COVID – 19
“VỊ KHÁCH” PHIỀN NHIỄU, KHÔNG MỜI MÀ ĐẾN
Ngày làm việc của tôi ở khoa 9B thật là vui vì được ghép cặp với một thành viên mới bên tôn giáo bạn. Nơi đây, tôi đã gặp thầy Quý (Dòng Phanxicô) đang nằm trong bệnh viện; Thầy cũng là một thiện nguyện viên sau một tháng phục vụ bệnh nhân covid thì Thầy bị nhiễm bệnh, đến nay thì Thầy cũng đã khỏi và chuẩn bị xuất viện. Tôi chúc mừng và chào Thầy, chúc Thầy trở lại nhà dòng với đầy ơn phúc của Chúa trên con đường đang tới.
Tôi cũng gặp Cha Tuấn (Dòng Phanxicô) – Vị Mục tử duy nhất còn lưu lại bệnh viện để làm các phép Bí tích cho bệnh nhân. Cha cũng từng bị nhiễm Covid khi phục vụ bệnh nhân và nay Cha đã khỏi. Cha tiếp tục trợ giúp các bệnh nhân và đồng hành với nhóm chúng tôi.
Tôi còn gặp lại các cô chú bên khoa 8B chuyển sang, các cô chú Công giáo và cô chú mới nhập viện. Điều đặc biệt là tôi gặp được một chú bác sĩ bên bệnh viện Gia Định, chú là bác sĩ khoa hồi sức, sau khi chữa trị cho bệnh nhân covid thì chú cũng nhiễm bệnh và được đưa vào Bệnh viện Ung Bướu Cơ sở 2. Vậy là Covid chẳng tha một ai, dù đó là Linh mục, bác sĩ, tu sĩ, tình nguyện viên, người dân hay cả những người xả thân phục vụ vì người khác. Tuy nhiên, họ đã đều chiến thắng, vượt qua sự phiền nhiễu của “vị khách” không mời mà đến và đứng vững trước mọi nghịch cảnh, để rồi tiếp tục can đảm dấn thân cho lý tưởng cao đẹp.
Có một thời khắc trong ca trực mà tôi rất muốn khóc nhưng tôi đã cố gắng kiềm chế chính mình khi tôi gặp một hoàn cảnh đầy xúc động. Chú S là bệnh nhân khoa 9B, chú không muốn rời khỏi bệnh viện, khi được hỏi lý do thì chú nói chú muốn chờ ba của chú. Qua lời chú kể tôi biết được rằng, chú và ba chú cùng nhập viện và cùng chiến đấu với covid, nhưng khi ba chú trở nặng thì bác sĩ đưa ba chú xuống khoa ICU. Bây giờ chú không biết tình trạng ba chú như thế nào, chỉ biết ông suy sụp tinh thần nhiều lắm và chẳng chịu ăn uống cho đủ, chú sợ ba chú không qua khỏi. Nói đến đây, mắt chú rưng rưng lệ, chỉ trực chờ khóc thật to như một đứa trẻ, mặc dù chú đã lớn tuổi, có lẽ đã trạc ngoại ngũ tuần. Tôi an ủi, khích lệ chú và tôi hứa sẽ xuống thăm ba chú rồi báo tin lại cho chú khi ca trực của tôi gần kết thúc. Chú cám ơn tôi rối rít và khuôn mặt chú ánh lên sự chờ đợi.
Tôi xuống khoa ICU thăm ba chú như đã hứa. Ông đang nằm, mắt nghiền nhắm và khò khè qua ống thở. Tôi chào ông và nhắn với ông rằng:
– “Ông ơi, Chú S nói chú đang ở trên khoa của con, chú chờ ông khỏi bệnh rồi hai cha con cùng về”. Ông nhìn tôi và hỏi:
– “Thằng S có khoẻ không cô?”. Tôi đáp:
– “Dạ chú khoẻ! Chú nói ông phải ăn uống đầy đủ vào, nhanh khoẻ rồi chú đón ông về!”.
Hai mắt ông chảy dài hai dòng lệ, tôi xúc động lấy giấy lau nước mắt cho ông. Tay ông run run, lấy ở trong túi áo bệnh nhân ra một mảnh giấy nhỏ có ghi tên và số điện thoại của cô Hạnh (con gái ông) và Chú S (con trai ông). Ông bảo tôi gọi cho “thằng S”, hỏi khi nào về để ông còn chuẩn bị. Tôi nói:
– “Ông cất giấy đi, không cần phải gọi điện thoại, xíu con chạy lên chỗ Chú S, rồi con nhắn chú ấy cho ông”.
Ông cảm động lắm, và nước mắt lại chảy ra. Nơi khoé mắt ông, vết chân chim đã hằn sâu dường như để chứa được nhiều nước mắt hơn trong giờ phút này mà không làm nó rơi xuống chiếc gối đầu ông nằm. Phải mất mấy lần lau như thế, rồi tôi nói chuyện, hỏi han, khích lệ ông, nhìn ông nhắm mắt lại cách bình an tôi mới cất bước rời khỏi phòng. Khi tôi rời đi được mấy bước, ông lại cố ngóc đầu dậy và hét lớn:
– “Nhớ hỏi thằng S khi nào về để tôi còn chuẩn bị!”.
Tất cả các y bác sĩ, các tình nguyện viên trực lúc đó đều quay sang nhìn ông, nhìn tôi và dường như họ cũng nhìn vào chính cuộc đời. “Sự sống mong manh” đang cố treo dây trên tình cha con thấm đẫm nhung nhớ, lắng lo nhưng cũng không thiếu niềm hy vọng.
Sau đó, qua lời kể của hai sơ trong nhóm tôi trực ở khoa này, tôi được biết rằng, khi chuyển ông xuống đây, tinh thần ông vô cùng hoảng loạn, lo âu. Ông sợ phải xa con trai ông, ông sợ không được nhìn thấy con trai ông nữa, và ông suy sụp tinh thần ghê lắm. Ông không ăn hoặc chỉ ăn rất ít như chính cái hy vọng mong manh đang tụt dần trong lòng ông. Khi đỡ ông nằm xuống giường, miệng ông luôn lẩm bẩm: “thằng S đâu, gọi thằng S cho tôi…”, tay trái ông lúc nào cũng khư khư để ở túi áo để giữ mảnh giấy nhỏ bên trong như sợ ai lấy mất. Cho đến hôm nay, thì mọi người mới biết ông đang giấu bí mật gì trong đó, thì ra, ông cố giữ cái niềm hy vọng nhỏ nhoi, giữ tinh thần và có lẽ cũng là chính sự sống của ông, mặc dù đó chỉ là mảnh giấy nhỏ được xé vội lem nhem với mấy con số cùng chữ viết. Và mọi người cũng nói, từ hôm xuống đây, giờ mới thấy ông vui thế, bởi vì ông đã gặp được điều ông mong chờ.
Quay lại khoa 9B, tôi gặp Chú S để chuyển lời và báo tin bình an, chú vui lắm. Tôi động viên chú rằng, ngày mai chú cứ xuất viện về nhà cho an toàn, ở trong này không tốt lắm, con hứa sẽ thăm ông và giúp ông mỗi ngày vào ca trực của con. Nếu chú muốn, chú có thể gọi điện thăm ông, con sẽ kết nối máy cho chú. Chú lại chảy nước mắt và cám ơn tôi, lưu số điện thoại của tôi “Sơ Phượng” và nói:
– “Vậy trăm sự nhờ cô, tôi sẽ xuất viện và cô nhớ đừng nói cho ba tôi biết là tôi về rồi nhé, cứ nói tôi vẫn đang chờ cho ông an tâm”. Tôi đáp:
– “Dạ chú cứ về bình an và nhớ chăm sóc sức khoẻ của mình cho thật tốt, con hứa sẽ giúp ông. Nếu không phải ca trực của con, con sẽ nhờ mấy sơ nhà con giúp. Khi nào ông khoẻ thì chú ra viện đón ông về nhé!”.
So với lúc tôi vào phòng chú trực, khuôn mặt chú tươi lên rõ rệt làm cho ánh mắt như sáng hơn, long lanh hơn giữa màn đêm đang dần kéo xuống. Tôi cảm nhận được hình ảnh gia đình chú vui mừng đoàn viên đang hiện lên trong ánh mắt ấy, trong cả suy nghĩ và trong nụ cười dường như lâu lắm rồi mới được khởi động lại. Cầu chúc chú, ba chú và gia đình chú khoẻ mạnh, sớm được đoàn tụ trong niềm vui, hạnh phúc.
Lạy Chúa! Con luôn vững tin vào Chúa. Xin giúp con mỗi ngày nhận ra sự hiện diện âm thầm, sống động của Chúa nơi các bệnh nhân đau khổ, chết chóc….Xin cho con thấy sức mạnh của đức tin, thấy bàn tay, sự hiện diện của Chúa, để con biết cùng Chúa sống trọn hành trình mỗi ngày trong Chúa và trong nhau. Amen!
Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Phượng
Thiện nguyện viên Covid- 19 (đợt 10)