Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.
Bài đọc 1: Cv 10,34a.37-43
Chúng tôi đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại.
Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.
34a Bấy giờ, tại nhà ông Co-nê-li-ô ở Xê-da-rê, ông Phê-rô lên tiếng nói: 37 “Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Giu-đê, bắt đầu từ miền Ga-li-lê, sau phép rửa mà ông Gio-an rao giảng. 38 Quý vị biết rõ: Đức Giê-su xuất thân từ Na-da-rét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người. 39 Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do-thái và tại chính Giê-ru-sa-lem. Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. 40 Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, 41 không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại. 42 Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết. 43 Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội.”
Đáp ca: Tv 117,1-2.16ab và 17.22-23 (Đ. c.24)
Đ.Đây là ngày Chúa đã làm ra,
nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.
1Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Ít-ra-en hãy nói lên rằng:
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Đ.Đây là ngày Chúa đã làm ra,
nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.
16abTay hữu Chúa đã ra oai thần lực, tay hữu Chúa giơ cao.
Tôi không phải chết, nhưng tôi sẽ sống,
để loan báo những công việc Chúa làm.
Đ.Đây là ngày Chúa đã làm ra,
nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.
22Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ
lại trở nên đá tảng góc tường.
Đó chính là công trình của Chúa,
công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.
Đ.Đây là ngày Chúa đã làm ra,
nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.
Bài đọc 2: Cl 3,1-4
Anh em hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-lô-xê.
1 Thưa anh em, anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. 2 Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. 3 Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa. 4 Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang.
Ca tiếp liên
Nào tín hữu ca mừng hoan hỷ
Đức Ki-tô chiên lễ Vượt Qua
Chiên Con máu đổ chan hoà
cứu bầy chiên lạc chúng ta về đoàn.
Đức Ki-tô hoàn toàn vô tội
đã đứng ra môi giới giao hoà
tội nhân cùng với Chúa Cha
từ đây sum họp một nhà Cha con.
Sinh mệnh cùng tử vong ác chiến
cuộc giao tranh khai diễn diệu kỳ
Chúa sự sống đã chết đi
giờ đây hằng sống trị vì oai linh.
Ma-ri-a hỡi, xin thuật lại
trên đường đi đã thấy gì cô ?
Thấy mồ trống Đức Ki-tô
phục sinh vinh hiển thiên thu khải hoàn.
Thấy thiên sứ chứng nhân hiển hiện
y phục và khăn liệm xếp rời
Giê-su, hy vọng của tôi
sẽ đón các ngài tại xứ Ga-lin.
Chúng tôi vững niềm tin sắt đá
Đức Ki-tô thật đã phục sinh.
Tâu Vua chiến thắng hiển vinh
đoàn con xin Chúa dủ tình xót thương.
Tin mừng: Ga 20, 1-9
1 Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ.
2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”
3 Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ.
4 Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước.
5 Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào.
6 Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, 7 và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi.
8 Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.
9 Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sự chết và Phục Sinh của Ðức Giêsu đều nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Kinh Thánh đã tiên báo về Ngài. Ðức Giêsu chết để nhân loại chôn vùi tội lỗi cùng với cái chết của Ngài. Ðức Giêsu Phục Sinh để sự sống Thần Linh của Ðức Giêsu sống động trong tâm hồn mọi người. Ðức Giêsu Phục Sinh đã tái lập sự sống mới trên trần gian. Sự sống mới là sự sống chan hòa yêu thương. Vì tình yêu đã chiến thắng hận thù. Sự đen tối của màn đêm phải lui xa, nhường lại thế giới cho ánh bình minh tươi sáng. Khởi đầu một ngày mới, một trời mới đất mới xuất hiện. Trong niềm hân hoan chúng ta reo vui. Alleluia.
Cầu nguyện: Lạy Ðấng Phục Sinh, xin đem niềm vui đến trong tâm hồn chúng con. Chúa đã chết để đem sự sống mới cho chúng con. Xin đừng để chúng con mải mê ngủ vùi trong tội lỗi, nhưng biết vùng dậy để đón mừng Mặt Trời Công Chính tươi sáng chiếu rọi vào tâm hồn chúng con. Cùng với Ðức Giêsu Phục Sinh, chúng con reo vui cuộc chiến thắng khải hoàn. Amen. Alleluia.
Ghi nhớ: “Người phải sống lại từ cõi chết”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
LẤY HÒN ĐÁ ĐI
Giáo hội chính thống có một tục lệ hay về lễ Phục sinh. Sau các nghi lễ về Chúa nhật Phục sinh này, người ta làm phép trứng và chia cho mỗi người trong Giáo hội, để chỉ rằng: mọi người được chia sẻ phúc lành của ngày lễ trọng đại này. Rồi mọi người chúc mừng nhau và cùng nhau đập trái trứng. Khi trứng bể, người kêu lên: “Đức Kitô đã Phục sinh”. Những người khác đáp lại “Người đã sống lại thật”.
Đập bể trái trứng ám chỉ việc mở cửa mồ của Đức Kitô. Trái trứng chỉ sự sống mới. Trong trái trứng có chất liệu làm nên con gà nhỏ tí, mới mẻ. Sự sống mới đó tỏ hiện khi con gà con phá bể chui ra.
Việc đức Kitô ra khỏi mồ cũng tương tự, Đức Kitô đã chết thật trước khi sống lại. Trái trứng xem như chết, trước khi đem lại sự sống. Trái trứng nhắc chúng ta nấm mồ, trong đó đức Kitô được mai táng, còn gà con ra khỏi vỏ trứng nhắc chúng ta ra khỏi mồ. Chúng ta vui mừng ngày lễ Phục sinh, vì đức Giêsu đã sống lại từ cõi chết. Vì đã hứa cho chúng ta sống lại, một ngày kia từ cõi chết. Nhưng niềm vui của chúng ta còn lớn lao hơn khi ý thức rằng: Hôm nay chúng ta có thể ra khỏi mồ. Có nhiều loại mồ và nhiều cách sống lại. Mỗi người chúng ta có thể ra khỏi mồ hôm nay. Vì hôm nay mỗi người chúng ta có thể trở nên tốt hơn, cuộc sống khá hơn.
Trong bài Tin mừng hôm nay chúng ta đọc: “Hòn đá đã được lấy đi bằng quyền phép của Chúa, mồ Đức Kitô mở ra. Bằng quyền phép của Chúa hòn đá chôn vùi bạn và tôi có thể lấy đi.
Những hòn đá nặng chúng ta là gì ? Trước hết có những hòn đá ích kỷ, chỉ quan tâm tới lợi ích riêng mình. Đức Kitô sống lại sẽ giúp chúng ta lăn hòn đá đó ra, bằng cách vui vẻ thi hành những gì đẹp lòng Chúa và những gì hữu ích cho tha nhân.
Có hòn đá mê ăn, mê uống, nó đè nặng linh hồn và thề xác biết bao. Hòn đá lãnh đạm hoặc thiếu tình thương yêu, nó ngăn cản chúng ta làm ích cho tha nhân, trong ngày vinh hiển Chúa sống lại, khi chúng ta làm sống lại lịch sử tình thương Thiên Chúa đối với chúng ta. Chúng ta có thể đập bể lãnh đạm, tính lơ là với sức mạnh của Đấng cứu tinh phục sinh.
Hòn đá nào bạn cần lấy đi, để nhờ đó bạn ra khỏi mồ với đức Kitô, sáng láng, quyền năng. Có phải sự ô uế, tính không ngay thẳng. Sự lười biếng, sự kiêu kỳ, sự giận hờn, sự ghen tỵ. Với sự trợ giúp của đức Kitô, bạn hãy liệng nó đi. Và ngày lẽ phục sinh sẽ là một ngày hạnh phúc hơn cho bạn.
Lý do chính để chúng ta vui mừng hôm nay là đức Giêsu đã sống lại, là Người đã hứa cho chúng ta sống lại. Nhưng còn đó một niềm vui đặc biệt trong mỗi sự sống lại chúng ta nói tới trên đây.
Cầu nguyện:
Xin Cha trên trời “Đem lại cho chúng ta – tất cả chúng ta – Vinh quang phục sinh” như chúng ta sẽ cầu nguyện sau hiệp lễ: “Ba Ngôi cực thánh – Cha, Con và Thánh Thần – đang hiện diện trên bàn thờ này, sẵn sàng chia sẻ cho chúng ta hạnh phúc lăn được hòn đá đi, đó là hạnh phúc ngày phục sinh tôi chúc cho tất cả các bạn.
Xin Chúa chúc lành bạn.
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
A. DẪN NHẬP
Các bài đọc trong thánh lễ hôm nay đều nói đến việc Đức Giêsu sống lại. Thánh Phêrô đã loan báo cho quan bách quản Cornêliô về các sự việc đã xảy ra nơi Chúa: đi truyền giáo, chịu chết trên thập giá và sống lại vinh quang (Bđ1).
Thánh Gioan nói cho biết sự kiện ngôi mộ trống mà ngài đã tận mắt trông thấy là bằng chứng nói lên việc Chúa sống lại (Bài Tin mừng). Còn thánh Phaolô khuyên các tín hữu hãy tin vào Chúa sống lại, hãy hướng lòng về trời là quê hương thật và đừng để những đam mê trần tục chi phối làm hư hỏng con người (Bài đọc 2).
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1: Cv 10, 34.37-43
Viên quan bách quản Rôma, là người ngoại giáo, khi nghe biết về Chúa Giêsu, đã đến xin ông Phêrô làm phép rửa để được gia nhập cộng đoàn các tín hữu đầu tiên. Thánh Phêrô đã nhắc cho ông và gia đình ông niềm tin căn bản này: Đức Giêsu đã phục sinh. Đây là bài giảng đầu tiên mà Phêrô dạy dỗ cho những người tân tòng. Thánh kinh gọi bài giảng truyền giáo này là Keryma. Lược đồ của mỗi Kerygma thường là: a) Tóm tắt cuộc đời của Đức Giêsu ở trần thế. b) Cái chết của Ngài. c) Việc Ngài sống lại. d) Kêu gọi hãy tin vào Ngài để được ơn cứu độ.
Tin vào Chúa Kitô phục sinh là một điều kiện tiên quyết phải có, vì nếu Chúa không sống lại thì niềm tin của ta trở nên trống rỗng. Sự phục sinh của Chúa chính là trung tâm của lịch sử nhân loại, là nền tảng cho niềm tin Kitô giáo.
+ Bài đọc 2: Cl 3, 1-4
Trong bức thư gửi cho tín hữu Colossê, thánh Phaolô kêu gọi những ai đã nhờ phép rửa mà được tham dự vào mầu nhiệm Vượt qua, hãy sống một đời sống toả hương thánh thiện: “Hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3, 1-2).
Các tín hữu đã tin vào Chúa Phục sinh, nhưng chưa đủ, còn phải thể hiện niềm tin đó trong cuộc sống. Mặc dầu phải sống giữa những thay đổi của trần gian này, phải chịu vật chất chi phối, nhưng đừng để lòng mình ra nặng nề, hãy hướng lòng trí về trời là quê hương thật. Đức Kitô phục sinh đem đến cho chúng ta niềm hy vọng trong cuộc sống hiện tại để hướng về cuộc sống mai hậu.
Người tín hữu tìm được ý nghĩa thực của đời sống dưới ánh sáng phục sinh mà họ đang tiến về. Do đó, họ không được thoát ly khỏi cuộc sống đời này với nhiều nghĩa vụ, bao gian nan thử thách; tuy thế, họ đã tìm được ý nghĩa của cuộc sống trong sự kết hợp với Đức Kitô Phục sinh.
+ Bài Tin mừng: Ga 20, 1-9
Trong bài Tin mừng này, thánh Gioan nhắc đến Maria, người tội lỗi, mà Chúa đã trừ cho khỏi bảy quỷ. Bà rất yêu mến Chúa. Ngay sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần bà đã ra mộ viếng Chúa, nhưng thấy mộ trống. Bà tức tốc chạy về báo tin cho ông Phêrô và các Tông đồ biết: người ta đã lấy trộm xác Chúa. Ông Phêrô và Gioan đã ra mộ và thấy sự kiện ấy: ngôi mộ trống. Phêrô tỏ ra không hoảng hốt, ông bình tĩnh, xem ra ông đã tin Thầy mình phục sinh rồi.
Thực ra, sự kiện ngôi mộ trống chưa có thể xác quyết được sự kiện Chúa sống lại. Chúng ta còn phải nhờ Kinh thánh và với đức tin chân thật thì mới có thể tin Chúa đã sống lại. Chính người Do thái không tin vào sự kiện đó và cho rằng xác Đức Giêsu đã bị lấy trộm đi. Việc Chúa sống lại chỉ là tin vịt do các môn đệ dựng nên. Tuy thế, đối với ông Gioan thì không còn nghi ngờ gì nữa: “Ông đã thấy và ông đã tin” (Ga 20, 9).
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Thành công và thất bại
I. ĐỨC GIÊSU THÀNH CÔNG HAY THẤT BẠI?
Trong mùa chay, cách riêng trong tuần thánh vừa qua, tâm trí chúng ta luôn luôn bị căng thẳng, tâm hồn chúng ta luôn luôn bị xúc động và hồi hộp khi suy ngắm những biến chuyển nơi Chúa Giêsu trước đây trên hai ngàn năm, mà Giáo hội đã diễn lại một cách sống động khác nào sự việc đang xảy ra vậy:
Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem (Ga 12, 13) - Chúa từ giã các môn đệ (Mt 16, 45) - Chúa ăn bữa tối sau hết (Mc 14, 15) - Chúa rửa chân cho 12 Tông đồ (Ga 13, 50 - Chúa lập phép Thánh Thể (Lc 22, 17) - Chúa vào vườn Cây Dầu cầu nguyện (Lc 22, 42) - Chúa bị Giuđa tìm bắt (Lc 22, 48) - Chúa bị điệu đến dinh Philatô (Lc 23, 1) - Chúa chịu đánh đòn (Mt 26, 67) - Chúa chịu đội mão gai (Mt 27, 29) - Chúa bị nhạo báng (Mt 27, 30) - Chúa phải vác thánh giá nặng (Lc 23, 26) - Và sau cùng Chúa phải chịu đóng đinh vào thập giá (Lc 23, 33).
Tất cả những điều này đã làm lu mờ sự nghiệp của Chúa: nào làm bánh hoá ra nhiều – nào kẻ mù được sáng – kẻ điếc được nghe – kẻ câm được nói – kẻ què được đi – kẻ chết sống lại với những niềm tin Người là Đấng Cứu thế muôn dân đợi trông – là Con Thiên Chúa, tất cả đều tan đi như mây khói.
Nhưng ở đời có tan thì lại có hợp, có mưa rồi lại có nắng, và có thất bại rồi mới có thành công vì như người ta nói: “Thất bại là mẹ thành công”.
Nếu chỉ dừng lại ở đây thì Đức Giêsu đã thất bại hoàn toàn, bởi vì người ta thường nói: chết là hết, bao nhiêu sự nghiệp đều tiêu tan. Có biết bao nhiêu anh hùng cái thế, bao nhiêu bậc vĩ nhân trên thế giới đã làm được những công việc vĩ đại, nhưng rồi họ cũng đã ra đi, họ bị lãng quên cùng thời gian, hoạ chăng chỉ còn trong sử sách.
Nhưng đối với Đức Giêsu, Ngài đã thành công giữa những thất bại. Những thất bại Ngài phải chịu trong một thời gian càng làm cho thành công của Ngài thêm vinh quang. Đúng như văn hào Corneille đã nói: “Chiến đấu có gian nan, khải hoàn mới vinh quang”.
Nhìn vào cuộc tử nạn của Ngài, ta thấy Ngài thất bại hoàn toàn, bởi vì bao nhiêu sự nghiệp lẫy lừng Ngài đã làm trong ba năm truyền giáo đã bị tiêu tan. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Ngài sống lại như lời Ngài đã báo trước lúc còn sinh thời. Ngài đã sống lại, nên các sự nghiệp xem ra đã bị tiêu tan, ngày nay cũng được sống lại theo và muôn đời sẽ còn ghi nhớ những công việc ấy. Ngày nay, sau 2000 năm, hằng tỷ người vẫn còn nhắc đến những sự kiện ấy, nhất là trong Tuần thánh vừa qua.
II. THẤT BẠI VÀ THÀNH CÔNG TRONG ĐỜI THƯỜNG.
1. Suy nghĩ của người đời
Trong cuộc sống hằng ngày, không ai dám nói rằng mình chưa bao giờ gặp đau khổ, chưa bao giờ nếm mùi thất bại, chỉ có những kẻ không làm gì thì mới không thất bại. Thất bại và thành công luôn đi đôi với nhau, cũng như vinh với nhục là chị em với nhau, đã có vinh thì có nhục, như người ta nói:
Nước dưới sông có khi trong khi đục,
Trang anh hùng có khi nhục khi vinh (Tục ngữ)
Xưa nay biết bao người không thành công, chí không đạt được, là vì bỏ cuộc giữa đường, thất vọng tràn trề khi gặp hết tai nọ đến nạn kia. Người có chí phải bền gan gánh vác việc đời, bắt chước theo câu phương ngôn người Nhật: “Ngã xuống bảy lần, lần thứ tám đứng dậy” mà hành động thì mới mong thành đạt.
Ngày xưa, Hán Bái Công đánh với Hạng Vũ, trăm trận đều thua, vậy mà ông vẫn không hề thối chí, cho đến khi thắng trận cuối cùng thì thành được đế nghiệp. Lưu Bị đời Tam Quốc, lúc chưa gặp thời, lang thang ở trọ hết nơi này sang nơi khác, không mảnh đất dung thân, thất bại bao phen, nhiều lần suýt vong mạng, vậy mà vẫn bền gan chịu đựng cho đến ngày làm vua một cõi (Nguyễn Văn Y, Có chí thì nên, 1971, tr 24-25).
Muốn thành công phải chấp nhận thất bại vì như người ta thường nói: “Thất bại là mẹ thành công”. Đối với người hèn kém, thất bại là cơ hội làm cho họ nhụt chí, còn đối với người hùng, thất bại là dịp thúc đẩy họ tiến lên hơn.
Vì thế, René Bazin thuộc hàn lâm viện Pháp, có khuyên mọi người: “Đừng sợ thất bại. Lần thất bại thứ nhất cần phải có, vì nhờ đó mà ý chí ta thêm cứng cát. Lần thất bại thứ hai có thể có ích. Bị bại lần thứ ba mà anh vẫn đứng vững, thì anh thật là một người..., anh như chùm nho chín ở trên đá sỏi: Không có thứ nho nào ngọt hơn nữa”.
Hòn sỏi nào tròn trịa trơn láng mà chẳng phải chịu biết bao nhiêu sự cọ xát từ tháng năm này sang tháng năm khác. Con người muốn đạt được sự cao quý của tâm hồn, học hỏi được kinh nghiệm sống, không thể chưa từng va chạm tới trăm đau nghìn khổ. Xưa nay anh hùng hào kiệt, chí sĩ văn gia, những bậc tài hoa dường như đều trần ai như thế cả. Nếu mỗi lần gặp gian nguy, trở ngại mà lùi lại thì bao giờ mới đặt chân được đến đài vinh quang (Sđd trg 27).
Cũng trong tư tưởng ấy, Tổng thống Abraham Lincoln nói: “Điều mà tôi muốn hiểu trước hết, không phải là anh có thất bại không, mà là anh có biết chấp nhận sự thất bại của anh không”.
Ông Henry Ford cũng khuyên: “Một cuộc thất bại chỉ là cơ hội để thử lại lần thứ nhì với nhiều khôn ngoan hơn”.
2. Chuyển bại thành thắng
Trong cuộc sống thường ngày cũng như trong đời sống thiêng liêng, chúng ta đã có kinh nghiệm: không thiếu gì thành công, nhưng cũng chứa đầy thất bại. Có người vui sướng đón nhận những thành công và buồn rầu chấp nhận thất bại; nhưng cũng có những con người xứng đáng là con người: đón nhận thành công, nhưng cũng bình tĩnh và đôi khi vui lòng đón nhận thất bại. Đối với những con người này, họ coi thất bại chỉ là động lực khiến họ mạnh dạn tiến lên đến thành công. Thành thử, thất bại không còn gì là đáng sợ mà chỉ là cơ hội cho họ can đảm hơn.
Ai cũng đã có lần thành công mỹ mãn, nhưng cũng đã có lần gặp những thất bại chua cay. Thất bại cũng có ý nghĩa của nó. Có hai loại thất bại:
- Thất bại khách quan (hay thụ động, tiêu cực).
- Thất bại chủ quan (hay chủ động, tích cực).
Thất bại khách quan: đó là những thất bại không thể tránh được, vì nó vượt quá sức lực của con người. Đó là tình trạng bi đát, không còn cách nào tránh né và cũng không thể trỗi dậy được. Đối với những loại thất bại này, người ta chỉ thụ động chịu đựng ví dụ như bệnh tật, sa cơ thất thế, thua trận...
Thất bại chủ quan: đó là những thất bại có tính toán trước theo phương pháp: “Thả con tép, bắt con tôm” hay “Hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Người ta sẵn sàng chịu những thất bại nhỏ, để đạt tới những thành công lớn, hay ít ra chịu thất bại trước mắt để thành công trong tương lai. Như vậy, người ta không nhằm rước lấy thất bại những nhằm đón lấy thành công sau này.
- Chúng ta đã có kinh nghiệm trong thể thao: muốn nhảy xa, muốn nhảy cao, người ta phải lùi lại nhiều bước rồi mới tiến lên, mới nhảy cao, nhảy xa được. Những bước lùi đó chính là những bước tiến, vì không có nó thì không thể nhảy cao, nhảy xa được.
- Trong chiến trận cũng thế: đôi khi người ta phải giả vờ thua chạy tháo lui cho quân địch đuổi theo, khi quân địch lọt vào vòng vây, khi ấy người ta mới phản công, chiến thuật này rất nguy hiểm, đã bị lọt vào trong vòng vây, quân địch không còn cách nào tháo lui được nữa và chắc chắn người ta thành công.
- Trong cuộc sống hằng ngày, người ta cần phải hiểu phương cách “Tiến thoái”. Tiến là đi lên, thoái là đi xuống hoặc rút lui. Có một sự tương quan biện chứng giữa tiến và lùi. Tiến chưa hẳn đã thắng và lùi chưa hẳn đã thua. Trong cái lùi đã có cái thắng. Như trong thể thao và trận chiến, chúng ta đã nhận thấy phải có lùi thì mới tiến được, lùi là điều kiện phải có để tiến, lùi đây là lùi chiến thuật. Chúng ta thử xem câu nói này có đúng không? Mới đọc xem ra vô lý, nhưng nếu suy nghĩ kỹ thì câu nói ấy rất hay. Đây là một kiểu nói bắt người đọc phải động não mới tìm ra ý nghĩa của nó: “Một ngàn việc tiến, chín trăm chín mươi chín việc lùi, đó là TIẾN BỘ” (Henri Frédéric Amiel).
III. THẤT BẠI VÀ THÀNH CÔNG TRONG ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG
1. Chúa đã sống lại thật
Khi còn sinh thời, Đức Giêsu đã nhiều lần loan báo trước Ngài sẽ bị bắt, đánh đòn, giết chết và sau ba ngày thì sống lại. Sự kiện tiên tri Giona nằm trong bụng cá ba ngày và việc xây thành Giêrusalem trong ba ngày đã là những hình ảnh báo trước việc Đức Giêsu sống lại sau ba ngày đã chết. Trên dương gian này, những ai đã chết là chết luôn, chỉ có Đức Giêsu mới có thể dùng quyền năng của mình mà tự sống lại.
Đức Giêsu đã sống lại thế nào? Ai đã khám phá ra điều này? Cả bốn sách Tin mừng đều tường thuật về biến cố này, nhưng đều không cho biết Đức Giêsu đã sống lại thế nào. Vì thật sự, không ai có mặt để chứng kiến biến cố lịch sử quan trọng này. Nhưng có những nhân chứng đã thấy ngôi mộ trống, họ quả quyết xác Chúa không còn trong mộ, và sau đó Chúa đã hiện ra nhiều lần với họ, xác nhận Ngài đã sống lại, đồng thời dạy bảo họ nhiều điều. Đó là các Tông đồ và một số phụ nữ… những nhân chứng về sự sống lại của Đức Giêsu.
Như vậy, một điều chắc chắn: sự kiện Đức Giêsu phục sinh không thể minh chứng một cách rõ ràng như chúng ta minh chứng một biến cố, một sự kiện tự nhiên mà phải dùng đến đức tin. Cho nên, đối với chúng ta việc Chúa sống lại là vấn đề đức tin: phúc cho ai không thấy mà tin.
2. Phải sống theo niềm tin ấy
Trong mùa Phục sinh chúng ta vẫn đọc đi đọc lại câu: “Người đã sống lại thật như lời đã phán hứa”. Chúng ta tin thật Đức Giêsu đã sống lại như lời minh chứng của Thánh kinh, chúng ta hân hoan ca mừng việc Chúa sống lại, vì Ngài đã chết để tiêu diệt sự chết và đã sống lại để phục hồi sự sống cho chúng ta. Chúng ta tin chắc như vậy!
Nhưng tin như thế vẫn chưa đủ, còn phải thể hiện niềm tin ấy ra trong cuộc sống hằng ngày. Phải theo gương Đức Giêsu mà chết đi để rồi mới sống lại được. Phần thưởng của chúng ta chỉ có được sau khi đã trải qua mọi thử thách trong cuộc sống ở trần gian này: Per crucem ad lucem!
a) Có những nghịch lý phải chấp nhận
Chúng ta đã có một gương sáng lạn của Đức Giêsu: Người đã chịu chết để chuộc tội cho nhân loại. Trước mặt người đời, người ta cho là Đức Giêsu đã thất bại hoàn toàn, vì chết là một thất bại, mọi sự nghiệp đã tan thành mây khói. Nếu chết là hết mà không có sự sống lại thì Đức Giêsu bị thất bại hoàn toàn, nhưng sau cái chết đã có sự sống lại. Người đã dùng sự chết để đánh tan cái chết và sống lại để phục hồi sự sống lại cho chúng ta. Vậy Ngài đã chuyển bại thành thắng, đã thành công trong thất bại.
Trong cuộc sống của chúng ta cũng thế, chúng ta phải chấp nhận hy sinh, phải lột bỏ con người cũ đầy tội lỗi, để mặc lấy con người mới thánh thiện. Chúng ta có chết đi cho tội lỗi thì mới hy vọng được sống lại vinh quang, như lời Chúa Giêsu đã nói: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24).
Như vậy, chúng ta phải đón nhận những thất bại đời này để chuẩn bị cho đời sau. Đây chỉ là thất bại chiến thuật vì trong thất bại đã có chiến thắng. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thấy có những nghịch lý. Nghịch lý là điều thoạt xem có vẻ phi lý, nhưng khi suy nghĩ kỹ thì thấy rất hợp lý. Chúng ta thấy có nghịch lý giữa “mất” và “được” hay giữa “bị” và “được”. Theo khuynh hướng tự nhiên thì ai cũng muốn “được” và sợ “mất”, muốn “sống” hơn là “chết”. Nhưng nghịch lý thay! Nhiều khi vì “được” mà phải “mất”. Ví dụ: bạn muốn cho có một mùa bội thu thì hạt giống phải “bị” mục nát ra thì mới có thể “được” một mùa bội thu, nếu không “bị” thì cũng chẳng có “được”.
Hay một ví dụ khác: trong một vụ tranh cãi bạn cố gắng dùng đủ mọi mưu mô để tranh cãi cho bằng được, kết quả là bạn thắng trong vụ cãi nhưng mất tình nghĩa bạn bè hay người thân; trái lại, nhiều khi “mất” mà lại “được”. Ví dụ: thánh Anphongsô là một luật sư nổi tiếng. Một lần kia ngài biện hộ cho một vụ kiện lớn, ngài bị thua. Thất bại ê chề hôm đó đã giúp cho ngài nhận thức rằng danh vọng thế gian chỉ là giả trá, ngài đi tìm một lẽ sống khác và trở thành một vị thánh lập dòng (Cf Lm. Carôlô). Chúng ta cũng thấy có một nghịch lý nữa giữa “sống” và chết”. Chết và sống không phải là hai điều luôn đối nghịch nhau, nhiều khi chúng liên kết hỗ trợ nhau: sự chết nuôi sự sống và sự sống sống được là nhờ sự chết. Ví dụ: con vật phải chết đi mới có thịt nuôi sống con người, hay cây nến sáp phải chảy ra và bị đốt thì ánh sáng mới bùng lên soi sáng cho con người.
Đối với cái chết của Chúa trên thập giá cũng vậy. Đức Giêsu chính là Đấng mà con rắn đồng trong sa mạc là hình ảnh loan báo trước: “Khi các ông đưa Con người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai”. Như thế việc Đức Giêsu chết trên thập giá không phải là một thất bại mà là một chiến thắng. Ngài không “bị” mà “được” đưa lên cao, để trở thành nguồn ơn cứu độ cho những ai tin tưởng nhìn lên Ngài.
Vì thế, chính khi Chúa “bị” giết chết trên thập giá là lúc Ngài “được” tôn vinh và là nguồn ơn cứu độ cho nhiều người. Khi chúng ta “bị” đau khổ, nhưng biết nhìn lên thập giá Đức Giêsu là lúc chúng ta “được” cứu độ. Nhìn ngược lại ngày xưa, khi nguyên tổ loài người tưởng mình “được” bằng Thiên Chúa, thì lại “bị” đuổi ra khỏi vườn địa đàng.
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta hãy nghiền ngẫm câu nói của Đức Giêsu: “Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12, 25). Như vậy, chúng ta thấy rõ tương quan giữa cái “mất” và cái “còn”.
Truyện gợi ý: Phải biết tan biến đi
Nếu Đức Giêsu là người Ả rập, thì thay vì hình ảnh của hạt lúa được gieo vào lòng đất, có lẽ Ngài sẽ kể câu truyện ngụ ngôn sau đây: Một dòng suối mát rơi từ ngọn núi, chảy qua một đồng bằng cho đến khi chạm đến một sa mạc. Tại đây, nó chợt nhận ra nước của mình bắt đầu bốc hơi và khô dần. Dù vậy, dòng nước vẫn quyết tâm băng qua sa mạc. Nó nghe có tiếng thì thầm:
- Nếu ngươi muốn, ngươi có thể băng qua sa mạc được, bởi vì gió vẫn làm được điều đó. / Dòng suối giận dữ:
- Nhưng ta có phải là gió đâu? / Nó thấy gợi ý của tiếng thì thầm là điều ngu xuẩn, tiếng nói vẫn tỏ ra kiên nhẫn:
- Gió sẽ mang ngươi đi. Dĩ nhiên với điều kiện là ngươi phải tan biến đi trong gió.
Dòng suối suy nghĩ miên man về ý nghĩa này: nó vẫn chưa hiểu được tại sao nó phải tan biến đi, phải chăng nó phải đánh mất chính mình? Điều gì bảo đảm được rằng khi băng qua hết sa mạc, nó sẽ tìm lại được bản thân một cách nguyên vẹn? Đọc được ý nghĩ của nó, gió mới lên tiếng:
- Ngươi chỉ cần tin tưởng nơi ta, không còn cách nào khác nữa đâu. / Dòng suối vẫn tiếp tục giữ giọng kiêu hãnh:
- Đồng ý, nhưng ta không thể chấp nhận tan biến được. / Tiếng nói thì thầm giải thích:
- Ngươi không thể băng qua sa mạc mà vẫn giữ nguyên hình nguyên trạng được. Làm thế ngươi chẳng khác nào một con rắn xấu xí, nhưng nếu ngươi để cho gió mang ngươi đi xuyên qua sa mạc, thì bên kia sa mạc, ngươi sẽ hiện nguyên hình là một dòng suối xinh đẹp. / Dòng suối thắc mắc:
- Vẫn một dòng suối như cũ ư? / Giọng nói giải thích:
- Dĩ nhiên, ngươi sẽ tìm gặp lại bản thân, tóm lại nếu ngươi cứ chần chừ đứng ở đây, ngươi cũng sẽ đánh mất chính mình ngươi mà thôi.
Thế là dòng suối chấp nhận biến thành hơi nước và để cho gió mang đi. Nó cùng với gió băng qua sa mạc. Và khi cả hai đến đầu ngọn núi bên kia sa mạc, gió để cho nó rơi từ từ như mưa. Không mấy chốc, dòng suối gặp lại chính nó, đẹp hơn, trong suốt hơn (R. Veritas, Mạch nước trường sinh, tr 96-97).
Hạt lúa có được gieo vào lòng đất để thối đi mới có thể sinh hoa kết quả. Dòng suối có chấp nhận tan biến trong gió mới có thể gặp lại bản thân. Đây là định luật của cuộc sống thiêng liêng mà Đức Giêsu đã vạch ra cho chúng ta. Đây là con đường siêu thoát, con đường chiến đấu, ai muốn được sự sống đời đời không thể đi theo con đường nào khác.
b) Chiến đấu không lùi bước
Đức Giêsu đã chỉ đường dẫn lối cho chúng ta tiến tới cuộc sống đời đời. Con đường ấy là con đường khổ giá. Con đường từ bỏ, con đường siêu thoát chính mình vì Chúa đã phán: “Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo”. Đấy là con đường một chiều, ai đã theo thì chỉ có tiến chứ không có lùi, như thế mới xứng đáng làm môn đệ của Chúa: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc 9, 62)
Thập giá của Chúa trao không nặng lắm, luôn vừa sức ta, nhưng đòi hỏi ta phải kiên trì vác hằng ngày, vì sự khốn khó ngày nào đủ cho ngày ấy. Hãy bắt tay vào việc ngay, đừng chần chừ, đừng để công việc hôm nay sang ngày hôm sau. Về vấn đề này, ta hãy nghe John Newton nói:
“Những khổ sở mà đời chúng ta phải chịu cũng giống như một bó củi rất to và rất nặng. Chắc chắn chúng ta không vác nổi. Nhưng Thiên Chúa đã thương tháo dây bó củi đó ra, rồi chia nó ra để mỗi ngày chỉ chất lên vai ta một khúc thôi. Hôm sau một khúc nữa, và hôm sau tiếp tục… Cuối cùng ta cũng vác xong hết bó củi. Nhiều người lại không làm như thế: chẳng những họ chất lên vai khúc củi của hôm nay, mà còn thêm vào đó khúc củi của hôm qua và khúc củi của ngày mai. Lạ gì họ không vác nổi”.
Hãy tin tưởng cất bước, quyết không lùi trước những khó khăn. Phần thưởng chỉ dành cho những ai chiến đấu và kiên trì cho đến cùng. Hãy tin tưởng vào Chúa, Đấng đã trải qua mọi khó khăn sẽ giúp đỡ chúng ta vượt qua mọi thử thách. Trong cuộc chiến này, chúng ta chỉ biết tiến chứ không biết lùi.
Truyện: Quên bài kèn rút lui
Trong một trận giao tranh ác liệt giữa quân của Napoléon và quân địch, trận chiến càng về khuya càng ác liệt và phần thắng dần dần nghiêng về phía địch. Quân của Napoléon chết rất nhiều, hàng ngũ rối loạn, mặc dầu cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp tục nhưng rời rạc. Nhìn rõ thế trận, Napoléon biết phải làm gì, vua gọi tên lính thổi kèn lại gần và ra lệnh: “Hãy thổi kèn lui binh, vì quân ta chết quá nhiều”.
Tên lính trẻ được lệnh, nhảy tót lên ngựa, phi nhanh ra giữa trận, và đưa kèn lên thổi hồi kèn thúc trận một cách mạnh mẽ. Quân của Napoléon đang mệt mỏi và thất vọng, nghe tiếng kèn thúc quân, tưởng có viện binh tới giúp, chồm dậy phản công kịch liệt. Kèn cứ thổi, đám tàn quân vươn mình lên vừa đánh vừa la hét. Kết quả thế trận thay đổi: quân của Napoléon toàn thắng bất ngờ. Tuy nhiên, hoàng đế Napoléon sai bắt tên lính kèn kia lại, và khiển trách y rất nặng nề về tội bất tuân thượng lệnh. Anh lính bình tĩnh tâu: “Muôn tâu đức vua, từ khi được theo bước chân ngài trong binh lửa, và chiến đấu trăm trận đều trăm thắng cho nên hạ thần đã quên hẳn bài kèn rút lui rồi”.
Muốn có chiến thắng thì phải chiến đấu. Chiến đấu càng cam go, chiến thắng càng vinh quang. Không có thành công nào mà không đòi cố gắng. Thành công của chúng ta là biết lắng nghe và thi hành thánh ý Chúa. Để giúp chúng ta biết cách kiên trì sống theo thánh ý Chúa với niềm tin tưởng trong gian truân, chúng ta hãy đọc đoạn thư của thánh Phaolô tông đồ gửi cho tín hữu Do thái sau đây:
“Anh em đã quên lời khuyên nhủ được nói với anh em như với những người con: Con ơi, đừng coi nhẹ Lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách. Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt. Anh em hãy kiên trì cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy? Nếu anh em không được sửa dạy như tất cả mọi người, thì khi đó anh em là con ngoại hôn, chứ không phải là con chính thức. Vả lại, chúng ta có cha trần thế sửa dạy mà chúng ta vẫn tôn kính, thì chúng ta lại càng phải tùng phục Cha trên trời để được sống. Cha trần thế sửa dạy chúng ta trong một thời gian ngắn, và theo sở thích của mình; còn Thiên Chúa sửa dạy là vì lợi ích của chúng ta”.
4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
NGƯỜI ĐÃ TRỖI DẬY RỒI
Các phụ nữ là những chứng nhân đầu tiên
về biến cố Chúa phục sinh được kể trong các Phúc âm.
Đơn giản vì họ là những người đầu tiên ra thăm mộ.
Vào buổi sáng tinh mơ của ngày thứ nhất trong tuần,
các bà vội vã ra mộ, đem theo hương liệu xức xác Chúa.
Họ không biết ai sẽ giúp mình cất tảng đá che cửa mộ,
nhưng khi đến nơi họ thấy tảng đá đã lăn sang một bên.
Vào trong mộ, họ không thấy xác Thầy nằm đó.
Các bà nhớ rất rõ ngôi mộ này, nó còn mới nguyên.
Cách đây mấy ngày, họ đã chứng kiến việc mai táng,
đã để ý nhìn ngôi mộ, và biết rõ chỗ đặt xác Thầy (Lc 23,55).
Bây giờ xác Thầy không còn đó khiến họ hoang mang.
Bao câu hỏi được đặt ra mà không có câu trả lời.
Ai đã lấy xác Thầy? Làm sao tìm lại được?
Điều duy nhất họ quan tâm là thân xác đã chết của Thầy.
Họ ra mộ chỉ để tỏ lòng tôn kính thân xác đó,
thân xác mà họ đã có tương quan thiết thân.
Người ta đã lấy đi mạng sống của Thầy,
nhưng thân xác là điều thiêng liêng bất khả xâm phạm.
Không thể nào chấp nhận được chuyện mất xác Thầy.
Có hai vị mặc y phục chói sáng đứng trong mộ
khiến họ khiếp sợ, cúi mặt xuống đất, chẳng dám nhìn.
Hai vị này sẽ mở đầu bằng một lời trách móc:
“Tại sao các bà lại tìm Đấng đang sống ở nơi người chết?”
Tại sao các bà lại đi tìm xác Thầy ở nơi mộ phần,
là nơi ở của những người đã khuất.
Rồi hai vị loan báo Tin Mừng cho các bà:
“Thầy của các bà không ở đây, nhưng đã được phục sinh.”
Thầy của các bà đang ở trong thế giới của người sống.
Không ai vui hơn các bà khi nghe Tin Mừng này.
Khổ đau vì mất mát lại trở thành niềm vui chứa chan.
Xác thân Chúa vắng mặt lại là dấu hiệu của sự hiện diện.
Để củng cố cho lời của mình, hai vị mời các bà nhớ lại
lời Thầy Giêsu đã tiên báo lúc ở Galilê.
Thầy sẽ bị nộp và đóng đinh, rồi ngày thứ ba sẽ sống lại.
Các bà trở về gặp Mười Một tông đồ và mọi người khác
để kể cho họ nghe những gì mình đã trải qua.
Biết bao cung bậc của cảm xúc: sợ hãi, lo lắng, buồn phiền,
rồi cuối cùng là hết sợ, hết lo, bình an trở lại.
Nhóm phụ nữ này đã theo Chúa từ Galilê (Lc 8,1-3)
và được coi như người trong nhóm môn đệ (Lc 24,22).
Tuy vậy lời chứng của họ không được đón nhận.
Các tông đồ coi những lời của các bà là chuyện hão huyền,
không đáng tin (Lc 24,11).
Hai môn đệ Emmau cũng được nghe tường thuật của các bà,
nhưng họ đã không tin và đã bỏ về quê (Lc 24,22-23).
Một số môn đệ chạy ra mộ để kiểm chứng lời các bà.
Họ thấy các bà nói đúng, xác Thầy không còn đó.
Phêrô chỉ thấy còn những băng vải liệm.
Ông kinh ngạc nhưng có vẻ chưa tin.
Thầy Giêsu được phục sinh là biến cố độc nhất vô nhị.
Tin vào mầu nhiệm này là một cuộc hành trình.
Các tông đồ và môn đệ không dễ tin.
Ngôi mộ trống, và lời chứng của các bà vẫn không đủ.
Còn cần chính Đấng phục sinh hiện ra cho cả nhóm.
Để làm chứng cho Chúa Phục sinh hôm nay,
chúng ta cũng cần đưa ra một lời chứng tập thể.
Mỗi người trong Hội Thánh làm chứng theo cách riêng.
Chúng ta tôn trọng lời chứng của từng người,
và trân quý lời chứng của hơn hai tỷ kitô hữu.
Làm sao để sức sống của Chúa ở trên khuôn mặt của ta,
bất chấp thế giới hôm nay còn bị bóng tối thống trị.
LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu phục sinh,
Xin cho chúng con học được cách cư xử của Chúa.
Khi được Cha trao toàn quyền trên trời dưới đất,
Chúa vẫn cư xử tế nhị như một người phục vụ.
Chúa nướng bánh và cá cho các môn đệ ăn.
Khi được Cha cho sống lại vinh quang,
Chúa vẫn là người đi bước trước đến với các môn đệ.
Chúa hẹn họ đến Galilê, để nối lại tình Thầy trò,
để chữa lành những vết thương do vấp ngã.
Khi được Cha nâng dậy từ cõi chết,
Chúa không quên tấm lòng của các phụ nữ,
những người đã theo Chúa từ lâu,
đã có mặt khi Chúa chịu đóng đinh và chôn táng.
Bởi đó, những phụ nữ đầu tiên ra thăm mộ
là những người đầu tiên được gặp Chúa,
và được Chúa trao sứ mạng loan báo Tin Vui.
Chúng con học nơi Chúa sự nhẫn nại,
khi thấy Chúa chịu đựng sự cứng lòng của ông Tôma,
học nơi Chúa nghệ thuật đồng hành
khi thấy Chúa chuyện trò với hai môn đệ bỏ đi vì thất vọng.
Chúa phục sinh cao cả nhưng đã tự hạ mình
để chinh phục lại nhóm môn đệ, không để mất một ai.
Chúa có nhiều cách để làm cho người ta nhận ra Chúa,
qua việc gọi tên, hay làm cử chỉ bẻ bánh,
qua mẻ cá lạ, hay qua việc cho họ xem những vết thương.
Chúa đến qua hình dáng anh làm vườn hay người khách lạ.
Lạy Chúa Giêsu phục sinh,
Xin dạy chúng con đem đến cho con người hôm nay
an bình và hy vọng, niềm tin yêu và Thánh Thần.
Xin cho khuôn mặt chúng con luôn tươi vui để làm chứng,
luôn bừng sáng để tỏa lan sức sống của Chúa. Amen.
5. Suy niệm (song ngữ)
Bài Đọc I: Công Vụ Tông đồ 10:37-43
II: 1Côrintô 5:6-8
Easter Sunday
Reading I: Acts 10:37-43
II: 1Cor 5:6-8
Gospel
John 20:1-9
1 Now on the first day of the week Mary Mag'dalene came to the tomb early, while it was still dark, and saw that the stone had been taken away from the tomb.
2 So she ran, and went to Simon Peter and the other disciple, the one whom Jesus loved, and said to them, "They have taken the Lord out of the tomb, and we do not know where they have laid him."
3 Peter then came out with the other disciple, and they went toward the tomb.
4 They both ran, but the other disciple outran Peter and reached the tomb first;
5 and stooping to look in, he saw the linen cloths lying there, but he did not go in.
6 Then Simon Peter came, following him, and went into the tomb; he saw the linen cloths lying,
7 and the napkin, which had been on his head, not lying with the linen cloths but rolled up in a place by itself.
8 Then the other disciple, who reached the tomb first, also went in, and he saw and believed;
9 for as yet they did not know the scripture, that he must rise from the dead.
|
Phúc Âm
Gioan 20:1-9
1 Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm, khi trời còn tối, và bà thấy tảng đá được lăn ra khỏi mồ.
2 Bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ khác được Chúa Giêsu yêu mến, và nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy ra khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”.
3 Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ.
4 Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước;
5 ông cúi mình xuống nhìn vào và thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong.
6 Vậy Simon-Phêrô theo sau, cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó,
7 và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng nhưng cuộn lại để riêng một chỗ.
8 Bấy giờ môn đệ kia mới vào dù ông đã tới mồ trước, ông thấy và ông tin;
9 vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Thánh Kinh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.
|
Interesting Details
· This passage opens the last part of John's Gospel (ch.20): the resurrection and appearance of Jesus. This chapter contains the resurrection with the empty tomb story (vv.1-10) and Jesus' appearances to Mary Magdalene (vv.11-18), to the disciples without Thomas (vv.19-23), and to the disciples with Thomas (vv.24-29).
· In the preceding passage, Jesus' body was laid in a new tomb in the garden (19:41). This tomb was probably a horizontal cave with a small ground-level entrance, usually less than a yard high. This explains why the disciple must bend down to look inside (v.5).
· Jesus' body was not put into a coffin but probably laid in an "arcosolia", a semi-circle niche, a sort of side-way flat bed formed by cutting two or three feet deep into the side of the cave.
· His body was wrapped in cloth and aromatic oils, and the face was covered with a small piece of cloth. The presence of the cloths in vv.6-7 shows that the body was probably not stolen because thieves would not unwrap and fold the cloths so neatly.
· There are some difficulties within this story, for example, Mary Magdalene went to the tomb alone but in v.2 the pronoun "we" is used. Furthermore, some details are different from the synoptic resurrection accounts.
· "He saw and believed" (v. 8) seems to contradict with "they still did not understand the scripture" (v.9). The most natural explanation is that the beloved disciple believed that Jesus had risen from the dead based on his own observation of the empty tomb rather than on the scripture (See Newman p.606).
|
Chi Tiết Hay
· Tường thuật ngôi mộ trống này khởi đầu phần cuối của Phúc Âm Gioan, tức chương 20. Phần này gồm: Đức Giêsu phục sinh (cc.1-10) và hiện ra với Maria Mác-đa-la (cc.11-18), các môn đệ không kể Tôma (cc.19-23), và các môn đệ với Tôma (cc.24-29).
· Trong câu 19:41 ở đoạn ngay trước, Đức Giêsu được mai táng trong ngôi mộ tại một thưả vườn. "Ngôi mộ" này có lẽ giống một cái hang, có cửa ra vào cao khoảng một thước; vì thế môn đệ kia đã phải cúi xuống để nhìn vào trong (c.5).
· Thi thể của Đức Giêsu đã không được liệm vào hòm nhưng có lẽ đặt trong một cái "arcosolia", một cái khe hình bán cung, dược cắt vào ngang vách hang như một chiếc gường, sâu khoảng một thước.
· Thi thể được ướp dầu thơm và có băng vải cuốn bọc, mặt thì che bằng tấm khăn nhỏ. Sự xắp xếp các băng vải và khăn che mặt cho thấy thi thể không bị mất cắp vì kẻ trộm không cởi băng và khăn, xếp gọn gàng, rồi mang cái xác đi không.
· Tường thuật này có những điểm khó hiểu, ví dụ như việc bà Maria Mác-đa-la ra mộ một mình nhưng lại nói với Phêrô là "chúng tôi" (c. 2). Ngoài ra trong đó còn nhiều chi tiết khác biệt với những tường thuật phục sinh trong Phúc Âm Nhất Lãm.
· Câu 9 trong bản dịch mà chúng ta đang dùng của nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ có thể bị hiểu lầm vì nó ám chỉ từ đó "hai ông" đã hiểu Kinh Thánh. Cha Thuấn (và các bản Anh ngữ) dịch là: "Là vì họ chưa hiểu lời Kinh Thánh là Ngài phải sống lại từ cõi chết." Có ý nói: họ vẫn chưa hiểu Kinh Thánh. Ngoài ra, đại từ "họ" chính xác hơn "hai ông" vì nó có thể bao gồm cả Maria Mác-đa-la nữa.
· Câu 8: "ông đã thấy và đã tin" (theo bản dịch của Cha Thuấn) xem ra trái nghĩa với câu 9: "họ chưa hiểu lời Kinh Thánh". Giải thích dễ hiểu nhất là người môn đệ nhìn thấy những chứng tích trong ngôi mộ, chứ không dựa theo Kinh Thánh mà tin Đức Giêsu đã sống lại (xem Newman tr.606).
|
One Main Point
The resurrection is Jesus' ultimate glory. It is the sign of the victory over death, the hope for us, and the basis for our Christian faith.
|
Một Điểm Chính
Sự phục sinh là vinh quang cao cả nhất của Đức Giêsu. Đó là sự chiến thắng trên sự chết. Đó là nền tảng của Đức Tin Kitô.
|
Reflections
1. Imagine that you are standing in front of the empty tomb and looking in, what does the tomb look like? Is it foul? What do you see?
2. Put yourself in Peter's place: guilt-ridden by his betrayal of Jesus, dispirited by Jesus' death, and now the body was gone! Have you ever experienced moments when God is absent from your life?
3. The beloved disciples saw the folded linen cloths and believed. Can you recall one specific sign that led you to believe in the Risen Lord?
|
Suy Niệm
1. Hình dung bạn đang đứng trước ngôi mộ trống, nhìn vào đó, bạn thấy gì? Ngửi thấy gì?
2. Đặt mình vào chỗ của Phêrô: cắn rứt vì phản bội Thầy, đau khổ vì cái chết của Thầy, và bây giờ ngay cả xác Thầy cũng không còn! Bạn có cảm nghiệm mất Thầy chưa?
3. Người môn đồ Đức Giêsu thương mến nhìn thấy băng vải và khăn và đã tin. Bạn đã có dấu vết bằng chứng cụ thể nào trong đời, để giúp bạn tin vào Đức Kitô Phục sinh?
|