GP.Vinh - Thánh lễ cao điểm Tuần chầu đền tạ tại giáo xứ Xuân Kiều

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

GP.Vinh - Thánh lễ cao điểm Tuần chầu đền tạ tại giáo xứ Xuân Kiều

GP.Vinh - Thánh lễ cao điểm Tuần chầu đền tạ tại giáo xứ Xuân Kiều

GPVO (11.4.2021) – Vào 7g30’ ngày 11/04/2021, Chúa nhật II Phục Sinh – kính Lòng Chúa Thương Xót, trong ngày cao điểm của tuần chầu đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể thay cho toàn giáo phận, giáo xứ Xuân Kiều hân hoan chào đón Đức Giám mục giáo phận Anphong Nguyễn Hữu Long viếng thăm và cử hành thánh lễ. Đồng tế và hiệp dâng thánh lễ có cha quản xứ Antôn Lê Công Lượng, quý cha trong và ngoài giáo hạt Nhân Hòa, quý tu sĩ cùng cộng đoàn dân Chúa.

Giáo xứ Xuân Kiều thuộc xã Nghi Kiều, nằm ở phía Tây Bắc huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Lịch sử hình thành giáo xứ gắn liền với thời kỳ Văn Thân đầy đau thương của giáo phận.

Trước đây, Xuân Kiều có tên là Đồn Kiều, một tiền đồn quan trọng được Nhà Chung Xã Đoài thiết lập trong vành đai phòng thủ bảo vệ giáo phận. Nói về vai trò của Xuân Kiều, Thừa sai Tessier Bình đã viết như sau: “Việc bảo vệ Xuân Kiều là rất quan trọng bởi vì đó là sự an toàn của cộng đoàn chúng tôi ở Xã Đoài. Nếu Xuân Kiều bị triệt phá, tất cả những làng Công giáo ở giữa căn cứ này và cộng đoàn chúng tôi cũng sẽ bị triệt hạ và thiêu hủy. Đối phương có thể tới Xã Đoài mà không ai hay biết”.

Theo lời kể của các bậc lão thành, nơi đây đã từng trở thành một chiến trường rất khốc liệt. Ngày 19/01/1885, sau khi tấn công Xã Đoài bất thành, Xuân Kiều đã bị quân Văn Thân xâm chiếm, hai thầy giảng bị sát hại, trang trại bị thiêu hủy. Sau đó, Xuân Kiều được lấy lại, nhưng đang khi được tăng cường phòng thủ thì lại bị Văn Thân đem quân đến tấn công 3-4 lần, cao điểm là cuộc tấn công dịp tháng 03/1885 khiến thừa sai Gras Tín và nhiều giáo dân tử thương. Tình thế hết sức căng thẳng vì giáo dân bị bao vây với tỷ lệ không cân sức. Tuy nhiên, nhờ sự quả cảm của các chiến sĩ Công giáo, quân Văn Thân đã bị đẩy lùi, khiến từ đó trở đi, không bao giờ thấy Văn Thân tới đông như vậy nữa.

Sau quãng thời gian chịu nhiều bất an nói trên, một cộng đoàn đã dần được hình thành và phát triển ổn định. Ban đầu, mọi hoạt động đều do Nhà Chung quản lý, chiêu dân lập ấp, khai hoang, làm ruộng… Đến năm 1929, giáo xứ tách khỏi và bước đầu được công nhận và đặt tên là Xuân Kiều.

Hiện nay, địa bàn giáo xứ tương đối rộng, và dân cư phân bố không đều. Một số rải rác trên các ven đồi, cách trở, xa trung tâm văn hóa, và đất đai không mấy thuận lợi để canh tác. Xuân Kiều là một giáo xứ độc canh về nông nghiệp. Tuy nhiên, cuộc sống gian khó ấy đã tôi luyện phẩm chất chịu thương chịu khó và ham học hỏi cho con người nơi đây.

Giảng trong thánh lễ, Đức cha chủ tế mời gọi cộng đoàn biết tái khám phá đời sống đức tin của chính mình thông qua một số điểm suy tư căn bản. Thứ nhất, đức tin luôn đi liền với tình yêu bởi con người chỉ có thể tin người mình yêu và yêu người mình tin. Thứ hai, đức tin không đi với trí tuệ mà đi với con tim: Đức tin không đi vào tâm hồn con người qua trí tuệ nhưng qua trái tim (Đức Thánh Cha Phanxicô). Thứ ba, đức tin được biểu hiện qua sự dấn thân và trung kiên cho đến cùng.

Liên hệ đến Bí tích Thánh Thể, Đức cha Anphong khẳng định: Thánh Thể chính là bí tích đức tin nên khi tham dự vào việc cử hành Bí tích Thánh Thể, người Kitô hữu cần phải tuyên xưng đức tin của chính mình. Qua đó, chủ chăn giáo phận mời gọi mỗi người biết xem xét lại đức tin của bản thân vào Bí tích Thánh Thể, biết lấy lòng tin để tham dự vào mầu nhiệm đức tin này hầu cảm nghiệm được tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Nhờ đó, mỗi người có đủ và sức mạnh và sự can đảm để không ngừng dấn thân, đem Tin Mừng tình yêu của Chúa đến cho tất cả mọi người.

Quốc Diện

Tag:

2021-04-12