Chúa đây
để con được sống và tuân giữ lời Ngài.
18Xin mở mắt cho con nhìn thấy
luật pháp Ngài kỳ diệu biết bao.

Đ.Hạnh phúc thay người noi theo luật pháp Chúa Trời.

33Lạy Chúa, xin dạy con đường lối thánh chỉ,
con nguyện đi theo mãi đến cùng.
34Xin cho con được trí thông minh
để vâng theo luật Ngài và hết lòng tuân giữ.

Đ.Hạnh phúc thay người noi theo luật pháp Chúa Trời.

Bài đọc 2: 1 Cr 2,6-10

Lẽ khôn ngoan Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn đời, cho chúng ta được vinh hiển.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

6 Thưa anh em, điều chúng tôi giảng dạy cho các tín hữu trưởng thành là một lẽ khôn ngoan, nhưng không phải là lẽ khôn ngoan của thế gian, cũng không phải của các thủ lãnh thế gian này, là những kẻ sớm muộn gì cũng phải diệt vong. 7 Trái lại, chúng tôi giảng dạy lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa đã được giữ bí mật, lẽ khôn ngoan mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn đời, cho chúng ta được vinh hiển. 8 Lẽ khôn ngoan ấy, không một ai trong các thủ lãnh thế gian này đã được biết, vì nếu biết, họ đã chẳng đóng đinh Đức Chúa hiển vinh vào thập giá. 9 Nhưng, như đã chép: Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người.

10 Còn chúng ta, chúng ta đã được Thiên Chúa mặc khải cho, nhờ Thần Khí. Thật vậy, Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa.

Đó là lời Chúa.

 

 

Tin mừng: Mt 5,17-37 

17 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.

18 Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.

19 Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.

20 “Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

21 “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà.

22 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Bất cứ ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt.

23 Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, 24 thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.

25 Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục.

26 Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.

27 “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình.

28 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Bất cứ ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.

29 Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục.

30 Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục.

31 “Luật còn dạy rằng: Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị.

32 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, bất cứ ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình.

33 “Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa.

34 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa.

35 Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Đừng chỉ Giê-ru-sa-lem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả.

36 Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được.

37 Nhưng hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’; thêm thắt điều gì là do ác quỷ.”

Bài giảng Chúa nhật tuần 6 mùa Thường niên năm A (2020) | Linh mục Ignatiô Hồ Văn Xuân

Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Lề luật diễn tả ý Thiên Chúa, vì thế sống theo Luật là sống theo Chúa. Thế nhưng Luật Lệ cũng cần được kiện toàn theo hoàn cảnh theo thời gian. Ðức Giêsu tuyên bố rõ rằng: Ngài không phá đổ Luật Cựu Ước. Nhưng Ngài canh tân để bộ Luật sáng chói hơn. Luật Cựu Ước chỉ dừng lại hành động bên ngoài. Còn Luật Ðức Giêsu đòi hỏi đến tận nguồn gốc của hành động, nguyên nhân thúc đẩy hành động. Vì thế Luật Ðức Giêsu đòi hỏi khắt khe hơn và buộc người ta phải hoán cải tận căn rễ của sự tội.

Cầu nguyện: Lạy Cha, người đời thường nói: Lòng đầy thì miệng mới thốt ra. Xin Cha giúp chúng con mang đầy những tâm tình tốt, để lời nói, hành động của chúng con mang dấu chứng của một tâm hồn trong sáng. Qua con người của chúng con là biểu hiện hình ảnh sống động của một Thiên Chúa tình yêu. Xin Thánh Thần của Ðức Giêsu thánh hóa, và cầu bầu cho chúng con. Amen.

Ghi nhớ: “Người xưa đã bảo như thế, còn Ta, Ta bảo thật các con thế này”.

 

Suy niệm (Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ)

CÒN THẦY, THẦY BẢO ANH EM…

 

Người Do-thái coi trọng Luật Chúa đã ban cho ông Môsê,

từ núi thánh Xinai, giữa mây mù, khói lửa và sấm chớp (Xh 19,16-19).

Ông Môsê được Chúa sai làm người phát ngôn cho Ngài.

Ông có đủ thẩm quyền để giải thích Luật Chúa cho dân Ítraen,

vì ông là người đã lên núi gặp Chúa, đã nhận Luật chép trên bia đá,

và đã ở lại trên núi bốn mươi ngày đêm (Xh 24,18; Đnl 9,9).

 

Tuy nhiên, Đức Giêsu hẳn làm các môn đệ ngỡ ngàng

khi Ngài tuyên bố: Anh em đã nghe ông Môsê nói như thế này

với dân Ítraen ngày xưa, để giải thích cho họ về Luật Chúa.

Ngày nay, Thầy cho anh em một cách giải thích khác về Luật.

Hãy sống theo giáo huấn mới mẻ của Thầy.

Quả thật, Đức Giêsu có uy quyền hơn ông Môsê nhiều.

Môse chỉ là một thụ tạo gần gũi Thiên Chúa trong một thời gian,

Còn Đức Giêsu là Con Một luôn ở trong lòng Thiên Chúa Cha (Ga 1,18).

Vì thế Ngài biết rõ và truyền đạt trung thành ý muốn của Thiên Chúa.

 

Thầy không đến để bãi bỏ Luật mà Thiên Chúa đã ban qua ông Môsê,

Thầy đến để kiện toàn, và làm cho Luật ấy được nên trọn (Mt 5,17).

Đức Giêsu đã kiện toàn Luật Môsê bằng những đòi hỏi nội tâm.

Ngài không ngừng lại ở hành vi bên ngoài,

Ngài đòi chúng ta đi vào bên trong trái tim mình.

Không giết người bằng gươm dao, chưa đủ.

Còn cần tránh cả sự giận dữ vốn là cội rễ của tội sát nhân (1 Ga 3,15),

hơn nữa cần tránh cả những lời nói nhục mạ kẻ khác (Mt 5,21-23).

Không ngoại tình với vợ người khác, chưa đủ.

Còn cần tránh cả ngoại tình trong cái nhìn thèm muốn chiếm đoạt,

đó là thứ ngoại tình không ai biết, vì nằm tận trong tim (Mt 5,28).

 

Đức Giêsu còn đưa ra những đòi hỏi tận căn về việc giữ Luật.

Ngài đòi để lễ vật lại trước bàn thờ để đi làm hòa với anh em,

không phải với người anh em mà chính mình đang bất hòa,

nhưng với người anh em đang gây cho mình nhiều rắc rối.

Phải làm hòa trước đã, rồi mới dâng lễ sau (Mt 5,23-24).

Hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa đòi hiệp thông trước với anh em.

Bằng lối nói cường điệu, Đức Giêsu đòi người môn đệ

phải dứt khoát tránh dịp tội, tránh cớ làm cho mình sa ngã.

Thà bỏ đi một phần quý giá như mắt phải hay tay phải,

còn hơn là  toàn thân phải chịu hư mất đời đời (Mt 5,29-30).

Chúng ta không nên hiểu câu nói trên theo nghĩa đen,

nhưng lại không được quyền làm yếu đi sức mạnh của hình ảnh ấy.

 

Đức Giêsu đã dám đưa ra một giải thích khác với Môse về ly dị.

Ngài không coi ly dị là chuyện được phép.

Người đàn ông thời đó có nhiều tự do để ly dị vợ,

lắm khi chỉ vì một lý do cỏn con.

Ngài cho thấy mình biết rõ ý định ban đầu của Thiên Chúa (Mt 19,4),

nên Ngài cương quyết bảo vệ tính bất khả phân ly của hôn nhân.

 

Bài Giảng trên Núi của Đức Giêsu vẫn có tính thời sự,

vì chạm đến những vấn đề nóng bỏng ngày nay của chúng ta:

thù hận, giết người, ngoại tình, ly dị, thiếu trung thực…

Chỉ khi sống những giáo huấn của Đức Giêsu một cách nghiêm túc,

chúng ta mới giải quyết được những vấn đề lớn của thế giới.

Chỉ khi để cho tình yêu thấm vào mọi tương quan,

chúng ta mới thực sự là người mở lòng đón lấy Nước Trời.

 

 CẦU NGUYỆN

 

Lạy Chúa Giêsu,

Xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,

nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,

dễ thấy Chúa hiện diện

và hoạt động trong đời con.

 

Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,

xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,

khép kín và nghi ngờ.

 

Xin dạy con sự hiền hậu

để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.

 

Xin dạy con sự khiêm nhu

để con dám buông đời con cho Chúa.

 

Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,

vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,

hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau.

 

Suy niệm (Lm Nguyễn Vinh Sơn, SCJ.)

Câu chuyện

Một bà đạo đức áy náy vì một vài tật xấu bà đã cố gắng hết sức mà vẫn không chừa được.

Bà đến than thở với cha linh hướng. Ngài nói: “Con có để ý thấy không vào mùa đông lá sồi rụng nhiều, nhưng vẫn còn vài chiếc. Gió đông thổi mạnh cũng không làm chúng rụng xuống. Nhưng khi mùa xuân đến, chúng tự động rụng, nhường chỗ cho lá non nảy lộc. Vậy cái gì làm cho chúng rơi rụng ? Thưa đó là sự sống mới lưu chuyển trong thân cây. Với chúng ta cũng vậy, khi sự sống mới của Đức Kitô nảy nở trong đời sống, ta sẽ mau thăng tiến trên đường đạo đức”.

Suy niệm

Ngay từ thời xa xưa, Thiên Chúa đã ban cho con người luật pháp, phát triển và hoàn thiện dần trong lịch sử cứu độ.

Công trình hoàn thiện luật được theo một tiến trình phát triển được Chúa mạc khải sơ khởi phông nền với các tổ phụ đặc biệt là Môisê qua mười điều răn, được các ngôn sứ phát triển và được chính Con Thiên Chúa - Đức Giêsu Kitô hoàn thiện.

Thật thế, trong Đức Giêsu Kitô, Giáo huấn của Ngài làm nên luật Kitô giáo: Tân ước hoàn thành các Lề Luật đã được mặc khải sơ khởi mà ta gọi là Luật Do Thái giáo: Cựu ước. Tân ước là một chồi non làm sinh hoa kết trái nhưng được nuôi từ gốc và bằng nhựa của cây ô liu cũ tức “Cựu ước”, để làm cho cây sinh ra nhiều quả (x. Rm 11,17-24). Chính Đức Giêsu là Đấng đã được loan báo và chuẩn bị cả ngàn năm mong đợi của dân Do Thái khi chờ đón Đấng Cứu Thế, Đấng đến cứu họ được tự do và để kiện toàn Luật và lời các ngôn sứ đã loan báo trước làm hoàn thành toàn bộ Kinh Thánh với hai phần rõ rệt: Tân ước và Cựu ước.

Luật cũ cho ta ý niệm Do Thái là dân được tuyển chọn phải sống qua mười điều răn, là những hướng dẫn con người cách thức mến Chúa và yêu người bằng cách chỉ rõ thánh ý Chúa đối với thái độ và hành động trong đời sống thường nhật.

Các kinh sư và biệt phái giữ luật rất đúng, nhưng giữ “luật vì luật” và kiên định tới mức trở thành câu nệ hình thức cứng nhắc, khắt khe: Luật là cứu cánh. Cách sống của họ trong tư cách bậc thầy và mô phạm làm cho mọi người nghĩ rằng đức công chính chỉ gói gọn trong việc chu toàn Lề Luật: Tất cả vì luật. Chúa Giêsu lên án cách giữ luật hình thức, vì thế biệt phái và luật sĩ đã liệt Ngài vào hạng tội lỗi, khi cho rằng Ngài có thái độ coi thường, bất tuân luật thánh, cụ thể trong việc giữ ngày Sabát (x. Lc 6,8-11;13,14;14,1-6;6,1-2…). và các nghi thức thanh tẩy trước khi ăn (x. Lc 11,38). Họ cho rằng: Ngài muốn phá bỏ Lề Luật, nhưng Chúa Giêsu tuyên bố: “… đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môisê hoặc lời các ngôn sứ Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17).

Luật lệ tự nó tốt nhưng không hoàn hảo. Lề Luật luôn là phương tiện chứ không phải là cứu cánh, như Chúa Giêsu nhấn mạnh: “Ngày Sabát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabát” (Mc 2,27). Chúa Giêsu đến để kiện toàn thái độ và áp dụng tinh thần của luật là dẫn đến tình thương. Cho nên, Luật của Đức Kitô hoàn thiện và “trội hơn” Luật cũ, khi Đức Giêsu đề nghị không chỉ sống... theo Luật nhưng sống theo Luật với ân sủng và tình yêu. Chúa Giêsu mời gọi không dừng lại ở những việc làm vụ hình thức mà phải “công chính hơn” tới mức hoàn thiện “như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

Trong tinh thần luật vì con người như Chúa Giêsu nói: “Con người làm chủ ngày Sabát” (Lc 6,9), Chúa Giêsu tiến xa và hoàn thiện Luật, sự hoàn thiện đó đã thiết lập Luật mới, khi Ngài dạy hãy biến “ách nặng nề, nô lệ” của Luật cũ thành “sự tự do vui thỏa” trong Chúa Thánh Thần. Đừng câu nệ chỉ ở nơi chữ viết ràng buộc nhưng cảm nghiệm sâu xa từ trái tim mình chủ đích của Luật Chúa. Chúng ta thấy rõ minh họa đầu tiên qua “mối tương giao huynh đệ”: Thập giới truyền bảo “ngươi không được giết người' ? Còn Chúa Giêsu, đi đến cùng đích đòi hỏi của Lề Luật, khi tuyên bố rằng, việc không phạm tội sát nhân: chưa đủ, mà còn phải loại bỏ nỗi oán hận và giận hờn khỏi lòng mình nữa: “Các con hãy nghe người xưa dạy rằng: “Không được giết người… còn Ta, Ta bảo thật bất cứ ai phẫn nộ với anh chị em mình, thì sẽ bị phạt nơi tòa án…” (Mt 5,21-22). Thật thế, trong sự hoàn thiện của Luật, không chỉ giết người mới được coi là phạm Luật, phải ra toà mà ngay cả thái độ giận dữ, hay buông lời nhục mạ anh em, đã được coi là vi phạm Luật. Và có ý muốn ngoại tình là đã phạm tội ngoại tình trong tư tưởng rồi (x. Mt 5,27). Thậm chí chưa tích cực giải hòa với một người anh em đã gây căng thẳng, bất bình, cũng coi như là phạm Luật, không còn quyền dâng của lễ cho Thiên Chúa. Cho nên Chúa Giêsu nhấn mạnh: “Khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để lễ vật lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24). Chúa Giêsu đến để làm trọn Lề Luật trong tinh thần của luật yêu thương, có chiều kích nội tâm, để xoá bỏ những lối giải thích Lề Luật rắc rối bên ngoài làm cho con người trở nên vụ lợi và hình thức mà Chúa Giêsu đã kết án: “Khốn cho các ngươi giả hình, như má tô vôi, bên ngoài trắng trẻo mà bên trong thối tha” (Mt 23,13-36).

Chúa Giêsu hoàn thiện Luật khi không dừng lại, quanh quẩn ở luật pháp mà vượt qua luật, Ngài dẫn đưa nhân loại đi tới Tin Mừng đem hạnh phúc tình thương cho con người. Chính bài giảng bát phúc trình bày tính cách vĩnh cửu của luật pháp mà Ngài hoàn thiện.

Xin Chúa thổi tình yêu của Ngài vào trong cuộc sống chúng ta, để khi tuân giữ mọi giới răn Đạo Chúa, mọi giáo huấn của Giáo hội Chúa Kitô, chúng ta giữ Luật Chúa không chỉ vì sợ và tỏ lòng kính tôn, nhưng thực thi với tinh thần của tình yêu như thánh Âugustinô nhấn mạnh trọng tâm của Luật Chúa là tình yêu: “Hãy yêu mến Chúa rồi làm điều bạn muốn” (Ama et fac quod vis).

Ý lực sống

Yêu thương là chu toàn Lề Luật” (Rm 13,10).

Tag:

2023-02-12