Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C

Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C

Các bài suy niệm CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG C

Lời Chúa: Gr 33, 14-16; 1Tx 3,12–4,2; Lc 21, 25-28. 34-36

 

Mục Lục
1. Tỉnh thức
2. Đứng thẳng và ngẩng đầu
3. Hãy nhìn đường
4. Hãy ngẩng đầu lên
5. Tỉnh thức đi vào thế giới mới

 

1. Tỉnh thức

Phân tích

Đoạn Tin Mừng này nằm trong Diễn từ chung luận trong đó Chúa Giêsu nói về những việc sẽ xảy ra vào những ngày cuối cùng của thế giới.

1. Các câu 25-28: nói về ngày tận thế và Quang lâm. Tất cả những thế lực mà xưa nay người ta dựa vào vì coi là vững chắc (mặt trời, mặt trăng, tinh tú, biển...) đều bị lay chuyển để nhường cho quyền lực của Con Người lên ngôi. Trước tình huống đó, “muôn dân” (tức là những kẻ không có đức tin) sẽ lo sợ đến hồn siêu phách lạc, vì chỗ dựa của họ đã bị lung lay, nhưng các môn đệ Chúa thì hãy vui mừng và ngẩng đầu lên chờ đợi Chúa ngự đến.

2. Các câu 34-36: nói về đến thái độ mà môn đệ Đức Giêsu phải có.
 - Thái độ thứ nhất là chú ý tới việc quan trọng là đón Chúa đến: không nên để mình bị ảnh hưởng bởi những xáo trộn bên ngoài để rồi lo chè chén say sưa hoặc chỉ lo chuyện sống chết, chỉ lo chuyện thế gian... Nếu bất cứ lúc nào cũng nghĩ đến việc Chúa đến thì dù cho có thình lình, đột ngột, họ cũng không ngỡ ngàng.
 - Thái độ thứ hai là kiên trì trong việc cầu nguyện liên lĩ: cầu nguyện để xin Ngài mau đến, cầu nguyện để xin ơn đứng vững trước những xáo trộn bên ngoài.

Suy gẫm

1. Ai dựa vào những thế lực vật chất và thế gian thì khi sắp chết sẽ hoảng sợ vì những thế lực đó bị sụp đổ; còn kẻ nào dựa vào Chúa thì khi chết sẽ vui mừng, vì họ biết mình sắp được về với Ngài.

2. Lời tâm sự của một người mẹ: Từ nhỏ tôi đã sợ chết, nhưng khi đứa con yêu dấu của tôi chết thì tôi không còn sợ nữa. Đó là nhờ câu chuyện ngụ ngôn vị Linh mục chủ sự lễ an táng đã giảng. Chuyện như thế này : người mục tử dẫn đàn chiên đến một dòng suối để sang cánh đồng cỏ bên kia. Suối không sâu nhưng nước chảy mạnh nên chẳng con chiên nào dám bước xuống. Người mục tử không la hét, không dùng roi để lùa đàn chiên qua suối. Ông chỉ nhẹ nhàng bồng một con chiên con rồi bước xuống, đi qua phía bên kia. Con chiên mẹ thấy con mình đã đi qua suối được nên an lòng bước theo. Sau đó cả đàn chiên bước qua suối nước, sang bờ bên kia, nơi có sẵn một đồng cỏ xanh rì.” (Sunday School Time).

3. Khi John Quincy Adams 80 tuổi, một người bạn hỏi ông:
 - John Quincy Adams thế nào rồi?
 - John Quincy Adams vẫn khỏe. Nhưng mà ngôi nhà mà linh hồn John Quincy Adams cư ngụ đã bệ rạc lắm rồi, nó sắp sập đến nơi. Đã đến lúc phải rời khỏi ngôi nhà đó. (The Gospel Herald)

4. Trong ngày cuối cùng của năm Phụng vụ, Giáo Hội muốn chúng ta nghĩ đến lúc cuối cùng của lịch sử và của đời mình. Chúa dạy: để có thể bình an khi ngày cuối cùng ấy đến, chúng ta phải luôn nghĩ tới ngày đó và phải cầu nguyện luôn.

5. “Hãy giữ mình, kẻo lòng chúng con ra nặng nề bởi chè chén say sưa và lo lắng việc đời”: những thú vui vật chất và những lo lắng sự đời làm cho lòng con người ra nặng nề và quên đi điểm phải tới của cuộc hành trình đời mình.

6. Ngày mai chúng ta không biết sẽ ra sao, ngày cuối đời lại càng mù mịt. Xin Chúa cho chúng ta biết sống từng giây phút hiện tại, sao cho luôn được Chúa chúc lành và được tình thương Chúa che chở, để ngày Chúa đến sẽ là ngày hạnh phúc cho chúng ta.

7. Cái chết thường đến một cách bất ngờ. Trong bài Tin Mừng này, Chúa Giêsu đã nói rõ điều ấy “Chúng con hãy tỉnh thức vì chúng con không biết ngày nào giờ nào”. Đành rằng có nhiều người bệnh một thời gian khá lâu rồi mới chết, nhưng chẳng ai ngờ mình sẽ chết vào ngày này, giờ này.

Tuy bất ngờ nhưng không phải hoàn toàn bất ngờ, vì Chúa thương chúng ta, Chúa luôn ban cho chúng ta nhiều tín hiệu báo trước cái chết để chúng ta kịp chuẩn bị. Mỗi khi chúng ta thấy một người khác chết, đó là một tín hiệu ; mỗi khi chải đầu thấy mái tóc mình bạc hơn, đó cũng là một tín hiệu ; một chiếc răng bị hư, đôi mắt mờ xuống, tay chân yếu đi, một chứng bệnh xuất hiện… tất cả đều là những tín hiệu. Và quan trọng hơn nữa, đó là những tín hiệu mà Chúa gởi trước cho chúng ta vì Chúa thương chúng ta. Vì thế chúng ta đừng giả mù giả điếc trước những tín hiệu tình thương ấy. Tốt nhất là đón nhận chúng, nhận ra ý nghĩa của chúng và chuẩn bị.

8. Một vị đan tu tên là Mésique. Bất trung với ơn gọi, ông đã sống một cuộc đời không máy tốt đẹp trong nhiều năm. Đột nhiên ông bị bệnh nặng. Thiên Chúa cho ông rơi vào tình trạng hôn mê trong một tiếng đồng hồ. Khi tỉnh dậy ông không nói gì về những điều đã cảm thấy trong thời gian một tiếng đống hồ ấy. Ông xin người ta cho ông ở một mình trong một căn phòng xây kín, và ông đã ở đó suốt 12 năm trời. Hàng ngày, qua một cửa sổ nhỏ người ta đem đến cho ông một chút bánh mì và nước uống. Một hôm người ta tưởng ông đã chết nên đập phòng đi vào thì thấy ông đang hấp hối. Trước mặt các tu sĩ đang vây quanh, ông nói với họ những lời cuối cùng trước khi ra đi:

 - Anh em thân mến của tôi, người nào luôn khắc ghi vào tâm khảm ý tưởng về sự chết, người đó sẽ không bao giờ phạm tội.

Nói thế rồi, ông tắt thở, để lại cho một người một ấn tượng sâu đậm. (Góp nhặt)

2. Đứng thẳng và ngẩng đầu

Cuộc sống con người đầy những bất ngờ. Có những điều tôi nghĩ sẽ không bao giờ xảy ra, thậm chí tin chắc sẽ không thể xảy ra được, vậy mà thực tế chúng lại xảy ra. Có những bất ngờ thú vị làm tôi ngất ngây. Có những bất ngờ đớn đau làm tôi hụt hẫng.

Lắm người đi coi bói để biết trước tương lai, hầu mong tránh được những bất ngờ bi thảm. Người kitô hữu tin rằng vũ trụ sẽ có ngày cùng tận, lịch sử sẽ kết thúc bằng biến cố Đức Kitô quang lâm. Nhưng khi nào chuyện đó xảy ra, chẳng ai biết được. Nó giống như tấm lưới bất thần chụp xuống trên tất cả dân cư trên mặt đất.

Thiên Chúa có tàn nhẫn không khi cứ thích cái bất ngờ, khi cứ để cho con người sống trong thấp thỏm? Thật ra cái bất ngờ chỉ đáng sợ khi Ngài đến mà đèn chúng ta đã cạn dầu, và những nén bạc Ngài giao vẫn còn bị chôn giấu. Nếu chúng ta luôn thanh thoát, sẵn sàng, thì việc Ngài đến sẽ là một bất ngờ thú vị.

Chúng ta dễ bị ru ngủ bởi những hoan lạc trần thế. Trái tim chúng ta dễ bị trì trệ, nặng nề, vì ăn nhậu say sưa, vì nuông chiều thân xác, hay vì quá lo lắng cho cuộc sống hiện tại. Cả những lo lắng chính đáng cũng có thể kéo ta đi xa, và làm ta đánh mất khả năng dừng lại. Chúng ta bị chìm ngập trong những tính toán làm ăn, lo toan cho cuộc sống mà quên tìm lẽ sống.
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy những điều kinh khủng những xáo trộn sâu xa trong vũ trụ vào ngày Chúa đến. Chúng ta không nên hiểu mọi hình ảnh ấy theo nghĩa đen. Điều quan trọng hơn là những xáo trộn nơi lòng người: lo lắng hoang mang sợ hãi đến hồn xiêu phác lạc... khi Đức Giêsu ngự đến uy nghi như vị Thẩm Phán.

Nhiều người sẽ khiếp sợ rụng rời trước nhan Ngài, nhưng đối với những ai đã tỉnh thức, cầu nguyện, thì đây lại là giây phút được mong đợi từ lâu Đấng họ chỉ thấy trong lòng tin, nay được diện đối diện. Đây là cuộc hạnh ngộ giữa những người yêu nhau. Chúa nhận ra tôi, tôi nhận ra Chúa, và tôi hiểu rằng chẳng gì có thể chia lìa được chúng tôi.

Tư thế của người biết mình sắp được giải phóng là tư thế đứng, đứng thẳng, đứng vững, đầu ngẩng cao, lòng tràn ngập hy vọng và hân hoan vui sướng trước chiến thắng dứt khoát và trọn vẹn của Vua Giêsu.

Mùa Vọng nhắc ta lần đến đầu tiên của Con Chúa, và nhắc ta chuẩn bị lần đến cuối cùng của Ngài. Giữa hai lần ấy, có biết bao lần Ngài bất ngờ đến. Xin cho tôi luôn đứng thẳng, cao đầu ra đón Ngài, chẳng chịu bỏ lỡ một lần cùng Ngài gặp gỡ.

3. Hãy nhìn đường

Ít năm trước đây, một tài xế xe buýt thuộc bang Oklahoma đạt kỷ lục xuất sắc. Trong 23 năm, anh lái xe buýt trên 1.500.000 km không gây một tai nạn nào. Khi được hỏi làm sao anh đạt được kỷ lục ấy, anh trả lời đơn giản: "Hãy nhìn đường"

Bài Tin mừng hôm nay cho một lời khuyên tương tự "Hãy tỉnh thức luôn". Đức Giêsu dùng nhiều kiểu nói: "Hãy coi chừng". "Hãy để ý" "Hãy ngẩng đầu lên". Đó không phải chỉ là lời khuyên có ích cho đời sống thiêng liêng, mà còn là qui luật an toàn cho đời sống thường ngày nữa, chúng ta cũng thường nói: "Hãy chú ý", "Hãy cảnh giác", "Ngẩng đầu lên", "Nhìn cho kỹ".

Để lái một chiếc xe hay một chiếc xe buýt, chúng ta "phải nhìn đường", một lực sỹ thể thao cần phải lẹ mắt anh phải sẵn sàng đối phó với những cảnh huống bất ngờ, anh phải theo dõi trái banh.

Muốn đạt kết quả trong trường. Người học sinh phải nhìn thầy, cô giáo, các em phải chăm chú, lắng nghe, phải theo dõi những gì đang diễn tiến, phải lắng nghe những thầy cô giảng.

Qui luật này cũng áp dụng cho công việc thường ngày của chúng ta nữa; một bà mẹ canh chừng con nhỏ, để ý đến cái nồi, cái chảo trên bếp, bà cũng phải chăm chú và cảnh giác.

"Ngước đầu lên" được áp dụng đặc biệt trong phụng tự công chung của gia đình Thiên Chúa- nhất là trong Mùa vọng này. Chúng ta phải tỉnh thức trong thánh lễ, không phải chỉ tỉnh thân xác mà thôi, nhưng thức tỉnh cả tâm trí và linh hồn. "Hãy nhìn đường" có thể đổi là "Hãy nhìn bàn thờ". Hãy theo dõi những lời cầu nguyện và những câu đối đáp. Hãy mở miệng ca hát. Hãy cố gắng nắm lấy ý nghĩa những gì bạn đọc, bạn hát. Hiểu ý nghĩa của từng lời, từng chữ.

"Hãy ngẩng đầu lên". Hãy nhìn của Lễ Thánh, nhìn chén Máu Thánh châu báu. Chúng ta đang tiến đến cùng Chúa Kitô trong lúc này. Ít phút nữa chúng ta sẽ gặp Ngài trong Giáng sinh của thánh lễ. Ít tuần nữa chúng ta sẽ mừng Ngài trong giáng sinh của Belem. Ít năm nữa, chúng ta sẽ ở với Ngài trong giáng sinh vô tận trên thiên đàng. Hãy chuẩn bị cho cả ba lễ giáng sinh đó. Nhìn đường, nhìn bàn thờ.

Ý tưởng này lặp đi lặp lại trong bài đáp ca hôm nay: "Ôi lạy Chúa, xin chỉ cho con đường lối của Chúa"

Xin dạy bảo con lối bước của Chúa… xin hướng dẫn con trong chân lý của Chúa… Chúa chỉ cho con đường lối.. Chúa hướng dẫn người khiêm nhường.. Mọi nẻo đường của Chúa thì thiện hảo và vững bền.

Cuộc sống hàng ngày cũng giống như lái một chiếc xe, nhất là chiếc xe buýt, chúng ta có trách nhiệm thiêng liêng với tha nhân. Chúng ta cần một người chỉ đường và hướng dẫn.

Qua lời cầu nguyện và việc dâng Thánh Lễ, xin Chúa Giêsu giúp chúng ta tỉnh thức, xin Người giúp chúng ta tránh khỏi những gì làm chúng ta vấp ngã. Tránh khỏi những gì làm thiệt hại cho những người chúng ta chịu trách nhiệm. Xin Chúa Giêsu giúp chúng ta đón nhận Người đến trong Thánh Lễ, người đến trong Lễ Giáng Sinh và Người đến trong uy quyền và vinh quang trong phút cuối cuộc hành trình của chúng ta. Amen.

4. Hãy ngẩng đầu lên

Thế nào là ngẩng đầu lên? Và tại sao lạại phải ngẩng đầu lên?

Chúa Giêsu bảo chúng ta phải ngẩng đầu lên vì chúng ta thường cúi đầu xuống. Cúi đầu xuống để chỉ nhìn thấy những cái dưới đất. Chỉ khao khát, tìm kiếm những cái dưới đất và lấy làm thỏa mãn với những cái dưới đất.

Nói là: “cúi đầu xuống" nhưng thực ra là để cho lòng bị thu hút, bị phong tỏa, bị ràng buộc vào trái đất bởi biết bao sợi giây vô hình, gỡ ra không nổi. Tình trạng này làm tâm hồn chúng ta tê liệt đến nỗi không còn đủ sức cất cánh lên cao, để khao khát, tìm kiếm những gì chân thật, vĩnh cửu là những cái tạo nên thực chất và ý nghĩa cuối cùng của cuộc đời con người.

Cuộc sống của con người diễn ra dưới đất thì không thế không yêu mến trái đất này. Phải khai thác, sử dụng trái đất hợp với nhu cầu và lợi ích chính đáng của con người. Mỗi người phải nhận lấy trách nhiệm xây dựng trần thế và gây dựng cuộc đời của chính mình. Điều này chính đáng và cần thiết.

Nhưng như vậy đã đủ chưa? Một chén cơm đầy, một ngôi nhà sang trọng, một trương mục đầy tiền, một chiếc xe hơi lộng lẫy đã đủ để thỏa mãn ước mơ làm người của chúng ta chưa? Có còn cần cái gì khác nữa không?

Chúa Giêsu bảo chúng ta hãy ngẩng đầu lên là muốn thức tỉnh chúng ta. Đừng giam mình trong những giấc mơ nhỏ bé hoặc hão huyền. Đừng bao giờ lấy làm thỏa mãn với những cái dễ dãi, tương đối. Đừng ưa hàng giả. Phải mơ ước những cái thật cao cả. Phải tìm kiếm những gì thực sự đưa tới hạnh phúc chứ không phải chỉ đánh lừa hạnh phúc.
Cái hạnh phúc cao cả và chân thật đó chính là ơn cứu độ mà Chúa Giêsu đã hứa, là ơn giải thoát, lòng yêu thương, sự sống trọn vẹn mà Thiên Chúa muốn trao ban. Ơn cứu độ đó từ trời mà xuống, là hồng ân phải đón nhận. Chính vì thế mà phải ngẩng đầu lên, phải mở lòng ra mà đón nhận.
Chúa Giêsu còn bảo: ơn cứu độ đã đến gần

Thế nào là đã gần đến? Có thể hiểu những chữ dã gần đến theo nhiều nghĩa.

Trước hết, ơn cứu độ đã gần đến có nghĩa là ơn cứu độ thật khẩn trương. Khẩn trương vì quan trọng nhất, cần thiết nhất. Đừng có chần chừ, do dự, thoái thác. Tìm ơn cứu độ phải đứng đầu trong các việc cần làm ngay. Khốn nỗi, trong tâm hồn nhiều tín hữu, nhiều lúc việc khẩn thiết nhất này đã mất tính ưu tiên. Có lẽ nó được nghĩ đển ít nhất vì thường bị coi là phụ thuộc nhất.

Thứ đến, ơn cứu độ đã gần đến cũng có nghĩa là ơn cứu độ luôn ở tầm tay, không bao giờ thiếu. Hễ muốn là có, hễ tìm là thấy... vì Thiên Chúa rộng lượng, lúc nào cũng sẵn sàng ban và ban thật dồi dào. Nhưng xem chừng hồng ân đó chẳng được giá bao nhiêu. Người ta đâu có hăm hở vào Nước Trời như chen chúc nhau vào các rạp hát, các cửa hàng bán hạ giá, xếp hàng dài trước địa điểm phát hàng ngoại nhập.

Các giá trị đã bị đảo lộn nghiêm trọng. còn l tai và thấy khó có sức thuyết phục.

Khám phá niềm vui

Có lẽ ít khi chúng ta nghĩ đến niềm vui trong Chúa. Chúng ta cũng thường quên rằng niềm vui là nét tiêu biểu của đời Kitô hữu. Có lẽ bởi vậy mà ít khi chúng ta vui thật, vui sâu xa và lâu bền trong lòng, một niềm vuibiến thành bình an. Bình an chính là một tên gọi khác của niêm vui.

Cũng chính vì chúng ta không đặt niềm vui của chúng ta "trong Chúa" nên chúng ta thường đại tìm nguồn vui độc hại ở nơi khác ngoài Chúa. Hậu quả là lo âu, buồn chán của cuộc sống có cơ lấn át bình an, làm cản nghị lực và sức sông, làm chúng ta yếu đi, già đi.

Phụng vụ "Chúa nhật Vui mửng chẳng những gợi lên tính vui tươi của Mùa Vọng mà còn chỉ cho chúng ta thấy nguồn vui vô tận luôn tiềm ẩn trong lòng người tín hữu. Nguồn vui vô tận ấy chính là sự hiện diện của Thiên Chúa trong mỗi tâm hồn.

5. Tỉnh thức đi vào thế giới mới

Thật ngạc nhiên. Ta cứ tưởng trong mùa Vọng, phải có những bài sách Thánh báo tin Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra. Nhưng không ngờ những bài sách thánh và đặc biệt bài Tin Mừng hôm nay lại báo tin Chúa sẽ đến trong ngày phán xét. Tại sao thế? Thưa vì Giáo Hội muốn cho ta hiểu ý nghĩa thần học của việc chờ mong Chúa đến. Hàng năm vào mùa Vọng, Giáo Hội mời gọi ta chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa đến. Thực ra Chúa đã đến rồi khi sinh ra tại hang đá Bêlem cách nay hơn hai ngàn năm. Tuy nhiên ta vẫn luôn chờ mong vì Chúa đến hằng ngày với ta. Và nhất là Chúa sẽ đến trong ngày phán xét. Việc Chúa đến lần thứ hai đưa ra những hướng dẫn quan trọng cho cuộc đời chúng ta.

Hướng dẫn thứ nhất: Có hai thế giới. Thế giới hiện tại và thế giới tương lai. Thế giới hiện tại sẽ qua đi. Vạn vật có khởi đầu và có kết thúc. Con người có sinh có tử. Đó là định luật tự nhiên. Không chỉ những gì yếu đuối, bé nhỏ mới qua đi. Cả những gì lớn lao, mạnh mẽ, có vẻ bền vững nhất như mặt trời, mặt trăng cũng qua đi. Điều quan trọng nhất là chính ta cũng sẽ qua đi. Khi thế giới này qua đi, một thế giới mới sẽ bắt đầu: thế giới vĩnh cửu.

Hướng dẫn thứ hai: Chúa làm chủ lịch sử. Sở dĩ thế giới cũ tan biến đi vì Chúa đã định cho nó một thời hạn. Khi thế giới đến ngày cùng tháng tận Chúa sẽ đến. Quyền uy của Chúa thể hiện qua việc Chúa xét xử thế giới cũ và khai sinh thế giới mới. Sau cảnh tan vỡ kinh hoàng của thế giới cũ sẽ là một khởi đầu mới đem đến niềm hy vọng mới cho con người. Có thể nói thế giới không chấm dứt nhưng biến đổi. Từ một thế giới mong manh mau tàn đến một thế giới vững bền vĩnh cửu. Từ một thế giới tương đối đến một thế giới tuyệt đối.

Hướng dẫn thứ ba: Ta tự quyết định vận mệnh đời mình. Thế giới này sẽ qua đi. Thế giới mới sẽ xuất hiện. Ta sẽ bị hủy diệt cùng với thế giới cũ. Hay sẽ được hạnh phúc trong thế giới mới? Điều đó tùy thuộc bản thân ta. Chúa đưa ra những chỉ dẫn rõ ràng. Thế giới cũ sẽ suy tàn. Nên ai quá gắn bó với nó sẽ khổ sở. Thế giới mới sẽ tới. Ai biết chuẩn bị chờ đón sẽ được hạnh phúc. Phải làm gì? Thưa phải tỉnh thức và cầu nguyện.

Tỉnh thức không “chè chén say sưa”, tức là không quá mê mẩn những đam mê hưởng thụ đời này. Tỉnh thức không “lo lắng sự đời”, nghĩa là không quá mê say danh, lợi, thú, là những giá trị đời này. Tỉnh thức là biết chuẩn bị cho đời sau bằng cách vươn tâm hồn lên những chân trời cao thượng. Tỉnh thức tuy còn sống ở đời này nhưng tâm hồn đã hướng về những giá trị tinh thần vĩnh cửu đời sau.

Cầu nguyện vì tinh thần mau mắn nhưng xác thịt nặng nề. Cầu nguyện để biết tỉnh thức. Vì khi cầu nguyện ta tách ra khỏi sự ràng buộc của thế giới vật chất để vươn tới thế giới tâm linh. Nhất là cầu nguyện để xin ơn Chúa giúp. Con người phàm trần xác thịt nặng nề luôn bị trần gian lôi kéo. Chỉ với ơn Chúa giúp ta mới thoát ra khỏi vòng giam hãm của vật chất để vươn tâm hồn lên thế giới thiêng liêng.

Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới khao khát Chúa đến. Có tỉnh thức cầu nguyện, khi Chúa đến ta mới đứng dậy và ngẩng cao đầu lên. Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới gặp được Chúa. Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới được vào thế giới mới với Chúa. Tỉnh thức cầu nguyện, ta có thể gặp Chúa ngay bây giờ trong ngày hôm nay. Tỉnh thức cầu nguyện ta sẽ gặp được Chúa trong ngày lễ Chúa Giáng Sinh. Tỉnh thức cầu nguyện chắc chắn ta sẽ được gặp Chúa trong ngày cùng tận của thế giới. Chúa sẽ đón ta vào hưởng hạnh phúc trong một thế giới mới hạnh phúc tuyệt đối và không bao giờ tàn lụi.

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến cứu con. Amen.

Tag:

2021-11-22