GP.Vinh - Giáo xứ Vạn Lộc: Bế mạc năm thánh kỷ niệm 100 năm thành lập giáo xứ

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

GP.Vinh - Giáo xứ Vạn Lộc: Bế mạc năm thánh kỷ niệm 100 năm thành lập giáo xứ

GP.Vinh - Giáo xứ Vạn Lộc: Bế mạc năm thánh kỷ niệm 100 năm thành lập giáo xứ

GPVO (18/2/2022) – Năm thánh tại giáo xứ Vạn Lộc được Tòa Thánh cho phép mở vào ngày 16/2/2021 nhân dịp kỷ niệm 345 năm hạt giống Tin Mừng đến với vùng đất xứ Vạn và tròn 100 năm thành lập giáo xứ. Qua một năm được sống trong những tháng ngày ân thánh đặc biệt mà Thiên Chúa đã thương ban, đoàn con cái xứ Vạn thêm vui tươi, phấn khởi, tâm hồn thêm sốt sắng và thánh thiện, nhiều người bỏ xưng tội rước lễ được ơn trở lại. Nhờ hồng ân đó, đời sống đức tin đang từng ngày lớn mạnh và trổ sinh nhiều hoa trái dâng lên cho Thiên Chúa.

Trong tâm tình tạ ơn, vào lúc 8h00 sáng thứ Ba ngày 15/2/2022, giáo xứ Vạn Lộc hân hoan chào đón Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long đến viếng thăm và cử hành thánh lễ bế mạc năm thánh. Hiệp dâng thánh lễ có cha Fx. Hoàng Sỹ Hướng, quản hạt Vạn Lộc; cha quản xứ Antôn Nguyễn Quang Trung; quý cha trong và ngoài giáo hạt; quý tu sĩ nam nữ và bà con giáo dân.

Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid 19, thánh lễ được truyền hình trực tuyến trên kênh truyền thông của Giáo phận và giáo xứ. Mặc dù thánh lễ diễn ra trong bầu khí trầm lặng và thiếu vắng nhiều thành phần tham dự nhưng không vì thế mà mất đi bầu khí thánh thiêng và sốt sắng. Trái lại, đây là cơ hội để mỗi người biết chạy đến với Chúa để nài xin Người chữa lành và băng bó những vết thương đang rỉ máu nơi đời sống nhân loại.

Giáo xứ Vạn Lộc nằm ở tả ngạn sông Lam, cách thị trấn Nam Đàn khoảng 4km về phía nam. Vạn Lộc tựa mình vào dãy núi Thiên Nhẫn, trải dài từ bến đò Nam Tân, đi xuyên qua các xã Nam Tân, Nam Lộc, Nam Trung tới Nam Cường (cũ). Hiện nay, giáo xứ thuộc địa bàn hành chính của xã Thượng Tân Lộc. Trước đây, giáo xứ Vạn Lộc tọa lạc ngay bờ sông Lam trên một dải đất rộng chừng 3, 4 cây số. Tuy nhiên, từ năm 1987, dải chín Nam (tức chín xã) của huyện Nam Đàn được chuyển vào đồi để lấy đất canh tác nên Vạn Lộc có địa thế mới, nằm song song với tỉnh lộ 15A và ở phía bên phải hướng Nam Đàn đi về xã Khánh Sơn.

Vào năm 1883, Tòa Giám mục quyết định tách họ Vạn Lộc và Thanh Trai khỏi giáo xứ Cầu Đòn (Quy Chính). Đến ngày 16/7/1921, giáo xứ Vạn Lộc được Đức cha Giuse Eloy Bắc chính thức cấp giấy chứng nhận thành lập sau 38 năm tách khỏi xứ mẹ Cầu Đòn. Trải qua dòng chảy lịch sử với bao thăng trầm thời cuộc, giáo xứ Vạn Lộc hiện có 5 giáo họ: Yên Lĩnh, Trung Sơn, Đặng Phúc, Thanh Khoa và Vạn Lộc với 1377 hộ gia đình, 6.261 nhân khẩu. Hiện tại, giáo xứ được coi sóc bởi cha quản xứ Antôn Nguyễn Quang Trung, cha phó xứ FX. Hoàng Hồng Hà và cha phụ tá Giacôbê Nguyễn Văn Song.

Vạn Lộc được biết đến là một xứ đạo giàu truyền thống, người giáo dân sống trưởng thành trong đời sống đức tin. Những hạt giống Tin Mừng gieo vào lòng đất đã lặng lẽ làm nên những ngày mùa đầy hoa trái. Từ mảnh đất này, nhiều người con Vạn Lộc đã và đang ra đi, quảng đại hiến dâng cho Chúa. Cũng từ mảnh đất này, không ít người con đã mang theo sự mộc mạc, chất phác và giản dị đến với mọi miền của Tổ quốc và trên thế giới.

Thời khắc bế mạc năm thánh kỷ niệm 100 năm thành lập giáo xứ là thời điểm lý tưởng để đoàn con cái xứ Vạn nhìn lại hành trình đức tin của mình. Đây cũng là thời khắc để mỗi người nhìn lại quá khứ với niềm tri ân cảm tạ, chấn hưng hiện tại với niềm vui và bình an, hướng tới tương lai với niềm hy vọng và xác tín.

Ngỏ lời trước thánh lễ, Đức cha Anphong đã điểm qua sơ lược một vài nét về giáo xứ Vạn Lộc. Ngài mời gọi cộng đoàn cùng nhau chuẩn bị tâm hồn sốt sắng để tạ ơn Thiên Chúa về hồng ân mà Người đã thương ban cách đặc biệt cho giáo xứ. Bên cạnh đó, ngài cũng nhắc nhở mỗi người nhớ về các bậc tiền nhân là những người đã sống và lưu giữ kho tàng đức tin quý báu cho các thế hệ hôm nay.

Giảng trong thánh lễ, Đức cha chủ tế đã quảng diễn về sứ vụ loan báo Tin Mừng trong đời sống của mỗi người Kitô hữu. Tự bản chất, Giáo hội lữ hành là truyền giáo (Ad Gentes 2). Điều đó nói lên sứ mạng và căn tính của mỗi người Kitô hữu là rao truyền Lời Chúa đến với muôn dân nước. Chính Chúa Giêsu trước khi về Trời cũng nói rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15). Lệnh truyền đó không chỉ dừng lại nơi các thánh Tông đồ, các linh mục, tu sĩ… mà còn dành cho tất cả Kitô hữu. Vì thế, mỗi người luôn được mời gọi “ra đi” để sống, làm chứng và đem Tin Mừng đến với anh chị em chưa nhận biết Chúa.

Thứ đến, ngài nói về những khó khăn, hiểm nguy và trắc trở trên con đường loan báo Tin Mừng. Đó là một hành trình dài, khó khăn, đầy rẫy cám dỗ. Thế nhưng, chỉ khi bước qua những khó khăn đó,  mỗi người sẽ cảm nghiệm được niềm vui, sự bình an và niềm hy vọng. Chính ngôn sứ Isaia đã ca ngợi rằng: “Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo Tin Mừng, công bố tin bình an” (Is 52, 7). Bước chân đó chỉ trở nên tươi đẹp nếu con người biết bước đi trong tình yêu của Chúa, biết lấy Chúa là niềm vui, là nguồn sống.

Cuối cùng, Đức cha Anphong mời gọi mỗi người hãy “đi ra” để lan tỏa Tin Mừng. Dù là ai, ở trong bậc sống nào, môi trường nào, mỗi Kitô hữu luôn được mời gọi trở nên chứng nhân sống động cho Đức Kitô giữa lòng đời. Đó là dấu chỉ để mỗi người nhận ra sự hiện diện của Đức Kitô nơi chính bản thân mình.

Kết thúc thánh lễ, đại diện HĐMV giáo xứ đã gửi những tâm tình tri ân tới Đức cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ cùng quan khách đã hiện diện để chia sẻ niềm vui trong ngày hồng phúc này.

Năm thánh kỷ niệm 100 năm thành lập giáo xứ Vạn Lộc và 345 năm đón nhận hạt giống Tin Mừng đã kết thúc. Tuy nhiên, hồng ân đó lại tiếp tục được khắc sâu trong tâm hồn mỗi người dân nơi đây để họ luôn sống trong tâm tình tạ ơn  và ý thức làm chứng, rao truyền các giá trị Tin Mừng trong đời sống của mình.

Gioan Nguyễn

Tag:

2022-02-18