GP.Vinh - Giáo xứ Cẩm Trường: Dải lụa hồng ân

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

GP.Vinh - Giáo xứ Cẩm Trường: Dải lụa hồng ân

GP.Vinh - Giáo xứ Cẩm Trường: Dải lụa hồng ân

GPVO (26/8/2022) – Vào lúc 7h30’, sáng thứ Năm ngày 25/8/2022, Đức Giám mục Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Viên đã viếng thăm và cử hành thánh lễ trong Tuần chầu đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể tại giáo xứ Cẩm Trường. Đồng thời, ngài cũng làm phép công trình xây dựng trong khuôn viên giáo xứ gồm: Nhà nguyện, nhà xứ, nhà sinh hoạt giáo xứ. Đồng tế và hiện diện trong thánh lễ có quý cha quản hạt, quý cha bề trên các hội dòng, quý cha khách, quý chủng sinh, tu sĩ cùng đông đảo cộng đoàn dân Chúa.

Cẩm Trường là một trong những xứ đạo giàu truyền thống bậc nhất Giáo phận Vinh. Lịch sử Giáo phận đã ghi lại: Sau khi vào truyền giáo tại Cửa Bạng – Ba Làng (Thanh Hóa) ngày 19/3/1627, hai năm sau, phái đoàn dòng Tên do cha Đắc Lộ dẫn đầu đã đến truyền giáo tại vùng Quỳnh Lưu (Nghệ An). Tại đây, các thừa sai đã rửa tội cho nhiều người sống xung quanh lạch Quèn và lạch Cờn. Trước đó, một số gia đình Công giáo từ Nam Định trong thời tao loạn giữa cơn bách hại đạo của chúa Trịnh đã vào cư trú tại vùng đất Đồng Ngói – Cẩm Trường. Hạt giống Tin mừng nơi đây phát triển mạnh, đến năm 1732, giáo họ Kẻ Quát được thành lập (tiền thân của giáo họ trị sở Cẩm Trường) và giáo họ Hạ Lăng (Đồng Lăng) thành lập năm 1750.

Trải qua quá trình phát triển thăng trầm, Cẩm Trường trở thành xứ mẹ của các giáo xứ thuộc giáo hạt Thuận Nghĩa (Quỳnh Lưu), giáo hạt Phủ Quỳ (Nghĩa Đàn) và giáo hạt Vàng Mai (Quỳnh Lưu – Hoàng Mai). Trước ngày thành lập, giáo xứ có 22 linh mục thừa sai coi sóc; trong đó, có cha Ambrôsiô Nhân từ trần vào năm 1834. Kể từ khi mang tên chính thức là Cẩm Trường, giáo xứ hơn 150 tuổi với 22 linh mục quản nhiệm, trong số đó có 7 cha đã yên nghỉ tại giáo xứ.

Trải qua hàng trăm năm phát triển và trưởng thành, con cái Cẩm Trường có quyền tự hào về những trang sử hào hùng mà biết bao thế hệ cha anh đã gầy dựng. Họ đã và đang tiếp bước trong việc bảo vệ đời sống đức tin và phát huy truyền thống đạo đức đó của các tiền nhân. Hiện nay, giáo xứ có hơn 5.000 nhân danh dưới sự coi sóc của cha chánh xứ Giuse Nguyễn Công Bắc và cha phó Antôn Nguyễn Văn Vân.

Giảng trong thánh lễ, cha giáo Phaolô Nguyễn Văn Khai đã cùng với cộng đoàn điểm lại những mốc son tạo nên bề dày lịch sử giáo xứ. Qua đó, ngài đã gợi lên tâm tình  “lịch sử giáo xứ làm nên lời tạ ơn” và mời gọi cộng đoàn cùng suy niệm về những hồng ân cao cả mà Thiên Chúa đã ưu ái ban xuống cho giáo xứ.

Có thể nói, suốt cả cuộc đời Kitô hữu là một lời kinh tạ ơn và ngợi khen. “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136,1). Đối với Kitô hữu, việc tạ ơn Chúa chẳng những là một hành vi biết ơn thông thường của kẻ chịu ơn mà còn là một bổn phận tôn giáo có liên quan đến đức tin và lòng mến của chúng ta đối với Thiên Chúa. Thật vậy, tạ ơn là công khai tuyên xưng các kỳ công hiển nhiên của Thiên Chúa. Ngợi khen Chúa là cao rao các vẻ cao siêu của Ngài, là công bố những việc diệu kỳ Ngài thực hiện và làm chứng cho các công trình của Ngài.

Thứ đến, cha giảng lễ mời gọi cộng đoàn hãy tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa. Nếu thực sự tin vào quyền năng của Thiên Chúa thì chúng ta cũng sẽ không hoảng sợ khi phải đương đầu với các nghịch cảnh vì tin rằng Chúa vẫn luôn dõi theo mỗi người và sẽ kịp thời cứu giúp khi cần. Hãy luôn ý thức “có Chúa cùng đi với chúng ta, chúng ta sẽ không còn sợ chi và chắc chắn sẽ đạt đến bến bình an”.

Cha giảng lễ cũng khẳng định rằng đôi khi Chúa để chúng ta gặp phải các tai ương, bệnh tật và đau khổ là vì Ngài muốn thử thách đức tin của mỗi người như người ta thường nói: “Lửa thử vàng, gian nan thử đức”. Dù đang cầu nguyện trên núi nhưng Chúa Giêsu vẫn dõi mắt theo con thuyền của các môn đệ đang lênh đênh trên biển cả và Ngài đã đi trên mặt nước để đến cứu giúp các ông. Ngày nay, Người cũng luôn quan tâm đến con thuyền Giáo hội trong cơn phong ba bão táp hầu kịp thời ứng cứu khi cần.

Cuối cùng, cha Phaolô nhấn mạnh đến lòng biết ơn. Ngạn ngữ Pháp có câu: “Lòng biết ơn là trí nhớ của trái tim”. Lời tri ân cảm tạ là lời nói của con tim. Lòng biết ơn là nghĩa cử của tâm hồn. Chỉ có những trái tim gỗ đá mới không nhận biết ân huệ được trao tặng. Chính những lời cám ơn sẽ làm cho cuộc sống tăng thêm hương vị ngọt ngào và làm cho cuộc đời này thêm ý nghĩa vì mọi người biết liên đới với nhau hơn.

Tâm Quảng

  • IMG_0698
  • IMG_0702
  • IMG_0705
  • IMG_0708
  • IMG_0715
  • IMG_0721
  • IMG_0725
  • IMG_0734
  • IMG_0735
  • IMG_0738
  • IMG_0740
  • IMG_0747
  • IMG_0754
  • IMG_0768
  • IMG_0788
  • IMG_0797
  • IMG_0801
  • IMG_0803
  • IMG_0810
  • IMG_0815
  • IMG_0819
  • IMG_0830
  • IMG_0835
  • IMG_0837
  • IMG_0851
  • IMG_0859
  • IMG_0864
  • IMG_0873
  • IMG_0874
  • IMG_0917
  • IMG_0928
  • IMG_0930
  • IMG_0931
  • IMG_0954
  • IMG_0963
  • IMG_0969
  • IMG_0981
  • IMG_1002
  • IMG_1027
  • IMG_1044
  • IMG_1046
  • IMG_1059
  • IMG_1099
  • IMG_1104
  • IMG_1109
Tag: