Chúa nhật 7 Thường niên năm A (Mt 5,38-48)

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Chúa nhật 7 Thường niên năm A (Mt 5,38-48)

Chúa nhật 7 Thường niên năm A (Mt 5,38-48)

Hãy yêu kẻ thù.

Bài đọc 1: Lv 19,1-2.17-18

Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình.

Bài trích sách Lê-vi.

1 Đức Chúa phán với ông Mô-sê rằng: 2 “Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en và bảo chúng: Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh.

17 “Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó. 18 Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình. Ta là Đức Chúa.”

 

Đáp ca: Tv 102,1-2.3-4.8 và 10.12-13 (Đ. c.8a)

Đ.Chúa là Đấng từ bi nhân hậu.

1Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,
toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh!
2Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,
chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

Đ.Chúa là Đấng từ bi nhân hậu.

3Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi,
thương chữa lành các bệnh tật ngươi.
4Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt,
bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà.

Đ.Chúa là Đấng từ bi nhân hậu.

8Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương.
10Người không cứ tội ta mà xét xử,
không trả báo ta xứng với lỗi lầm.

Đ.Chúa là Đấng từ bi nhân hậu.

12Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm,
tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta.
13Như người cha chạnh lòng thương con cái,
Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn.

Đ.Chúa là Đấng từ bi nhân hậu.

 

Bài đọc 2: 1 Cr 3,16-23

Tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Ki-tô, và Đức Ki-tô lại thuộc về Thiên Chúa.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

16 Thưa anh em, nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? 17 Vậy ai phá huỷ Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy, chính là anh em.

18 Đừng ai tự lừa dối mình. Nếu trong anh em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật. 19 Vì sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa, như có lời chép rằng: Chúa bắt được kẻ khôn ngoan bằng chính mưu gian của chúng. 20 Lại có lời rằng: Tư tưởng kẻ khôn ngoan, Chúa đều biết cả: thật chỉ như cơn gió thoảng ngoài.

21 Vậy đừng ai dựa vào phàm nhân mà tự hào. Vì tất cả đều thuộc về anh em; 22 dù là Phao-lô, hay A-pô-lô, hay Kê-pha, dù cả thế gian này, sự sống, sự chết, hiện tại hay tương lai, tất cả đều thuộc về anh em, 23 mà anh em thuộc về Đức Ki-tô, và Đức Ki-tô lại thuộc về Thiên Chúa.

 

Tin mừng: Mt 5,38-48

38 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng.

39 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác; trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.

40 Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài.

41 Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm.

42 Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.

43 “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù.

44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.

45 Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.

46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?

47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?

48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”

 

Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Ghi nhớ: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện”.

 

Suy niệm (Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ)

HÃY NÊN HOÀN THIỆN

 

Năm 1893, lúc 24 tuổi, khi đang ở Nam Phi,

Gandhi đã quá đỗi vui mừng khi lần đầu đọc bài Tin Mừng hôm nay.

Ông ngây ngất vì vẻ đẹp nghệ thuật của những hình ảnh ở đó,

đến nỗi ông gọi Đức Giêsu là “Nghệ sĩ Tối cao”.

Đối với ông, Bài Giảng Trên Núi là tác phẩm tuyệt vời của Đức Giêsu,

chạm vào trái tim và bộ óc của ông, một người theo Ấn giáo,

và ảnh hưởng trên toàn bộ cuộc sống của ông cho đến khi nhắm mắt.

Có thể nói, từ Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe,

Gandhi đã rút ra con đường bất bạo động, bất kháng cự (Satyagraha).

Ông đã áp dụng lời Chúa vào việc giải phóng dân Ấn khỏi đế quốc Anh

mà không dùng đến chiến tranh, vũ lực, hận thù.

 

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu dạy ta thái độ đối với kẻ thù.

Ai trong chúng ta lại không có kẻ thù, kẻ ác làm hại mình.

Cả Đức Giêsu cũng có kẻ thù ghét Ngài trong thời gian Ngài rao giảng.

Luật “mắt đền mắt, răng đền răng” đã là một luật tiến bộ rồi,

vì nó giới hạn việc trả thù quá đáng, và bắt vòng xoáy trả thù dừng lại.

Nhưng Đức Giêsu đòi chúng ta vượt lên trên sự công bằng đó:

không móc mắt hay nhổ răng người đã làm như thế cho mình,

nghĩa là “không chống cự lại người ác” (Mt 5,39),

không lấy bạo lực để trừng phạt bạo lực.

Sau đó, qua ba thí dụ cụ thể rất gợi hình và dễ hiểu,

Đức Giêsu còn mời chúng ta đi xa hơn đến mức kinh ngạc.

Khi bị tát bằng mu bàn tay vào má phải,

chẳng những không được tát lại, mà còn đưa má trái ra.

Khi bị ai kiện để lấy áo trong, hãy cho nó cả áo ngoài.

Khi bị ai ép mang đồ đi một dặm, hãy đi với người ấy hai dặm.

Như thế chẳng những chúng ta không được chống cự hay trả đũa,

mà dường như còn cho phép kẻ thù lấn tới trong hành vi độc ác của họ.

Làm như thế phải chăng là tiếp tay cho sự ác gia tăng,

và làm cho ác nhân tha hồ tung hoành trên mặt đất ?

 

Nhiều tín hữu đã nghĩ như thế, và coi lời dạy của Đức Giêsu

không thể và không nên áp dụng trong cuộc sống hàng ngày.

Đúng là khi bị tát, và Đức Giêsu đã không đưa má kia ra (Ga 18,22-23),

nhưng thái độ của Ngài trong cuộc Khổ Nạn và Tử Nạn

cho thấy Ngài đã sống điều Ngài dạy: không chống cự kẻ đến bắt,

hiền hòa với Giuđa, tha thứ cầu nguyện cho kẻ giết mình.

Khi Ngài được phục sinh chiến thắng,

Ngài cũng không hiện ra để trả thù Philatô, Hêrôđê hay Cai-pha.

 

Thay vì nguyền rủa, ghét bỏ, oán hờn, tiêu diệt kẻ thù,

Đức Giêsu bảo chúng ta hãy yêu kẻ thù.

Như thế kẻ thù thành người yêu của tôi, vì được tôi chúc lành,

được tôi nhớ đến trong lời cầu nguyện, được tôi chào mỗi buổi sáng.

Trái tim của tôi không còn chỗ cho kẻ thù, chẳng ai là kẻ thù của tôi.

Trái tim tôi trở nên lớn như trái tim Thiên Chúa là Cha trên trời.

Trái tim Ngài có đủ chỗ cho kẻ xấu và kẻ bất lương,

Vì Ngài cho mặt trời soi chiếu và cho mưa rơi trên mọi người.

Đức Giêsu mời chúng ta vượt lên trên tình cảm yêu ghét tự nhiên,

của những người bình thường hay tầm thường.

Con cái của Cha trên trời thì phải “làm điều gì hơn thế” (Mt 5,47),

nghĩa là phải giống Cha trong cách cư xử với kẻ thù.

Đó là con đường trở nên hoàn thiện (Mt 5,48).

 

Thế giới chúng ta hôm nay bị tan nát bởi chiến tranh, hận thù,

giữa các quốc gia, sắc tộc, tôn giáo, màu da, gia đình, đảng phái…

Nhiều người thấy mình có bổn phận phải dùng điều ác để chống kẻ ác.

Có người nghĩ mình phải giết cho hết những kẻ sát nhân.

Chẳng những cần trả thù mà còn cần đánh phủ đầu nữa.

Tát người ta khi người ta chưa kịp tát mình.

Lời hôm nay của Đức Giêsu thường bị coi là viển vông, chủ bại.

Chẳng mấy ai tin rằng: chỉ lời này mới đem lại bình an cho thế giới,

 

Nếu có một lần chúng ta đem những lời này ra áp dụng.

Chỉ một lần thôi, chúng ta sẽ thấy sức mạnh vô biên của sự hiền hòa.

Phúc cho ai có trái tim hiền hòa như Giêsu (Mt 11,29).

Với sự hiền hòa của Giêsu trên thập giá, thế gian được bình an.

 

CẦU NGUYỆN

 

Lạy Chúa Giêsu,

Mỗi ngày con gặp bao chuyện bực mình.

Có những chuyện xảy ra làm con không vừa ý,

khiến ngày sống của con vắng bóng niềm vui.

 

Làm sao con có thể đón nhận mọi sự

với nụ cười bao dung,

và coi những trắc trở như chuyện bình thường của cuộc sống?

 

Làm sao con dám tin rằng

Chúa vẫn giúp con tìm thấy ý Chúa

qua những chuyện không vui, đòi con từ bỏ cái tôi,

qua những chuyện không may, làm con giật mình tỉnh ngộ?

 

Xin cho con bình an trước vấp váp của con,

Và nhẹ nhàng trước vấp váp của người khác. Amen.

 

Suy niệm (Lm Nguyễn Vinh Sơn, SCJ.)

Câu chuyện

Tổng thống Abraham Lincoln đã bị những người thân cận phê bình là tỏ ra quá lịch thiệp vui vẻ cả đến những kẻ thù chính trị đã từng lăng nhục ông. Nhưng ông thường trả lời họ như sau:

“Với thái độ thân thiện, tôi đã loại được kẻ thù và biến họ thành bạn của tôi. Các anh không thấy sao ?”.

Suy niệm

“Thiên Chúa là tình yêu”(1Ga 4,8.16). Ngài tỏ lộ trên dân Ngài đặc tính tình yêu và giáo dục dân Chúa cách tiệm tiến để đạt tới tình yêu thương tuyệt hảo như Cha trên trời. Dân Chúa trưởng thành từ từ và vươn đến sự toàn thiện. Để sự thù hận nơi con người được hòa giải bằng tình yêu qua sự tha thứ, quảng đại, yêu thương, nhờ vậy con người sẽ được bình an và vui sống trong sự hoàn thiện như Cha mà Chúa Giêsu đã mời gọi mọi người hãy trở nên như Ngài

Ban đầu Thiên Chúa tìm cách làm cho dân riêng biết vâng phục Lề Luật, biết vâng lời và Luật đã quy định cách rất tự nhiên trong cách hành xử người với người, cụ thể luật quy định: “Mắt thế mắt, răng đền răng” (Xh 21,24). Trong Cựu ước người ta còn cầu nguyện “chống lại” các kẻ thù của mình ví dụ như: “Lạy Chúa, ước chi Ngài tiêu diệt kẻ gian tà… Lạy Chúa, kẻ ghét Ngài, làm sao con không ghét ? Con ghét chúng, ghét cay, ghét đắng, chúng trở thành thù địch của chính con” (Tv 139,19-22; x. Tv 17,13; 28,4; 69,23-29…). Thủ bản Kinh Thánh ở Qumram có lệnh truyền này: “Ngươi sẽ ghét những đứa con của bóng tối”.

Đức Giêsu Kitô đến hoàn thiện Lề Luật, với cách hành xử yêu thương dứt khoát và hoàn hảo như Chúa Cha vượt lên trên sự yêu ghét thông thường. Ngài cho thấy tình yêu là trung tâm. Ngài giảng dạy và đã sống yêu thương để nêu gương cho chúng ta: Tha thứ cho kẻ ghét mình và làm ơn cho kẻ thù mình. Theo lối tự nhiên của con người cách hành xử đó xem ra không thể có đối với kẻ thù. Nhưng Chúa Giêsu mời gọi chúng ta biến nó thành cái có thể để nên hoàn thiện như Cha và chính Ngài đã sống nêu gương cho chúng ta khi tha thứ cho những kẻ giết mình, trên thập giá Ngài đã cầu nguyện thống thiết cho kẻ giết mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Trước đó, Ngài cũng dạy: “Anh em hãy làm ơn cho kẻ oán ghét mình, chúc lành cho kẻ nguyền rủa mình, cầu cho kẻ nhục mạ mình” (Lc 6,27-28). Lời mời gọi của Đấng đã yêu thương, tha thứ gửi đến mỗi người chúng ta hôm nay là hãy tha thứ để tôn vinh đỉnh cao của sự yêu thương, làm cử chỉ anh hùng, vượt lên trên tình cảm tự nhiên yêu bạn ghét thù, để bước cuộc sống nhân hậu và hoàn thiện như Cha mà Đức Kitô mời gọi: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Ðấng ngự trên trời” (Mt 5,44-45).

Quảng đại, tha thứ là đi bước trước trong tình yêu sẽ giúp cho chính bản thân của chúng ta được thư thái an bình và có nhiều bạn hữu như châm ngôn đã dạy: “Gieo tha thứ gặt bình an” và đạt tới sự hòa giải và được tha thứ mọi lỗi lầm như Đức Kitô dạy trong kinh Lạy Cha: Xin tha thứ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.

Con tim tha thứ - lòng khoan dung
Cuộc sống an bình - đỉnh yêu thương.

Ý lực sống

“Có nhiều cách thức để làm việc bố thí, để giúp ta lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa, nhưng không có cách nào cao cả hơn là cách chúng ta tha thứ thật lòng cho người anh em đã xúc phạm đến ta” (Thánh Âugustinô).

Tag:

2023-02-19